Thứ hai, 29/04/2024 03:17 (GMT+7)

Thu gom, xử lý chất thải xây dựng – vẫn còn bỏ ngỏ

MTĐT -  Thứ ba, 14/11/2023 16:02 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo đó lượng chất thải rắn phát sinh trong quá trình thi công, xây dựng ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, việc thu gom, xử lý loại chất thải này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến tình trạng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị và khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn đang bị đổ tràn lan trên dọc các tuyến đường, bờ sông suối.

Chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan

Khu vực giáp ranh giữa khu tái định cư, dân cư Nam thành phố với dự án khu đô thị mới Mai Pha và đoạn sông Kỳ Cùng thuộc xã Mai Pha thuộc các thôn Khòn Phổ, Co Măn, Pò Đứa là những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng các đối tượng tự ý đổ chất thải rắn xây dựng, gây mất mỹ quan của khu dân cư và ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông. Điển hình như dọc tuyến phố Phạm Hồng Thái dài hơn 600m thuộc khu tái định cư và dân cư Nam thành phố, xã Mai Pha đang tồn tại 50 bãi chất thải xây dựng như vôi vữa, xi măng, gạch, đá hình thành từng đống khiến tuyến phố trông nhếch nhác.

Thu gom, xử lý chất thải xây dựng – vẫn còn bỏ ngỏ
Bãi chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan tại phố Phạm Hồng Thái, Khu tái định Mai Pha, TP. Lạng Sơn (Ảnh chụp chiều 7/11/2023 )

Chị Hoàng Thanh Dung, đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Chúng tôi hay xuống đây tập thể dục, tuyến đường mới rộng, thoáng đãng nhưng chỉ một đoạn có chiều dài 40m mà chúng tôi thống kê có đến hơn 20 đống chất thải toàn đất đá, bê tông, xi măng, thậm chí có cả mặt kính vỡ.

Khảo sát dọc bờ sông Kỳ Cùng đoạn từ khu vực cầu Mai Pha thuộc các thôn Pò Đứa qua các thôn Co Măn, Khòn Phổ, chúng tôi ghi nhận những bãi đổ chất thải rộng từ vài chục mét vuông đến hàng trăm mét vuông lấn vào các bãi bồi. Đặc biệt là khu vực quy hoạch dự án khu ở mới sinh thái sông Kỳ Cùng giáp với cầu Mai Pha, việc các cá nhân, tổ chức đổ chất thải xây dựng ngay tại chân cầu và dọc lòng sông đã lấn vào dòng chảy với khối lượng hàng chục nghìn m3.

Thu gom, xử lý chất thải xây dựng – vẫn còn bỏ ngỏ
Những đống chất thải rắn xây dựng đổ tràn lan tại ven đường huyện ĐH29

Không chỉ riêng tại khu vực đô thị, tại tuyến đường huyện Song Giáp – Khánh Khê (ĐH 29), chất thải xây dựng cũng được đổ ngay cạnh đường. Những đống chất thải lớn, nhỏ nằm ngổn ngang, lấn chiếm vào đất giao thông đường bộ, tiềm ẩn những hệ luỵ khó lường cho công tác quản lý đất đai sau này. Trao đổi với ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn về vấn đề này được biết: Địa bàn xã Hoàng Đồng rất rộng nên thường xuyên có đối tượng đổ trộm chất thải, vật liệu cứng như: gạch, đất đá, mảng bê tông xi măng, phụ phẩm xây dựng, đặc biệt là tại đường ĐH 29 thuộc địa bàn các thôn Nà Pàn, Hoàng Thủy. Việc đổ trộm như vậy đã làm ảnh hưởng đến môi trường của xã. Trước tình trạng này, xã đã phân công lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, đồng thời đề nghị với người dân ở các thôn, nếu phát hiện ra trường hợp đổ chất thải xây dựng không đúng quy định thì báo ngay cho UBND xã để xử lý.

Thu gom, xử lý chất thải xây dựng – vẫn còn bỏ ngỏ
Các đối tượng đổ trộm chất thải xây dựng tại đường Văn Vỉ, phường Chi Lăng

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, hiện một tháng, toàn tỉnh phát sinh chất thải xây dựng khoảng 1.800 tấn (tương đương 21,6 nghìn tấn/năm). Trong đó, lượng chất thải xây dựng do thành phố Lạng Sơn phát thải khoảng hơn 330 tấn, chiếm khoảng 20%; các huyện có số lượng chất thải xây dựng phát thải lớn tiếp theo là huyện Hữu Lũng 240 tấn; huyện Lộc Bình khoảng 180 tấn; huyện Chi Lăng khoảng 160 tấn…

Qua thực tế theo dõi, tình trạng đổ trộm chất thải xây dựng tràn lan không chỉ xảy ra ở thành phố Lạng Sơn mà còn diễn ra ở nhiều khu vực đô thị các huyện, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, không có con số thống kê chính xác của các địa phương, ngành chức năng, tuy nhiên trên thực tế, chất thải rắn xây dựng gia tăng theo từng năm do nhu cầu xây dựng, sửa chữa các công trình ngày một nhiều. Nguyên nhân chính là cả 11 huyện, thành phố vẫn chưa xây dựng được các vị trí thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng riêng biệt để giải quyết vấn đề này.

Phòng Cảnh sát Kinh tế Môi trường, Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 30 vụ (tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2022) với 31 đối tượng đổ chất thải xây dựng trái quy định của pháp luật; Phòng đã ra quyết định xử phạt hành chính 31 đối tượng với tổng số tiền gần 100 triệu đồng.

Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10/2023, Công an thành phố Lạng Sơn đã phát hiện, tiếp nhận và xử lý 2 vụ đổ trộm chất thải xây dựng ra môi trường tại địa bàn phường Chi Lăng và thôn Khòn Pát, xã Mai Pha. Trung tá Nguyễn Công Hân, Phó Trưởng Công an phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mặc dù đơn vị đã tập trung đấu tranh ngăn chặn các đối tượng đổ chất thải xây dựng không đúng quy định nhưng tình trạng này vẫn tái diễn với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng lợi dụng đêm tối, thời điểm ít người qua lại để đổ trộm, do đó lực lượng chức năng rất khó bắt quả tang các đối tượng để xử lý.

Cần giải pháp quản lý hiệu quả

Theo số liệu thống kê dự báo của Sở Xây dựng, lượng chất thải xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 vào khoảng 2.000 tấn/tháng, trong đó riêng địa bàn đô thị thành phố Lạng Sơn chiếm khoảng 25% khối lượng toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện thành phố Lạng Sơn và các địa phương vẫn chưa có phương án cụ thể để thu gom và xử lý đối với loại chất thải này.

Ông Hà Minh Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Đến thời điểm này, trong tỉnh cũng đã có số ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tái chế chất thải xây dựng hoặc tái sử dụng ngay tại các công trường nhưng số lượng chất thải được tập kết và xử lý là rất ít. Một số địa phương trong tỉnh đã có quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng nhưng việc kêu gọi doanh nghiệp nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý vẫn chưa thực hiện được, gây khó khăn cho việc quản lý nhà nước về chất thải rắn xây dựng. Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, Sở đã xây dựng đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu đặt ra là tạo cơ sở pháp lý để các huyện xác định các vị trí quy hoạch các điểm tập kết chất thải rắn xây dựng cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và xử lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Đối với nội dung này, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và đang chỉnh sửa đề án và thực hiện các thủ tục hoàn thiện đề án theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này ông Lộc Văn Quảng, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị huyện Cao Lộc cho biết: Hiện huyện Cao Lộc đã quy hoạch 2 vị trí làm khu vực thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng nhưng vẫn chưa huy động được nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Do đó, khối lượng chất thải rắn xây dựng trên địa bàn phát sinh khoảng 5,8 tấn/ngày đêm, tương đương khoảng 175 tấn/tháng (chưa kể khối lượng chất thải phát sinh từ các công trình đầu tư công) vẫn chưa được thu gom, xử lý theo quy định. Hiện trên địa bàn huyện đã có một số cơ sở tái chế chất thải rắn xây dựng tự phát làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng quy mô rất nhỏ và hoạt động không ổn định, vì thế phần lớn chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn vẫn chưa được quản lý và xử lý theo quy định.

Bởi vậy, trong thời gian tới, vấn đề quản lý, thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ các địa phương sớm nghiên cứu và bố trí các quỹ đất công làm nơi thu gom chất thải rắn xây dựng có thu tiền đổ thải để quản lý đối với loại chất thải này. Cùng đó, chính quyền cơ sở cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn xây dựng cho người dân.

Bạn đang đọc bài viết Thu gom, xử lý chất thải xây dựng – vẫn còn bỏ ngỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.