Quảng Bình: Bi hài chuyện 'con gì ra đồng cũng phải nộp phí'
Sự việc tưởng đùa nhưng thật này đang diễn ra tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh khi mà trâu, bò, gà, vịt…muốn ra đồng thì phải đóng phí. Thậm chí người dân muốn bắt tôm cá dưới đồng cũng phải nộp tiền.
Nhiều năm nay, người dân tại 2 thôn Hoành Vinh và thôn Thống Nhất, xã An Ninh, huyện Quảng Ninh bức xúc trước việc phải đóng nhiều khoản phí vô lý. Tuy rất bức xúc nhưng lo sợ bị trù dập, các hộ dân sống tại đây cũng phải cắn răng mà nộp.
Theo phản ánh của người dân, nhiều năm qua 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất và Hoành Vinh đã đề ra việc thu phí đối với trâu, bò ăn cỏ ngoài đồng với mức phí 100.000đ/con/năm đối với con lớn và 50.000đ/con/năm đối với bê, nghé nhỏ.
Không chỉ trâu bò mà gà, vịt chăn thả ngoài đồng cũng phải đóng loại “phí ruộng đồng” này. Tùy thuộc vào số lượng gia cầm mà người dân phải đóng một khoản tiền nhất định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hộ dân tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh đều là nhà thuần nông nên việc chăn nuôi trâu bò khá phổ biến. Nhà nào nuôi ít thì từ 1 đến 2 con, nhà nuôi nhiều từ 5 đến 7 con.
Người dân tại xã An Ninh phải oằn mình gánh nhiều khoản phí vô lý. |
Mức thu phí mà HTX Thống Nhất đưa ra đối với mỗi con trâu bò trưởng thành giao động từ 100.000đ – 150.000đ tùy năm và 50.000đ mỗi con đối với bê, nghé. Còn đối với HTX Hoành Vinh thì mức thu phí thấp hơn, giao động từ 50.000đ – 70.000đ/con/năm.
Gia đình anh Nguyễn Trọng. H (thôn Hoành Vinh, xã An Ninh) hiện đang nuôi 4 con bò cả lớn lẫn bé, anh cho biết với số lượng như vậy, mỗi năm anh phải đóng gần 500.000đ tiền “phí ruộng đồng”.
“Cứ tới định kì đóng phí, loa phát thanh trong thôn lại thông báo để người dân biết đường xoay sở tiền nong đến nộp. Nhà tôi nuôi bò chưa phải là nhiều nhưng để kiếm ra 500 ngàn đi làm luật cho chúng cũng rất cực. Nhiều nhà nuôi cả bảy đến chục con, mỗi lần đi đóng phí mất cả triệu bạc”, Anh H than thở.
Nhiều người dân cho biết, nếu không nộp phí thì dân không được chăn thả gia súc, gia cầm ngoài đồng. Bởi lẽ trong quy ước của HTX quy định cấm người dân chăn dắt, thả trâu, bò, gà, vịt… trên tất cả các cánh đồng, kể cả kênh mương do HTX quản lý. Còn nếu quá trình chăn thả để trâu bò ăn lúa dưới ruộng thì sẽ bị phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng.
Ngoài việc nộp phí mua đồng cỏ khi muốn chăn thả trâu, bò, gà, vịt… khi ra đồng thì người dân tại xã An Ninh còn phải đóng các khoản phí gọi là “phí bảo trì đường bộ” nếu muốn đưa máy cày, máy gặt ra đồng phục vụ bà con.
Anh Nguyễn Trọng Thọ, một chủ máy gặt đập liên hoàn tại thôn Hoành Vinh cho biết, mỗi năm anh phải đóng 400.000đ cho HTX mới được xuống đồng gặt lúa.
“Tùy từng loại máy cày, máy gặt to nhỏ khác nhau mà mức phí phải đóng giao động từ 300.000đ – 500.000đ. Nhà tui có 2 máy gặt đập liên hợp, mỗi năm cũng phải nộp cả triệu bạc mới cho máy xuống đồng được”. Anh Thọ thông tin thêm.
Không chỉ gia súc gia cầm , đến máy cày, máy gặt muốn xuống đồng cũng phải nộp tiền. |
Mặc dù phải đóng tiền phí đều đặn hàng năm như vậy nhưng anh Thọ vẫn chưa nắm rõ mình đang phải đóng loại phí gì.
“Thấy HTX bắt nộp thì mình nôp thôi, nếu không nộp phí thì máy móc sắm về bỏ đó coi như tiền của đầu tư đổ xuống sông xuống bể”, anh Thọ cho hay.
Qua tìm hiều được biết, không chỉ có trâu, bò, gà, vịt và các loại máy móc mà đến cá tôm nằm dưới ruộng dân muốn bắt cũng phải nộp phí với hình thức đấu thầu.
“Dân muốn bắt cá ngoài đồng thì phải đấu thầu với HTX, tùy thuộc vào diện tích đánh bắt lớn nhỏ mà phải đóng những mức phí khác nhau. Người nào đấu thầu nhiều hécta thì nộp tiền càng nhiều.
Cá rô ngoài đồng rất nhiều, chúng thường hay cắn phá lúa tuy nhiên muốn bắt cá phải nộp tiền, mà lợi nhuận thu lại từ loại thủy sản này không cao nên chả ai mặn mà, mặc kệ chúng cứ phá hoại mùa màng”, Anh H ngao ngán nói.
Khi được PV hỏi việc có biết những loại phí mà dân nộp này sẽ được sử dụng vào mục đích như thế nào, và ai sẽ hưởng lợi từ những khoản thu này thì hầu hết mọi người tại đây đều ngơ ngác và không biết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Biên, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất cho rằng, ruộng là cũng của người dân nhưng việc người dân tự ý chăn thả trâu, bò ra đồng lỡ may ăn lúa, phá hỏng ruộng của các hộ khác thì sao. Ai sẽ chịu trách nhiệm?. Vậy nên đối với những hộ có trâu, bò hình thức thu các loại phí này để các hộ dân phải góp một phần trách nhiệm vào đó.
“Việc thu phí này cũng đã có sự thống nhất giữa người dân và HTX, những hộ nộp phí mua đê, đập cho trâu bò ăn cỏ đều tự nguyện và đã có họp bàn thống nhất ý kiến toàn bộ hội viên”, ông Biên cho biết.
Còn về phía HTX Hoành Vinh, ông Võ Doãn Dực – Chủ nhiệm HTX cho rằng: “HTX chúng tôi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nên chúng tôi có quyền kinh doanh trên đồng ruộng. Chúng tôi làm việc có đại hội, đại biểu xã viên biểu quyết nhất trí. Sản xuất kinh doanh trên diện tích đất được cấp phép, chúng tôi muốn kinh doanh cái gì đúng pháp luật thì làm, không làm trái pháp luật là được”.
Sáng 9/8, ông Phạm Trung Đông – Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết đã nắm được thông tin vụ việc.
“Hiện tại huyện đang giao cho UBND xã An Ninh trực tiếp kiểm tra, và báo cáo lại. Sắp tới, huyện cũng sẽ lập đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình. Nếu phát hiện có sai phạm sẽ xử lý nghiêm và yêu cầu trả lại tiền thu phí sai trái cho người dân”. Ông Đông thông tin.