Thứ sáu, 26/04/2024 14:42 (GMT+7)

Phú Thọ: Tăng cường quản lý tài nguyên nước

Tùng Anh -  Thứ sáu, 05/03/2021 15:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Phú Thọ là một trong những tỉnh phái Bắc có tài nguyên nước khá phong phú, bao gồm 3 nguồn chính là nước mưa, nước mặt và nước ngầm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Phú Thọ là một trong những tỉnh phái Bắc có tài nguyên nước khá phong phú, bao gồm 3 nguồn chính là nước mưa, nước mặt và nước ngầm. Đối với nguồn mưa, đây là một trong những nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 hầu như không cần phải sử dụng đến hệ thống cấp nước tưới thuỷ lợi. Hai tháng đầu và cuối mùa khô, lượng nước mưa tuy ít nhưng cũng góp phần đáng kể về cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Giữa mùa khô, thường là không có mưa hoặc lượng mưa không đáng kể, việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ nguồn nước mặt với hệ thống các sông, suối, hồ và các công trình thuỷ lợi.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, về tổng thể, lượng mưa tỉnh Phú Thọ được tiếp cận khoảng 5,63 tỷ m3/năm nhưng tài nguyên nước mưa tính theo đầu người của tỉnh thấp hơn trung bình đầu người của cả nước, chỉ bằng 60%. Tuy nhiên, Phú Thọ có lợi thế về nguồn tài nguyên nước mặt, bên cạnh hệ thống 130 sông suối nhỏ cùng hàng nghìn hồ ao lớn nhỏ phân bố đều khắp trên địa bàn, Phú Thọ còn có các con sông lớn chảy qua như sông Đà, sông Thao, sông Lô... nên tỉnh được tiếp cận với khoảng 119 tỷ m3/năm. Tổng lượng dòng chảy ngoại sinh khoảng 111,05 tỷ m3/năm (chiếm 97%) và dòng chảy nội sinh khoảng 3,08 tỷ m3/năm (chiếm 3%). Theo tài liệu quan trắc cho thấy: Giả sử nếu cả 3 sông Đà, sông Lô, sông Thao cùng thời gian xảy ra tình trạng cạn nhất lịch sử thì Phú Thọ vẫn có lưu lượng nước chảy qua tỉnh trên 300m3/s (tương đương trên 25,92 triệu m3 nước/ngày đêm).

Xác định tài nguyên nước giữ vai trò quan trọng, là điều kiện đầu tiên để duy trì sự sống của con người nên đòi hỏi quá trình khai thác, sử dụng nguồn nước phải hợp lý, hiệu quả, mang tính bền vững; những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nhiều giải pháp quản lý nguồn nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường trước diễn biến của biến đổi khí hậu.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã tham mưu với UBND tỉnh ra nhiều chỉ thị, quyết định liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, trong đó Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 04/2018/QĐ-UBND  ngày 09/02/2018 với mục tiêu đặt ra là: Phân bổ nguồn nước cho các đối tượng khai thác, sử dụng nước trong kỳ quy hoạch bảo đảm đến năm 2030 nguồn cấp nước sinh hoạt 63,58 triệu m3/năm; du lịch và dịch vụ 24,71 triệu m3/năm; công nghiệp 53,62 triệu m3/năm; nông, lâm, thủy sản 384,35 triệu m3/năm. Phân bổ nguồn nước hàng năm cho các huyện, thị xã, thành phố trong kỳ quy hoạch.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây. Dân số gia tăng, nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, dân sinh cũng tăng theo, trong khi đó diện tích rừng, các nguồn sinh thủy khác ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa và phát triển KT-XH. Thêm vào đó, cở sở hạ tầng xử lý nước thải, chất thải chưa kịp đáp ứng nhu cầu cũng khiến nguồn nước bị ô nhiễm, tài nguyên nước mặt được hình thành trong nội tỉnh nếu chia theo đầu người mới chỉ bằng 20% trung bình của cả nước. Khả năng tiếp cận dòng chảy với sông Đà, sông Thao và sông Lô ẩn chứa nhiều nguy cơ ô nhiễm.

Ngoài ra, tài nguyên nước trong tỉnh phân bổ không đồng đều theo cả không gian và thời gian, tập trung chủ yếu trong khoảng 3 tháng mùa lũ (chiếm 75-85% tổng lượng nước hàng năm). Nhu cầu sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước ngày càng tăng cao, cộng thêm tình trạng còn thiếu cơ chế phối hợp, chia sẻ trong khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước giữa các ngành kinh tế và các địa phương cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm, suy giảm nguồn nước.

Tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước còn do ý thức của người sử dụng. Quan niệm “nước là của trời cho, là vô tận” vẫn còn in sâu trong tiềm thức phần lớn người dân, dẫn đến ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên nước kém, gây lãng phí nguồn nước sạch, chưa nói đến thói quen vứt rác ra sông, kênh... vẫn diễn ra rất phổ biến.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, nhằm tăng cường quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước; nâng cao công tác điều tra cơ bản, quan trắc, dự báo, kiểm kê, đánh giá thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh để đánh giá một cách toàn diện hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước, thống kê các nguồn nước bị ô nhiễm; điều tra các nguồn nước mặt; thu thập các thông tin, số liệu phục vụ quy hoạch tài nguyên nước. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định. Đặc biệt, triển khai thực hiện Quyết định số 1142/QĐ-UBND ngày 01/06/2020 của UBND tỉnh phê duyệt danh mục các nguồn nước mặt phải lập hành lang bảo vệ; danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. /.

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Tăng cường quản lý tài nguyên nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.