Thứ hai, 29/04/2024 17:15 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 2/11/2023

MTĐT -  Thứ năm, 02/11/2023 16:54 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/11/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 2/11/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3636/UBND-SXD, triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Căn cứ Nghị quyết của Chính phủ, UBND thành phố giao các sở, ngành; UBND cấp huyện theo chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, lĩnh vực quản lý, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Mục 10, Phần III Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11-3-2023 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện thủ tục hành chính liên thông; thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4, tuyệt đối không đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục liên quan đến việc triển khai dự án bất động sản do cơ quan, đơn vị mình chủ trì thực hiện; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát công tác giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, không để kéo dài thời gian, tồn đọng công việc.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã… chủ động rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về: Thẩm định hồ sơ thiết kế cơ sở dự án, công trình; cấp giấy phép xây dựng; trật tự xây dựng (theo quy định, phân cấp, ủy quyền của thành phố); tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về xây dựng; báo cáo UBND thành phố kịp thời để tháo gỡ vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố để kịp thời có biện pháp, giải pháp phù hợp ổn định tình hình, giữ cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…

Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện chủ động rà soát, bố trí dành quỹ đất để phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và thiết chế công đoàn (nhà ở công nhân) khi tham mưu tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hoặc điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định của pháp luật về nhà ở, quy hoạch kiến trúc và pháp luật hiện hành.

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Báo cáo đề xuất UBND thành phố định kỳ hằng quý (trước ngày 20 tháng cuối quý), trong đó báo cáo cụ thể các thông tin về vị trí, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, quy mô các quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị và các quỹ đất dành để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đầu tư phát triển xây dựng mới nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện dự án nhà ở nhằm tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản…

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc lập danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo biểu mẫu ban hành kèm theo Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20-4-2023 của Bộ Xây dựng; báo cáo UBND thành phố để thực hiện cho vay ưu đãi theo chương trình của Chính phủ…

Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội chủ trì theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và ưu tiên đề xuất bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”…

Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất thành phố khẩn trương rà soát, đánh giá, báo cáo đề xuất UBND thành phố xem xét, ban hành các quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, dự án bất động sản trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố theo trình tự thủ tục rút gọn…

Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị hướng tới phát triển bền vững

Chiều 01/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc tổ chức Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác về phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị. Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; Bộ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Han Wha Jin, lãnh đạo Đại sứ quán Hàn Quốc và các đơn vị thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc.

Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị hướng tới phát triển bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi Lễ ký kết.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong hợp tác song phương và đa phương 30 năm qua, kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992.

Quan hệ của hai nước đã phát triển ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022 tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới.

Ngày 03/6/2013, Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Xây dựng Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc phát triển cơ sở hạ tầng môi trường đô thị, qua đó đã kết nối các doanh nghiệp của hai nước hoạt động trong lĩnh vực cấp nước, nâng cao năng lực cho khối quản lý nhà nước về cấp nước.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng mong muốn hai bên tập trung vào những nội dung hợp tác như: Tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng cơ chế chính sách về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó BĐKH hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững; Kinh nghiệm và thực tiễn quản lý môi trường đô thị, quản lý rác thải đô thị và quản lý đất đai đô thị của Hàn Quốc.

Bộ Môi trường Hàn Quốc hỗ trợ Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước và Nghị định hướng dẫn Luật; Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ các dự án ODA cho Bộ Xây dựng về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị và tiếp tục duy trì các Chương trình hỗ trợ đào tạo cho cán bộ quản lý nhà nước của Việt Nam về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Hai nước cùng tạo điều kiện tăng cường hợp tác doanh nghiệp xây dựng, để đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch đô thị, đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, thúc đẩy phát triển đô thị tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, Bộ Xây dựng luôn khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng Hàn Quốc tham gia các dự án đầu tư khu đô thị xanh thông minh, KCN xanh, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý chất thải khi Việt Nam đang có nhu cầu cả về số lượng và công nghệ.

Hà Nội: Thi tuyển phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát

Đây là dự án giao thông huyết mạch khu vực Tây Bắc Thủ đô Hà Nội nối quận Bắc Từ Liêm sang huyện Đông Anh. Cầu được thiết kế 8 làn xe, chiều dài 820m, chiều rộng 33m.

Đối tượng dự thi phương án kiến trúc công trình cầu Thượng Cát là các cá nhân, tổ chức tư vấn thiết kế trên khắp cả nước, có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia.

Các tổ chức, cá nhân dự thi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, hồ sơ dự thi trực tiếp đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội tại số 01 Quang Trung (Hà Đông, TP.Hà Nội).

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Thời gian nộp hồ sơ thi tuyển phương án kiến trúc (giai đoạn thi tuyển) trong vòng 45 ngày kể từ ngày đơn vị tổ chức cuộc thi phát hành thông báo về các cá nhân, tổ chức vượt qua giai đoạn sơ tuyển được tham dự giai đoạn thi tuyển.

