Thứ hai, 06/05/2024 09:48 (GMT+7)

Thái Thụy - Thái Bình: Hình thức chôn lấp rác hợp vệ sinh đang dần bị lấp đầy

Khánh Vân -  Thứ sáu, 23/06/2023 09:39 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trong quá trình hoạt động, hiện nay một số lò đốt rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình đã bị hỏng phải dừng hoạt động, một số lò đốt phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa.

Việt Nam hiện có trên 62,6 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm xấp xỉ 65% dân số trong cả nước. Mỗi năm khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt, khoảng 1.300 triệu m3 nước thải sinh hoạt, 47 triệu tấn chất thải chăn nuôi và hơn 14 nghìn tấn bao bì hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón các loại… Tuy nhiên, theo thống kê chỉ khoảng 50% khối lượng rác thải trên được thu gom, xử lý, phần còn lại chủ yếu là chất thải rắn khó xử lý, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe người dân.

Ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, không khó để bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh con đường liên thôn, liên xã. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được người dân thiếu ý thức đóng thành bao ném xuống sông, trên các kênh, rạch, sông suối… Các loại rác này đang được thải ra môi trường nông thôn mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước.

Tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, các khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh đang dần bị lấp đầy và hết diện tích quy hoạch. Điều này đang gây ra những khó khăn cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương trên địa bàn huyện trong thời điểm hiện nay và những năm tới.

tm-img-alt
Rác thải tồn đọng chưa được xử lý tại khu xử lý rác thải bằng lò đốt liên xã Thái Học - Thái Thịnh.

Lò đốt rác thải liên xã Thái Học - Thái Thịnh, huyện Thái Thụy nằm trên địa bàn xã Tân Học được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2016 với công suất xử lý khoảng 5 tấn rác/ngày đêm, xử lý rác thải sinh hoạt cho 2 xã Thái Học trước đây (hiện đã sáp nhập vào xã Tân Học) và xã Thái Thịnh. Công trình được đầu tư khá đồng bộ với khu vực xử lý rác gồm nhà quản lý, nhà đặt lò đốt rác, hố chôn lấp rác thải, cổng tường rào, đường bê tông... Tuy nhiên, gần 2 năm qua, công trình này rơi vào tình trạng ngừng hoạt động vì lò đốt bị hỏng. Có mặt tại đây, phóng viên ghi nhận khuôn viên khu đốt rác rộng hàng nghìn mét vuông hiện đang là nơi tập kết lượng rác thải lớn còn tồn đọng chưa xử lý; bên trong lò đốt thì hoen gỉ, băng truyền, ống khói bị hỏng, khu nhà quản lý và vận hành lò đốt bỏ hoang, dột nát...

Theo ông Đỗ Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Thái Học : Sau vài năm hoạt động lò đốt đã xuống cấp nghiêm trọng, bị hỏng nhiều lần phải sửa chữa với chi phí cao. Như hiện nay hệ thống băng tải truyền và ống khói lò đốt bị hỏng nếu sửa chữa phải mất hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh chi phí sửa chữa thì kinh phí để duy trì hoạt động, vận hành lò đốt cũng là bài toán khó cho địa phương khi giá nhân công ngày càng cao, hàng năm xã phải bù hàng chục triệu đồng cho việc vận hành lò đốt rác. Vì vậy, xã thống nhất với xã Thái Thịnh chuyển công trình lò đốt này sang hình thức chôn lấp, đồng thời chỉ duy trì một lò đốt liên 3 xã: Thái Xuyên, Mỹ Lộc, Tân Học để xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương.

Tại huyện Thái Thụy trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 110 tấn rác thải sinh hoạt. Một số địa phương trên địa bàn huyện có lượng rác thải phát sinh nhiều như thị trấn Diêm Điền hơn 15 tấn/ngày, xã Thụy Xuân 6 tấn/ngày, xã Thụy Phong 5,5 tấn/ngày... Để xử lý rác thải sinh hoạt cũng như hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, 28 xã trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt với tổng 25 lò.

Thời gian đầu khi đi vào vận hành, nhiều lò đốt đã phát huy tối đa hiệu quả trong xử lý rác thải tại địa phương, giúp các xã hoàn thành chỉ tiêu môi trường, cán đích xã nông thôn mới. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, một số lò đốt dần bộc lộ những hạn chế, xuống cấp nhanh chóng và bị hỏng phải dừng hoạt động như lò đốt liên xã Thái Học - Thái Thịnh (Tân Học), lò đốt xã Thụy Hồng cũ (Hồng Dũng), lò đốt xã Thụy Phúc cũ (Dương Phúc); ngoài ra, một số lò phải tạm dừng hoạt động để sửa chữa.

Ông Vũ Phúc Khánh, Chủ tịch UBND xã Hồng Dũng cho biết: Sau khi sáp nhập từ 3 xã trước đây là Thụy Dũng, Thụy Hồng, Hồng Quỳnh, địa phương đã chuyển rác thải sinh hoạt về khu xử lý rác thải liên 3 xã (Thụy Dũng - Thụy Xuân - Thụy Hải) để xử lý. Còn đối với lò đốt xã Thụy Hồng trước đây đã xuống cấp, bị hỏng nên dừng hoạt động hơn 2 năm nay. Thực tế những năm gần đây, lò đốt tại các địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng, nguồn kinh phí của địa phương khó khăn. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, mỗi năm các xã sử dụng hàng chục triệu đồng cho công tác xử lý rác thải sinh hoạt. Vì vậy, để giải quyết hiệu quả công tác xử lý rác thải nông thôn hiện nay đòi hỏi cấp chính quyền sớm quy hoạch, đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô cấp tỉnh, cấp huyện theo công nghệ cao, hiện đại.

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thái Thụy: Để tăng cường công tác xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, thời gian qua huyện đã chỉ đạo các xã xây dựng và đưa vào vận hành các khu xử lý rác thải bằng lò đốt bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, bố trí nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, vận hành lò đốt rác; chỉ đạo các tổ thu gom rác thải, người vận hành lò đốt tuyệt đối không đốt rác ở bên ngoài lò đốt. Đối với các xã có lò đốt rác thải không vận hành yêu cầu chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, qua rà soát tại các khu xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp trên địa bàn huyện hiện nay đã lấp đầy từ 70 - 80%, chỉ còn sử dụng được một vài năm tới. Do đó, để giải quyết những bức thiết về môi trường, rác thải, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, công nghệ cao, phục vụ tất cả các xã là giải pháp tối ưu nhất mà tỉnh, huyện đang rất quan tâm. Đây cũng là giải pháp mà các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai.

Bạn đang đọc bài viết Thái Thụy - Thái Bình: Hình thức chôn lấp rác hợp vệ sinh đang dần bị lấp đầy. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới