Chủ nhật, 28/04/2024 03:46 (GMT+7)

Rác “quốc tế” lại tràn ngập bờ biển Phan Thiết

MTĐT -  Chủ nhật, 19/08/2018 14:14 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không phải ngẫu nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có hai văn bản chỉ đạo UBND TP. Phan Thiết giải quyết rốt ráo tình trạng rác thải từ biển đang tấp vào bờ biển ngày một nhiều…

Khổ sở với lượng rác khủng

Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Đỗ Ngọc Điệp – Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết – cho biết: “Hàng năm, cứ vào tháng 8, gió mùa tây – nam tràn về, thì một khối lượng lớn rác thải từ ngoài biển lại ồ ạt dạt vô bờ biển TP.Phan Thiết. Loại rác này, như người dân Phan Thiết gọi, đó là “rác quốc tế”, “rác ma”…

Thật vậy, những ngày này, tại nhiều bãi biển thuộc các phường như: Mũi Né, Hàm Tiến, Tiến Thành, Phú Hài…; vô số rác thải gồm chai nhựa, rong rêu, dây thừng, dây nhựa… lại tràn vô, nằm ngập ngụa bờ biển, gây ra hình ảnh hết sức phản cảm, làm xấu mỹ quan bờ biển – vốn rất đẹp.

Hiện tượng “rác quốc tế” trôi dạt trên biển, rồi tấp vào bờ biển Bình Thuận đã gây không ít phiền toái cho du khách lẫn người dân. Với các doanh nghiệp kinh doanh khu du lịch ven biển, càng là một thảm hoạ.

Ra quân dọn rác trên bờ biển tại một khu du lịch ở Tp.Phan Thiết. Ảnh: B.T.

Nhiều khu du lịch dọc vịnh Mũi Né rất khổ sở với lượng rác khủng tấp vào bờ.

Du khách quốc tế liên tục gửi thư phàn nàn về vệ sinh môi trường… Hứng chịu nhiều nhất là các khu du lịch ở khu vực Bãi Sau, khu Bờ Kè phường Mũi Né đến bãi biển Rạng, khu phố 2 và khu phố 4 của phường Hàm Tiến.

Anh Nguyễn Văn Thành – nhân viên khu du lịch Hoàng Ngọc – cho biết: “Mới đầu tháng 8 vừa qua, một số khu du lịch (resort) đã bị du khách huỷ tour, vì bãi tắm có quá nhiều rác.

Điều đáng nói, rác này không phải do trong bờ, mà là “rác ma”, “rác quốc tế” từ biển tấp vào mới khổ chứ. Mỗi sáng, hàng chục nhân viên nai lưng ra hốt rác sạch sẽ, nhưng chỉ sau một ngày đêm, rác không biết từ đâu lại tập vào…”.

Một phần bờ biển ở thôn Kê Gà, xã Tiến Thành, huyện Hàm Thuận Nam đầy rác. Ảnh: C.H.

Tất cả phải chung tay, góp sức mới xử lý nổi

Có người lý giải, có thể rác thải từ phía vùng biển quốc tế, từ các đảo của Philippines, từ các tàu biển qua lại trên biển Đông; cũng có thể từ các tỉnh miệt trên… Nhưng khi rác đã trôi lềnh bềnh trên biển thì… vô chủ, chỉ biết gọi là “rác quốc tế”, “rác ma”…, chúng tấp vô đâu, thì nơi ấy gánh chịu.

Ông Đỗ Ngọc Điệp - Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết – nói: “Chúng tôi rất vất vả với chuyện xử lý rác dọc biển. Chính quyền các phường, các hội đoàn thể đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Thuận tổ chức ra quân dọn dẹp vào các đợt cao điểm. Tuy nhiên, do lượng rác tấp vào rất lớn, nên không thể nào dọn dẹp bằng thủ công theo kiểu phong trào.

Phải có phương án lập tổ hợp thu gom, thu dọn rác hàng ngày. Đặc biệt nữa là phải ngăn chặn từ xa, phải đánh bắt, vớt nó ngoài biển thì mới ngăn ngừa được tình trạng rác trôi dạt vào bờ như hiện nay. Và việc này phải nhờ các cấp ngành của tỉnh và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi trên mặt biển cũng phải tham gia, chung tay góp sức cùng địa phương mới thực hiện được”.

Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu UBND TP. Phan Thiết khẩn trương, tập trung giải quyết tình trạng rác thải từ biển trôi dạt vào bờ biển trên địa; làm việc với Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận để triển khai thu gom rác trôi dạt vào bờ biển.

Người dân cũng tham gia dọn rác. Ảnh: B.T.

UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với UBND TP.Phan Thiết, UBND các phường: Mũi Né, Hàm Tiến, Phú Hài và xã Tiến Thành khẩn trương triển khai thu gom rác; đồng thời, đề xuất bố trí dự toán kinh phí hàng năm triển khai thực hiện.

UBND tỉnh Bình Thuận còn đề nghị Hiệp hội Du lịch Bình Thuận huy động các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cùng phối hợp tham gia tổ chức thu gom, xử lý lượng rác thải tồn động trên bãi biển và vận động nguồn kinh phí từ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để đầu tư trang, thiết bị chuyên dụng cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác nêu trên.

Theo báo Lao động

Bạn đang đọc bài viết Rác “quốc tế” lại tràn ngập bờ biển Phan Thiết. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề