Thứ hai, 29/04/2024 13:53 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/8/2023

MTĐT -  Thứ hai, 28/08/2023 16:55 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/8/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 28/8/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Bổ sung quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ

Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị không điều chỉnh về khai thác, sử dụng nước vì việc khai thác thuộc phạm vi của các luật kỹ thuật chuyên ngành.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 4 nhóm chính sách lớn, bảo đảm quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và phòng chống tác hại do nước gây ra.

Bổ sung quy định về tuần hoàn và tái sử dụng nước thải ở 3 mức độ ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ảnh: DUY LINH

Để tránh chồng chéo, kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất về khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn việc khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ như dự thảo Luật.

Liên quan đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh với nước khoáng và nước nóng thiên nhiên, ông Lê Quang Huy cho biết nội dung này còn có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên có tính chất lý, hóa đặc biệt, có giá trị kinh tế cao hơn nước thông thường nên cần có yêu cầu quản lý nghiêm ngặt, chặt chẽ như một loại tài nguyên, khoáng sản có giá trị kinh tế cao; hiện loại nước này đang được quản lý ổn định theo pháp luật về khoáng sản.

Vì vậy, không bổ sung 2 loại nước này trong phạm vi điều chỉnh của Luật để tránh xáo trộn. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên là tài nguyên nước dưới đất nhưng chứa khoáng chất, có nhiệt độ cao hơn nước thông thường. Tuy vậy, loại nước này vẫn có đầy đủ các đặc tính của nước nên cần được quản lý thống nhất trong Luật Tài nguyên nước.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với loại ý kiến thứ nhất và xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

SAWACO: Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, giảm khai thác nước ngầm

Thực hiện Quyết định số 203 ngày 18-1-2021 của UBND TPHCM về phê duyệt Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020-2050 và Chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nước ngầm TPHCM giai đoạn 2020-2030, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm.

SAWACO tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm đến học sinh Trường THCS Tam Đông 1, huyện Hóc Môn, TPHCM
SAWACO tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng nước ngầm đến học sinh Trường THCS Tam Đông 1, huyện Hóc Môn, TPHCM

Giữa tháng 6-2022, Công ty CP Cấp nước Tân Hòa thực hiện ký kết liên tịch với UBND quận Tân Phú (TPHCM) phối hợp tổ chức vận động người dân hạn chế sử dụng nước ngầm, trám lấp giếng khoan, giảm hóa đơn có chỉ số tiêu thụ 0-4m³ và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội chăm lo cho người dân trên địa bàn quận. Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TPHCM năm 2022” do tổng công ty triển khai thực hiện.

Sau lễ ký kết, ngành cấp nước TPHCM và quận Tân Phú tổ chức trám lấp giếng khoan đã ngừng khai thác hoặc cải tạo các trạm giếng dự phòng, các trang thiết bị kỹ thuật trên hệ thống nhằm đảm bảo cấp nước an toàn. Các chủ nhà trọ trên địa bàn quận cũng ký cam kết đăng ký định mức nước cho người lao động bằng mã định danh. Dịp này, Đoàn Thanh niên Cấp nước Tân Hòa cũng ra quân đến từng gia đình để tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch, hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng khoan; tuyên truyền nguy cơ, tác hại của việc khai thác nước ngầm không kiểm soát.

Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, ngoài quận Tân Phú, SAWACO cũng phối hợp với các địa phương, đơn vị để thực hiện “Giải pháp phối hợp tuyên truyền vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy trên địa bàn TPHCM năm 2022”. Nhất là các khu vực vùng ven, người dân vốn dĩ có thói quen dùng nước giếng khoan từ lâu nay. Ngành cấp nước thành phố chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, đặc biệt tại các địa bàn quận, huyện có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm để tổ chức nhiều buổi vận động người dân sử dụng nước máy sạch, hạn chế khai thác nước ngầm nhằm đảm bảo an toàn.

Đồng bộ giải pháp tuyên truyền giảm khai thác nước ngầm ảnh 1
Ngành nước thành phố ký kết với địa phương để vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm

Không chỉ vậy, để giúp người dân hiểu hơn về tác hại của việc khai thác quá mức nước ngầm, SAWACO còn phối hợp với các báo tổ chức tọa đàm “Bảo vệ nước ngầm, đừng để quá muộn”, “Đảm bảo nguồn cung nước sạch - Hạn chế khai thác nước ngầm”. Đồng thời phối hợp cùng Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ Trẻ (Thành đoàn TPHCM) tổ chức chuỗi hoạt động tuyên truyền “Sử dụng nước sạch và hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn TPHCM” từ tháng 4 đến tháng 9-2022 tại các khu vực quận 12, Tân Phú, Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn đến hàng ngàn học sinh, sinh viên.

Thông qua các buổi tọa đàm, ký kết tuyên truyền đã tạo cầu nối để các sở, ban ngành, nhà khoa học, chuyên gia môi trường, luật sư, bác sĩ cộng đồng và các cơ quan quản lý nhà nước về lãnh vực môi trường đô thị… phân tích và đưa ra những giải pháp giảm khai thác nước ngầm hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường sống của người dân tại TPHCM. Ngoài ra, SAWACO còn phối hợp các báo, đài tuyên truyền bằng các bài viết, phóng sự, hình ảnh cụ thể. Qua đó, giúp người dân hiểu hơn về nguồn nước ngầm, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ có những tác hại ra sao đến cuộc sống, gây ra sự ô nhiễm nguồn nước ngầm như hiện nay.

Chính nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, công tác vận động giảm khai thác nước ngầm, hướng đến sử dụng nước máy cho người dân đã đạt được một số tín hiệu tích cực.

Vốn quen sử dụng nguồn nước ngầm từ giếng khoan của gia đình mấy chục năm nay, nên dù đã được lắp đồng hồ nước và nước sạch đã kéo đến nhà nhưng các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Ngà (ngụ quận Tân Phú) vẫn sử dụng nước giếng khoan. Chỉ khi nấu ăn, bà Ngà mới dùng nước máy từ chiếc vòi ngay gần bếp. Cho nên, đồng hồ nước của gia đình bà Ngà chỉ dừng ở 2-3m³ nước hàng tháng.

Tuy nhiên, 2 tháng sau khi được chính quyền và ngành nước vận động, phân tích các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe do nguồn nước ngầm đang dần ô nhiễm, cũng như vấn đề sụt lún do khai thác quá mức nguồn nước ngầm, bà Ngà chủ động liên hệ đơn vị cấp nước để xin trám lấp giếng khoan của gia đình. Bà Ngà cho biết, trám cái giếng đi bà cũng tiếc vì hàng tháng gia đình cũng đỡ một phần tiền nước, nhưng nghĩ đến lợi ích chung và sức khỏe của gia đình nên bà quyết định chỉ sử dụng nước máy.

Bảo Yên: Một người đàn ông mất tích nghi bị lũ cuốn trôi

Báo Lào Cai đưa tin, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 28/8, người dân bản Nặm Cằm, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên phát hiện 1 chiếc xe máy mắc cạn ven suối, qua kiểm tra xác minh được chủ chiếc xe máy là ông Lương Văn T., sinh năm 1975, trú tại xã Võ Lao, Văn Bàn.

tm-img-alt
Các lực lượng tìm kiếm dọc suối.

Được biết, chiều 27/8, ông T. đến nhà ông Hoàng Văn Đ. tại bản Nặm Cằm chơi, sau khi rời nhà ông Đ. đến 22 giờ, người nhà vẫn chưa thấy ông trở về nên gọi điện thoại nhưng không liên lạc được.

Nhận được thông tin trình báo của người dân, UBND xã Nghĩa Đô đã huy động lực lượng và Nhân dân tìm kiếm dọc suối Nặm Cằm, Nậm Luông, tuy nhiên, đến chiều 28/8 vẫn chưa có kết quả. Theo nhận định của chính quyền địa phương, nhiều khả năng ông T. bị ngã xuống suối và bị nước lũ cuốn trôi.

Những ngày qua, trên địa bàn xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên có mưa lớn kéo dài khiến nước trên các dòng suối dâng cao, chảy xiết, gây nguy hiểm cho những người qua lại trong mưa lũ.

Tuyên Quang: 1 người bị nước lũ cuốn trôi khi qua cầu tràn

Khoảng 0 giờ 30 phút ngày 28/8, em Lục Lê Phương Nguyên, sinh năm 2007, hộ khẩu thường trú tại thôn Đội 5, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn thuộc khu vực thôn Lương Cải, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

tm-img-alt
Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.

Bà Trần Thị Hoài Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Công Đa, huyện Yên Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Ủy ban nhân dân xã đã huy động lực lượng dân quân cùng hơn 100 người dân tìm kiếm nạn nhân.

Đến 7 giờ sáng nay, thi thể của nạn nhân được tìm thấy cách hiện trường vụ việc hơn 100m. Hiện, chính quyền xã đang làm thủ tục để bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình để về mai táng theo phong tục địa phương.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Tuyên Quang, đêm ngày 27 và sáng sớm ngày 28/8, các khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã có mưa vừa, mưa to và dông.

Khu vực phía bắc phổ biến 10-30mm, khu vực phía nam phổ biến 20-50mm. Khu vực huyện Yên Sơn có nơi mưa rất to như: Đội Bình: 131mm; Nhữ Hán: 95mm…

Dự báo ngày và đêm 28/8, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Tánh Linh : Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà

2 huyện Tánh Linh và Đức Linh đã ban hành Kế hoạch số 02 ngày 8/12/2022 về phối hợp kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực lòng hồ Biển Lạc và sông La Ngà giáp ranh giữa hai huyện Tánh Linh và Đức Linh. Sau khi có kế hoạch, huyện Tánh Linh tiếp tục tích cực chỉ đạo lực lượng công an, các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn huyện nói chung và hồ Biển Lạc, sông La Ngà nói riêng.

Qua đó, đã bắt, xử lý 3 vụ với 3 tàu khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc, trong đó có một vụ củng cố hồ sơ để xử lý hình sự. Nhờ vậy tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc, sông La Ngà đã giảm hẳn. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm lâu dài tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ngày 21/8/2023, huyện Tánh Linh và Đức Linh đã đồng loạt tổ chức ra quân thực hiện lai dắt tàu, ghe tại hồ Biển Lạc và sông La Ngà theo Kế hoạch số 02. Với sự quyết liệt của lực lượng chức năng vừa thực thi nhiệm vụ vừa chú trọng công tác tuyên truyền vận động đã tác động mạnh mẽ vào ý thức của các chủ tàu, ghe nên họ đã có sự chấp hành, phối hợp và tự giác đưa các tàu về bãi tập kết và di dời ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc.

tm-img-alt

Theo ghi nhận, có chủ tàu đã cắt đôi con tàu của mình để bán phế liệu. Có chủ tàu tháo toàn bộ máy móc trên tàu và di dời ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc. Đối với các chủ tàu trên sông La Ngà đa số đều chấp hành, tự giác đưa tàu của mình về bãi tạm giữ.

Ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Chủ tịch UBND huyện – Tổ trưởng Tổ công tác 2434 thực hiện Kế hoạch số 02 của UBND huyện Tánh Linh, Đức Linh cho biết: Theo kế hoạch sẽ tổ chức thực hiện lai dắt tàu trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà trong 5 ngày từ ngày 21-25/8, nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt của Tổ công tác 2434, sự phối hợp của các chủ phương tiện, nên chỉ trong 4 ngày đã hoàn thành đưa về bãi tập kết, di dời ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc toàn bộ 26 tàu neo đậu hồ Biển Lạc và sông La Ngà.

Cụ thể: khu vực hồ Biển Lạc có 18 tàu thì đã đưa về bãi tạm giữ 7 tàu; 3 tàu, chủ tàu đã tháo gỡ toàn bộ máy bơm hút cát, động cơ chạy tàu và cắt đôi thân tàu để bán phế liệu; 7 tàu, được các chủ tàu tự đưa ra khỏi khu vực hồ Biển Lạc qua bên kia đường ĐT720; 1 tàu bị chìm hư hỏng đã lâu không còn sử dụng nên không đưa về bãi tập kết. Khu vực sông La Ngà có 8 tàu, trong đó 5 tàu đã lai dắt về bãi tạm giữ, 1 tàu bị chìm trước đây không trục vớt được; 2 tàu đã đưa lên bờ cách xa sông La Ngà và đang tạm giữ.

Trong thời gian triển khai thực hiện kế hoạch số 02, tình hình an ninh trật tự đảm bảo, không có trường hợp nào ngăn cản, chống đối lực lượng thực thi nhiệm vụ. Tổ công tác 2434 đã tiến hành bàn giao toàn bộ 26 tàu cho UBND xã Gia An để tiếp tục lập thủ tục xử lý theo quy định. Như vậy, huyện Tánh Linh đã xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên hồ Biển Lạc và sông La Ngà, trộm cát sẽ không còn cơ hội quay trở lại lộng hành như trước đây. Hồ Biển Lạc đang dần trở lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có và sẵn sàng chào đón nhà đầu tư.

Siêu bão Saola càn quét khiến hàng trăm người dân Philippines phải sơ tán

Bão Saola càn quét khu vực phía Đông Bắc của đảo chính Luzon vào đêm 26/8 với sức gió lên tới 185 km/giờ tính trong phạm vi 125 km quanh thành phố Tuguegarao khoảng 160.000 dân.

Quan chức cứu hộ Ruelie Rapsing tại tỉnh Cagayan cho biết gió không quá mạnh nhưng mưa rất to trong đêm. Tổng cộng 388 người đã được sơ tán do lũ lụt ở 4 thị trấn thuộc tỉnh Cagayan, trong khi nước ở 2 thị trấn khác cũng dâng cao. Ngoài ra, do đứt đường dây điện nên cơ quan chức năng đã cắt điện trên toàn tỉnh. Không có thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng.

tm-img-alt
Ảnh mây vệ tinh có thể thấy rõ mắt bão Saola - Ảnh: NCHMF

Văn phòng báo chí của chính quyền tỉnh đã công bố những bức ảnh cho thấy nước lũ tràn vào nhiều ngôi nhà ở khu đô thị Aparri và ngập sâu tới đầu gối. 

Cơ quan thời tiết quốc gia Philippines cho biết bão Saola di chuyển theo hướng Nam ngoài khơi bờ biển phía Đông đảo Luzon vào sáng sớm 27/8 và sẽ gây ảnh hưởng ở các vùng ven biển thay vì đổ bộ vào đất liền. Trong bão tiềm ẩn nguy cơ mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất. Cơ quan thời tiết cũng dự báo lượng mưa lên tới 200 mm dọc bờ biển Cagayan và Isabela trong ngày 27/8. 

Theo các quan chức cứu hộ tại 2 tỉnh ven biển Isabela và Aurora, hiện chưa có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong ở 2 địa phương này.

Philippines hứng chịu trung bình 20 cơn bão lớn mỗi năm khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều khu vực lâm vào cảnh nghèo đói triền miên.

T.Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 28/8/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...