Việc đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát giúp đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong việc đầu tư toàn tuyến đường vành đai 3,5.

Đồng thời góp phần kết nối liên thông đại lộ Thăng Long và quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh và các địa phương khu vực phía Bắc sông Hồng.

Dự án cũng giúp giảm tải lưu lượng cho tuyến đường 70, đường Vành đai 3 và hình thành các tuyến đường hạ tầng khung quan trọng trên địa bàn Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Việt Nam đặt mục tiêu vận hành đường sắt tốc độ cao năm 2045

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 178 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 sẽ hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Công tác lập đề xuất chủ trương đầu tư các tuyến đường sắt xây dựng mới, đường sắt đô thị cũng được triển khai. Các tuyến đường sắt đã có được nâng cấp, cải tạo.

Việt Nam sẽ khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc Nam năm 2030, ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang. Một nửa chiều dài đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM được khai thác. Một số đường sắt đô thị tại các thành phố từ một triệu dân cũng được xây dựng.

Năm 2045, Việt Nam sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Các tuyến khu đầu mối TP HCM và Hà Nội được hoàn thành. Mạng lưới đường sắt đô thị tại hai đô thị lớn nhất cả nước cũng hoàn thành.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó có nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Các thành phần kinh tế được kêu gọi tham gia kinh doanh đường sắt và dịch vụ hỗ trợ vận tải.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Kết luận của Bộ Chính trị hồi tháng 3/2023 đặt mục tiêu đến 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công giai đoạn 2026 - 2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước 2045.

Hiện có 2 phương án đường sắt tốc độ cao. Bộ GTVT tháng 2/2019 trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh, thành. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h.

Cuối năm 2022, tư vấn thẩm tra dự án đã nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ 350km/h và kiến nghị phương án vừa chở khách, vừa chở hàng, tốc độ khai thác 225km/h cho tàu khách, 160km/h cho tàu hàng, vốn đầu tư hơn 61 tỷ USD. Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước đã yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu thêm phương án này.

Văn phòng Chính phủ ngày 18/10 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục xương sống.

Hải Phòng: Chuẩn bị mở bán gần 300 căn nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Xây dựng Thành phố Hải Phòng có Văn bản số 5734/SXD-QLN về việc thông báo 296 căn hộ chung cư nhà ở xã hội thuộc Toà CT1 hình thành trong tương lai đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh tại Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị - dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ (Evergreen Tràng Duệ) xã Lê Lợi, Xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.

Được biết, dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ được UBND thành phố Hải Phòng chấp thuận Chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư số 995/QĐ-UBND ngày 14/4/2023. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (SHP).

Dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ nằm trong KĐT Seoul Ecohome Tràng Duệ. Mục tiêu của dự án là cung cấp những căn nhà ở xã hội chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần giải quyết vấn đề chỗ ở cho người lao động trong các KCN, cán bộ, công chức, viên chức, người thu nhập thấp, cùng các đối tượng khác đủ điều kiện theo quy định trên địa bàn.

Dự án được xây dựng trên diện tích 31,369 m2 gồm 10 toà chung cư cao 15 tầng với tổng số 2.538 căn hộ. Thời gian thi công xây dựng hoàn thành công trình dự kiến từ Quý II/2023 đến Quý IV/2025.

Hiện tại, toà CT1 đang thi công phần thân, đổ sàn tầng 4, tiến độ 5-7 ngày/ tầng. Dự kiến cất nóc vào tháng 01/2024, các hạng mục như cảnh quan, hệ thống tiện ích cũng đang được song song xây dựng và hoàn thiện.

tm-img-alt
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ. (Ảnh: Internet)

Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, 296 căn hộ chung cư nhà ở xã hội Evergreen Tràng Duệ đã được Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Công trình Xây dựng Hải Phòng thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công tại Văn bản số 16/2023/TĐ-HCDC ngày 24/04/2023; Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn – Hải Phòng (Chủ đầu tư) phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và Dự toán Khu nhà ở xã hội thuộc dự án Khu đô thị - dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ tại Quyết định số 22.2023/SHP-QĐ ngày 27/04/2023 và đã được Sở Xây dựng Hải Phòng cấp Giấy phép Xây dựng số 15/GPXD ngày 28/04/2023, phù hợp với quy định về điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Cụ thể, tầng 1 số lượng 16 căn hộ/tầng; từ tầng 2 đến tầng 16 số lượng 20 căn hộ/tầng.

Sở hữu thiết kế thông minh, đa dạng diện tích từ căn studio, căn hộ 1 ngủ tới căn hộ 2 ngủ, tầm nhìn toàn cảnh Núi Voi, sông Ông Tuấn và thành phố Hải Phòng, Evergreen Tràng Duệ là lựa chọn phù hợp cho những gia đình trẻ. Dự án không chỉ sở hữu hầm đỗ xe thông minh rộng 20.058m2, công viên cây xanh riêng tư giữa các toà nhà mà còn thừa hưởng trọn vẹn ưu thế hạ tầng đô thị - kỹ thuật - xã hội được quy hoạch một cách bài bản của toàn KCN Tràng Duệ với trường học liên cấp và đơn vị phòng cháy chữa cháy riêng của từng dự án.

Theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất  1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338, TP.Hải Phòng được giao chỉ tiêu hoàn thành 33.500 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó: Giai đoạn 2022 - 2025 là 15.400 căn, giai đoạn 2026 - 2030 là 18.100 căn.

Theo thông tin từ UBND TP.Hải Phòng, giai đoạn 2022 - 2023, địa phương đã đưa khoảng 1.080 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào sử dụng. Đồng thời, chấp thuận, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 20.000 căn.

Với quyết tâm hoàn thành vượt chỉ tiêu 33.500 căn nhà ở xã hội trước năm 2030, TP.Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 15.400 căn hộ; giai đoạn 2026 - 2030: xây dựng vượt chỉ tiêu 18.100 căn hộ

Thừa Thiên Huế: Mời gọi đầu tư Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn hơn 4.316 tỷ đồng

Mục tiêu: Nhằm hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 06/6/2023; góp phần làm thay đổi diện mạo xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy).

Hình thành khu đô thị có chất lượng môi trường sống cao, được phát triển đồng bộ, hiện đại theo mô hình đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái gắn liền với các thiết chế công cộng, dịch vụ đô thị, kết hợp phát triển kinh tế, du lịch bền vững, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân, nhu cầu mua sắm và các dịch vụ liên quan khác.

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung, thị xã Hương Thủy nói riêng, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trong và ngoài địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Dự án có diện tích đất dự kiến sử dụng khoảng 566.860m2. Công suất thiết kế khoảng 1.000 căn nhà ở dạng thấp tầng (gồm nhà liền kề, biệt thự) và khoảng 118.000m2 sàn thương mại dịch vụ cùng với các thiết chế về giáo dục (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) và thể dục thể thao phục vụ cho dân cư trong Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn. Dân số dự án khoảng 3.500 người.

Khu đô thị kiểu mẫu với các loại hình nhà ở thấp tầng (liền kề, biệt thự) được xây dựng đồng bộ (tối thiểu xây thô hoàn thiện kiến trúc mặt ngoài), trung tâm thương mại dịch vụ và văn phòng cho thuê, các thiết chế về giáo dục và thể dục thể thao.

Quy mô kiến trúc xây dựng dự kiến: Căn cứ Quyết định số 1304/QĐ-UBND ngày 06/6/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy). Diện tích đất xây dựng tối đa 157.933m2; diện tích sàn xây dựng tối đa 505.775m2.

Dự án không thuộc trường hợp phải bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong và ngoài phạm vi dự án. Nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật thuộc phạm vi dự án theo đúng bản vẽ Quy hoạch chi tiết xây dựng và hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và bàn giao cho các đơn vị tiếp nhận sau khi hoàn thành.

Nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và phải bảo hành đối với công trình chuyển giao theo quy định của pháp luật. Đối với công trình đã qua sử dụng, trước khi chuyển giao phải tiến hành đánh giá chất lượng, giá trị và hoàn thành các công tác bảo trì cần thiết.

Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa chuyển giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và đảm bảo chất lượng vận hành. Nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng và kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật nhà ở và pháp luật có liên quan.

UBND thị xã Hương Thủy có trách nhiệm đôn đốc, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư, xây dựng dự án đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương đầu tư đã chấp thuận và quy hoạch được phê duyệt. Dự án lựa chọn nhà đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Yêu cầu cắt tỉa cỏ dại mọc tràn vào làn khẩn cấp cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Theo phản ánh, những ngày qua, trên cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây đoạn từ nút giao với QL56 (thuộc huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) đến nút giao tỉnh lộ 765 (thuộc H.Xuân Lộc, Đồng Nai) dài hơn 15 km đang bị cỏ dại mọc lan cả vào cao tốc.

Cụ thể, cỏ dại mọc hai bên ngoài hành lang đường, nhưng đã phát triển tươi tốt rồi vươn vào bên trong. Có đoạn từng đám cỏ xanh lớn đã vươn vào chiếm đến một nửa làn dừng khẩn cấp trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

tm-img-alt
Cỏ dại mọc lan vào cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây (Ảnh: Internet)

Sau khi có thông tin phản ánh, Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban QLDA cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đã yêu cầu các nhà thầu tiến hành cắt tỉa để tạo thông thoáng cho mặt đường, đảm bảo an toàn giao thông.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, đi qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Đoạn qua Bình Thuận dài 47,7km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,3km. 

Dự án đã thông xe vào dịp lễ 30/4 vừa qua, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bình Thuận còn từ 2-2,5 giờ.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 2/11/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...