Thứ hai, 29/04/2024 09:25 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2023

MTĐT -  Thứ ba, 29/08/2023 16:57 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 29/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Siêu bão Saola giật cấp 17, áp sát vào Biển Đông

Cập nhật mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ sáng ngày 29/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ vĩ bắc; 123,5 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150 - 166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng bắc tây bắc, khoảng 5 km/h.

Dự báo trong 24 giờ tới bão Saola di chuyển theo hướng bắc tây bắc với vận tốc khoảng 10 km/h. Đến 7 giờ ngày 30/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ vĩ bắc, 121,8 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 -15, giật trên cấp 17. Vùng nguy hiểm trên biển ở phía bắc vĩ tuyến 18,0; phía đông kinh tuyến 118,5.

tm-img-alt
Vị trí và đường đi của bão Saola. Ảnh: TTDBKTTVQG.

Trong 48 giờ tới, bão Saola di chuyển theo hướng tây bắc với vận tốc 10-15 km/h, có khả năng di chuyển vào Biển Đông. Đến 7 giờ ngày 31/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc - 119,5 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 - 15, giật trên cấp 17, nguy hiểm trên biển ở phía bắc vĩ tuyến 18,5; phía đông kinh tuyến 117,0.

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15km, cường độ có khả năng yếu dần.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia) nhận định: Khả năng trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 sắp tới siêu bão Saola sẽ đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm 2023.

Về tác động của bão Saola, vùng biển phía đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông từ đêm nay (29/8) gió mạnh cấp 6, từ chiều và đêm ngày 30/8 mạnh lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật trên cấp 14; biển động dữ dội. Vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 3,0 - 5,0m.

Trên đất liền, dự báo ngày và đêm 29/8, khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa  rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Chiều và tối 29/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi trên 70mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi. Cảnh báo mưa dông và mưa lớn cục bộ tại khu vực Trung Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 31/8; tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài trong những ngày tới.

Ngoài ra, ngày và đêm 29/8, ở Vịnh Bắc Bộ, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.

Ngày và đêm 30/8, vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động, sóng biển cao 2,0-4,0m; ở phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao 1,0 – 2,0m.

Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Vai trò của phụ nữ trong quản lý chất thải nhựa

Hội thảo đã gợi mở những trao đổi hiệu quả về vai trò của phụ nữ và cách thức giúp nâng cao bình đẳng giới, phát triển toàn diện trong quản lý rác thải nhựa ở cấp hộ gia đình và cộng đồng.

Hội thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong bản kế hoạch hành động chung mà Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Đại sứ quán Canada, UNDP Việt Nam và các thành viên tích cực khác thuộc mạng lưới NPAP sẽ đề xuất tích hợp những giải pháp đơn lẻ thành nền kinh tế tuần hoàn nhựa bền vững và toàn diện, bằng cách tận dụng nguồn lực từ các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nghiệp và đối tác phát triển.

tm-img-alt
Các khách mời tham dự hội thảo

Dựa trên một nghiên cứu cơ bản và phân tích tổng quan vững chắc, báo cáo GESI nêu bật những đánh giá về bối cảnh giới và vấn đề phát triển toàn diện trong hệ thống quản lý chất thải nhựa của Việt Nam.

Nghiên cứu này được triển khai thông qua khảo sát trực tuyến với 601 ý kiến đóng góp từ thành viên cộng đồng, 9 nhóm thảo luận cùng 63 lao động chính thức và phi chính thức ở Hà Nội, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và chuỗi phỏng vấn sâu với 33 đại diện và chuyên gia từ cơ quan hoach định chính sách - quản lý chất thải nhựa cấp trung ương, tổ chức phi chính phủ, đơn vị nghiên cứu, hội phụ nữ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, công nhân thu gom và tái chế rác thải.

Kết quả nghiên cứu cho thấy phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày, họ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các nghiên cứu về ảnh hưởng của chất thải nhựa đến sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Hội LHPN Việt Nam, ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

Giới và bảo vệ môi trường là những vấn đề liên ngành cần sự chung tay của các quốc gia và toàn thể xã hội. Bình đẳng giới và bảo vệ môi trường được đề cập trong Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có giải pháp: "Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, quyền trẻ em trong lĩnh vực môi trường; tăng cường vai trò, vị thế của phụ nữ trong bảo vệ môi trường", bà Nguyễn Thị Kim Dung thông tin.

Là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ, thông qua Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; phong trào "Chống rác thải nhựa" với cam kết quyết tâm thực hiện "Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần". Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo chống rác thải nhựa đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải (biến rác thành tiền, thành thẻ bảo hiểm y tế...); tái chế rác thải nhựa (sử dụng chai nhựa, túi nylon làm gạch sinh thái xây dựng công trình công cộng...

Hội thảo "Bình đẳng giới và phát triển toàn diện trong quản lý chất thải nhựa tại Việt Nam" là diễn đàn thúc đẩy sự tham gia hiệu quả và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quản lý chất thải nhựa. Đồng thời, kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động tích cực cho bình đẳng giới quản lý chất thải nhựa.

Urenco bảo đảm môi trường Thủ đô sạch, đẹp, an toàn dịp Quốc khánh 2/9

Theo đó, Urenco sẽ tăng cường công tác vệ sinh môi trường Khu vực các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm và huyện Mỹ Đức, Thanh Oai; tuyến đường Đại lộ Thăng Long, đại lộ Võ Nguyên Giáp. Các đơn vị sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, thống nhất thời gian, khối lượng tăng cường, báo cáo với UBND các Quận, huyện và Công ty để triển khai thực hiện.

tm-img-alt
Công nhân của Urenco vệ sinh môi trường tại khu vực Văn miếu - Quốc tử giám

Trong các ngày phục vụ nghỉ lễ, Urenco tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm. Công ty sẽ bố trí các phương tiện duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển hết đất thải, rác thải phát sinh trong ngày và sẵn sàng huy động lực lượng phương tiện kịp thời tham gia thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của UBND Thành phố, UBND các Quận, huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. 

Đặc biệt, sau dịp nghỉ lễ sẽ là dịp các trường học tổ chức lễ khai giảng năm học mới, vì vậy Urenco chủ động xây dựng các phương án bảo đảm vệ sinh môi trường trên các tuyến phố có các trường học.

Những khu vực có các di tích lịch sử, văn hoá luôn là những nơi thu hút người dân và khách tham quan trong các dịp nghỉ lễ. Vì vậy, Urenco xây dựng kế hoạch tăng cường công tác duy trì vệ sinh đường phố ban ngày trên các tuyến phố chính thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Nam Từ Liêm, tập trung duy trì tại các khu vực trọng điểm như: xung quanh Quảng trường Ba Đình, Hồ Hoàn Kiếm, xung quanh Thành ủy, Quảng trường Cách mạng tháng 8, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, vườn hoa Lý Thái Tổ, phố cổ, phố đi bộ, công viên Thống Nhất, các tuyến đường Gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xung quanh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, SVĐ Mỹ Đình...

Chuẩn bị các nhà vệ sinh công cộng lưu động để lắp đặt tại các nơi vui chơi công cộng và sẵn sàng đưa ra lắp đặt phục vụ khi có yêu cầu. Lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn và duy trì sạch sẽ các nhà VSCC. Kiểm tra và sửa chữa ngay các nhà VSCC hư hỏng.

Để đường phố sạch sẽ, phục vụ người dân đi lại trong dịp Quốc khánh, công ty sẽ triển khai thu dọn sạch đất thải xây dựng trên địa bàn Thành phố ngay trong ngày, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng có thẩm quyền giữ gìn và thu dọn sạch phế thải xây dựng tại các điểm trung chuyển lớn, các điểm đổ rác không đúng nơi quy định.

tm-img-alt
Urenco sẽ duy trì các thùng rác, xe gom và các điểm tập kết xe gom, xung quanh trạm chuyền tải rác luôn sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh và mỹ quan đô thị

Các chi nhánh của Urenco cũng sẽ tăng cường công tác thu gom rác ngày bằng xe cơ giới trên các tuyến phố, tăng cường công nhân duy trì thủ công để duy trì nhặt rác kết hợp với tuyên truyền vận động người dân không xả rác ra đường và nơi công cộng; Rà soát, duy trì các thùng rác, xe gom và các điểm tập kết xe gom, xung quanh trạm chuyền tải rác luôn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và mỹ quan đô thị.

Cùng với công tác vệ sinh môi trường, Urenco sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền cho người dân không vứt rác bừa bãi, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường Thành phố xanh - sạch - đẹp - an toàn - văn minh.

Urenco yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ dân phố và các đoàn thể quần chúng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường Thành phố; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tổng vệ sinh vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.

Các khu vực quận Tây Hồ, Sóc Sơn, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Hoàng Mai, Long Biên do các đơn vị thành viên công ty đảm nhận sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dịp nghỉ lễ báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND các Quận, huyện để triển khai thực hiện.

Đối với các khu vực xử lý chất thải công nghiệp, y tế, nguy hại Urenco sẽ đảm bảo thực hiện tốt các hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế, nguy hại; thông báo đến các khách hàng kế hoạch phục vụ dịp lễ của đơn vị để phối hợp thực hiện; Chuẩn bị phương tiện, thiết bị, nhân lực và vật tư để sẵn sàng ứng trực khi có nhiệm vụ đột xuất.

Lào Cai thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng

Sáng 29/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bảo Thắng tổ chức Lễ thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng.

Dự buổi lễ có đại điện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lào Cai, UBND huyện Bảo Thắng và đông đảo tăng ni, phật tử, Nhân dân huyện Bảo Thắng.

tm-img-alt
Phóng sinh nhiều loại thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng. Ảnh: Báo Lào Cai

Tại buổi lễ, có khoảng 28 nghìn con cá đã được các đại biểu, tăng ni, phật tử và Nhân dân thả phóng sinh xuống sông Hồng, khu vực thị trấn Phố Lu. Trong đó có nhiều loài cá quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như: cá lăng chấm, cá bỗng, trắm cỏ, cá chép… Nhân dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng cũng phóng sinh nhiều loại thủy sản (cua, ốc, lươn, cá…) để tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Hồng.

Bên cạnh việc vận động người dân phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, Ban tổ chức cũng kêu gọi Nhân dân không phóng sinh các loài sinh vật ngoại lai, có nguy cơ xâm hại môi trường, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái của sông Hồng và vùng phụ cận.

Thông qua lễ thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, Ban tổ chức mong muốn lan truyền thông điệp, kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; thường xuyên thả bổ sung các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế, khoa học, nhằm bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Nhà máy Thủy điện Trị An xả nước lần thứ 2

Vào lúc 15 giờ ngày 29/8, nhà máy Thủy điện Trị An (tại huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã tiến hành xả nước với lưu lượng qua tràn là 160m3/s và lưu lượng nước qua tuabin phát điện từ 600 đến 850m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 760 đến 1.010m3/s.

tm-img-alt
Nhà máy Thủy điện Trị An xả lũ đợt 2

Theo Công ty Thủy điện Trị An, căn cứ dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước hồ lúc 15 giờ ngày 28/8 là 60,86m; lưu lượng nước về hồ dự kiến từ 800 đến 900m3/s. Trong các ngày lễ Quốc khánh, Trung tâm Điều độ Quốc gia có khả năng khai thác lượng nước phát điện Nhà máy Thủy điện Trị An ở mức thấp. Để đảm bảo dung tích phòng lũ, Công ty tiến hành xả nước qua đập tràn điều tiết hồ. Tùy theo diễn biến của thời tiết và sự huy động phát điện của Trung tâm Điều độ Quốc gia, Công ty có thể thay đổi lượng nước xả qua đập tràn để duy trì dung tích phòng lũ.

Đây là đợt xả nước điều tiết hồ Thủy điện Trị An lần thứ 2 trong năm 2023. Trước đó vào ngày 10/8 Nhà máy Thủy điện xả tràn đợt 1 với lưu lượng nước xả qua tràn: 150 m3/s và lưu lượng nước qua tua bin phát điện: 800 m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du là 950 m3/s. Thời gian xả kéo dài đến ngày 25/8 thì đóng đập kết thúc xả tràn. Trong ngày đóng đập, người dân đã bắt được rất nhiều cá tự nhiên.

Hồ Trị An có diện tích mặt hồ rộng 323 km², dung tích chứa trên 2,7 tỷ m³. Đây là hồ nước nhân tạo lớn trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom (cùng thuộc tỉnh Đồng Nai). Hồ là nơi trữ nước để cung cấp cho Nhà máy Thủy điện Trị An vận hành và điều tiết nước cho vùng hạ du.

Đắk Nông phạt trại heo 110 triệu đồng vì xả thải ra môi trường

Báo Đắk Nông đưa tin, ngày 29/8, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho biết, vừa ký quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 110 triệu đồng đối với Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn, ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn.

Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn bị xử phạt vì đã vi phạm các quy định về xả nước thải ra môi trường. Mức xả vượt quy chuẩn từ 1,1 đến dưới 1,5 lần trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3/ngày đến dưới 200 m3/ngày.

Trước đó, vào tháng 6/2023, Đoàn liên ngành đã kiểm tra cống thoát nước mưa của trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi heo Quảng Sơn. Tại phía cuối mương thoát nước, lực lượng chức năng phát hiện nước có màu đen và mùi hôi thối. Đoàn xác định đây là nước thải của trang trại nuôi heo thoát ra ngoài.

Phía Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn khai nhận với Đoàn liên ngành là có sự cố xảy ra trong quá trình vận hành. Một lượng nước thải đã tràn sang hệ thống thoát nước mưa và thoát ra ngoài ranh của trang trại. Doanh nghiệp đã khắc phục hậu quả bằng cách hút lượng chất thải trở lại và các biện pháp khác.

tm-img-alt
Trang trại nuôi heo của Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn có quy mô lớn nhất tại xã

Phân tích mẫu nước thải, cơ quan chuyên môn xác định thông số COD và BOD5 vượt 1,2 lần so với quy chuẩn. Hành vi này vi phạm điểm h, khoản 2 và khoản 7, Điều 18, Nghị định 45 năm 2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngoài xử phạt 110 triệu đồng, UBND huyện Đắk Glong buộc Công ty TNHH Chăn nuôi Quảng Sơn chi trả hơn 8,2 triệu đồng là kinh phí phân tích mẫu môi trường.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét, ngập úng

Báo An Giang đưa tin, chiều 28/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký Công văn 1116/UBND-KTN chỉ đạo tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông và lũ quét, ngập úng.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách để bảo đảm an toàn cho Nhân dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

tm-img-alt
Sạt lở đất bờ sông

Đối với các khu vực đã phát hiện có nguy cơ sạt lở, lũ quét phải kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.

Tổ chức hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chỗ ở theo quy định để ổn định đời sống cho các hộ bị mất nhà do sạt lở, lũ quét hoặc phải di dời để phòng, tránh sạt lở, lũ quét, không để người dân thiếu đói, không có chỗ ở.

Cùng với đó, rà soát kỹ, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó khi có sự cố, hạn chế thiệt hại.

Về lâu dài, tăng cường kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình ven sông, suối, kênh, rạch, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, sụp lún.

Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng; khai thác, tập kết khoáng sản trái phép đúng quy định.

Đồng thời, rà soát, xây dựng dự án và báo cáo UBND tỉnh An Giang để xem xét bố trí và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án mang tính căn cơ, bài bản, bền vững, nhằm phòng, chống sạt lở, chủ động di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm do thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 29/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.