Thứ sáu, 03/05/2024 07:07 (GMT+7)

Thống nhất cho phép lấy vật liệu từ mỏ đất phục vụ cao tốc san lấp khu tái định cư

Huy Vũ -  Thứ sáu, 07/07/2023 16:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bộ GTVT thống nhất kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho lấy đất từ các mỏ phục vụ cao tốc dùng để san lấp khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng.

Sáng 6/7, Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về khai thác, cung ứng vật liệu thi công cao tốc.

Trước đó, chiều 5/7, Tổ công tác đã trực tiếp kiểm tra hiện trường các dự án cao tốc đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh trên địa bàn Bình Định, đánh giá thực tế, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác vật liệu cao tốc.

tm-img-alt
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng trao đổi với Thứ trưởng Lê Đình Thọ (bên trái) tại công trường dự án. Ảnh: Xuân Huy.

Đáng chú ý, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng, không chỉ trên các tuyến thi công cao tốc, việc triển khai xây dựng các khu tái định cư (TĐC) phục vụ GPMB dự án cao tốc cũng đang gặp khó khăn do khan hiếm vật liệu san lấp.

Ông Hoàng cho hay, với quy định hiện nay, chỉ các mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù của Chính phủ về cấp phép mỏ. Do đó, dù địa phương rốt ráo vào cuộc nhưng phải mất hơn cả năm mới có thể hoàn thiện hồ sơ, cấp phép khai thác mỏ, dẫn đến tiến độ khu TĐC chậm, khó hoàn thành GPMB đúng hẹn.

Thống kê UBND tỉnh Bình Định, toàn tuyến cao tốc qua địa bàn có gần 11.500 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến cuối tháng 6/2023, tỉnh này đã phê duyệt phương án bồi thường, GPMB với 569 đợt, cho 10.727 hộ với số tiền hơn 3,7 nghìn tỷ đồng trên diện tích hơn 908/945ha tuyến chính, đạt 96,1% mặt bằng tuyến chính.

tm-img-alt
UBND tỉnh Bình Định chấp thuận 6 mỏ đất trên địa bàn TX Hoài Nhơn để phục vụ thi công các khu TĐC cao tốc

Hiện 8/8 địa phương lập hồ sơ đầu tư xây dựng 39 khu TĐC với diện tích hơn 69ha. Có hơn 1.700 lô đất TĐC với tổng mức đầu tư khoảng 743,1 tỷ đồng. Đến nay các khu TĐC đạt tiến độ từ 30 - 95%. Hầu hết các khu TĐC khó đẩy nhanh tiến độ do khan hiếm vật liệu đất, cát san lấp.

Theo ông Hoàng, tỉnh có nhiều văn bản gửi các cơ quan Trung ương kiến nghị Chính phủ cho phép UBND tỉnh Bình Định bổ sung các mỏ vật liệu thi công xây dựng các khu TĐC phục vụ dự án cao tốc được áp dụng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, các cơ chế này chỉ áp dụng cho mỏ vật liệu phục vụ các công tác thi công tuyến chính cao tốc, muốn áp dụng cho thi công khu TĐC phải cần Quốc hội thông qua.

"Nghịch lý ở chỗ địa phương thừa đất nhưng thiếu vật liệu san lấp khu TĐC cao tốc do không được áp dụng cơ chế đặc thù về cấp phép mỏ. Do đó, để đáp ứng tiến độ GPMB, tỉnh kiến nghị Bộ GTVT cho phép Bình Định được sử dụng nguồn đất, cát san lấp từ các mỏ thi công cao tốc để cung cấp, triển khai các khu TĐC phục vụ cao tốc", ông Hoàng kiến nghị.

Thừa nhận khó khăn này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn cho biết, địa phương tiên phong hoàn thành cơ bản công tác GPMB cho cao tốc qua địa bàn. Địa phương đang nỗ lực triển khai, hoàn thiện thủ tục pháp lý mỏ vật liệu san lấp TĐC.

UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho UBND TX Hoài Nhơn sử dụng 6 mỏ đất để ưu tiên phục vụ thi công xây dựng các khu TĐC phục vụ cao tốc. Các đơn vị chức năng của thị xã đang tập trung hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản các mỏ trên theo hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh. Theo ông Công, tinh thần địa phương vào cuộc tập trung, quyết liệt, nhưng với trình tự hiện hành, việc hoàn thiện hồ sơ mỏ mất rất nhiều thời gian.

Đồng thuận với kiến nghị của Bình Định, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói: Công tác GPMB muốn nhanh, phải xong các khu TĐC cho người dân di dời, bàn giao mặt bằng cho dự án. Khối lượng đất cát san lấp khu TĐC không nhiều nên việc lấy từ các mỏ phục vụ thi công cao tốc không ảnh hưởng việc triển khai tuyến chính. Tuy nhiên, địa phương, các đơn vị chức năng triển khai vật liệu này phải "chặt chẽ, đảm bảo các quy định hiện hành".

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, địa phương phải có kiến nghị cụ thể về nguồn gốc, trữ lượng, mỏ vật liệu, chỉ đề xuất lấy vật liệu san lấp khu TĐC cao tốc từ các mỏ đã được quy hoạch cho dự án cao tốc, được HĐND thông qua và đảm bảo cơ sở pháp lý.

Đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GTVT hướng dẫn Bình Định nên cụ thể từng khu TĐC phục vụ cao tốc, cần khối lượng vật liệu san lấp bao nhiêu, mỏ nào để có đề xuất, kiến nghị chi tiết lên Bộ GTVT...

Bạn đang đọc bài viết Thống nhất cho phép lấy vật liệu từ mỏ đất phục vụ cao tốc san lấp khu tái định cư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.