Thứ hai, 29/04/2024 20:25 (GMT+7)

Phát hiện lục địa biến mất 155 triệu năm trước

MTĐT -  Thứ năm, 02/11/2023 11:59 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Một nhóm nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về một lục địa thất lạc ẩn bên dưới rừng rậm tại nhiều hòn đảo ở Đông Nam Á.

Mới đây, các nhà địa chất Eldert Advokaat và Douwe van Hinsbergen tại Đại học Utrecht ở Hà Lan đã công bố trên tạp chí Gondwana Research rằng họ đã xác định được vị trí một lục địa mang tên Argoland biến mất dưới đáy đại dương 155 triệu năm trước. Theo các nhà địa chất, lục địa này đã được tách ra từ Australia trong quá trình trôi dạt lục địa xảy ra trong kỷ Jura.

Các nhà địa chất từ ​​lâu đã biết rằng khoảng 155 triệu năm trước, một mảnh lục địa dài 5.000 km đã tách ra khỏi miền Tây Australia và trôi đi. Họ có thể thấy điều đó qua '"khoảng trống" mà nó để lại - một lưu vực ẩn sâu dưới đại dương được gọi là Đồng bằng Abyssal Argo.

Tuy nhiên, không giống như Tiểu lục địa Ấn Độ vẫn còn nguyên vẹn cho đến tận ngày sau khi tách ra từ siêu lục địa Gondwana 120 triệu năm trước, Argoland bị phân thành nhiều mảnh và điều này khiến các nhà khoa học cực kỳ khó tìm kiếm.

Lục địa Argoland trải rộng hơn 4.828 km từ tây Australia tới bắc Papua New Guinea. Các nhà nghiên cứu hy vọng tìm thấy một lục địa rắn ẩn bên dưới quần đảo ở Đông Nam Á, nhưng không có lục địa nào lớn như vậy được phát hiện trong vùng, ngoại trừ nhiều mảnh nhỏ.

tm-img-alt
Vị trí của lục địa Argoland. Ảnh: Faculty of Geosciences Utrecht University

Ban đầu, họ xác định được Argoland tách ra khỏi Australia và trôi dạt về Đông Nam Á, cụ thể là liên quan đến những mảnh đất cổ ở khu vực Indonesia và Myanmar. Tuy nhiên, khi họ cố gắng tái tạo lại Argoland bằng cách ghép thử các mảnh lục địa với nhau thì chúng lại không khớp như mong đợi.

Bằng cách nghiên cứu ngược lại và thu thập bằng chứng địa chất từ Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra tàn tích của các đại dương nhỏ hình thành khoảng 200 triệu năm trước và mất 7 năm để ghép các mảnh ghép lại với nhau. Những đại dương này có khả năng hình thành do hoạt động kiến tạo và đứt gãy của Argoland. Nhà địa chất Eldert Advokaat cho biết, quá trình này kéo dài trong gần 50 đến 60 triệu năm, sau đó lục địa bị chia cắt bắt đầu trôi dạt về phía Đông Nam Á.

Để tìm hiểu liệu mảnh vỡ có thực sự thuộc về Argoland không, nhà địa chất học Douwe van Hinsbergen và đồng nghiệp ở Đại học Utrecht của Hà Lan phục dựng lịch sử của lục địa mất tích trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Gondwana Research. Nếu Argoland biến mất do hút chìm, đây sẽ là tin xấu bởi nó đặt ra một vấn đề khoa học lớn. Giới nghiên cứu có thể bỏ sót toàn bộ lục địa mất tích bị hút chìm vào lớp phủ Trái Đất.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, hai nhà khoa học địa chất xác định Argoland vẫn tồn tại, dù bị phân mảnh. Để tiến hành nghiên cứu, Advokaat và Van Hinsbergen sử dụng phần mềm cho phép khôi phục chuyển động của mảng kiến tạo qua hàng trăm triệu năm. Kết quả hé lộ lục địa Argoland không phải khối đá rắn khi tách khỏi Australia cách đây 155 triệu năm. Thay vào đó, nó đã bị vỡ thành một loại "quần đảo" gồm nhiều lục địa nhỏ và lưu vực đại dương đan xen ở thời điểm này. Quá trình diễn ra tương tự lịch sử của nhiều lục địa thất lạc khác như Zealandia ở ngoài khơi phía đông Australia và Greater Adria ở vùng Địa Trung Hải. Sự tan vỡ của Argoland là một quá trình bắt đầu hơn 200 triệu năm trước.

Những mảnh lục địa từng tạo thành Argoland ngày nay nằm ở Myanmar và quần đảo Java, Sulawesi, Borneo và Timor. Tất cả những đảo này đều nằm dưới sự quản lý (ít nhất một phần) của Indonesia. Trong trường hợp đảo Borneo, một phần lãnh thổ thuộc về Malaysia và Brunei. Trong khi đó, Timor được chia thành hai phần là Đông Timor, nay là nhà nước độc lập có cùng tên gọi và Tây Timor thuộc về tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia. Các nhà địa chất học cũng tiến hành nghiên cứu thực địa trên một số đảo để kiểm tra mô hình phục dựng.

Phát hiện này không chỉ giúp giải đáp các bí ẩn về lục địa đã mất mà còn cung cấp thêm những thông tin quan trọng về khí hậu của các khu vực trong quá khứ và ảnh hưởng đối với đa dạng sinh học ngày nay.

An Đông (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phát hiện lục địa biến mất 155 triệu năm trước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...