Thứ sáu, 26/04/2024 16:17 (GMT+7)

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 7/4/2023

MTĐT -  Thứ sáu, 07/04/2023 16:32 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/4/2023. Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất ngày hôm nay 7/4/2023 trên Môi trường và Đô thị Việt Nam.

Cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình tách thành 2 dự án độc lập

Theo đó, Bộ GTVT cơ bản thống nhất với phương án đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, tách đoạn qua tỉnh Ninh Bình thành dự án độc lập do UBND tỉnh là cơ quan chủ quản triển khai theo hình thức đầu tư công.

Tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình qua tỉnh Ninh Bình có tổng chiều dài hơn 25km. Với điểm đầu tại nút giao Mai Sơn giao với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Mai Sơn – QL45 (thuộc xã Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Và, điểm cuối tại cầu vượt sông Đáy (cầu Tam Tòa) nối 2 tỉnh Nam Định và Ninh Bình (thuộc xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Dự án có quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75m; tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án khoảng 7.860 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách địa phương bố trí 2.000 tỷ đồng và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 5.860 tỷ đồng.

tm-img-alt
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về việc giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ quản triển khai cao tốc đoạn qua tỉnh, Bộ GTVT cho biết, hiện quy định của pháp luật về việc giao địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án do Trung ương quản lý còn chưa đồng bộ, thống nhất. Trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách về việc vấn đề này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao UBND tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp cùng Bộ và UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu kỹ phương án kết nối điểm đầu tuyến cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Cùng với đó, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định pháp luật.

Về phương án đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, Bộ GTVT cơ bản thống nhất với phương án đầu tư của UBND tỉnh Thái Bình. Trong đó, tuyến cao tốc Nam Định – Thái Bình có chiều dài gần 61km, quy mô 4 làn xe đầy đủ, bề rộng nền đường 24,75m và được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 18.800 tỷ đồng (bao gồm cả lãi vay), vốn nhà nước tham gia dự án khoảng 9.300 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư), vốn BOT hơn 9.500 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư). Thời gian hoàn vốn khoảng 30 năm.

Để có cơ sở triển khai dự án, Bộ GTVT cũng đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh nhiệm vụ, giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình theo phương thức PPP.

Sớm bàn giao mặt bằng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang cho biết công tác kiểm đếm các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến nay đã hoàn thành hơn 99%.

Toàn dự án có khoảng 1.054 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay ngành chức năng đã kiểm đếm xong 1.051 hộ, di dời xong 215 mồ mả bị ảnh hưởng.

Theo kế hoạch, sẽ phê duyệt phương án bồi thường trong tháng 4/2023. Trong tháng 5/2023 tiến hành chi trả tiền và bàn giao mặt bằng 70% diện tích đất đúng theo kế hoạch của tỉnh và sớm hơn Nghị quyết số 91 của Chính phủ khoảng 1 tháng.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được giao cho UBND tỉnh Hậu Giang là đơn vị tổ chức thực hiện, Sở GTVT tỉnh là chủ đầu tư.

Đoạn này có chiều dài gần 37km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỷ, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.600 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay việc triển khai dự án đang bám sát kế hoạch của tỉnh và tiến độ, các mốc thời gian theo Nghị quyết 91 của Chính phủ.

Cụ thể, địa phương đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu vào tháng 2/2023. Hiện chủ đầu tư đang triển khai thủ tục lựa chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế và dự toán, triển khai thủ tục rà phá bom mìn.

Bên cạnh công tác bồi thường, tỉnh cũng đã giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp triển khai đầu tư 2 khu tái định trên địa bàn huyện Châu Thành A và Phụng Hiệp phục vụ cho người dân bị ảnh hưởng.

HUD đề xuất Lâm Đồng xử lý diện tích đất dôi dư tại Khu đô thị số 5

Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD, thuộc Bộ Xây dựng) vừa đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xử lý một số vướng mắc tại Khu dân cư số 5, phường 4, TP. Đà Lạt do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Theo đó, Tổng công ty HUD cho biết, hiện nay, công tác xác định giá giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất (năm 2021, 2022) tại Dự án Khu dân cư số 5, phường 4, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng chưa được triển khai.

Tổng số ô đất đã bàn giao tại hiện trường cho các hộ dân năm 2021 và năm 2022 là 19 lô đất, trong đó diện tích dôi dư chưa xác định giá để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Do vậy, người dân chưa xây dựng được các công trình nhà ở để ổn định cuộc sống.

Đơn vị trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Khu dân cư số 5 từ khi triển khai đến nay là Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2020, Trung tâm này đã xây dựng phương án giá giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất, được Hội đồng thẩm định giá của tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2347/QD-UBND ngày 8/12/2022.

tm-img-alt
Phối cảnh Dự án Khu dân cư số 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Để công tác xác định giá giao quyền sử dụng đất dôi dư tại Dự án Khu dân cư số 5 được thông suốt, chính xác và thuận lợi, Tổng công ty HUD đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và phát triển quỹ đất tỉnh tiếp tục thực hiện công tác xây dựng phương án giao quyền sử dụng đất đối với diện tích dôi dư ngoài diện tích tái định cư và đơn giá giao đất có thu tiền sử dụng đất do không đủ điều kiện bồi thường về đất năm 2021 và 2022.

Được biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét đề xuất trên để giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hoặc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Vinhomes xây nhà ở xã hội tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa)

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở xã hội (NƠXH) Vinhomes Happy Home tại P.Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh (khu vực vịnh Cam Ranh) cho Công ty CP Muối Cam Ranh (chủ sở hữu là Công ty CP Vinhomes, thuộc Tập đoàn Vingroup).

Dự án Vinhomes Happy Home có diện tích đất sử dụng khoảng 87,6 ha; diện tích xây dựng nhà ở khoảng 77,1 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 3.756 tỉ đồng.

Dự án hướng đến mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, đầu tư các công trình trường học, hạ tầng đảm bảo kết nối đồng bộ. Tại dự án sẽ triển khai các nhà liên kế, nhà biệt thự, căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

tm-img-alt
Dự án Khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa (Vinhomes Happy Home) có diện tích xây dựng khoảng 77,1 ha. (Ảnh: Internet)

Dự án Vinhomes Happy Home có thời gian hoạt động 50 năm. Tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng từ Quý II năm 2023 đến Quý IV năm 2024. Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành từ Quý IV năm 2023 đến Quý IV năm 2026.

Theo quyết định nói trên, việc chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tại Khánh Hòa, Tập đoàn Vingroup đã và đang triển khai 15 dự án với quy mô đầu tư lên đến gần 41.000 tỷ đồng.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung ngân sách trung ương hỗ trợ cho phần vốn nhà nước tham gia vào dự án để phân bổ cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương, khoảng 2.900 tỷ đồng.

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh cục bộ hướng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài làm cơ sở hoàn chỉnh, trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.TP.HCM sẽ cập nhật phương án điều chỉnh cục bộ hướng tuyến vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo quy hoạch có điểm đầu giao với đường Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM) và điểm cuối là khu vực cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Chiều dài toàn tuyến là 50 km; trong đó đoạn qua TP.HCM dài 23,7 km.

Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến từ 2022 – 2027, theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT); Nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 16.729 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 6.355 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư 7.433 tỷ đồng (trên địa bàn TP.HCM là 5.901 tỷ đồng; Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng).

Tháng 12/2022, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương đảm bảo nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đoạn qua địa phận TP.HCM).

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức đô thị mới nhất, nóng nhất 24h hôm nay 7/4/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới