Chủ nhật, 28/04/2024 01:41 (GMT+7)

Phát huy lợi ích đa chiều từ nông nghiệp sinh thái

MTĐT -  Thứ tư, 30/11/2022 17:30 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 29/11, tại Hà Nội, Mạng lưới Nông nghiệp sinh thái khu vực Đông Nam Á (ALiSEA) đã tổ chức hội thảo tổng kết năm 2022 với chủ đề: “Hướng đến chuyển đổi nông nghiệp sinh thái”.

Tại hội thảo, các thành viên mạng lưới đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái (NNST) và đề xuất kế hoạch hành động cho năm 2023.

Chia sẻ về xu hướng NNST tại Việt Nam, PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về mặt nông nghiệp, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nông nghiệp sinh thái thân thiện môi trường, phát thải khí nhà kính thấp. Đây là quá trình chuyển đổi cơ bản làm thay đổi tư duy sản xuất, từ tư duy sử dụng nhiều hóa chất sang tư duy nông nghiệp sinh thái, làm kinh tế nông nghiệp. Điều này có nghĩa, sản xuất nông nghiệp ngoài tạo ra sản phẩm còn đem lại nhiều giá trị về văn hóa, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, kết hợp du lịch… giúp nông dân tăng thu nhập mà không phải chạy theo năng suất.

tm-img-alt
PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu các tổ chức thành viên Mạng lưới Nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á tại Việt Nam

NNST không phải lĩnh vực mới. Rất nhiều nghiên cứu, kỹ thuật đã có từ hàng chục năm nay nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó, Mạng lưới ALiSEA ra đời với mục tiêu tập hợp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và xã hội hóa những tri thức về NNST tại khu vực Đông Nam Á, từ đó nhân rộng các thực hành NNST và chuyển hướng các nền nông nghiệp trở lại thân thiện với môi trường. Hiện nay, Mạng lưới ALISE Việt Nam gồm 35 thành viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, hội nông dân, tổ chức tư nhân… có hoạt động trong lĩnh vực NNST. 

Đại diện Mạng lưới ALiSEA cấp vùng, bà Lucie Reynaud cho biết, trong năm 2022, ALISEA Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NNST trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu thông tin của các đối tác, như các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ, nông dân, nhà khoa học… Các thành viên đã cùng lập bản đồ sáng kiến ​​NNST tại Việt Nam, phân tích quá trình chuyển đổi NNST ở quy mô quốc gia và khu vực, từ đó, hình thành các nguyên tắc của hệ thống sinh thái nông nghiệp và thực phẩm an toàn trong bối cảnh Việt Nam. Nhiều kinh nghiệm về thực hành NNST đã được chia sẻ, điển hình là hệ thống nông nghiệp kết nối với đô thị, hệ thống trồng lúa ở vùng đất thấp, liên kết cây trồng - vật nuôi - rừng ở vùng cao…

tm-img-alt
Đại diện các tổ chức thành viên chia sẻ thông tin tại Hội thảo

Trong năm 2022, ALiSEA cũng đã lựa chọn một số đề xuất dự án mô hình NNST tại 3 quốc gia là Việt Nam, Lào và Campuchia để thực hiện từ năm 2023. Cụ thể, Việt Nam có 3 đề xuất: "Tăng cường năng lực cộng đồng trong việc giám sát sử dụng hóa chất trừ sâu và thúc đẩy NNST tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định"; "Hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hệ thống canh tác đa dạng hơn bằng cách trồng thử nghiệm các loại dược liệu bản địa và thảo mộc ăn được tại các khu vực canh tác rẫy, tỉnh Kon Tum"; và "Kiểm soát cỏ dại sinh thái: Một thử nghiệm có sự tham gia của các trang trại rau hữu cơ PGS tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nội".

Phía Lào có 2 đề xuất gồm: "Liên kết và học hỏi về NNST" và "Thúc đẩy năng lượng tái tạo trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch trong nông nghiệp đối với nông hộ nhỏ. Phía Campuchia có 2 đề xuất: "Nghiên cứu và trình diễn sản xuất hạt điều có khả năng chống chịu BĐKH" và "Đánh giá đa chiều về NNST".

Tại hội thảo, các tổ chức có đề xuất dự án của Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đề xuất đáp ứng yêu cầu của ALiSEA, quá trình triển khai thí điểm các hoạt động NNST và nhu cầu hỗ trợ trong thời gian tới. Theo đại diện Mạng lưới ALiSEA, trong những vòng đề xuất mô hình tới đây, ALiSEA tại các quốc gia sẽ tổ chức hướng dẫn trực tiếp cho các tổ chức thành viên, tập trung vào những nguyên tác chính của NNST và các chủ đề cụ thể, phù hợp với bối cảnh địa phương.

tm-img-alt
Đại diện dự án nông nghiệp sinh thái của tỉnh Kon Tum chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo

Đại diện các thành viên mạng lưới cũng thảo luận nhằm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia và chiến lược truyền thông của ALiSEA về NNST; đề xuất về các chủ đề nâng cao năng lực và kiến nghị tăng cường chất lượng hoạt động của ALiSEA. Mạng lưới sẽ đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng hướng đến các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để ALiSEA xây dựng Kế hoạch hoạt động trong năm 2023 phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết Phát huy lợi ích đa chiều từ nông nghiệp sinh thái. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo TNMT

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.
Quản lý rác thải điện tử - Bài học từ thế giới
Rác thải điện tử khó tái chế, xử lý với chi phí cao nên việc xử lý ở Việt Nam vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia có thể là bài học hữu ích cho cơ quan quản lý môi trường Việt Nam trong xử lý loại chất thải này.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề