Chủ nhật, 28/04/2024 10:09 (GMT+7)

Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/10/2023

MTĐT -  Thứ hai, 23/10/2023 16:47 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức 24h nóng nhất, mới nhất hôm nay 23/10/2023 tin tức thời sự, tin tức pháp luật, tin tức tai nạn giao thông, môi trường, đô thị, xã hội, thể thao...

Từ 15h ngày 23/10, giá xăng tăng gần 500 đồng mỗi lít

Chiều 23/10, liên Bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo trong kỳ điều chỉnh mới, áp dụng từ 15h cùng ngày. Theo đó, các mặt hàng xăng, dầu đều đồng loạt tăng nhẹ...

Cụ thể, cơ quan điều hành quyết định tăng 458 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92 và tăng 469 đồng/lít đối với xăng RON 95. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.365 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.513 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 79 đồng/lít, có giá mới là 22.489 đồng/lít. Dầu hỏa cũng tăng 289 đồng/lít, có giá là 22.753 đồng/lít. Dầu mazut có giá 16.613 đồng/kg sau khi tăng 375 đồng/kg.

tm-img-alt
Từ 15h chiều nay 23/10, giá xăng tăng gần 500 đồng mỗi lít (Ảnh: Nguyễn Vũ)

Như vậy, sau khi giảm hai phiên kể từ đầu tháng 10 thì giá xăng dầu đã bật tăng trở lại. Tính từ ngày 3/7, giá xăng đã tăng tới 8 lần, giữ nguyên 1 lần và giảm 2 lần.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập cũng như không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công Thương cho rằng phương án điều hành giá xăng dầu mới nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước, cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý, để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 29 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu với 17 kỳ tăng, 8 kỳ giảm và 4 kỳ giữ nguyên giá bán.

Nguyên nhân vụ vỡ tường dẫn nước nhà máy thủy điện ở Gia Lai

Sở Công Thương tỉnh Gia Lai vừa kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc tổ chức thi công nhà máy thủy điện Ia Glae 2, trong đó, tập trung làm rõ năng lực của đơn vị thi công; biện pháp thi công, đặc biệt là việc tổ chức thi công trong mùa mưa lũ. Đồng thời, đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định hiện hành.

Qua xem xét, đánh giá hiện trạng công trình sau sự cố, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và nội dung biện pháp tổ chức thi công được duyệt, Sở Công Thương khẳng định: "Chủ đầu tư và đơn vị thi công xây dựng công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2 chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung, trình tự, biện pháp thi công trong mùa mưa lũ khi thi công phần tường thượng lưu (nối tiếp phần tường đã hoàn thành ở cao trình 346,0m); không đảm bảo tiến độ thi công phần thân đập; chưa cập nhật kịp thời diễn biến bất thường của thời tiết; chưa có biện pháp gia cố, bảo đảm an toàn phần tường thượng lưu nên khi xuất hiện lũ lớn đã bị cuốn trôi".

tm-img-alt
Tường dẫn nước nhà máy thủy điện Ia Glae 2 ở Gia Lai bị vỡ do nhà thầu chưa tuân thủ biện pháp thi công

“Sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Chư Prông đã thành lập tổ điều tra sự cố công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2 để làm rõ nguyên nhân, đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Khi có kết luận chính thức về sự cố công trình, Sở Công Thương sẽ phối hợp với UBND huyện Chư Prông tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Gia Lai triển khai các bước tiếp theo”, báo cáo nên rõ.

Giải trình về vụ việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty CP thủy điện Khải Hoàng (chủ đầu tư công trình nhà máy thủy điện Ia Glae 2) cho biết, từ giữa tháng 8/2023 đến ngày 8/10, thời tiết thất thường, không ổn định. Do chủ quan khi đánh giá thời tiết theo kinh nghiệm ở vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng nên đơn vị chủ động tranh thủ lúc thời tiết nắng để thi công tiếp phần tường thượng lưu và phần đập còn lại.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong lúc đang chuẩn bị thi công tiếp một phần tường bê tông trọng lực thì từ ngày 3/10 xảy ra mưa gần như liên tục với lưu lượng lớn. Đặc biệt, từ trưa ngày 7 đến 8/10 mưa to trên diện rộng, nước đổ về đột ngột, tốc độ dòng chảy lớn tạo thành lũ làm gãy một phần tường.

Trên 400 cán bộ bảo vệ rừng ở Kon Tum xin nghỉ việc

Tin trên VOV, thông tin từ Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho thấy trong 401 người làm công tác quản lý bảo vệ rừng từ năm 2018 đến hết tháng 8/2023 xin nghỉ việc có 6 kiểm lâm; 222 người làm việc tại các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và 173 người làm việc tại các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp.

Tình trạng người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc được Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum xác định do môi trường làm việc nặng nhọc, áp lực về trách nhiệm và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng.

tm-img-alt
Rừng trồng ở huyện Kon Plông bị cháy (Ảnh chụp tháng 4/2020)

Cụ thể, lực lượng kiểm lâm hiện hưởng lương 8h/ngày song phải chịu trách nhiệm về diện tích rừng địa bàn quản lý là 24/24 giờ; do lực lượng mỏng nên các ngày nghỉ, ngày lễ người lao động vẫn phải trực và chịu trách nhiệm về diện tích rừng quản lý; công việc thường ngày của lực lượng bảo vệ rừng phải lao động ngoài trời, đi tuần tra bảo vệ rừng, phòng chống cháy rất nặng nhọc, nguy hiểm nhưng lại chưa được quy định trong danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại; hiện tại chưa có quy định rõ về chức năng, quyền hạn, chế độ, chính sách của lực lượng chức năng bảo vệ rừng…

Trước tình trạng người làm công tác quản lý bảo vệ rừng không mặn mà với nghề, xin nghỉ việc, được biết UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ có chính sách đặc thù cho lực lượng kiểm lâm nói riêng và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nói chung. Cùng với đó UBND tỉnh Kon Tum cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng lập phương án khoán rừng và đất lâm nghiệp để người lao động nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, đồng thời phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập để gắn bó với rừng, yên tâm công tác.

Vụ tố cáo 'vòi tiền chạy tại ngoại': 11 cá nhân vi phạm quy định của ngành

Tin trên Tiền Phong, liên quan vụ tố cáo 'vòi tiền chạy tại ngoại', qua kiểm tra, xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau khẳng định, không đủ cơ sở kết luận có hành vi 'nhận hối lộ' nhưng có đủ cơ sở xử lý 11 cá nhân vi phạm về quy trình, quy định của ngành.

Liên quan vụ tố cáo "vòi tiền chạy tại ngoại" ở Cà Mau, ngày 23/10, ông Lê Tuấn Hải, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: Qua kiểm tra, xác minh không đủ cơ sở kết luận các cá nhân có hành vi "nhận hối lộ".

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công vụ, các cá nhân đã vi phạm về quy trình, quy định của ngành. Từ kết quả xác minh, làm rõ, đến nay, Giám đốc Công an tỉnh đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 10 cá nhân; Viện trưởng VKSND tỉnh đã kiểm điểm, xử lý trách nhiệm 1 cá nhân có liên quan.

tm-img-alt
Viện KSND huyện Học Hiển. Ảnh: PV.

“Trong số 11 người nêu trên có những cá nhân liên quan trực tiếp đến vụ việc, có người phải chịu trách nhiệm với vai trò người đứng đầu”, ông Hải thông tin thêm.

Liên quan vụ việc, trước đó, Viện KSND tỉnh Cà Mau cũng ban hành kết luận số 125 ngày 23/8, trong đó xác định nội dung tố cáo ông N.T.Đ. (kiểm sát viên) có hành vi "vòi tiền" trong khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao là "tố cáo sai sự thật".

Đối với đơn tố cáo ông P.T.N. (Phó Viện trưởng Viện KSND huyện Ngọc Hiển) có dấu hiệu nhũng nhiễu khi thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, nội dung thông báo cho rằng: "Xét thấy có dấu hiệu nhưng chưa đủ chứng cứ để kết luận".

An Giang buộc tháo dỡ 10 homestay trái phép trên Núi Cấm

Tin trên Báo Giao thông, Ngày 23/10, Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định hủy bỏ một nội dung văn bản chỉ đạo liên quan đến các homestay không phép trên Núi Cấm của cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư.

Nội dung bị hủy bỏ là chỉ đạo trước đó của ông Trần Anh Thư, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Cụ thể là: "Đối với các homestay xây dựng tự phát, trước mắt giao UBND huyện Tịnh Biên (nay là thị xã Tịnh Biên) quản lý. Yêu cầu các chủ homestay giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp phát sinh xây cất mới không đảm bảo quy định".

tm-img-alt
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ban hành quyết định hủy bỏ nội dung yêu cầu các chủ homestay xây không phép trên Núi Cấm giữ nguyên hiện trạng.

Lãnh đạo UBND tỉnh An Giang cho biết, các sở ban ngành đã thống nhất phương án tháo dỡ các homestay xây không phép trên Núi Cấm.

Theo tìm hiểu, tình trạng xây dựng homestay trái phép trên Núi Cấm nở rộ từ năm ngoái. Mỗi tháng, các cơ sở này tổ chức lưu trú cho hàng nghìn lượt khách. Khi phát hiện, chính quyền địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính, song những cơ sở lưu trú này vẫn ngang nhiên hoạt động.

Cuối năm 2022, ông Trần Anh Thư, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang quyết định cho các công trình này tồn tại với điều kiện giữ nguyên hiện trạng và giao thị xã Tịnh Biên quản lý, lập quy hoạch. Do đó, khi bị chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động và đề xuất buộc tháo dỡ, chủ các homestay đã phản đối vì cho rằng chủ trương của địa phương không nhất quán.

Theo ước tính của Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm, mỗi tháng các homestay này phục vụ khoảng 7.000 lượt người, cao điểm du khách phải đặt trước vài tháng mới có chỗ. Giá lưu trú mỗi đêm 300.000 - 500.000 đồng/người.

Núi Cấm cao hơn 700m và là ngọn núi cao nhất miền Tây. Năm 2002, tỉnh An Giang có chỉ thị về xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng trên Núi Cấm. Theo đó, một mặt tận dụng lợi thế thiên nhiên để phát triển du lịch, song yêu cầu rà soát, không để phát sinh dân cư mới và nghiêm cấm xây dựng trái phép trên núi.

Khu du lịch Núi Cấm được phê duyệt diện tích trên 1.000ha, có 9 phân khu chức năng: khu cáp treo và lâm viên Núi Cấm rộng hơn 50ha; khu du lịch Hồ Tà Lọt 120ha và khu du lịch núi Cấm hơn 850ha.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 23/10/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau