Thứ hai, 29/04/2024 20:05 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/7/2023

MTĐT -  Thứ năm, 13/07/2023 17:01 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/7/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 13/7/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Chủ xe sẽ được cấp biển số dựa trên mã định danh kể từ ngày 15/8

Bộ Công an vừa ban hành thông tư mới về cấp và thu hồi đăng ký biển số xe cơ giới, đưa ra nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo thông tư này, việc quản lý biển số xe sẽ được thực hiện dựa trên phương thức định danh, và có các quy định liên quan đến việc chủ xe sở hữu biển số xe từ đấu giá. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8.

Theo đó, biển số xe sẽ được cấp và quản lý dựa trên mã định danh của chủ xe (hay còn gọi là biển số định danh). Biển số định danh bao gồm ký hiệu, series biển số, kích thước của chữ và số, cũng như màu sắc của biển số.

Với chủ xe là công dân Việt Nam, biển số xe sẽ được quản lý dựa trên số định danh cá nhân. Trong trường hợp chủ xe là người nước ngoài, biển số xe sẽ được quản lý theo số định danh của người nước ngoài do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập, hoặc có thể dùng số thẻ thường trú, số thẻ tạm trú, số chứng minh thư khác do cơ quan có thẩm quyền cấp.

tm-img-alt

Chủ xe sẽ được cấp biển số dựa trên mã định danh kể từ ngày 15/8. (Ảnh: Internet)

Đối với chủ xe là tổ chức, biển số xe sẽ được quản lý dựa trên mã định danh điện tử của tổ chức, do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập. Trong trường hợp tổ chức chưa có mã định danh điện tử, quản lý sẽ dựa trên mã số thuế hoặc quyết định thành lập.

Một điểm đáng lưu ý, thông tư quy định rằng khi chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải giữ lại đăng ký và biển số xe, không giao cho chủ mới của xe. Sau đó, chủ cũ của phương tiện phải nộp lại đăng ký và biển số xe cho cơ quan công an để tiến hành thu hồi. Tuy nhiên, đối với trường hợp biển số xe trúng đấu giá, chủ xe được phép chuyển nhượng xe kèm theo biển số.

Khi chủ xe nộp lại biển số định danh, biển số này sẽ được giữ lại tại cơ quan công an trong 5 năm. Trong thời gian này, nếu chủ của biển số định danh mua xe mới, chủ xe sẽ được cấp lại biển số đó. Nếu sau thời hạn 5 năm chưa được đăng ký, số biển số định danh đó sẽ được chuyển vào kho biển số để đăng ký và cấp cho tổ chức hoặc cá nhân khác.

Thông tư mới của Bộ Công an cũng đưa ra quy định về thủ tục đăng ký và quản lý biển số xe trúng đấu giá. Theo đó, tổ chức và cá nhân trúng đấu giá biển số ô tô sẽ thực hiện việc đăng ký xe tại phòng cảnh sát giao thông của địa phương mà họ cư trú hoặc phòng cảnh sát giao thông của địa phương quản lý biển số trúng đấu giá.

Hà Nội: Xử lý dứt điểm dự án chậm tiến độ trong năm 2023

Tin trên PLXH, thời gian tới, UBND TP Hà Nội tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành TP tổ chức rà soát, chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn.

Thời gian qua Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP giao các sở, ngành TP và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm các trường hợp không khắc phục, chưa đưa đất vào sử dụng theo hoặc các tổ chức, cá nhân chây ì, không chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền, tiếp tục vi phạm. Quyết liệt xử lý các dự án chậm triển khai theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo tuân thủ các quy định.

tm-img-alt
Dự án tòa nhà Paragon tại ô A3 Khu đô thị mới Cầu Giấy đang nằm trong diện theo dõi, giám sát

Thời gian tới, UBND TP tiếp tục chủ trì cùng các sở, ngành TP tổ chức rà soát, làm việc với từng UBND quận, huyện, thị xã để chỉ đạo xử lý đối với từng dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn. Phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP theo dõi, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tháo gỡ, xử lý, giải quyết đến từng dự án, cơ bản xử lý xong trong năm 2023.

Đối với các dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai thực hiện rà soát, phân loại khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền để tham mưu đề xuất giải quyết đối với các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Trung ương; tập trung tháo gỡ dứt điểm khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của TP-nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng. Yêu cầu Nhà đầu tư tập trung nguồn lực, cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. UBND các quận, huyện, thị xã chủ động thực hiện công tác quản lý Nhà nước tại địa phương, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.

Tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư. Kiên quyết xử lý, lập hồ sơ chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi đất theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai đã thanh tra, kiểm tra và kết luận, UBND TP phố đã chỉ đạo xử lý, khắc phục nhưng chủ đầu tư không khắc phục...

Vinhomes được phê duyệt đầu tư Khu đô thị hơn 23.000 tỷ đồng ở Hải Phòng

UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Quyết định số 1916/QĐ-UBND, chấp thuận Công ty cổ phần Vinhomes là nhà đầu tư cho dự án xây dựng khu đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy.

Trước đó, vào tháng 2, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã công bố yêu cầu tìm kiếm nhà đầu tư cho dự án này. Vinhomes là đơn vị duy nhất đăng ký tham gia.

Dự án khu đô thị mới tại quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy có diện tích tổng cộng 240,6 ha. Phía bắc của dự án giáp Tỉnh lộ 363, phía tây giáp tuyến đường vành đai 2, phía đông giáp tuyến đường trục đô thị và phía nam giáp tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, diện tích đất trên địa bàn phường Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh) là 107,3 ha và trên địa bàn các xã Đông Phương và Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) là 122,3 ha.

Dự án này được định giá với tổng mức đầu tư là 23.218 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là 21.600 tỷ đồng và chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là hơn 1.600 tỷ đồng.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án Vinhomes Dương Kinh. (Ảnh: Vinhomes).

Dự án bao gồm 69,4 ha dành cho xây dựng nhà ở, bao gồm chung cư cao khoảng 10 tầng (nhà ở xã hội) trên diện tích dự kiến là 13,9 ha, với tổng diện tích sàn dự kiến là 232.000 m2. Nhà ở liền kề có diện tích dự kiến là 36,6 ha với tổng diện tích sàn dự kiến là hơn 1.800 triệu m2 (khoảng 5.000 căn), được xây dựng thô và hoàn thiện mặt ngoài, cùng với hơn 18,8 ha dành cho phát triển biệt thự (khoảng 1.300 căn). Khu vực này cũng bao gồm các công trình thương mại, dịch vụ và công cộng trên diện tích 28,9 ha.

Ngoài các công trình nhà ở, chủ đầu tư cũng dự định xây dựng một trường THPT, 5 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS và một trường liên cấp. Ngoài ra, còn có kế hoạch xây dựng các công viên cây xanh, hồ nước cảnh quan trên diện tích hơn 41,1 ha, cùng với hệ thống đường giao thông nội bộ và hệ thống giao thông kết nối với khu vực lân cận.

Khi hoạt động, khu đô thị mới này sẽ mang tên Vinhomes Dương Kinh và dự kiến có dân số khoảng 48.000 người sinh sống và làm việc.

Trước đó, Vinhomes đã thực hiện hai dự án tại Hải Phòng là Vinhomes Imperial (78,5 ha) và Vinhomes Marina (14,9 ha), được hoàn thành và bàn giao vào các năm 2017 và 2019.

Đề xuất điều chỉnh khung giá vận chuyển hành khách đường bay nội địa

Theo dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản như sau:

Nhóm dưới 500km:  Giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17/2019/TT-BGTVT. Cụ thể, mức tối đa áp dụng cho nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 1.600.000 đồng/vé một chiều, đường bay khác dưới 500 km áp dụng là 1.700.000 đồng/vé một chiều.

Nhóm từ 500 km đến dưới 850 km: Mức giá tối đa đề xuất nới từ 2.200.000 đồng/vé một chiều lên là 2.250.000 đồng/vé một chiều, tăng 50.000 đồng.

Nhóm từ 850 km đến dưới 1.000 km: Mức giá tối đa đề xuất là 2.890.000 đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Nhóm từ 1.000 km đến dưới 1.280 km:  Mức giá tối đa là 3.400.000 đồng/vé một chiều, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.

Nhóm từ 1.280 km trở lên: Mức giá tối đa là 4.000.000 đồng/vé một chiều, cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá vé mà ngược lại, chính sách sẽ tạo điều kiện cho các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, giãn biên độ giữa các mức giá vé, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá vé rẻ nhằm kích cầu, khuyến khích hành khách tham gia giao thông đường không.

Các hãng hàng không sẽ tự quyết định giá vé tương ứng với chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cạnh tranh lành mạnh và tuân theo các quy luật của thị trường.

Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 sẽ là tỉnh công nghiệp hiện đại

Đây là nội dung được nêu trong tờ trình của UBND tỉnh Hải Dương về quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVII mới đây.

Ông Lê Hồng Diên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, có quy mô nền kinh tế lớn trong cả nước. Trong đó, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, giàu bản sắc và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương.

Tầm nhìn đến năm 2050 Hải Dương phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn và toàn vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị tạo sự ổn định cho nền kinh tế.

Hải Dương tập trung phát triển 5 trụ cột chính là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ chất lượng cao; đô thị xanh, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Ba nền tảng hỗ trợ là văn hóa và con người xứ Đông, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đời sống và môi trường văn hóa lành mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; kinh tế số, khoa học công nghệ, hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Bốn trục phát triển không gian gồm Bắc - Nam; Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh và trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. ITN

Tại tờ trình của UBND tỉnh Hải Dương về Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ các phương án phát triển các ngành, lĩnh vực và phương hướng cụ thể phát triển các ngành quan trọng, tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội.

Theo đó, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, đây cũng chính là 4 chiến lược phát triển, bao gồm: Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng 6 liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực; xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai; duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với với khu kinh tế chuyên biệt, CCN hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo.

Về phương án phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, diện tích tự nhiên của tỉnh Hải Dương là hơn 166.800 ha. Trong đó, đất nông nghiệp khoảng 87.000 ha, đất phi nông nghiệp gần 80.000 ha, đất chưa sử dụng khoảng 12 ha. UBND tỉnh Hải Dương đề nghị thu hồi khoảng 20.300 ha (chủ yếu là đất nông nghiệp), chuyển mục đích sử dụng khoảng 18.300 ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đưa khoảng 87 ha đất chưa sử dụng vào cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Tờ trình cũng đưa ra phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện. Theo đó, vùng trung tâm (vùng 1) là vùng đô thị dịch vụ tổng hợp trung tâm với TP Hải Dương là đô thị tổng hợp đa ngành, trung tâm chính trị hành chính của tỉnh, trung tâm kinh tế đa ngành. Vùng này gồm toàn bộ không gian phát triển của TP Hải Dương và các huyện Nam Sách, Gia Lộc.

Vùng phía Tây (vùng 2) là phân vùng phát triển công nghiệp tập trung với quy mô lớn của tỉnh Hải Dương. Vùng này gồm toàn bộ không gian phát triển của các huyện: Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện.

Vùng phía Đông Nam (vùng 3) gồm toàn bộ các huyện: Thanh Hà, Ninh Giang, Tứ Kỳ là vùng phát triển nông nghiệp đặc sản gắn với sản xuất hàng hoá, phát triển các trung tâm công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ theo hướng tiên tiến.

Vùng phía Bắc (vùng 4) gồm toàn bộ TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành. Đây là vùng phát triển tổng hợp đa ngành với các trung tâm kinh tế lớn phía Bắc của tỉnh, trung tâm tổng hợp cấp tỉnh, xây dựng đô thị theo theo đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, đáng sống.

Trước đó, tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh cho biết, Hải Dương là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên các hành lang kinh tế, giao thông phát triển đồng bộ nhưng Tỉnh vẫn chưa có được sự bứt phá trong phát triển kinh tế. Do đó, quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được nhanh; có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.

Theo ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tỉnh Hải Dương xác định rõ quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt quy hoạch của tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của vùng và khu vực.

Phê duyệt quy hoạch Khu đô thị Newhouse City 246 ha tại Thanh Hóa

Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích 246,01 ha (trong đó, xã Hoằng Đức khoảng 239,2 ha; thị trấn Bút Sơn khoảng 6,81 ha).

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo định hướng đầu tư, Khu đô thị Newhouse City bao gồm các khu nhà ở chất lượng cao với các dịch vụ xã hội phục vụ chuyên gia, người lao động tại Khu công nghiệp Phú Quý và các đối tượng khác trên địa bàn huyện và khu vực lân cận.

Trong đó, quy mô dân số hiện trạng khoảng 1.456 người; dân số quy hoạch dự kiến 20.044 người.

Khởi công gói thầu cuối của Cao tốc Châu Đốc-Sóc Trăng vào tháng 9

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có báo cáo sơ kết công tác triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với dự án thành phần 4 đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 58km. Điểm đầu dự án kết nối vào dự án thành phần 3, tỉnh Hậu Giang, điểm cuối giao với tuyến Quốc lộ Nam Sông Hậu và đường dẫn vào cảng Trần Đề, thuộc huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. 

Về vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, UBND tỉnh Sóc Trăng cho hay, địa phương đang lập thủ tục đưa 7 mỏ cát vào dự án. Trong đó, có 2 mỏ gia hạn và 5 mỏ đang khảo sát đánh giá trữ lượng, chất lượng. 

tm-img-alt
Dự án cao tốc đi qua địa phận tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. (Ảnh: Internet)

UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, dự án được triển khai trong khu vực có nền đất yếu, do đó, phải sử dụng khối lượng lớn vật liệu cát để đắp nền đường. Tuy nhiên, tỉnh Sóc Trăng không có mỏ đá, đất sét,... nên phải sử dụng nguồn vật liệu từ ngoài tỉnh, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ và chi phí xây dựng. 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã bàn giao mặt bằng được 145/189km, khoảng 76%. Trong đó, DATP4 qua Sóc Trăng đã bàn giao 47/58,4km, đạt 80%. 

Toàn bộ dự án có 14 gói thầu xây lắp, đã khởi công 4/14 gói thầu vào ngày 17/6/2023. Đối với 10 gói thầu xây lắp còn lại, dự kiến hoàn thành các thủ tục để khởi công gói thầu cuối cùng vào tháng 9/2023. 

Hiện nay, chủ đầu tư các dự án đang chỉ đạo nhà thầu các gói thầu đã khởi công triển khai các công việc: Tiếp nhận mặt bằng thi công, huy động công trường, tập kết máy móc thiết bị thi công, xây dựng lán trại,... hiện đang thi công đào bóc hữu cơ và làm đường công vụ.

Về vật liệu đắp nền, tổng nhu cầu cát đắp nền cho toàn dự án khoảng 28,91 triệu m3, riêng năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3, năm 2025 cần 8,95 triệu m3. 

Trong đó, chỉ tính riêng dự án thành phần 4 qua Sóc Trăng, nhu cầu vật liệu khoảng 7,56 triệu m3 (năm 2023 cần 1,52 triệu m3, năm 2024 cần 3,4 triệu m3, năm 2025 cần 2,64 triệu m3). Tỉnh Sóc Trăng đã có phương án bố trí các mỏ trên địa bàn để cung cấp đủ cát cho dự án. 

Dự án Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng tổng chiều dài khoảng 189,4km được chia làm 4 dự án thành phần đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm An Giang dài 57km, thành phố Cần Thơ dài 37,4km, Hậu Giang dài 36,68km, Sóc Trăng dài 58,4km; quy mô phân kỳ 4 làn xe rộng 17m.

Công trình này có tổng mức đầu tư là 44.691 tỷ đồng; cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.

Đầu tư kinh phí gần 190 tỷ đồng sửa chữa trụ sở UBND TP.HCM

Trụ sở HĐND và UBND TP HCM tại số 86 Lê Thánh Tôn, quận 1 sẽ được cải tạo với kinh phí gần 190 tỷ đồng nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc, hội họp, tiếp khách.

Quyết định trên được HĐND TP HCM khóa X thông qua sáng 12/7. Kinh phí từ ngân sách thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2023-2025, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Nơi làm việc của chính quyền TP HCM được xây dựng năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.

tm-img-alt
Chi gần 190 tỉ đồng  tu sửa trụ sở HĐND và UBND TP.HCM. (Ảnh: Internet)

Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP HCM. Đây cũng là công trình có tính biểu tượng của thành phố.

Khi dự án được triển khai, khối nhà A sẽ được bố trí lại, bổ sung trang thiết bị nội thất cho các phòng làm việc. Khối nhà B sửa chữa, cải tạo các công trình hiện hữu, sân đường nội bộ trong khuôn viên.

Theo UBND TP HCM, sau hơn 100 năm sử dụng, tòa nhà trụ sở đã bị xuống cấp, hư hỏng, một số phòng làm việc được cải tạo lại có diện tích chưa đảm bảo điều kiện làm việc. Trong đó, mặt tiền khối nhà B xuất hiện vết nứt, sơn nước hoen ố, bong tróc xuống cấp; các cửa gỗ cũ, hư hỏng gây mất thẩm mỹ; bậc cấp các lối vào, thang bộ bị sứt mẻ...

Cùng với một số công trình như Nhà thờ Đức Bà, Nhà hát Lớn, Bưu điện TP, Tòa án nhân dân TP..., trụ sở HĐND và UBND TPHCM là một trong những di sản kiến trúc Pháp còn lại của TPHCM. Năm 2020, toà nhà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng

Cụ thể, dự án đường Hồ Chí Minh từ Chơn Thành đến Đức Hòa có tổng chiều dài gần 73km (không tính cầu vượt và nút giao với quốc lộ 22 đã được đầu tư).

Điểm bắt đầu của dự án nằm tại Km 10+00, xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối cùng là khoảng Km 82+750, giao với quốc lộ N2 (hiện là đường Hồ Chí Minh), thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Trong giai đoạn phân kỳ, dự án sẽ được đầu tư xây dựng với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường trên 12m và bề rộng mặt đường trên 11m. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ được mở rộng thành quy mô 6 làn xe, với bề rộng nền đường trên 32m.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ngoài ra, dự án cũng bao gồm việc xây dựng 14 công trình cầu trên tuyến đường. Trong số đó, 11 công trình cầu sẽ tiếp tục được hoàn thiện, và 3 công trình cầu mới sẽ được xây dựng (bao gồm cầu Trảng Bàng, cầu An Hòa và cầu Rạch Nhum).

Tổng mức đầu tư cho dự án này là gần 2.300 tỷ đồng. Trong đó, chi phí cho giai phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư (đã tính cả phần dự phòng) là hơn 264 tỷ đồng; chi phí xây dựng là hơn 1.667 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác ước tính là trên 125 tỷ đồng; và chi phí dự phòng là gần 236 tỷ đồng.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2023 và hoàn thành vào năm 2025.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 13/7/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...