Thứ bảy, 27/04/2024 22:50 (GMT+7)

Thái Bình: Thu hút đầu tư, tạo đà phát triển công nghiệp tại huyện Đông Hưng

MTĐT -  Thứ hai, 19/12/2022 16:27 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Việc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy các CCN là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình) đặt ra trong thời gian tới để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Sau một thời gian dài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, ông Fu Hao Kang người Đài Loan đã quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng trong CCN Đông La (Đông Hưng). Ông Fu Hao Kang cho biết: Tôi chọn đầu tư vào CCN Đông La vì đây là CCN mới thành lập, diện tích rộng, nằm cạnh quốc lộ 10, giao thông thuận lợi; nguồn lao động dồi dào, làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, tay nghề cao. Thủ tục thuê đất, triển khai dự án nhanh gọn, thông thoáng. Cơ chế, chính sách tốt. 

Ông Fu Hao Kang đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để may hàng thể thao xuất khẩu sang Mỹ. Do vậy, Công ty May KenRich do ông làm giám đốc mới có 5 chuyền đi vào hoạt động với 150 công nhân nhưng mỗi năm đạt doanh thu 14 - 15 tỷ đồng, lương bình quân của công nhân 8 - 9 triệu đồng/người/tháng. Sang năm 2023, Công ty sẽ đầu tư xây dựng tiếp nhà xưởng rộng trên 3.000m2, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. 

Chị Nguyễn Thị Nết, công nhân Công ty May KenRich chia sẻ: Tôi vào làm tại Công ty từ giữa năm 2021. Ở đây lương cao, mọi chế độ đầy đủ theo quy định, môi trường làm việc rất thoải mái, lãnh đạo Công ty thân thiện, quan tâm tới đời sống người lao động.

Đến nay, huyện Đông Hưng có 7/9 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút được trên 130 dự án vào đầu tư và đăng ký đầu tư, trong đó 104 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.600 tỷ đồng, tổng vốn thực hiện gần 3.540 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2022, có 22 dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 650 tỷ đồng. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chọn Đông Hưng để đầu tư sản xuất, kinh doanh bởi tỉnh, huyện đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thường xuyên tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp...

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ

Ông Nguyễn Mạnh Duân, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại bảo hộ lao động Lan Phú chia sẻ: Trước đây Công ty sản xuất ở khu dân cư rất khó khăn về giao thông, không thể tăng ca, mở rộng sản xuất vì ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống xung quanh. Khi chuyển vào CCN được các sở, ngành, huyện Đông Hưng, nhà đầu tư hạ tầng tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ thủ tục nhanh gọn, hỗ trợ thuê đất, hàng hóa vận chuyển và tăng ca đều thuận tiện. Công ty cũng thu hút được thêm một số lao động có tay nghề, sử dụng thành thạo các loại máy móc hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng, đem lại nguồn thu lớn hơn so với khi hoạt động ở khu dân cư. 

Chị Nguyễn Thị Trang, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại bảo hộ lao động Lan Phú phấn khởi cho biết: Doanh nghiệp về đây thuận lợi nhiều, từ nhà đến Công ty cũng gần, công việc, chế độ, quyền lợi dành cho công nhân ổn định hơn.

9 tháng đầu năm 2022, dù gặp nhiều khó khăn nhưng doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các CCN của huyện Đông Hưng vẫn đạt gần 4.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 12.000 lao động, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 11,79% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn huyện chưa cao, mới đạt 54%. Cá biệt, có CCN dù đã triển khai nhiều năm song tỷ lệ lấp đầy còn thấp như: CCN Mê Linh (6,8%), CCN Nguyên Xá (27,62%), CCN Đông Các (34,92%)... 

Theo ông Nguyễn Xuân Đán, Phó Chủ tịch UBND huyện, nguyên nhân của hạn chế trên là do phần lớn các CCN chưa có nhà đầu tư hạ tầng; ngân sách cấp đầu tư hạ tầng chưa được quan tâm đầu tư kịp thời; có một số nhà đầu tư hạ tầng trông chờ vào nhà đầu tư thứ cấp, không tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư lấp đầy các CCN, thời gian tới, huyện Đông Hưng tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ; cùng nhà đầu tư hạ tầng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp, ưu tiên những doanh nghiệp có công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. 

Ông Tô Xuân Thức, Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng cho biết: Các nhà đầu tư hạ tầng đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng tôi cùng các sở, ngành đôn đốc họ khẩn trương triển khai các bước tiếp theo. Huyện cam kết giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các CCN. Huyện cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp các sở, ngành tạo điều kiện thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn nhất, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai. Với các dự án đã được tỉnh chấp thuận đầu tư, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên hệ với nhà đầu tư, bám sát, đôn đốc tiến độ triển khai. Đề xuất các sở, ngành và UBND tỉnh rút giấy phép đầu tư với các nhà đầu tư không thực hiện theo tiến độ đã cam kết để kêu gọi nhà đầu tư khác.

Việc phát triển các CCN với mục tiêu thu hút các dự án sản xuất công nghệ cao, tiên tiến sẽ tạo đà cho phát triển công nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn huyện./.

An Na (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thái Bình: Thu hút đầu tư, tạo đà phát triển công nghiệp tại huyện Đông Hưng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề