Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 24/10/2023
Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/10/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 24/10/2023 trên moitruongvadothi.vn.
Chung cư ở Hà Nội đồng loạt tăng giá
Báo cáo về thị trường nhà ở và thị trường bất động sản quý III của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý vừa qua, chung cư là loại hình ít bị ảnh hưởng nhất bởi các tác động tiêu cực của thị trường. Lý do là bởi loại hình này phục vụ nhu cầu ở thực.
Theo đó, mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi. Minh chứng là nhu cầu tìm mua chung cư trong quý III đã tăng 1% và nhu cầu tìm thuê cũng tăng 6% so với quý II. Trong đó, các căn hộ có giá 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất; tại các thành phố lớn hiện đã có dấu hiệu hấp thụ tốt, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng tại khu vực lõi trung tâm.
Tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý III tăng gần 7% theo quý, tăng 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Giá bán chung cư sơ cấp ghi nhận đà tăng do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng trên 90%. Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp trong quý III tăng so với quý II; trong đó, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm tăng trên 3%.
Căn hộ chung cư bình dân hiện có giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Đơn cử như giá chào bán tại dự án Anland Premium Dương Nội (quận Hà Đông) là khoảng 31 triệu đồng/m2, dự án One 18 Ngọc Lâm (quận Long Biên) khoảng 27,5 triệu đồng/m2, dự án Eurowindow River Park (huyện Đông Anh) khoảng 25,2 triệu đồng/m2, dự án Phương Đông Green Home (quận Long Biên) khoảng 32 triệu đồng/m2.
Căn hộ chung cư trung cấp có giá bán 30 - 50 triệu đồng/m2. Giá chào bán tại một số dự án như Moonlight 1 - An Lạc Green Symphony (huyện Hoài Đức) khoảng 39 - 42 triệu đồng/m2; Hoàng Thành Pearl (quận Nam Từ Liêm) khoảng 45 - 50 triệu đồng/m2; phân khu Sakura của Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) khoảng 43 triệu đồng/m2; phân khu The Miami của Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) khoảng 46 triệu đồng/m2.
Căn hộ chung cao cấp có giá chào bán ở ngưỡng trên 50 triệu đồng/m2. Điển hình như dự án TNR The Nosta (quận Đống Đa) khoảng 60 - 75 triệu đồng/m2; Chung cư Han Jardin (quận Bắc từ Liêm) từ 51 - 82 triệu đồng/m2; tòa West B thuộc phân khu Mastery West Highs - Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm) khoảng 61 triệu đồng/m2.
Tại TP HCM, trong quý III, số lượng căn hộ mở bán mới đa phần đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Khoảng 60% nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm đến từ một dự án khu đô thị ở phía Đông. Khoảng 96% nguồn cung mới của quý III đến từ phân khúc cao cấp và 4% còn lại thuộc phân khúc hạng sang, từ giai đoạn tiếp theo của một dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ TP HCM trong quý vừa qua đạt hơn 60 triệu đồng/m2.
Trên thị trường thứ cấp, giá trung bình đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Trong khi đó, giá căn hộ thứ cấp ở phân khúc hạng sang và bình dân gần như giữ nguyên so với quý II. Mức tăng theo quý chủ yếu là do tăng giá thứ cấp ở phân khúc cao cấp và trung cấp, nhất là đối với các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh hay TP Thủ Đức.
Về giá bán cụ thể tại các dự án, những sản phẩm căn hộ chung cư bình dân ghi nhận mức giá từ 25 - 35 triệu đồng/m2. Đơn cử như giá chào bán tại dự án căn hộ studio Diyas Sky (quận Tân Bình) khoảng 25,5 - 32 triệu đồng/m2; dự án Căn hộ Citi Alto khoảng 29 - 34 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, các căn hộ chung cư trung cấp có giá từ 30 đến dưới 50 triệu đồng/m2. Ở quận 7, dự án An Gia Skyline có giá chào bán khoảng 39 triệu đồng/m2, dự án Happy Valley khoảng 48,2 triệu đồng/m2. Ở quận 8, dự án căn hộ Royal Park Riverside có giá chào bán khoảng 35 triệu đồng/m2.
Đối với căn hộ chung cư cao cấp, hầu như mức giá ở ngưỡng trên 50 triệu đồng/m2. Có thể kể đến phân khu The Beverly Solari - Vinhomes Grand Park (quận 9) có giá chào bán trong khoảng 47 - 66 triệu đồng/m2; dự án Empire City - The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm giá khoảng 200 triệu đồng/m2; dự án Thảo Điền Green tại quận 2 giá khoảng 100 triệu đồng/m2.
Bộ GTVT đề xuất bổ sung quy định trụ sạc điện tại trạm dừng nghỉ
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ (Quy chuẩn 43), sửa đổi bổ sung nhiều quy định liên quan đến xe điện.
Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ (QCVN 43:2012) đã thực hiện hơn 10 năm, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.
Hiện nay, sự phát triển công nghệ mới đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó nổi lên là sự phát triển của ô tô sử dụng điện, năng lượng xanh đã làm thay đổi phương thức cung cấp năng lượng.
Theo Quyết định số 876 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành GTVT, đến năm 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh; hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, hạ tầng giao thông xanh trong GTVT; Xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức... liên quan đến chuyển đổi phương tiện, thiết bị GTVT sử dụng điện, năng lượng xanh trong giai đoạn 2023-2030.
Do vậy, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về trụ sạc điện/trạm cung cấp năng lượng xanh vào QCVN về trạm dừng nghỉ đường bộ để tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc nhằm cung cấp năng lượng, bảo đảm hỗ trợ sự vận hành liên tục của phương tiện giao thông đường bộ trong tương lai, đặc biệt là các phương tiện kinh doanh vận tải.
Tại Dự thảo mới, Bộ GTVT đề xuất bổ sung các khái niệm cơ bản về xe điện, trạm sạc điện phương tiện đường bộ, thiết bị cấp điện cho xe điện, xe hybrid điện và xe hybrid điện nạp ngoài.
Dự thảo cũng bổ sung quy định hạng mục trụ/thiết bị sạc điện, đổi pin cho xe ô tô điện và trạm biến áp, trạm phát điện dự phòng đối với công trình dịch vụ thương mại.
52 dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhằm góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp
Theo đó, 20 tỉnh (Vũng Tàu, Trà Vinh, Bắc Giang, Tây Ninh, TPHCM, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Bình Thuận) đã công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Cụ thể, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay vốn là 24.655 tỷ đồng; 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay vốn là 1.229 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng, cụ thể như Công ty Minh Phương tại tỉnh Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc tại tỉnh Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu tại TP. Hà Nội được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, với số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý II/2023 là 12 dự án có quy mô 12.679 căn, các địa phương đã tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội.
Trong thời gian tới cần sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các cấp chính quyền, sự quan tâm của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để thúc đẩy hoàn thành 110 dự án với quy mô 100.213 căn đang triển khai xây dựng.
Cùng với đó cần khẩn trương thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư đối với 309 dự án với quy mô 292.422 căn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư để đạt mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Xây dựng bộ chỉ số chung cho phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Sáng ngày 24/10/2023, tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (AMC/Học viện), Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc đã tổ chức Hội nghị sơ kết năm 2023 phía Hàn Quốc Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (gọi tắt là Dự án VKC).
Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan thuộc Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc; Bộ Xây dựng Việt Nam có đại diện Cục Phát triển Đô thị, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, các chuyên gia và một số đơn vị liên quan.
Ngày 12/5/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết định số 38/QĐ-BXD Phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc thực hiện Dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng”. Dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển đô thị thông minh bền vững đến năm 2030 và tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam – Bộ Đất đai, hạ tầng, Giao thông Hàn Quốc nói riêng. Dự án VKC được triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh công tác thực hiện Đề án 950 thông qua việc xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.
Ông Lê Hoàng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị - Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Chúng tôi mong muốn thông qua dự án sẽ hỗ trợ việc phát triển đô thị thông minh của Việt Nam một cách hiệu quả. Bộ chỉ số đô thị thông minh là nội dung rất quan trọng, Cục Phát triển Đô thị thời gian qua đã phối hợp 3 bên triển khai rất hiệu quả, điển hình là tiến hành xây dựng Bộ chỉ số gồm 60 chỉ số phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin truyền thông Việt Nam sẽ phối hợp thống nhất làm một bộ chỉ số chung cho xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Đây là nội dung ban hành cho tất cả các địa phương trên cả nước triển khai trong thời gian tới.
