Chủ nhật, 05/05/2024 06:50 (GMT+7)

Tăng cường thực hiện bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên

MTĐT -  Thứ hai, 28/08/2023 09:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tỉnh Hưng Yên chú trọng thực hiện bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, kiên quyết xử lý những vi phạm về môi trường, bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Trong số 17 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam, tỉnh Hưng Yên có 8 KCN đã tiếp nhận các dự án đầu tư, 9 KCN đang trong quá trình triển khai thực hiện, chưa đi vào hoạt động, chưa tiếp nhận dự án.

Hiện nay có 7 KCN đã tiếp nhận dự án thứ cấp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh gồm: KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Yên Mỹ II, KCN Minh Đức, KCN Minh Quang, KCN Yên Mỹ và một KCN sạch mới tiếp nhận dự án, dự án thứ cấp chưa triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.

Về công tác thực hiện thủ tục môi trường, hiện nay có 8 KCN đã lập và được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trong đó có KCN Thăng Long II, KCN Minh Quang, KCN Yên Mỹ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, các KCN còn lại đang triển khai thực hiện.

Về đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung, có 6 KCN đang hoạt động: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Minh Quang, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ đã xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, với hệ thống thu gom thoát nước mưa; hệ thống thu gom xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, cây xanh… Trong đó đã xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN và đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục.

KCN Minh Đức có các dự án thứ cấp đang hoạt động là các dự án đã đầu tư trước khi thành lập KCN. Chủ đầu tư hạ tầng KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, trong đó có hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

KCN Sạch mới tiếp nhận 4 dự án, các dự án chưa đi vào hoạt động. Chủ đầu tư hạ tầng KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN, trong đó có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung KCN dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2024, bảo đảm việc thu gom, xử lý nước thải khi dự án thứ cấp hoạt động.

Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong các KCN, các Chủ đầu tư hạ tầng KCN và các Doanh nghiệp trong các KCN tự đầu tư, trang bị các công trình, phương tiện phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường. Đến nay có 5 KCN: KCN Phố Nối A, KCN Thăng Long II, KCN Minh Quang và KCN Yên Mỹ II và KCN Yên Mỹ đã bố trí hồ sự cố bảo đảm theo quy định. KCN Minh Đức và KCN Sạch đang triển khai và sẽ bố trí hồ sự cố theo đúng quy định. KCN Dệt may Phố Nối đã đi vào hoạt động từ năm 2002, không có quỹ đất để xây dựng hồ sự cố, chủ đầu tư hạ tầng đã đề xuất giải pháp kỹ thuật phòng ngừa và ứng phó sự cố và đề nghị được giao quỹ đất giáp hàng rào nhà máy xử lý nước thải số 1 để xây dựng hồ sự cố.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển bền vững, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ; trong đó có những nhiệm vụ giải pháp: Tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường; Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX về Chương trình Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch số 15/KH-UBND ngày 29/01/2022 của UBND tỉnh Hưng Yên thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/6/2021.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; giám sát chặt chẽ các nguồn thải lớn trên địa bàn nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố về môi trường.

Đẩy mạnh ngăn ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường các dự án sản xuất công nghiệp. Tiếp tục công tác ngăn ngừa ô nhiễm môi trường trong việc góp ý kiến đối với các dự án đầu tư vào tỉnh, đánh giá sơ bộ tác động môi trường đối với các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao, từ chối tiếp nhận các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu; thẩm định chặt chẽ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường; kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải.

Các khu, cụm công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo xử lý toàn bộ nước thải phát sinh trong khu công nghiệp trước khi tiếp nhận, đưa vào hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thứ cấp trong khu, cụm công nghiệp.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ môi trường các khu, cụm công nghiệp; cơ sở phát sinh chất thải lớn; tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát nước thải, khí thải tự động của các doanh nghiệp và các trạm quan trắc môi trường nước mặt, không khí xung quanh trên địa bàn tỉnh.

Hỗ trợ, đôn đốc, yêu cầu các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư khu xử lý chất thải tập trung đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh: Khu xử lý chất thải Đại Đồng (mở rộng), huyện Văn Lâm; khu xử lý chất thải Đoàn Đào, huyện Phù Cừ; khu xử lý chất thải Phùng Hưng, huyện Khoái Châu. Đôn đốc Công ty Cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 thực hiện xử lý đốt chất thải sinh hoạt đạt công suất 200 tấn/ngày...

Duy Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường thực hiện bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.