Thứ hai, 29/04/2024 11:15 (GMT+7)

Thông tin mới nhất về dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận

MTĐT -  Chủ nhật, 17/03/2024 13:05 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Bình Thuận đã hoàn thành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn lập ĐTM trước đây. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn thống nhất chủ trương chỉ định thầu để hoàn chỉnh báo cáo ĐTM của dự án.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, vừa ký báo cáo gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… về dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện Hàm Thuận Nam.

Đây là Dự án quan trọng cấp Quốc gia, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội (Nghị quyết 93/2019/QH14), cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, đơn vị quản lý điều hành dự án là Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp & PTNT tỉnh.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha (680,41 ha).  Quy mô gồm hồ điều tiết dung tích toàn bộ hơn 51 triệu m3, dung tích hữu ích hơn 47 triệu m3, dung tích chết gần 4 triệu m3 và hệ thống kênh, các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 874 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương hơn 519 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2025.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét là hồ có chức năng tích trữ tạo nguồn nước và có mục tiêu chủ yếu là cấp nước tưới cho sản xuất Nông nghiệp (trong đó chủ yếu là diện tích trồng Thanh long), cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Sau khi hoàn thành công trình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho các xã huyện Hàm Thuận Nam, đó là: Cấp nước tưới cho 7.762ha, gồm: Khu tưới Mỹ Thạnh là 127,0ha; Khu tưới đập Hàm Cần: 1.430ha (hiện trạng 450ha, mở rộng 980ha); Bổ sung nước tưới cho khu tưới 745ha của kênh Sông Linh – Cẩm Hang; Điều tiết bổ sung nước cho diện tích 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bầu; Tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng gồm: Khu tưới kênh Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập với diện tích 2.500ha và khu tưới kênh Đu Đủ -Tân Thành (dự án ADB8) diện tích 1.960ha. Cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp: Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; Cấp nước thô cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. Điều tiết, cắt giảm đỉnh lũ và cải tạo môi trường: Trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3m3/s (khi hồ La Ngà 3 hoàn thành); Cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhất là tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, với việc đầu tư xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có quy mô dung tích chứa hơn 51 triệu m3 để cấp nước với các nhiệm vụ nêu trên sẽ góp phần quan trọng trong việc khắc phục tình trạng hạn và phát triển kinh tế xã hội cho huyện Hàm Thuận Nam và vùng phía Nam Bình Thuận. Dự án ra đời mang lại lợi ích cấp nước tưới cho khoảng 12.000 hộ dân, với khoảng 51.108 nhân khẩu ở 11/12 xã của huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, có 820 hộ là dân tộc thiểu số (tập trung ở khu vực các xã Mỹ Thạnh, Hàm Cần và Hàm Thạnh). Số người được hưởng lợi từ việc cấp nước cho sinh hoạt là khoảng 120.000 người, trong đó thành phố Phan Thiết là khoảng 60.000 người. Dự án hồ Ka Pét là món quà vô cùng to lớn cho nhân dân huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận, là tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của bà con từ hơn 20 năm nay. Với niềm hy vọng lớn, trong năm tới dự án sẽ đủ điều kiện để khởi công, công trình ra đời nhân dân vùng hưởng lợi sẽ không còn lo lắng về vấn đề nước cho sản xuất, cho sinh hoạt mà hàng năm cứ đến mùa khô kiệt là chồng chất nổi âu lo, vì không đủ nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh họat và cuộc sống.

Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt.

Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, Bình Thuận giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Ban QLDA) hoàn chỉnh hồ sơ, đề cương, nhiệm vụ khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình.

Đến thời điểm hiện nay, dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt. Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đang tổ chức kiểm tra thực địa các khu vực các đơn vị chủ rừng đăng ký trồng rừng thay thế để đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án (ĐTM), Ban QLDA đã hoàn thành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với đơn vị tư vấn lập ĐTM trước đây. Ngày 24/1, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn thống nhất chủ trương chỉ định thầu để hoàn chỉnh báo cáo ĐTM dự án. Ban QLDA đã phê duyệt dự toán chi phí và ký kết hợp đồng với nhà thầu mới để thực hiện hoàn thiện báo cáo ĐTM dự án.

Việc bổ sung hồ sơ thẩm định dự án, bổ sung khối lượng khảo sát theo nội dung yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị tư vấn thiết kế cơ bản đã hoàn thiện hồ sơ và gửi cho đơn vị tư vấn thẩm tra để tổ chức thẩm tra dự án.

Ban QLDA đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam lập phương án về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với diện tích Nhà nước thu hồi đất của dự án.

UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phù hợp của nhân dân và các chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động môi trường, xã hội của dự án; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan cân nhắc kỹ, quyết định quy mô, phương án kỹ thuật phù hợp, khoa học, tối ưu, vừa bảo đảm mục tiêu của dự án, vừa bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, hạn chế những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Tổ chức rà soát kỹ, nghiên cứu, bổ sung đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, xã hội của Dự án bảo đảm chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật…

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Thuận giao Ban QLDA phối hợp với các sở, ban ngành triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo và các sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu nội dung bản kiến nghị phương án giải quyết liên quan đến việc di dời Dinh Cậu.

Trâm Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Thông tin mới nhất về dự án hồ chứa nước Ka Pét tại Bình Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.