Ngay sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt, nhiều nội dung nghiên cứu đã được các đơn vị phía Hàn Quốc triển khai thực hiện, chia sẻ các kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển đô thị thông minh, so sánh với bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam, từ đó bước đầu đưa ra một số khuyến nghị bộ chỉ số cho quy trình công nhận đô thị thông minh. Các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong việc lồng ghép những giải pháp công nghệ, hướng tiếp cận mới để thí điểm vào một khu vực Quy hoạch phân khu đã được đặt ra và bước đầu đã lựa chọn được địa bàn để thí điểm tại Việt Nam. Trên cơ sở các định hướng khuyến nghị về việc hoàn thiện pháp lý, thí điểm vào quy hoạch đô thị của Việt Nam, các mô hình, giải pháp công nghệ cụ thể sẽ được trình diễn tại Trung tâm hợp tác Việt-Hàn (VKC). Mô hình thiết kế Trung tâm VKC bước đã được các chuyên gia Hàn Quốc phối hợp với phía Việt Nam để đưa ra ý tưởng cũng như từng bước hoàn thiện thiết kế để triển khai đầu tư lắp đặt. Các kết quả nghiên cứu sẽ được tích hợp vào nội dung chương trình và tài liệu đào tạo về đô thị thông minh, triển khai đào tạo bồi dưỡng thí điểm trong năm 2023 cho các đơn vị, địa phương tại Việt Nam để từng bước hiện thực hóa Đề án 950 của Chính phủ về phát triển đô thị Việt Nam thông minh bền vững.
Dù năm tài khóa của Hàn Quốc kết thúc vào cuối tháng 10 hàng năm, năm tài khóa của Việt Nam kết thúc vào cuối tháng 12 nhưng hai bên đã phối kết hợp tích cực để thực hiện hiệu quả Dự án. Năm 2023, cả 4 hợp phần chính của Dự án là: Xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh;
Thành lập Trung tâm VKC (Trung tâm Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc về Đô thị thông minh và Công nghệ xây dựng); Tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ và hợp tác đào tạo về đô thị thông minh đều được tích cực triển khai và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Bà Phạm Thị Hồng My – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Xây dựng trao đổi: Là thành viên tham gia dự án ngay từ thời kỳ đầu hoạt động còn rất khó khăn vì phải làm việc trực tuyến, nhưng đến hôm nay tôi rất vui mừng vì Dự án đạt theo đúng mục tiêu, tiến độ đề ra. Có được kết quả như vậy là sự phối kết hợp làm việc tích cực của các cơ quan hai nước. Tôi hy vọng các kết quả đạt được trong năm nay sẽ tạo động lực thúc đẩy để hai bên đạt được các những quả đề ra trong thời gian tiếp theo. Xin cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc, Bộ đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc, Đại Sứ quán Hàn Quốc và các đơn vị trực tiếp thực hiện đã luôn hỗ trợ tích cực để dự án thành công.
Ông Park Jae Huyn – Giám đốc Dự án VKC phía Hàn quốc trình bày báo cáo sơ kết năm 2023 với các kết quả nổi bật như: Hoàn thành dự án thí điểm 3D, Thiết kế, xây dựng khu An Vân Dương – TP Huế là khu đô thị mẫu, điển hình về đô thị thông minh gồm giao thông thông minh, an ninh an toàn trong đô thị; đô thị thông minh với năng lượng thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, du lịch thông minh, truyền thông thông minh,…
Xây dựng Ebook luôn cập nhật nội dung mới, các video giảng dạy về đô thị thông minh tại Việt Nam; Thực hiện đào tạo bồi dưỡng về đô thị thông minh theo hướng đào tạo mới với phương pháp tổng hợp và phân tích bám sát yêu cầu phía Việt Nam. Cuốn từ điển từ ngữ chuyên ngành gồm 800 từ về đô thị thông minh gồm 3 thứ tiếng: Anh – Hàn Quốc và Việt Nam.
Dự án đã và đang tiến hành xây dựng Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn gồm 1.600 m2 tại Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị gồm khu triển lãm công nghệ, khu đào tạo có phòng học thông minh, khu vực trải nghiệm công nghệ thông minh 3D, các không gian làm việc, thảo luận, hợp tác trao đổi công nghệ kỹ thuật đô thị thông minh ở Tây Hồ Tây.
Đây là khu dự án có diện tích 860 ha, xây dựng khu living lab để giới thiệu cho người dân về những hệ thống an toàn và công nghệ kỹ thuật số digital, trong đó có những tòa nhà cộng đồng lắp đặt công nghệ thông minh để người dân trải nghiệm và nâng cao nhận thức, ngoài ra còn có nhà chờ thông minh và hệ thống đèn báo thông minh tại các giao lộ để giảm thiểu va chạm và tai nạn giao thông, cột quảng cáo... phòng living lab triển lãm những mô hình công nghệ 3D kết hợp hiệu ứng ánh sáng,...
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị đều khẳng định: Dự án đang đi đúng mục tiêu và khối lượng đặt ra. Dự án sẽ tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Ông Lưu Đức Minh – Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Giám đốc Dự án VKC phía Việt Nam và các đơn vị liên quan của hai nước đã trao đổi những nội dung các bên cùng phối kết hợp thực hiện sao cho thật hiệu quả trong thời gian tới.
Việc Việt Nam tiếp nhận nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc cho lĩnh vực phát triển đô thị thông minh thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật này thực sự cần thiết và hữu ích trong bối cảnh Việt Nam đang ở bước đầu xây dựng đô thị thông minh.
Dự án sẽ hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành, công tác lập quy hoạch phát triển đô thị trên toàn quốc một cách bền vững thông qua: (i) xây dựng hướng dẫn về đô thị thông minh và thí điểm áp dụng quy trình công nhận đô thị thông minh; (ii) thực hiện thí điểm thành công quy hoạch tổng thể đô thị thông minh; (iii) tăng cường năng lực, trao đổi và hợp tác đào tạo công nghệ về đô thị thông minh để tiến tới hình thành được chuỗi đô thị thông minh trên phạm vi cả nước vào năm 2030. Bên cạnh đó, kết quả của Dự án sẽ mang lại những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho Việt Nam nói chung và Bộ Xây dựng nói riêng trong việc triển khai Đề án 950 “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đọan 2018-2025 và định hướng đến năm 2030”.
Lâm Đồng: Lũ quét cuốn trôi xe jeep chở khách khiến 4 người gặp nạn
Theo thông tin ban đầu, trận lũ quét xảy ra bất ngờ vào trưa cùng ngày, quét qua con suối trong Khu du lịch Làng Cù Lần.
Thời điểm xảy ra lũ quét có 1 xe jeep đang chở khách khám phá khu du lịch, khiến chiếc xe bị lật úp, lũ cuốn 4 người ra xa (trong đó có du khách người nước ngoài).
Sau một thời gian tìm kiếm, nhân viên khu du lịch đã tìm thấy 2 người, trong đó có 1 nạn nhân đã tử vong, 1 người khác bị thương được đưa đi cấp cứu. Hiện tại còn 2 người khác đang mất tích.
Đến 15 giờ 30 ngày 24/10, công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân mất tích tiếp tục được lực lượng chuyên nghiệp của tỉnh Lâm Đồng gấp rút triển khai.
Kiến nghị dừng thu phí nếu không sửa chữa hư hỏng trên tuyến Quốc lộ 19
Ngày 23/10, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định cho biết, đang tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 giám sát công tác khắc phục, xử lý các bất cập, hư hỏng, ổ gà tại Quốc lộ 19, do Công ty TNHH BOT 36.71 khai thác thu phí.
Trước đó, theo báo cáo của Văn phòng Quản lý đường bộ (QLĐB) III.4 gửi Khu QLĐB III vào ngày 9/10, trên đoạn đường Quốc lộ 19 do Công ty TNHH BOT 36.71 (Công ty BOT 36.71) khai thác thu phí, xuất hiện tình trạng hư hỏng, sình lún mặt đường ở nhiều vị trí.
Công tác vệ sinh mặt cầu, đường dẫn đầu cầu và công tác thanh thải chưa đạt yêu cầu. Ngoài ra, chưa bổ sung cọc tiêu bị gãy, chưa xóa vạch sơn kẻ đường, tấm đan bị vỡ chưa thay thế…
Trước tình trạng đường liên tục hư hỏng, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát tổng hợp toàn bộ các hư hỏng, bất cập tồn tại trên tuyến Quốc lộ 19, đoạn theo hình thức hợp đồng BOT.
Nếu chưa được khắc phục theo các văn bản yêu cầu của tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho dừng thu phí theo quy định.
Ông Trần Thái Hoà – Trưởng Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 cho biết, qua kiểm tra lại, những vị trí hư hỏng, bất cập đoạn theo hình thức hợp đồng BOT trên Quốc lộ 19 tại Bình Định, đã được sửa chữa.
"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi việc này", ông Hoà nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho hay, sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 giám sát công tác khắc phục, xử lý các bất cập, hư hỏng, ổ gà tại Quốc lộ 19, do Công ty TNHH BOT 36.71 khai thác thu phí.
Trước đó, năm 2022, do chậm khắc phục tình trạng hư hỏng mặt đường, gây mất an toàn giao thông, trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 19 tại tỉnh Bình Định cũng từng bị kiến nghị tạm dừng thu phí.
T.Anh (T/h)