Thứ hai, 29/04/2024 11:37 (GMT+7)

Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với các khu công nghiệp

Bảo My -  Thứ ba, 10/10/2023 09:23 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh chưa theo kịp tình hình, các KCN, KKT hiện phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự tạo thành động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Ngày 9/10, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh đã họp nghe và cho ý kiến về tình hình, kết quả phát triển, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều, những giải pháp thời gian tới cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc họp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận cuộc họp.

Thời gian qua, các KCN, KKT Quảng Ninh ngày càng có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. KKT ven biển Quảng Yên hiện đã thu hút được 13 dự án đầu tư trong nước đầu tư vào địa bàn KKT (ngoài hàng rào các KCN) với tổng số vốn đạt 14.760 tỷ đồng. Các KCN trong KKT Quảng Yên gồm: Sông Khoai, Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong đã từng bước phát triển và bước đầu hình thành các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của tỉnh. Ngoài các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, còn khoảng 9.742ha tại KKT ven biển Quảng Yên, trong đó đất quy hoạch phát triển KCN là 4.674 ha. Đây là dư địa, lợi thế rất lớn để tỉnh có thể lựa chọn, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Các KCN trên địa bàn TP Uông Bí và TX Đông Triều, TX Quảng Yên đã thu hút được 51 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt trên 108.920 tỷ đồng. Trong đó có 46 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3.154 triệu USD. Các dự án hoàn thành đầu tư và đi vào sản xuất góp phần tạo việc làm cho trên 14.000 người lao động với thu nhập ổn định, đồng thời tạo ra các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh như: Màn hình tivi, loa, tai nghe, tấm quang năng, các sản phẩm phụ trợ cho ngành sản xuất ô tô…

Tại cuộc họp, các ý kiến đều cho rằng, Tỉnh ủy đã có những chủ trương, giải pháp cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, nâng cao hiệu quả thu hút, đầu tư vào các KCN, KKT. Thể hiện rõ nhất ở Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030 và Nghị quyết số 05 ngày 09/4/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT được xác định là nội dung quan trọng để thực hiện thành công chủ đề công tác năm của tỉnh năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”.

Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, phát biểu tại cuộc họp.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai các chủ trương vẫn chưa đạt yêu cầu, công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT chưa theo kịp tình hình, các KCN, KKT của tỉnh hiện phát triển chưa đáp ứng kỳ vọng, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự tạo thành động lực mới cho sự phát triển của tỉnh. Tỉ lệ lấp đầy trong các KCN còn thấp, chưa thực sự tạo được sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn; hiệu suất đầu tư chưa cao, tiến độ lập quy hoạch chung xây dựng và các quy hoạch phân khu chức năng còn chậm…

Các ý kiến cũng thảo luận đề xuất vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, hiệu quả sử dụng đất đối với các KCN trên địa bàn tỉnh, nhất là trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh đang có lợi thế trong xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao. Quảng Ninh cũng là địa phương được quy hoạch phát triển nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế nhất miền Bắc…

Với yêu cầu đặt ra là hình thành được các KCN đồng bộ, hoàn thiện về hạ tầng, gắn với nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước cùng cam kết của nhà đầu tư, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, các địa phương liên quan phải tiếp tục bám sát các chủ trương đã có của tỉnh liên quan tới đất đai về KKT, KCN để định hình phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của KCN, đặc biệt là hạ tầng kết nối giao thông, cấp điện, cấp nước.

Các chủ đầu tư KCN phải có cam kết rõ ràng về lộ trình đầu tư hạ tầng KCN và chiến lược thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tổ chức thực hiện đầu tư hạ tầng dứt điểm từng giai đoạn, tạo mặt bằng phục vụ công tác thu hút các dự án đầu tư thứ cấp; nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất. Tỉnh sẽ luôn đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín, tiềm lực và cũng cương quyết nói không với các nhà đầu tư ôm đất, chờ thời để trục lợi.

Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, phát biểu tại cuộc họp.

Phải ràng buộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện nơi có KCN, KKT, cũng như các sở, ngành liên quan trong việc cụ thể hóa các chỉ đạo của tỉnh và phải kiểm đếm tiến độ công việc thường xuyên. Thường xuyên đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của từng dự án trong KCN về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự để thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng bền vững, trọng tâm là các dự án công nghệ cao, công nghiệp thông minh, thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách./.

Bạn đang đọc bài viết Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đối với các khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.