Thứ bảy, 27/04/2024 17:19 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/6/2023

MTĐT -  Thứ năm, 22/06/2023 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/6/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 22/6/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của QH về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Trong đó, phân công ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn; các Phó Trưởng đoàn gồm: ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội;

Phạm vi giám sát được xác định là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.

Thông qua việc giám sát để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Bắc Giang: Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu đô thị Việt Yên

Điều chỉnh bổ sung quy hoạch tầng hầm tại lô đất có ký hiệu HH-01 (diện tích khoảng 9.088m2). Cụ thể, bổ sung quy hoạch tầng hầm: < 02 tầng; mật độ xây dựng tầng hầm: < 80% diện tích lô đất HH-01; điều chỉnh hệ số sử dụng đất lô đất ký hiệu HH-01 từ 0,5 lần thành < 5 lần.

tm-img-alt
Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang hiện nay. Ảnh TL

Điều chỉnh chức năng, bổ sung quy hoạch tầng hầm tại lô đất có ký hiệu CT01 (diện tích khoảng 10.329m2). Cụ thể, bổ sung quy hoạch tầng hầm: < 02 tầng; mật độ xây dựng tầng hầm: < 80% diện tích lô đất CT01; điều chỉnh hệ số sử dụng đất lô đất ký hiệu HH-01 từ 0,6 lần thành < 6 lần; điều chỉnh chức năng lô đất từ nhà ở xã hội cao tầng thành nhà ở cao tầng để bảo đảm cảnh quan đô thị, tăng hiệu quả sử dụng đất và tăng sức hấp dẫn khi thực hiện thu hút đầu tư.

Các nội dung khác thực hiện theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, điều chỉnh.

Sở Xây dựng, UBND huyện Việt Yên chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định, có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Đô thị Bắc Ninh phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm

Ngày 20/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 728/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045.

Theo phê duyệt, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là 05 đơn vị hành chính, gồm: thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 49.137 ha. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.

Quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.

Xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn hóa, sinh thái, đô thị thông minh, hướng tới kinh tế tri thức.

Tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Làm căn cứ pháp lý để quản lý quy hoạch; lập chương trình phát triển đô thị, đề án nâng loại cho các đô thị trực thuộc; xây dựng chính sách phát triển và triển khai tiếp công tác đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

tm-img-alt
Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

Về mô hình cấu trúc phát triển, đô thị Bắc Ninh phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, gồm 07 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD), được giới hạn bởi các “nêm xanh” (là các tuyến sông kênh, mặt nước sinh thái, công viên, làng xóm, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái đặc trưng) và 03 hành lang phát triển gồm:

- Hành lang đô thị dịch vụ dọc quốc lộ 1A (Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh). Dọc hành lang sẽ phát triển tập trung theo 3 khu vực đô thị hiện hữu là Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn, được giới hạn phát triển bởi các nêm xanh.

- Hành lang đô thị công nghiệp dọc quốc lộ 18 (Yên Phong - Bắc Ninh - Quế Võ). Phát triển các khu vực đô thị gắn với các khu công nghiệp tập trung, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ tạo điều kiện cho phát triển hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp.

- Với hành lang sinh thái dọc sông Đuống, sông Cầu, bảo vệ và phát triển hành lang sinh thái dọc tuyến sông. Bố trí các công trình dịch vụ công cộng, dịch vụ sinh thái, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị khác với mật độ thấp, ưu tiên phát triển cây xanh, cảnh quan, mặt nước dọc hành lang các tuyến sông; quy hoạch các khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực Yên Phong, Quế Võ, Tiên Du.

Quy hoạch định hướng kết nối đô thị lõi với hành lang phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc quốc lộ 17, nối từ Quế Võ - Gia Bình - Thuận Thành; hành lang phát triển đô thị dịch vụ dọc Quốc lộ 38 và đường vành đai 4; hành lang du lịch văn hóa tâm linh kết nối Từ Sơn, Tiên Du với Thuận Thành dọc tuyến đường tỉnh 276.

Về định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó, bố trí 12 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 4.800 ha, trong đó cập nhật khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh và khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 theo điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018; bổ sung khu công nghiệp tại các xã Phượng Mao, Yên Giả và Mộ Đạo với diện tích khoảng 150 ha. Chuyển đổi khu công nghiệp Hanaka hiện hữu sang chức năng đô thị.

Đến năm 2045, bố trí 32 cụm công nghiệp với tổng quy mô khoảng 856 ha; chuyển đổi 13 cụm công nghiệp sang đô thị, thương mại, dịch vụ với tổng diện tích khoảng 310 ha. Bổ sung đất cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 188 ha.

Xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Bắc Ninh, diện tích khoảng 250 ha.

Hà Nội sắp thông qua đề án đưa Đông Anh lên quận

Theo đề án, Đông Anh được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía bắc Thủ đô.

Quận Đông Anh được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 185 km2, dân số 437.000 người và 24 xã, thị trấn hiện có. Đông Anh có 24 phường gồm: Đông Anh, Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh, Xuân Nộn.

Về địa giới hành chính, phía đông quận giáp TP Từ Sơn và huyện Yên Phong (Bắc Ninh); phía tây giáp huyện Mê Linh và huyện Đan Phượng; phía nam giáp huyện Gia Lâm, quận Long Biên; phía bắc giáp huyện Sóc Sơn với ranh giới là sông Cà Lồ. Hiện Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan...).

Chính quyền huyện đã tổ chức lấy ý kiến cử tri và đại biểu HĐND các cấp. Kết quả cho thấy hơn 99% đồng ý với đề án thành lập quận Đông Anh và các phường. Cử tri kiến nghị giữ nguyên một số tên gọi có ý nghĩa văn hóa, lịch sử lâu đời của địa phương; tiếp tục đầu tư nhà văn hóa, khu vui chơi, điểm sinh hoạt cộng đồng; quan tâm hơn nữa vấn đề môi trường, nước sạch.

tm-img-alt

Hà Nội sắp thông qua đề án đưa Đông Anh lên quận. (Ảnh: Internet)

Đông Anh cách sân bay quốc tế Nội Bài 13 km, có nhiều tuyến đường huyết mạch đi qua như Thăng Long - Nội Bài (đường Võ Văn Kiệt), cao tốc Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp), quốc lộ 5 kéo dài (gồm đường Trường Sa và Hoàng Sa), quốc lộ 3... Có hai tuyến đường sắt chạy qua Đông Anh là tuyến nối trung tâm TP Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Lào Cai.

Địa bàn có hai khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh; ba cụm công nghiệp Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà. Ngoài ra, huyện có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Trạm khắc gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Hà, Thụy Lâm, Liên Hà; nghề sơn mài và sản xuất đồ gỗ ép phun sơn ở xã Liên Hà, Bắc Hồng, Thụy Lâm; nghề sản xuất thép và cơ khí ở xã Dục Tú.

Ngoài những khu đô thị, khu dân cư tập trung hiện hữu, huyện đã và đang hình thành các khu đô thị mới như: Eurowindow River Park thuộc khu tái định cư Đông Hội, Kim Chung.

Theo UBND huyện Đông Anh, việc thành lập quận sẽ tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng kinh tế của huyện nói riêng và toàn TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, lên quận cũng sẽ có những khó khăn nhất định, nhất là cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thói quen, lối sống về bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế.

Tháo gỡ khó vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Công điện do Thủ tướng ký ban hành gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Hậu Giang.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. TL

Nội dung công điện: Để đạt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên tối đa nguồn lực đầu tư phát triển các dự án đường bộ cao tốc. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết trong đó có các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho phép rút ngắn các thủ tục khai thác các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác để đáp ứng kịp thời nhu cầu vật liệu của các dự án.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Công điện và Văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về cấp, khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường... Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (sau đây gọi tắt là Dự án) đã được khởi công từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 nhưng đến nay tại một số gói thầu còn vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng thông thường. Ủy ban nhân dân các tỉnh mới hoàn tất thủ tục đăng ký khai thác cho 14 mỏ trong tổng số 51 mỏ đã được Chủ đầu tư, nhà thầu trình.

Sau khi hoàn thiện các thủ tục xác nhận đăng ký khai thác, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận giá chuyển nhượng, đền bù với người dân khu vực mỏ khai thác vật liệu xây dựng; điều này làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thi công của nhà thầu. Nguyên nhân chính là một số các cơ quan, địa phương chưa nỗ lực, tích cực triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.

Thái Bình: Nhà đầu tư quan tâm dự án Khu dân cư đô thị xã Thăng Long

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình, có 3 nhà đầu tư, gồm: Công ty CP Địa ốc Kim Thi; Liên danh Công ty CP PLD Phú Lâm - Công ty CP Tập đoàn Hóa chất nhựa; Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng.

Nhà đầu tư trúng thầu sẽ thực hiện Dự án trên diện tích đất quy hoạch là 88.316,69 m2 tại xã Đông Hợp, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; quy mô dân số khoảng 2.360 người.

tm-img-alt
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tổng số căn nhà ở là 288 căn. Trong đó, chủ đầu tư xây dựng phần thô hoàn thiện mặt ngoài tại 66 lô đất có mặt tiền tiếp giáp với tuyến đường gom đường Quốc lộ 39 để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thấp tầng cho người mua.

Tiến độ đầu tư là 30 tháng kể từ ngày có quyết định giao đất.

Trình Thủ tướng chủ trương đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài trong tháng 6/2023

Để sớm hoàn thiện phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án này, tại văn bản số 4593/VPCP-CN ngày 21/6/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP HCM hoàn thiện hồ sơ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư cao tốc TP HCM - Mộc Bài trong tháng 6/2023.

Về Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và UBND TP HCM, UBND tỉnh Bình Phước thống nhất phương án tài chính của dự án, xác định rõ cơ cấu vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và khả năng cân đối nguồn vốn cho dự án.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

UBND tỉnh Bình Phước hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong tháng 6/2023, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng quy định.

Cao tốc TP HCM - Mộc Bài có chiều dài khoảng 53,5 km với điểm đầu giao với đường vành đai 3 thuộc huyện Hóc Môn, TP HCM và điểm cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Tây Ninh.

Dự án sẽ được phân kỳ đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT và chia làm hai giai đoạn. Ở giai đoạn 1, xây dựng đoạn TP HCM - Trảng Bàng, Tây Ninh với quy mô 4 làn xe tiêu chuẩn và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 4 làn xe (đường cao tốc hạn chế).

Giai đoạn 2 xây dựng đoạn TP HCM - Trảng Bàng với quy mô 8 làn xe và đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài với quy mô 6 làn xe. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và hoàn thành năm 2027.

Dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 140 km, điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tuyến đường này có quy mô 6 làn xe nhưng theo sơ bộ tính toán trường hợp phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe bề rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80-100 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng. Dự án do liên danh tập đoàn Vingroup – Techcombank lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

TP.HCM khởi công xây dựng tuyến metro hơn 2 tỷ USD

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, dự án metro số 2 là một trong hai dự án đường sắt quan trọng quốc gia đang được triển khai trên địa bàn TP.HCM.

Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng hơn 2 tỷ USD (tương đương khoảng 47 nghìn tỷ đồng). Giai đoạn 1, từ Bến Thành đến Tham Lương có tổng chiều dài khoảng 11,3km, trong đó có 9,3km đi ngầm và 2km đi trên cao, với 11 nhà ga, chạy dọc đường Cách Mạng Tháng Tám và Trường Chinh, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú, cùng với khu vực đỗ tàu, depot Tham Lương tại Quận 12 với diện tích 25 ha.

Dự án được tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách của Thành phố.

tm-img-alt
Các đại biểu bấm nút khởi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật dự án metro số 2 (Bến Thành- Tham Lương) với kinh phí hơn 2 tỷ USD. (Ảnh: Internet)

Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết, việc khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và không gian ngầm, để bàn giao cho các nhà thầu chính thi công nhà ga, đường hầm vào đầu năm 2025.

“Việc chuẩn bị mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 nhằm khai thác vào năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng.

Chủ đầu tư cam kết cùng với các nhà thầu, tư vấn và các bên tham gia dự án nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, di dời và tái bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật tuyến tàu điện ngầm số 2 đảm bảo an toàn, chất lượng, hiệu quả”, lãnh đạo MAUR khẳng định.

Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220km với kinh phí hơn 25 tỷ USD. Vừa qua, TP tập trung thực hiện dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sẽ hoàn thành trong năm nay.

Việc khởi công hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 (Bến Thành - Suối Tiên) nhằm đẩy nhanh tiến độ tuyến này. Ngoài ra, TP cũng đang trình chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 kết nối nối tuyến metro số 1 đến metro số 2 từ Tân Cảng đến ngã tư Bảy Hiền.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến metro số 2 rất quan trọng, dọc theo tuyến có nhiều hạng mục lớn như di dời đường điện cao thế, đường điện hạ thế, tuyến đường ống cấp thoát nước, hệ thống cây xanh, chiếu sáng, thông tin tín hiệu liên lạc. Đây là bước triển khai rất quan trọng để bắt đầu triển khai thi công.

Thời gian tới, TP sẽ nỗ lực thực hiện hoàn thành hạng mục di dời kỹ thuật, công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo 100% mặt bằng sạch trước khi thực hiện hạng mục chính, đặc biệt là những dự án có vốn ODA có yêu cầu rất khắt khe trong quản lý hợp đồng. Hôm nay đánh dấu bước đầu tiên triển khai thi công ngoài hiện trường cho tuyến metro số 2.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 22/6/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề