Thứ sáu, 03/05/2024 05:25 (GMT+7)

Nước đã qua sử dụng cần được xem là nguồn tài nguyên

MTĐT -  Thứ tư, 21/12/2022 15:58 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các đại biểu dự Hội thảo do Ban Công tác đại biểu tổ chức vừa qua cho rằng, cần có điều khoản riêng về xã hội hóa ngành nước, đồng thời nên xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên.

Cần thiết sửa đổi, bổ sung luật hiện hành

Nêu thực trạng về an ninh nguồn nước và các thách thức đối với Việt Nam hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn cho biết, nước tuy là nguồn tài nguyên tái tạo nhưng đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, trong khi yêu cầu khai thác nước ngọt ngày càng tăng để đáp ứng các nhu cầu về nước uống, nước cho sản xuất nông nghiệp, năng lượng, công nghiệp. Từ đó, sẽ làm gia tăng các nguy cơ xung đột, sử dụng quá mức và dẫn tới các hệ sinh thái bị suy giảm trầm trọng hơn.

Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước dưới đất tại một số vùng trong thời gian gần đây đang phải đối mặt với nhiễm mặn và ô nhiễm; gia tăng nhu cầu sử dụng nước, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.

Về thể chế, chính sách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhìn nhận, hệ thống pháp luật cơ bản đã hoàn thiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Bảo vệ môi trường… đến các văn bản hướng dẫn, cùng với các điều ước quốc tế tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập. Nhưng nguồn nước hiện đang được nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành trong quản lý, khai thác sử dụng nước vẫn còn hạn chế. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa nghiêm; mâu thuẫn trong quản lý, khai thác sử dụng nước như: chống lũ với phát điện, phát điện với cấp nước do hạ du, hệ thống công trình thủy lợi…làm gia tăng nguy cơ thiếu nước, ngập lụt, úng, ô nhiễm môi trường nước.

tm-img-alt
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, Luật Tài nguyên nước năm 2012 qua gần 10 năm thực hiện đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước. Nguồn tài nguyên này đã được quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững hơn, mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong điều kiện biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khiến chất lượng tài nguyên nước suy giảm, đặt ra nhiều thách thức lớn. Một số nội dung của Luật Tài nguyên nước năm 2012 thực thi chưa hiệu quả, khó khăn khi triển khai trên thực tế do có sự giao thoa với pháp luật khác; tài nguyên nước chưa được quản lý tổng hợp, thống nhất… Từ thực tế đó, đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Cần điều khoản riêng về xã hội hóa ngành nước

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 87 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật lần này không tăng về số chương. Trong đó giữ nguyên 19 điều; sửa đổi, bổ sung 55 điều; bổ sung mới 13 điều và bãi bỏ 5 điều.

Ngoài những quy định chung, dự thảo Luật nêu rõ những quy định cụ thể về: điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ và phát triển nguồn nước; quan hệ quốc tế về tài nguyên nước…

Góp ý vào một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, PGS.TS. Lưu Đức Hải cho rằng, dự thảo Luật đã có quan điểm về xã hội hóa ngành nước và một số điều khoản về xã hội hóa công tác bảo vệ nguồn nước và đầu tư ngành nước. Cụ thể như: xã hội hóa đi đôi với tăng cường bảo vệ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển, phục hồi nguồn nước, trữ nước (Điều 74). Tuy nhiên, việc phân công trách nhiệm quản lý tài nguyên nước riêng cho các bộ, cơ quan ngang bộ (Điều 79) và các địa phương (Điều 80) sẽ gây ra khó bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Cùng với đó, việc không xem nước sau sử dụng đã được xử lý đạt tiêu chuẩn sử dụng là tài nguyên nước sẽ không khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xử lý nước thải. Thiếu điều khoản riêng về xã hội hóa ngành nước sẽ ít có tác động đến việc huy động nguồn lực cho việc xã hội hóa ngành cấp, thoát và xử lý nước thải.

Cũng nêu quan điểm về tái sử dụng nước thải sau khi xử lý, PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, hiện nay, việc thống kê, kiểm kê, quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải gần như chưa được triển khai trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào ở nước ta, chưa được phân cấp một cách rõ ràng, cụ thể. Các quy định hiện hành vẫn dừng ở nguyên tắc chung, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện việc tái sử dụng nước thải. Nguyên nhân căn bản của hiện trạng này là do nước đã qua sử dụng hiện nay chưa được công nhận là một nguồn tài nguyên và chưa được đưa vào xem xét trong Luật Tài nguyên nước.

Do đó, PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương kiến nghị, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần được cân nhắc, xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên bởi đây là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích tái sử dụng nước trong công nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến, tham luận sâu sắc, có tính xây dựng, chuyên môn cao tại Hội nghị, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo Luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, những vấn đề nêu trên sẽ được đánh giá kỹ lưỡng để có một dự án Luật chất lượng trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp sắp tới.

Bạn đang đọc bài viết Nước đã qua sử dụng cần được xem là nguồn tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Đại biểu Nhân dân

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.