Thứ hai, 29/04/2024 08:17 (GMT+7)

Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/1/2024

MTĐT -  Thứ sáu, 26/01/2024 16:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/1/2024. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 26/1/2024 trên moitruongvadothi.vn.

Hà Nội tạm dừng hoạt động phố đi bộ Hoàn Kiếm dịp Tết Nguyên đán 2024

UBND quận Hoàn Kiếm vừa có thông báo tạm dừng hoạt động tại các không gian đi bộ trên địa bàn quận trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, để tạo điều kiện cho người dân và du khách thuận lợi di chuyển khi vui chơi trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán, quận sẽ tạm dừng hoạt động không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ Hà Nội.

tm-img-alt
Hà Nội tạm dừng phố đi bộ hồ Gươm dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Internet)

Thời gian tạm dừng bắt đầu từ 9/2/2024 (30 tháng Chạp) và mở lại từ 19h ngày 23/2/2024 (14 tháng Giêng).

UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu các đơn vị, UBND các phường trên địa bàn chủ động phối hợp, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, bảo đảm an ninh, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an toàn cho Nhân dân và du khách.

Hòa Bình: Chỉnh trang đô thị đón chào Xuân Giáp Thìn 2024

Mặc dù thời tiết rét đậm nhưng không làm giảm bớt không khí hối hả làm việc của công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình. Tại khu vực Quảng trường Hòa Bình, công ty huy động tối đa nhân lực, vật lực để hoàn thành tiến độ các hạng mục trồng hoa, cắt tỉa cây xanh; bảo dưỡng hệ thống phun nước, đèn chiếu sáng... theo đúng tiến độ đề ra.

Chị Bùi Bích Phương, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình chia sẻ: "Tuy thời tiết rét buốt những các thành viên trong tổ đều nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, chúng tôi nhận nhiệm vụ trang trí đường hoa, cây xanh tại các khu vực vỉa hè và các tuyến phố chính. Theo đó, tổ đã huy động hơn 20 công nhân lao động tham gia, linh hoạt phân chia công việc, tránh chồng chéo. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo kế hoạch của đơn vị đã đề ra”.

Một trong những điểm nhấn được người dân đón chờ nhất đó là biểu tượng linh vật chào Xuân Giáp Thìn tại khu vực Quảng trường Hòa Bình. Hiện nay, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các hạng mục. Biểu tượng linh vật có nội dung "Song Long chầu nguyệt” được tạo hình bởi 2 linh vật rồng với ý nghĩa quy tụ sức mạnh thiêng liêng, biểu trưng cho sự phồn vinh và phát triển của tỉnh nhà trong năm 2024.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Cùng với đó là kết hợp các biểu tượng thể hiện nét văn hóa của quê hương Hòa Bình như: Lịch tre dân tộc Mường, cô gái Mường đánh chiêng, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường… Dự kiến công trình sẽ cắt băng khánh thành vào chiều 01/02/2024 (tức ngày 22 tháng Chạp).

Công trình biểu tượng linh vật hứa hẹn là điểm đến ấn tượng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vục Nhân dân vui xuân, đón Tết. Đồng thời tạo điểm nhấn về văn hóa và du lịch để thu hút du khách đến TP Hòa Bình nói riêng, tỉnh Hòa Bình nói chung trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Đối với nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành đến các tổ thi công đảm bảo tiến độ theo theo yêu cầu. Theo đó, công tác trang trí hoa, cây xanh, cây cảnh được triển khai lắp đặt tại trụ sở các cơ quan Tỉnh ủy, HĐNĐ, UBND, UB MTTQ Việt Nam tỉnh; Thành ủy, UBND TP Hòa Bình...

Thực hiện cắt tỉa cây xanh che khuất điện trang trí tại các tuyến phố; trồng hoa tại các khu vực đảo giao thông ở một số tuyến phố chính như: Trần Hưng Đạo, Chi Lăng, đại lộ Thịnh Lang, Lê Thánh Tông và khu vực tượng bà Madeleine Colani. Dự kiến hoàn thành trước ngày 23 tháng Chạp. Tu sửa, nâng cấp và đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng tại khu vực Quảng trường Hòa Bình và tuyến phố đi bộ.

UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo trật tự đô thị đón Tết Nguyên đán.

Theo đó, các lực lượng tăng cường bố trí phương tiện và lực lượng cưỡng chế, giải toả, xử lý các trường hợp không chấp hành, tái phạm lấn chiếm hành lang, hè phố, lòng đường.

Tổ chức thu dọn đất, tạp chất, phế thải xây dựng, nạo vét hố ga, cống thoát nước, thống kê và tiến hành sửa chữa các điểm cần vá ổ gà trên các tuyến đường.

Phát dọn, vệ sinh đường phố, phía taluy hai bên bờ sông Đà. Bố trí lực lượng thu gom rác thải tại khu vực các chợ, điểm bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết. Rà soát cắm mới các biển báo tại các vị trí cần thiết. Lau chùi và sơn lại trên 900 biển báo hiệu giao thông. Huy động các đơn vị xã hội hóa 540 pa nô, áp phích, khẩu hiệu công tác tuyên truyền, đón chào năm mới. Chỉ đạo các cơ sở hoạt động du lịch tăng cường nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch.

Đồng chí Đinh Xuân Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Hòa Bình cho biết: "Nhằm thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang đô thị đón Tết cổ truyền của dân tộc, phòng đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết, ban hành đến các ngành chức năng, đơn vị liên quan. Chủ động phối hợp các phường, xã tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông và trật tự đô thị. Tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, chỉnh trang các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Đặc biệt trong Đêm giao thừa, các lực lượng chức năng phối hợp phân luồng giao thông tại các tuyến phố chính, đảm bảo tránh ùn tắc. Qua đó giúp nhân dân vui Xuân, đón Tết vui vẻ, đầm ấm và an toàn".

Hải Phòng: Phấn đấu thêm 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) và Phát triển bền vững (PTBV) thành phố.

tm-img-alt
PCT UBND TP Nguyễn Đức Thọ chủ trì hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT TP.

Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2016 – 2020, tại Hải Phòng, có 05 huyện được công nhân đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2023, UBND TP đã ban hành Quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cho 30 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 75/137 xã, đạt 55%. Đồng thời, công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cho 25 xã, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 47/137 xã, đạt 34%.

Tính đến nay, theo kết quả của Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đợt 4), NTM kiểu mẫu (đợt 3) năm 2023, Hải Phòng có thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu với số phiếu tín nhiệm tuyệt đối là 100%.

Cụ thể, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, gồm: xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên); các xã An Thọ, Mỹ Đức, An Thái (huyện An Lão); xã Hữu Bằng, Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy); xã Việt Hải (huyện Cát Hải); xã Tân Tiến, Đại Bản (huyện An Dương). Đặc biệt, hiện tại, duy nhất có xã An Hồng của huyện An Dương đạt NTM kiểu mẫu.

tm-img-alt
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng thông tin tại hội nghị. Ảnh: Cổng TTĐT TP.

Căn cứ báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng NTM năm 2023, có 02 huyện Vĩnh Bảo và An Lão được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, giai đoạn 2021 – 2025, nâng tổng số 7 huyện của Hải Phòng được công nhận đạt chuẩn NTM.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ đề nghị các địa phương cần khắc phục những tồn tại của năm trước, tiếp tục triển khai hoàn thành 35 xã, trong đó tập trung triển khai hoàn thiện hồ sơ để khởi công 13 xã NTM kiểu mẫu; phấn đấu có thêm 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong năm 2024. 

Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chỉnh lý, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tặng cho đất để xây dựng công trình NTM kiểu mẫu tại 8 xã thí điểm.

Ông Nguyễn Đức Thọ cũng yêu cầu các địa phương chủ động rà soát lại từng tiêu chí, thực hiện cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện NTM nâng cao. Riêng huyện Bạch Long Vĩ phải cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện NTM theo Bộ tiêu chí đặc thù, lập hồ sơ gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

Sạt lở đường lên cửa khẩu Cầu Treo, giao thông tê liệt

Thông tin từ Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 (thuộc Khu quản lý đường bộ 2, Cục Đường bộ Việt Nam), do mưa lớn kéo dài đã khiến khối lượng lớn đất đá từ núi đổ xuống đường, làm giao thông lên cửa khẩu Cầu Treo bị tê liệt.

Cụ thể vào khoảng 16h ngày 25/1, tại km82+286, cầu Eo Cô Gái, đoạn qua xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), hơn 1.000m3 đất đá đổ ập xuống, chắn ngang quốc lộ 8A. Sự cố khiến giao thông qua tuyến đường bị tê liệt hoàn toàn.

tm-img-alt
Hiện trường sạt lở quốc lộ 8A (Ảnh: Internet)

Vị trí sạt lở tại km82+286, cầu Eo Cô Gái, đoạn qua xã Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp tục diễn ra. Sự cố khiến giao thông qua tuyến đường sang Lào bị tê liệt hoàn toàn.

Nắm thông tin, Văn phòng Quản lý đường bộ II.3 phối hợp với Cảnh sát giao thông, lực lượng Biên phòng đặt biển cảnh báo, cử lực lượng túc trực điều tiết giao thông.

Dự kiến sáng 26/1, lực lượng chức năng mới có thể cử nhân lực, máy móc, phương tiện tới giải phóng hiện trường.

Dự án nhà ở xã hội 2.130 tỷ đồng tại Đà Nẵng: Nhiều “ông lớn” quan tâm

Dự án đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp “tên tuổi” như BCG Land, Địa ốc Hoàng Quân, Thuận Việt, Capital House.

Dự án Nhà ở xã hội tại Khu đất B4-1, B4-2 thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 có quy mô 42.783 m2, dự kiến cung cấp khoảng 1.564 căn chung cư. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Dự án Nhà ở xã hội tại Khu đất B4-1, B4-2 thuộc Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 có quy mô 42.783 m2, dự kiến cung cấp khoảng 1.564 căn chung cư. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Dự án có quy mô 42.783 m2, tọa lạc tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng; dự kiến cung cấp khoảng 1.564 căn chung cư. Tổng mức đầu tư Dự án gần 2.130 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).

Có 4 nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án, gồm: Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (gọi tắt là Địa ốc Hoàng Quân); Liên danh Công ty CP BCG Land - Công ty CP Đầu tư phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi); Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô (Capital House) và Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Thuận Việt.

Trong đó, Địa ốc Hoàng Quân được biết đến là doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, không ít dự án của doanh nghiệp này gặp tai tiếng về việc chậm tiến độ, như: Dự án Nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Phú (quy mô 1,4 ha) và Khu công nghiệp Bình Minh (1,66 ha) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long do Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mê Kông (thành viên thuộc Địa ốc Hoàng Quân) làm chủ đầu tư; hay 2 khu CN1 và CN2 thuộc Dự án Nhà ở xã hội Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành, Tiền Giang) do chính Địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư.

Về tình hình tài chính, tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản Công ty đạt 7.321 tỷ đồng, trong đó, số dư tiền khoảng 26,7 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của Công ty ở dạng khoản phải thu (ngắn hạn + dài hạn) là 4.362 tỷ đồng.

Được biết, ngày 14/9/2023, Cục Thuế TP.HCM có thông báo đến Địa ốc Hoàng Quân về tổng số nợ thuế chưa nộp vào ngân sách nhà nước hơn 133,6 tỷ đồng (trong đó, số tiền chậm nộp là 49,69 tỷ đồng).

Địa ốc Hoàng Quân cho biết đang tiếp tục làm việc với Cục Thuế TP.HCM, các tổ chức có liên quan và cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế trong năm 2024.

Về phía Liên danh BCG Land - Tracodi, đây là hai doanh nghiệp thuộc Công ty CP Tập đoàn Bamboo Capital. Trong đó, BCG Land hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản và đang sở hữu nhiều dự án “khủng” như Malibu Hội An, Hội An D'or, King Crown Village… Dù ghi nhận lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 9/2023, nhưng dòng tiền kinh doanh của BCG Land luôn ở mức âm. Trong tháng 9/2023, BCG Land cùng các trái chủ phải điều chỉnh ngày đáo hạn lô trái phiếu quy mô 2.500 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2024 thêm 2 năm.

Trong khi đó, Tracodi là nhà thầu thi công các dự án của BCG Land và Bamboo Capital. Tính đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của Tracodi đạt 9.182 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả ở mức 5.397 tỷ đồng. Việc BCG Land liên danh cùng Tracodi để tham dự dự án trên sẽ giúp liên danh này củng cố thêm năng lực tài chính.

Trong 2 nhà đầu tư còn lại, Thuận Việt được biết đến là chủ đầu tư Dự án Khu dân cư 38,4 ha phường Bình Khánh, Quận 2, TP.HCM (Dự án New City) thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, Thuận Việt cũng là nhà thầu thi công Dự án Căn hộ cao cấp Saigon Pearl, Charmington La Pointe… Tính đến tháng 6/2022, Thuận Việt có vốn điều lệ đăng ký 1.500 tỷ đồng. Trong đó, Tổng giám đốc Võ Văn Bé (sinh năm 1964) sở hữu 95% vốn điều lệ, số còn lại do cá nhân Võ Ngọc Thanh Vân sở hữu.

Với Capital House, công ty này được thành lập năm 2004 với xuất phát điểm là đơn vị nghiên cứu, đầu tư phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Hiện Công ty có vốn điều lệ đăng ký 1.200 tỷ đồng, do ông Trần Công Tưởng đảm nhiệm vị trí Giám đốc. Capital House được biết đến với nhiều dự án nhà ở xã hội (thương hiệu Ecohome) như Ecohome 1, 2, 3 tại phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Ecohome Phúc Lợi tại quận Long Biên, Hà Nội; Ecohome Nhơn Bình tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định và nhà ở thương mại (thương hiệu Ecolife) tại Hà Nội.

Tuyến đường sắt nối 2 thủ đô Thái Lan-Lào sẽ vận hành vào tháng 4/2024

Khi dịch vụ mở rộng bắt đầu, tuyến tàu Bangkok-Nong Khai, khởi hành từ Nhà ga trung tâm Krung Thep Aphiwat (Thái Lan) sẽ được đổi tên thành Bangkok-Vientiane (Khamsavath). (Nguồn: Thaitrainguide)
Khi dịch vụ mở rộng bắt đầu, tuyến tàu Bangkok-Nong Khai, khởi hành từ Nhà ga trung tâm Krung Thep Aphiwat (Thái Lan) sẽ được đổi tên thành Bangkok-Vientiane (Khamsavath). (Nguồn: Thaitrainguide)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Công ty Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) có kế hoạch mở rộng tuyến tàu Bangkok-Nong Khai tới thủ đô Vientiane của nước láng giềng Lào vào tháng Tư năm nay.

Cục trưởng Cục Vận tải đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải Thái Lan, ông Pichet Kunadhamraks cho biết cho đến nay SRT đã vận hành các chuyến tàu từ ga Nong Khai thuộc tỉnh cùng tên ở Đông Bắc Thái Lan đến ga Thanaleng của Lào.

Từ tháng Hai tới, SRT sẽ chạy thử tuyến kéo dài từ ga Nongkhai qua Thanaleng đến ga Khamsavath mới ở Vientiane để chuẩn bị chạy chính thức vào tháng Tư.

Ga Nong Khai cách ga Khamsavath 13km. Giá vé cho hành trình di chuyển khoảng 20 phút này sẽ vào khoảng 60-70 baht (1,68-1,96 USD).

Hiện các quan chức trong ngành đường sắt của Thái Lan và Lào đang nghiên cứu chi tiết về thủ tục nhập cảnh cho tuyến tàu kéo dài mới, với khả năng chỉ kiểm tra vé một lần ở Nong Khai hoặc Vientiane để thuận tiện cho hành khách.

Bên cạnh đó, SRT cũng cho biết các lái tàu của Lào sẽ tiếp quản các chuyến tàu đi Viêng Chăn của SRT tại ga Nong Khai để tránh việc lái tàu Thái Lan bị truy tố tại Lào trong trường hợp xảy ra tai nạn.

SRT đã đào tạo 9 lái tàu Lào cho mục đích này.

Khi dịch vụ mở rộng bắt đầu, tuyến tàu Bangkok-Nong Khai, khởi hành từ Nhà ga trung tâm Krung Thep Aphiwat (Thái Lan) sẽ được đổi tên thành Bangkok-Vientiane (Khamsavath).

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 26/1/2024. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.