Thứ hai, 29/04/2024 11:53 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 3/8/2023

MTĐT -  Thứ năm, 03/08/2023 16:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 3/8/2023 trên moitruongvadothi.vn.

Đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 297/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tiền tệ, ngân hàng, trong đó hoàn thiện dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đúng tiến độ, chất lượng theo tinh thần bám sát vào thực tiễn và lấy ý kiến tham gia đầy đủ của các đối tượng điều chỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định trách nhiệm rõ ràng và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, bổ sung các quy định, công cụ để kiểm soát. Nghiên cứu luật hóa mối quan hệ giữa ngân hàng và người đi vay, quyền đòi nợ để nâng cao trách nhiệm người đi vay.

Tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung, không để sơ hở, trục lợi, khoảng trống pháp lý gây mất an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

tm-img-alt
Dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa.

Tập trung điều hành tăng trưởng tín dụng với cơ cấu hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào sản xuất, kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, có kiểm soát, tuân thủ quy luật thị trường, cạnh tranh lành mạnh. Tiếp tục các giải pháp đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và 15 nghìn tỷ đồng cho ngành sản xuất đồ gỗ, thủy sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm chi tiêu, cắt bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để có dư địa giảm lãi suất, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh theo tinh thần lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ.

Tiếp tục điều hành ổn định thị trường ngoại hối, ổn định giá trị đồng Việt Nam; nghiên cứu thực tiễn điều hành trong thời gian vừa qua để rút ra các bài học kinh nghiệm, phát huy hiệu quả hơn nữa các kết quả đã đạt được.

Khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện các khung khổ pháp lý, có công cụ kiểm soát rủi ro, nghiên cứu phân biệt giữa trái phiếu phát hành bởi các tổ chức kinh tế và các định chế để có cơ chế quản lý phù hợp.

Tạo lập kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát liên thông giữa thị trường tiền tệ, tín dụng với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tiễn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bắc Giang: Phê duyệt dự án đầu tư đường giao thông đoạn từ cầu Bến Tuần đi cầu Bỉ Nội hơn 175 tỷ

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 175 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, thực hiện từ năm 2023 đến năm 2026, chủ đầu tư dự án là Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng ĐT.295 đoạn cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội, huyện Tân Yên
Ảnh minh họa.

Dự án có chiều dài đoạn tuyến khoảng 11,23km; điểm đầu dự án tại Km31+330,6 (đầu cầu Bến Tuần phía huyện Tân Yên); điểm cuối kết thúc tại Km42+555,63 (cầu Bỉ Nội). Chiều rộng nền đường Bn=12m, chiều rộng mặt đường Bm=11m.

Nội dung đầu tư dự án gồm các hạng mục: Nền, mặt đường; hệ thống thoát nước dọc, thoát nước ngang; công trình cầu và hệ thống an toàn giao thông trên tuyến.

Dự án đầu tư xây dựng ĐT.295 đoạn cầu Bến Tuần đi thị trấn Cao Thượng và đoạn thị trấn Cao Thượng đi cầu Bỉ Nội, huyện Tân Yên nhằm góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh nói chung và tuyến ĐT.295 nói riêng.

Đồng thời, tăng cường kết nối không gian vùng thông qua mạng lưới kết cấu đường bộ của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia trong khu vực, giúp nâng cao năng lực lưu thông cho tuyến ĐT.295, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường, tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn và củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh khu vực.

Hà Tĩnh: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong phát triển đô thị thông minh

Hà Tĩnh: Triển khai phát triển ICT đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh
Ảnh minh họa.IT

Thực hiện Văn bản số 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/6/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) phát triển đô thị thông minh và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, căn cứ tình hình, yêu cầu thực tiễn của địa phương để tham mưu UBND tỉnh triển khai phát triển đồng bộ các nội dung về quy hoạch và quản lý đô thị thông minh theo Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950); báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 31/12/2023.

Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương và các cơ quan liên quan chủ động rà soát các Đề án liên quan đến phát triển đô thị thông minh để kịp thời cập nhật, bổ sung các nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án 950 và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.

Sau khi UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt các Đề án triển khai đô thị thông minh, trên cơ sở Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh phiên bản 1.0, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của tỉnh, bảo đảm gắn kết, kế thừa các thành phần chức năng của Kiến trúc với Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh, phiên bản 2.0.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của pháp luật phục vụ phát triển đô thị thông minh.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả triển khai đô thị thông minh trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 về việc công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); hoàn thành, báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh trước ngày 20/11/2023. Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích mang lại của đô thị thông minh để người dân, doanh nghiệp cùng tham gia với chính quyền ngay từ khi bắt đầu triển khai đô thị thông minh.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 12/3/2021 của UBND tỉnh về triển khai Hệ thống giám sát và điều hành thông minh; phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia và các đơn vị liên quan tham mưu việc kết thúc triển khai thí điểm và đề xuất phương án triển khai Hệ thống giám sát và điều hành thông minh trong giai đoạn tiếp theo; hoàn thành và báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8/2023.

Các Sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các nội dung về phát triển đô thị thông minh trong ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 2333/BTTTT-CĐSQG ngày 20/6/2023 về việc triển khai ICT phát triển đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phát triển đô thị thông minh trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị, qua Trung tâm Văn hóa - Truyền thông cấp huyện và hệ thống truyền thanh cấp xã. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến việc phát triển đô thị thông minh trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý.

Đà Lạt: Tiếp tục nâng cấp, đồng bộ hệ thống giao thông đô thị

Tuy nhiên, sau triển khai mở rộng xuất hiện một số vị trí lại phát sinh có nguy cơ tiếp tục gây mất an toàn giao thông cần quan tâm, nghiên cứu điều chỉnh, đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Nút giao Trần Quốc Toản - Sương Nguyệt Ánh có độ chênh dốc cao
Nút giao Trần Quốc Toản - Sương Nguyệt Ánh có độ chênh dốc cao

Cụ thể, tại nút giao Trần Quốc Toản - Sương Nguyệt Ánh sau khi điều chỉnh được bố trí thêm vòng xuyến, tuy nhiên, đoạn phía trên và dưới vòng xuyến có độ dốc rất lớn, từ 13 - 18% nên thực tế các phương tiện khi đi qua nút giao này bị khuất tầm nhìn, và độ dốc này cũng không đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành. Qua thông tin phản ánh của người dân, đặc biệt là của các tài xế xe tải nặng khi đi từ hướng Trần Quốc Toản lên Sương Nguyệt Ánh thường gặp khó khăn qua nút giao này và dễ gây ách tắc cục bộ và mất an toàn giao thông.

Mới đây, Sở Xây dựng sau quá trình giám sát kiểm tra, đón nhận ý kiến của người dân cũng đã đề nghị UBND TP Đà Lạt xem xét phương án xử lý đối với nút giao Trần Quốc Toản - Sương Nguyệt Ánh để đảm bảo an toàn và đảm bảo các yếu tố kỹ thuật theo quy chuẩn hiện hành, tránh xảy ra xung đột gây ách tắc cục bộ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách trong quá trình tham gia giao thông.

Mục tiêu trong giai đoạn 2023 - 2026 của thành phố là tập trung nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường nội thành và tiếp tục khắc phục tháo gỡ những tồn tại ở một số nút giao thông đã triển khai nhằm nâng cao chất lượng giao thông đô thị của thành phố.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ 2023 - 2026, thành phố sẽ triển khai Dự án Nâng cấp đường Phù Đổng Thiên Vương (Phường 8), khu vực có đông đúc dân cư, gần các trường đại học lớn, các trường phổ thông của thành phố. Dự tính thành phố sẽ đầu tư gần 278,5 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường này với chiều dài 2.450 m, từ nút giao thông ngã 5 Đại học đến đoạn ngã 3 đường Thánh Mẫu. Tuyến đường tiếp theo cũng được đưa vào kế hoạch để nâng cấp, mở rộng là đường Hoàng Văn Thụ đoạn từ nút giao đường Trần Phú - 3 Tháng 2 - Trần Lê đến giao lộ Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Quân thuộc địa bàn Phường 4 và Phường 5.

Chiều dài đã được tính toán chuẩn bị nâng cấp mở rộng là 1.343 m với vốn đầu tư gần 139,5 tỷ đồng. Dự án mở rộng, nâng cấp đường Trần Lê dự kiến cũng sẽ được triển khai trong năm 2023 với chiều dài 680 m, bao gồm tuyến chính đường Trần Lê dài 300 m và tuyến nhánh dài 380 m với số vốn dự kiến là 22,5 tỷ đồng. Dự tính sẽ thi công từ 2023 - 2025. Đường Bùi Thị Xuân địa bàn Phường 2 và Phường 8 cũng sẽ được nâng cấp mở rộng với chiều dài 1.551 m từ đường Trần Quốc Toản - Hồ Xuân Hương đến ngã 5 Đại học với số vốn đầu tư dự kiến là 110 tỷ đồng, trong giai đoạn 2023 - 2024.

Ngoài dự án đường giao thông, UBND TP Đà Lạt cũng đang lập kế hoạch triển khai lắp đặt đèn tín hiệu, nâng cấp cải tạo 10 nút giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỷ đồng có thể triển khai trong năm nay nhằm tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, hiệu quả, tránh xung đột, ùn tắc giao thông trong thời gian cao điểm ở khu vực dân cư và phương tiện đông đúc.

Cụ thể, dự định sẽ tổ chức giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, kết hợp với mở rộng mặt đường, vỉa hè, thoát nước đối với 7 nút giao tại Hải Thượng - Hai Bà Trưng - Hoàng Diệu, Ngô Quyền - La Sơn Phu Tử - Nguyễn An Ninh, Hai Bà Trưng - La Sơn Phu Tử, Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Công Trứ, Tản Đà - Hai Bà Trưng, Tản Đà - Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi - Đồng Tâm.

Thành phố cũng sẽ đầu tư mở rộng mặt đường, hoàn thiện vỉa hè, thoát nước các nút giao thông khu vực Thánh Mẫu - Mai Anh Đào, Nguyễn Đình Chiểu - Sương Nguyệt Ánh, Phan Đình Phùng - Xô Viết Nghệ Tĩnh - La Sơn Phu Tử.

Việc nỗ lực nâng cấp, chỉnh trang, mở rộng, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố nhằm hướng đến xây dựng thành phố văn minh, thân thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển cả về kinh tế - xã hội, thúc đẩy thu hút du lịch, đưa Đà Lạt đến gần hơn với hình ảnh một thành phố thông minh, thân thiện, hiện đại.

Bình Định: Phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường 1.118 tỷ đồng

Dự án tuyến đường kết nối đường chuyên dụng phía Tây Khu kinh tế Nhơn Hội với tuyến đường ven biển Cát Tiến – Diêm Vân có điểm đầu tại Nút T26, điểm cuối tại Nút T24, Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.118 tỷ đồng, với tổng chiều dài toàn tuyến là 13,2 km.

Việc đầu tư dự án nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040 và Đồ án quy hoạch các phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp đô thị Nhơn Hội (Phân khu 04), Khu đô thị du lịch Nhơn Hội (Phân khu 03).

tm-img-alt
Phê duyệt chủ trương đầu tư tuyến đường hơn 1.118 tỷ đồng tại Khu kinh tế Nhơn Hội. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, tăng cường kết nối giao thông các địa phương phía Đông ven biển của tỉnh với trung tâm thành phố Quy Nhơn; nhiệm vụ kết nối giao thông khu vực với đường ven biển Cát Tiến – Diêm Vân thông qua cầu Thị Nại 3 (theo quy hoạch), kết nối Cảng hàng không Phù Cát và các dự án phía Bắc của Khu kinh tế với Cảng Nhơn Hội. Đồng thời định hướng chuyển đổi dự án tuyến đường này thành quốc lộ 19B, thay thế cho đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội.

Việc đầu tư dự án tuyến đường kết nối đường chuyên dụng phía Tây Khu kinh tế Nhơn Hội với tuyến đường ven biển Cát Tiến – Diêm Vân còn nhằm mục tiêu phát triển quỹ đất, tạo thuận lợi thu hút đầu tư,….

Khó khăn giải phóng mặt bằng trong xây dựng cao tốc Vân Phong – Nha Trang

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vân Phong - Nha Trang thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Ban Quản lý Dự án 7 thuộc Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư. Dự án được thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Tổng mức đầu tư khoảng 11.808 tỉ đồng.

Dự án có điểm đầu (Km285+000) kết nối đường dẫn cửa phía Nam hầm Cổ Mã, thuộc huyện Vạn Ninh và điểm cuối (tại khoảng Km368+350) kết nối điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm.

Để triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi khoảng 616 ha đất với 2.760 hộ bị ảnh hưởng (203 hộ phải tái định cư) và di dời hạ tầng kỹ thuật 164 vị trí.

tm-img-alt
Khánh Hòa đang nỗ lực bàn giao mặt bằng các tuyến cao tốc quan trọng. Ảnh: Hữu Long

Theo Ban Quản lý dự án 7 (Ban QLDA 7) thuộc Bộ GTVT – chủ đầu tư dự án, tính đến cuối tháng 7, Khánh Hòa đã bàn giao mặt bằng được khoảng 73,8/83,35 km đạt 87%. Trong đó mặt bằng có thể tiếp cận để thi công được khoảng 71/83,35 km (khoảng 85%).

Các vị trí còn lại chưa thi công được do mặt bằng nhận được chưa liên tục nên không triển khai toàn bộ (1,52 km). Phần còn lại chưa bàn giao khoảng 10,60 km.

Đến nay, mặt bằng bàn giao đã tăng thêm 21 km (từ 52 km lên 73,8 km) và phạm vi thi công được cũng đã tăng thêm 32 km (từ 39 km lên 71 km). Theo đó, công tác giải ngân vốn GPMB năm 2023 đến nay được 515/976 tỷ đồng, đạt 53%.

Ban QLDA 7 cho biết, nhằm hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng còn lại và tranh thủ điều kiện thời tiết mùa khô (còn lại rất ngắn khoảng 3 tháng) thuận lợi cho công tác tổ chức thi công xây dựng công trình, đáp ứng kế hoạch giải ngân dự án.

Theo đó, Ban QLDA 7 kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành liên quan và các địa phương về tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến việc GPMB.

Cụ thể, tập trung đẩy nhanh công tác phê duyệt phương án đền bù để thực hiện chi trả cho người dân, sớm bàn giao mặt bằng còn lại; vận động trường hợp một số hộ dân.

Đồng thời, sớm giải quyết các khiếu nại về đơn giá, tranh chấp diện tích đất đền bù để bàn giao mặt bằng; khiếu nại về giá đền bù tài sản hệ thống tưới tiêu trồng tỏi và đất trồng cây; giá đền bù tài sản hệ thống tưới tiêu trồng tỏi và điện mặt trời áp mái; khiếu nại về đền bù cây Dó Bầu… của các hộ dân.

Ngoài ra, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư sơ bộ là 21.935 tỉ đồng, chiều dài 117,5km.

Cần Thơ: Đề xuất phương án quy hoạch 25 đường tỉnh lộ

Theo Dự thảo quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ sẽ quy hoạch 25 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài khoảng 460 km, gồm các đường tỉnh 916, 917, 917B, 917C, 918, 918B, 919, 919B, 920, 920B, 920C, 920D, 921, 921B, 921C, 921D, 921E, 922, 922B, 922C, 922D, 922E, 923, 926, 932. Trong đó, có 8 tuyến đường huyện được nâng cấp thành đường tỉnh.Đường tỉnh (ĐT) 917 hiện hữu đoạn từ điểm đầu giao với QL.91 đến cầu Trà Nóc 2 dài khoảng 4,3 km (tên gọi là đường Nguyễn Chí Thanh) và đoạn từ cầu Trà Nóc 2 đến quốc lộ (QL) 91B dài khoảng 1,3 km. Hiện trạng đạt quy mô đường cấp III, 2 làn xe.

Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 34 m.

ĐT 917B có điểm đầu giao với ĐT 917C đến điểm cuối tại nút giao kết nối liên thông với đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Giai đoạn 2021 - 2030 sé đầu tư xây dựng mới toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2-4 làn xe. Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đạt quy mô mặt cắt ngang đường trục chính đô thị lộ giới 50 m.

ĐT 917C có điểm đầu từ ĐT 920 hiện hữu đến giao với QL 91 và đoạn từ giao với QL 91 đến giao với ĐT 923. Giai đoạn 2021 - 2030 đầu tư xây dựng mới đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe.

Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đạt quy mô mặt cắt ngang đường trục chính đô thị lộ giới 80 m.

ĐT 918 hiện hữu đoạn từ giao với QL 91 đến giao với ĐT 918B. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 918B có điểm đầu giao với đường Võ Văn Kiệt (đấu nối với đường Huỳnh Phan Hộ) nối dài đến giao với ĐT 923 và nối dài đến điểm cuối tại giáp ranh tỉnh Hậu Giang (dự kiến nối dài qua tỉnh Hậu Giang kết nối với ĐT 919).

tm-img-alt
Ảnh minh họa.

Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Giai đoạn 2030 - 2050 nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 919 trên địa bàn TP Cần Thơ dài khoảng 37 km (điểm đầu giao với QL 80 và điểm cuối tại giáp ranh tỉnh Hậu Giang), hiện trạng đạt quy mô đường cấp III, hai làn xe.

Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 920 (đoạn từ giao với QL 91 đến cầu Rạch Chôm, đến giao với đường Đặng Thanh Sử (tại nhà máy nhiệt điện Ô Môn), tuyến đi cặp theo ranh Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn và xây dựng mới công trình cầu bắc qua sông Ô Môn, tuyến đi cặp theo ven sông Hậu đến điểm cuối giao với QL 91), gồm các đoạn:

Đoạn giao với QL 91 đến cầu Rạch Chôm, đi qua khu công nghiệp Trà Nóc giữ nguyên theo hiện trạng, chỉ đầu tư nâng cấp mặt đường, không đầu tư mở rộng đường để không ảnh hưởng đến các Khu công nghiệp hai bên.Đoạn từ cầu Rạch Chôm đến giao với đường Đặng Thanh Sử (tại nhà máy nhiệt điện Ô Môn), hiện trạng đạt quy mô đường cấp III, hai làn xe. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030: đầu tư xây dựng mới đạt quy mô mặt cắt ngang đường trục chính đô thị lộ giới 42 m.

Đoạn giao với đường Đặng Thanh Sử (tại nhà máy nhiệt điện Ô Môn) đến giao với QL 91, hiện trạng chưa được đầu tư xây dựng. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới đạt quy mô mặt cắt ngang đường trục chính đô thị lộ giới 42 m và xây dựng mới cầu bắc qua sông Ô Môn.

ĐT 920B (đường Trần Kiết Tường) hiện hữu (đi dọc theo sông Ô Môn giao với QL 91 đến UBND phường Thới An), hiện trạng đạt quy mô đường cấp IV. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030: nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 920C hiện hữu (từ giao với QL 91 đến giao với ĐT 920 hiện hữu, tên gọi là đường Trương Văn Diễn), hiện trạng đạt quy mô đường cấp III, hai làn xe. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 920D có điểm đầu tại nút giao với QL 91 và đường Đặng Thanh Sử, nối dài đến điểm cuối tại nút giao với QL 91 và đường dẫn vào cầu Tân Lộc.

Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đầu tư xây dựng mới đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp mở rộng toàn tuyến đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 921 hiện hữu (đoạn từ tuyến tránh Thốt Nốt đến TX Cờ Đỏ), hiện trạng đạt quy mô đường đường cấp V. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m, dịch tuyến những đoạn sát kênh Thốt Nốt để tránh sạt lở.

ĐT 921E có hướng tuyến song song với ĐT 921 hiện hữu và cách khoảng 1 km - 4 km, điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt nối dài đến giao với ĐT 919 tại TX Cờ Đỏ và điểm cuối giao với Đường tỉnh 916.

Giai đoạn 2021 - 2030 đầu tư xây dựng mới toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Giai đoạn sau năm 2030: nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 922 hiện hữu (đoạn từ giao với QL 91 đến thị trấn Thới Lai) có hiện trạng đạt quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 922C (đoạn từ nút giao với QL 91B, nối dài đến giao với tuyến tránh thị trấn Thới Lai và đi đến TX Cờ Đỏ), hiện trạng đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe.

Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 923 đoạn từ giao với đường 3 tháng 2 đến thị trấn Phong Điền có hiện trạng đạt quy quy mô đường cấp IV - III, hai làn xe. Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m, dịch tuyến những đoạn sát bờ sông để tránh sạt lở.

Đoạn từ thị trấn Phong Điền đến giao với QL 91 có hiện trạng đạt quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m, dịch tuyến những đoạn sát bờ sông để tránh sạt lở.

ĐT 926 có điểm đầu giao với ĐT 923 đến điểm cuối tại giáp ranh tỉnh Hậu Giang. Hiện trạng đạt quy mô đường cấp V. Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe và xây dựng mới cầu Tây Đô trên ĐT 926.

Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 932 có điểm đầu giao với đường dẫn cầu Vàm Xáng đến điểm cuối tại giáp ranh tỉnh Hậu Giang. Hiện trạng đạt quy mô đường cấp V.

Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe. Giai đoạn 2030 - 2050 sẽ nâng cấp, mở rộng đạt quy mô đường cấp II, 4 - 6 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

8 tuyến đường huyện được nâng cấp thành đường tỉnh gồm ĐT 916 (nâng cấp từ ĐH Kênh E) có điểm đầu tại giáp ranh tỉnh An Giang, đoạn đi qua huyện Vĩnh Thạnh trùng với tuyến đường Kênh E và xây dựng mới đoạn tuyến từ giao với QL 80 nối dài đến điểm cuối giao với ĐT 919 tại huyện Cờ Đỏ.

Giai đoạn 2021 - 2030 và sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến (bao gồm nâng cấp, mở rộng đường Kênh E và xây dựng mới đoạn tuyến từ giao với QL80 nối dài đến giao với ĐT 919) đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị lộ giới 42 m.

ĐT 919B (tuyến kênh Thầy Ký - Ranh Hạt - Tám Ngàn), đây là tuyến trục dọc có lộ trình chạy men theo ranh TP  Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang, đảm bảo giao lưu giữa TP Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và tỉnh Hậu Giang. Điểm đầu tuyến tại giao QL 80 và kết thúc tại giao ĐT 926 tại tỉnh Hậu Giang.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 921B (nâng cấp từ đường Thắng Lợi và đường Đê bao), tuyến có điểm đầu giao với QL 91, điểm cuối giáp ranh Kiên Giang, được nâng cấp từ đường kênh Thắng Lợi và Đường Đê bao.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 921C (nâng cấp từ đường vào trung tâm xã Thạnh Thắng), tuyến nối xã Thạnh Thắng, Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh - TP Cần Thơ) với hai tỉnh giáp ranh Kiên Giang và An Giang. Đoạn tuyến đi qua huyện Vĩnh Thạnh được nâng cấp từ đường vào trung tâm xã Thạnh Thắng.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 921D có lộ trình chạy men theo kênh Thơm Rơm và kênh Lòng Ống. Điểm đầu giao đường nối QL 91 - QL 91B, điểm cuối giao với ĐT 919B.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 922B được nâng cấp từ đường vào trung tâm xã Thới Hưng và đường huyện Đông Hiệp - Đông Bình, điểm đầu giao với QL 91, điểm cuối giáp ranh Kiên Giang.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 922D là tuyến trục ngang từ ĐT 922 tại thị trấn Thới Lai chạy dọc theo kênh Bà Đầm đến ranh tỉnh Kiên Giang nối tiếp vào đường Công Bình - Hòa Hưng - Hòa Lợi tỉnh Kiên Giang. Tuyến được nâng cấp từ đường huyện Thới Lai - Trường Xuân A.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

ĐT 922E là tuyến trục ngang nối ĐT 922 tại thị trấn Thới Lai chạy dọc theo kênh Thị Đội nối tiếp vào đường Thạnh Hưng - Thạnh Lộc tỉnh Kiên Giang. Tuyến được nâng cấp từ đường huyện Thới Lai – Đông Bình.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng toàn tuyến đạt quy mô đường cấp III, 2 - 4 làn xe, các đoạn qua đô thị đạt quy mô mặt cắt ngang đường chính đô thị có lộ giới 42 m.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 3/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.