Thứ hai, 29/04/2024 03:06 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/11/2023

MTĐT -  Thứ năm, 23/11/2023 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 23/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Chung cư áp đảo thị trường bất động sản

Sự chênh lệch cán cân cung - cầu trên thị trường nhà ở ngày càng phân hóa rõ nét, nhiều người kỳ vọng có thể tìm mua nhà ngay lúc này trước khi giá bán tiếp tục tăng. Thế nhưng, trong "cơn bão" bao phủ kinh tế toàn cầu, thu nhập bị ảnh hưởng, tâm lý của khách hàng phải đối diện với nỗi lo về bài toán tài chính, sao cho đảm bảo sự hiệu quả về dòng tiền. Tâm lý người tiêu dùng mong muốn mua chung cư ở thực, giá vừa tầm.

Ngay trong chính trong giai đoạn thị trường gặp nhiều khó khăn vừa qua, khác với các loại hình bất động sản khác, mức độ quan tâm với chung cư không hề bị suy giảm. Hơn nữa, tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 12,5%/năm, bao gồm phần tăng thêm từ giá bán và lợi suất cho thuê trong giai đoạn 2015 - 2023 vì đáp ứng được nhu cầu ở thực.

Theo Savills, năm 2023, 9.500 căn hộ tại Hà Nội được bàn giao. Từ 2021 đến năm 2025, số lượng căn bàn giao giảm 26% mỗi năm. Trong khi nguồn cung ra thị trường ngày càng hạn chế, nhưng nhu cầu sở hữu nhà của người dân, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội ngày càng lớn.

Từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai gồm 59.000 căn hộ (các hạng), 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 căn nhà ở xã hội dự kiến mở bán; do đó còn thiếu hụt 70.300 nhà ở. Điều này có thể gây sức ép khiến giá chung cư tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Chung cư kéo thị trường bất động sản phục hồi - Ảnh 1.
Chung cư kéo thị trường bất động sản phục hồi.

Để thêm "chất xúc tác" giúp khách hàng sớm đưa ra quyết định, nhiều chính sách kích cầu thị trường được Chính phủ đưa ra. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 0,5-2,0%/năm cho các loại trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thế giới tiếp tục tăng cao và neo ở mức cao; điều đó tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn có các khoản vay ưu tiên, ưu đãi giúp khách hàng giảm áp lực tài chính khi lựa chọn nơi an cư.

Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay không chỉ cần các chính sách gỡ vướng từ Chính phủ đi vào thực tế mà cần phải có thêm các chính sách ưu đãi từ chủ đầu tư để có thể "kéo" thị trường bất động sản hồi phục.

Việc các chủ đầu tư tung ưu đãi lớn được cho là một bước đi nhanh nhạy và đầy khôn ngoan, chia sẻ lợi ích với khách hàng trong bối cảnh thị trường khó khăn. Điều này giúp tăng khả năng thanh khoản trong giai đoạn cuối năm.

Các chính sách về chiết khấu, giảm số tiền đặt cọc trên mỗi sản phẩm, ưu đãi về lãi suất và tăng thời gian thanh toán giúp khách hàng giảm áp lực tài chính và có thể tiếp cận được những sản phẩm bất động sản tốt hơn. Những căn hộ có phương án tài chính phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn sống hiện đại - tiện nghi sẽ nhanh chóng được chú ý.

Nhìn chung, thời điểm hiện tại được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi về giá cả, lãi suất và chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho khách hàng. Cùng với đó, việc các chủ đầu tư chủ động, linh hoạt ứng biến trước những thay đổi liên tục của thị trường… cũng giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới.

Nhận định về thị trường căn hộ những tháng cuối năm nay, nhiều chuyên gia cho rằng, sức cầu trên thị trường vẫn lớn, nhất là với các dự án đáp ứng đầy đủ tiện ích. Tại phía Đông Hà Nội, một số dự án đang đưa nguồn cung ra thị trường.

Mặc dù quỹ đất ngày một khan hiếm nhưng xu hướng sàng lọc, lựa chọn các dự án chung cư có chất lượng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Những dự án triển khai bài bản, có quy hoạch tốt, chuẩn về pháp lý và giá cả hợp lý, chú trọng đến môi trường, tiện nghi và đáp ứng đầy đủ tiện ích mới được thị trường chấp nhận. Ngược lại, những dự án có hạ tầng tiện ích kém, chất lượng không tốt, vận hành kém... sẽ khó cạnh tranh.

Hà Nội: Phê duyệt đường gom phía Nam cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên rộng 16m

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định Về việc phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường gom phía Nam cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đường Vành đai 3) từ địa phận huyện Đông Anh đến giao tuyến đường quy hoạch B=20,5m, huyện Gia Lâm, tỷ lệ 1/500.

Theo đó, vị trí tuyến đường thuộc xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Điểm đầu tuyến đường ranh giới giáp địa phận huyện Đông Anh; điểm cuối giao với tuyến đường quy hoạch B=20,5m. Chiều dài tuyến đường khoảng 2,3km.

Hướng tuyến được quy định phù hợp với định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô, Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch phân khu đô thị GN, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND thành phố phê duyệt.

tm-img-alt
Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

Quy mô mặt cắt ngang tuyến đường gom rộng 16m. Trong đó, lòng đường xe chạy rộng 7m (2 làn xe), lề đường phía đô thị rộng 8m, lề phía giáp đường cao tốc rộng 1m.

Chỉ giới đường đỏ được xác định trên cơ sở tim đường quy hoạch, mặt cắt ngang đường, các thông số kỹ thuật, kích thước sẽ được xác định cụ thể trên bản vẽ.

Phương án nút giao với tuyến đường gom đường cao tốc sẽ được thực hiện theo dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

UBND thành phố Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận bản vẽ, chịu trách nhiệm về tính chính xác của bản vẽ.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao UBND huyện Gia Lâm và UBND xã Yên Thường tổ chức quản lý các mốc giới, việc xây dựng các công trình hai bên tuyến đường theo chỉ giới đường đỏ, mốc giới được duyệt. Đồng thời, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đề xuất thu phí xe vào nội đô Hà Nội từ 2027

Sáng 22/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức tọa đàm "Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững".

Theo sở, hệ thống giao thông được coi là huyết mạch của nền kinh tế, là bộ mặt của đô thị. Vì vậy, lãnh đạo Hà Nội luôn rất quan tâm đến phát triển hệ thống giao thông sao cho hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Trước thực tế này, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong TP thông minh.

Sau đó sở đã chọn Trường đại học Giao thông vận tải là đơn vị tư vấn: "Xây dựng đề án giao thông thông minh trên địa bàn TP Hà Nội".

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Internet)

Tại tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu giao thông thông minh (ITS) trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, lộ trình phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội nên chia thành ba giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô. Cùng đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng ITS cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi ITS.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả ITS thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ITS và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

Góp ý đề án, đại diện World Bank cho rằng, giai đoạn 1 là quan trọng nhất cho dự án và cần phải mua sắm nhiều trang thiết bị. Sau khi được phê duyệt thì cần nghiên cứu kỹ tính khả thi, thi công, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, khi xây dựng sẽ cần thiết kế các nút thi công. Vì thế, đại diện World Bank mong muốn cần tăng thời gian giai đoạn 1 lên 4-5 năm và cần thiết lập chương trình một cách chi tiết.

Theo thống kê của nhóm xây dựng đề án, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến trong thành phố. Năm 2022 có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1 đến 1,2 tỷ USD/năm.

Cùng với đó, về mặt xã hội, sức khỏe người dân đô thị đang bị ảnh hưởng vì chỉ số ô nhiễm không khí gấp hơn 5 lần so với quy định, nồng độ bụi pm2.5 đang gấp khoảng 3 lần. Về thời gian đi lại của người dân, ùn tắc giao thông chính là thủ phạm thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm, số lượng người tăng nhanh chóng đã đặt Hà Nội vào bài toán giao thông ngày càng khó giải quyết.

Đánh giá về Đề án, TS. Trần Thiện Chính, Học viện Bưu chính Viễn thông cho rằng, người dân là đối tượng hưởng lợi chính của toàn bộ đề án. Đề án hứa hẹn sẽ nâng cao đáng kể chất lượng cung cấp dịch vụ thông tin cho cư dân, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị cơ bản như an ninh, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, cấp thoát nước... và đặc biệt nâng cao khả năng của người dân trong việc tham gia vào công việc quản trị thành phố, kết nối với chính quyền thành phố.

Người dân có thể tham gia trực tiếp vào công tác quản trị đô thị, giúp giảm tải cho bộ máy chính quyền, cụ thể hóa quyền làm chủ của người dân đối với thành phố của mình.

"Thông qua hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ đô thị thiết yếu khác người dân sẽ có đánh giá công bằng hơn đối với những công chức làm tốt và nhắc nhở những công chức làm chưa tốt phải tự hoàn thiện mình, giúp chính quyền các cấp qua đó có đánh giá cán bộ khách quan hơn và tự hoàn thiện bộ máy và quy trình hoạt động hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn", ông Chính khẳng định.

Hưng Yên khởi công xây dựng đường song hành thuộc dự án đường Vành đai 4

Sáng 22/11, tại xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã khởi công gói thầu số 1 thi công xây dựng công trình Dự án Thành phần 2.2 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên, thuộc dự án đường Vành đai 4.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên Trần Minh Hải cho biết Dự án Đầu tư Xây dựng Đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên dài 19,3km, đi qua 4 huyện: Văn Giang (10,2km), Khoái Châu (dài 0,57km), Yên Mỹ (dài 2,5km), Văn Lâm (dài 6,6km). Tổng mức đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Hưng Yên là 5.244,5 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 56 về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4, tỉnh Hưng Yên được giao phối hợp với Hà Nội triển khai Dự án Thành phần 3 (đường cao tốc) và trực tiếp tổ chức thực hiện hai dự án thành phần là Dự án 1.2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên có mức đầu tư là 3.739,9 tỷ đồng) và Dự án 2.2 (xây dựng đường song hành, đường đô thị với mức đầu tư là 1.504,6 tỷ đồng).

tm-img-alt
Quang cảnh buổi lễ khởi công (Ảnh: Báo Hưng Yên)

Theo ông Trần Minh Hải, đến thời điểm này, các địa phương đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng phần diện tích đất ở, đất doanh nghiệp, đất tái định cư, đất di dời đường dây 110 kV, 220 kV, 500 kV.

Đến nay, diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư là 193,6/230,2ha, đạt trên 84%. Sở Giao thông Vận tải cũng đã hoàn tất các điều kiện để khởi công Dự án Thành phần 2.2.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, dự án đường Vành đai 4 là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Để dự án bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra, các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu cần tiếp tục tập trung quyết liệt thực hiện các khối lượng còn lại của công tác GPMB, việc thực hiện chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân phải thực sự phù hợp với thực tế và đúng quy định pháp luật.

Đối với Sở Giao thông vận tải, cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện có phương pháp khoa học và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chuẩn cũng như phối hợp tốt với các Bộ, ngành Trung ương trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Đối với các đơn vị thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, cần huy động máy móc, trang thiết bị hiện đại, lựa chọn đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm nhất để thực hiện dự án bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thành và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ đề ra.

Trước đó, ngày 2/11/2023, UBND tỉnh Hưng yên đã tổ chức hội nghị giao nhận mặt bằng gói thầu số 01: Thi công xây dựng công trình dự án thành phần 2.2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận tỉnh Hưng Yên.

Đắk Nông: Một số đường trong TP Gia Nghĩa hư hỏng, xuống cấp sau mùa mưa

Người dân sống tại khu vực này, chị Đỗ Thị Hương cho biết, hàng ngày chị đều phải lưu thông bằng xe máy qua đoạn đường này. Đường xuống cấp, chỗ hỏm xuống, chỗ trồi lên rất khó đi, nguy cơ té ngã khi lưu thông rất dễ xảy ra.

Các tuyến đường Đống Đa, phường Nghĩa Trung, khoảng 200m từ đầu đường hướng về cổng Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông cũng hư hỏng nặng. Mặt đường xuất hiện chằng chịt ổ gà, ổ voi . Đoạn đường này mỗi ngày có khoảng hàng ngàn lượt phương tiện qua lại. Mỗi khi qua đoạn đường này phương tiện đều phải đi với tốc độ rất chậm.

tm-img-alt

Nhiêu tuyến đường xuống cấp, hư hỏng ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Tuyến đường Ngô Quyền, đường Lý Thái Tổ, nhiều đoạn bề mặt đường bong tróc gần hết; nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng gây cản trở giao thông.

Đầu đường 19/5 và Trần Thánh Tông vào Khu tái định cư Đắk Nur A cũng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nút giao thông này hàng ngày có rất nhiều người và phương tiện qua lại.

Hiện nay, nhiều đoạn trên tuyến đường tránh TP. Gia Nghĩa đã xuống cấp trầm trọng. Tại điểm cầu Km8+878 tuyến đường này đã xuất hiện các hố sâu khoảng 20 - 30 cm, gây rất nhiều nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

Lãnh đạo UBND TP. Gia Nghĩa cho biết, sắp tới thành phố sẽ tiến hành rà soát, giao các đơn vị chức năng tu sửa, bảo dưỡng các tuyến đường xuống cấp, hư hỏng để phục vụ việc đi lại của người dân.

Dự án chậm cấp sổ hồng, chưa bàn giao hạ tầng: TP.HCM yêu cầu báo cáo

Vietnamnet đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM vừa có văn bản đề nghị Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải có ý kiến phản hồi liên quan đến phản ánh của đại biểu, cử tri về trách nhiệm bàn giao hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại 3 dự án nhà ở thương mại.

Trước đó, HĐND TP.HCM đã tổng hợp các nội dung được đại biểu, cử tri chất vấn thông quan các kênh tiếp nhận như fanpage của HĐND TP.HCM, Trung tâm báo chí TP và các cơ quan báo chí.

Một trong những nội dung được các đại biểu, cử tri quan tâm là trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại trong việc chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chưa bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.

“Như vậy, việc chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chưa bàn giao cho chính quyền thì giải quyết như thế nào”, các cử tri đặt câu hỏi.

Để có cơ sở tổng hợp, tham mưu UBND TP.HCM trả lời cho các đại biểu HĐND TP, Sở TN&MT đề nghị Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải báo cáo về các dự án trên.

Ngoài ra, các đại biểu HĐND TP.HCM còn chất vấn về việc chậm cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) tại các chung cư trên địa bàn.

Đó là các chung cư: 4S Linh Đông, Moonlight Residences, Cao ốc Xanh, Saphire, Lexington, TP. Thủ Đức; chung cư Summer Square, quận 6; chung cư Minh Thành, Jamona Heights, quận 7; chung cư Xi Grand Count, quận 10; chung cư Hưng Ngân, Moscow Towers, quận 12; các chung cư Tân Hương Tower, Melody Residences, Phú Thạnh, quận Tân Phú; chung cư Nhà Sài Gòn, quận Bình Tân...

Một trong những dự án nhà ở thương mại chậm cấp sổ hồng được đại biểu phản ánh còn có chung cư Phương Việt (tên thương mại là Pegasuite), tại số 1001, Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8.

Theo phản ánh, trong tổng số 1.150 căn nhà tại dự án này thì đến nay chỉ có 650 sổ hồng được cấp. Vào tháng 1/2021, cư dân tại đây đã nộp 256 hồ sơ và đóng thuế, nhưng vẫn chưa có thông tin giải quyết.

Cư dân cho biết, nguyên nhân các căn hộ còn lại của dự án chưa được cấp sổ hồng do chờ xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo giải quyết việc cấp sổ hồng tại dự án này từ tháng 11/2022, nhưng vẫn chưa có kết quả.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 23/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.