Thứ hai, 29/04/2024 10:02 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/4/2020

MTĐT -  Chủ nhật, 05/04/2020 06:41 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/4/2020. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/4/2020.

Chất lượng không khí Hà Nội đã tốt trở lại

Chiều 4/4, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn TP đa phần ở mức tốt, trên dưới 60,

Theo đó, trong ngày 4/4, chất lượng không khí Hà Nội đã tốt trở lại, 7/10 khu vực có chỉ số AQI tốt như Thành Công, Hoàn Kiếm, Mỹ Đình… Chỉ có 3 khu vực ở mức trung bình là Minh Khai, Hàng Đậu, Phạm Văn Đồng, chỉ số dao động từ 53 - 60.

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường khuyến cáo, mặc dù với chất lượng không khí như hôm nay không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Tuy nhiên, người dân vẫn cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội ngày 31/3/2020 Về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19: “Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài đường trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng”.

Nhiều diện tích lúa, cây trồng bị thiệt hại do hạn hán

Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán và chủ yếu là cây lúa với hơn 1.303 ha. Ngoài ra, do ảnh hưởng của hạn hán, một số đập dâng trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu xảy ra tình trạng khô hạn, gây khó khăn cho người dân trong công tác tưới tiêu cây trồng.

Cụ thể, trong hơn 1.412 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán tại Gia Lai, huyện Chư Sê bị thiệt hại nặng nhất với gần 500 ha, tiếp đến là Đắk Đoa (gần 320 ha), Mang Yang (162,5 ha), Chư Păh (90,56 ha),… Riêng cây lúa, có gần 1.020 ha bị thiệt hại hoàn toàn, gần 268 ha bị thiệt hại nặng đến rất nặng và gần 16 ha bị thiệt hại một phần. Trong khi đó, 103 ha rau, hoa màu bị ảnh hưởng chủ yếu ở mức độ thiệt hại nhẹ. Hầu hết các diện tích thiệt hại đều nằm ngoài khu vực tưới của các công trình thủy lợi.

Đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, mực nước hiện tại so với dung tích thiết kế đạt từ 4,45% (hồ Đăk Dăng) đến 83,46% (hồ Hà Ra Bắc), tạm thời đảm bảo cung cấp nguồn nước tưới cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trước nguy cơ hạn hán có thể kéo dài, tỉnh Gia Lai đã lên phương án tiếp nước từ các hồ chứa nhiều nước sang các hồ chứa còn ít nước. Đồng thời, bố trí tưới luân phiên để tránh thiệt hại cho các diện tích cây trồng.

Đối với các đập dâng, hiện nay có một số đập đã hết nước như đập dâng Ia Lâu, Ia Vê, An Phú, Plei Wâu, đập đất An Mỹ… Ngoài ra, một số đập dâng có mực nước xuống thấp, khả năng xảy ra khô hạn, chiều cao cột nước trước cống từ 0,1 - 0,48m.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, hiện nay, nguồn nước các hồ chứa, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai thiếu hụt từ 42 - 70%, tình hình hạn hán đang xảy ra. Tuy nhiên, do được dự báo trước nên ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai và các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản ứng phó với hạn hán như dừng sản xuất ở các vùng thiếu nước tưới.

TP HCM chấn chỉnh việc thu gom, vận chuyển rác gây ô nhiễm

Trước những phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP HCM vừa có văn bản nhìn nhận, có xảy ra trường hợp phương tiện thu gom rác không đảm bảo (xe ba gác, không che đậy, treo túi rác,...) và ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác như: Điểm tập kết dọc tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa, trong đó lớn nhất là điểm tập kết bên hông Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, quận 3; điểm tập kết trên đường Hoàng Hoa Thám, điểm tập kết gần giao lộ đường Ung Văn Khiêm và Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh...

Để không tiếp tục xảy ra tình trạng nêu trên, Sở TN&MT cho biết, hiện nay UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét cấp đủ vốn điều lệ cho Quỹ bảo vệ môi trường để đảm bảo đủ nguồn tiền cho vay chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn.

Trong thời gian này, UBND quận 3 và UBND quận Bình Thạnh cần triển khai quyết liệt công tác quản lý phương tiện thu gom tại nguồn để đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trong quá trình thu gom.

Các địa phương yêu cầu đơn vị thu gom không cơi nới phương tiện, phương tiện phải kín để không phát tán nước rỉ rác ra môi trường, không treo các túi rác phế liệu xung quanh phương tiện; không để xảy ra tình trạng tập trung nhiều xe thu gom rác tại điểm tập kết vào cùng thời điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với hoạt động điểm tập kết và tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm tập kết, Sở TN&MT đề nghị quận 3 và quận Bình Thạnh sắp xếp thời gian hoạt động và kết nối hiệu quả công tác thu gom tại nguồn và vận chuyển, phân bổ khối lượng hợp lý giữa các điểm tập kết.

Điều này nhằm để không cho xảy ra tình trạng một điểm tập kết hoạt động kéo dài, tập trung khối lượng lớn chất thải. Điểm tập kết phải được vệ sinh sau khi tác nghiệp theo đúng quy định do Sở TN&MT ban hành…

Nghệ An: Chỉ đạo xử lý chất thải không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường

UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Theo đó, Công văn số 1980/UBND-XV, ngày 01/4 của UBND tỉnh Nghệ An gửi các sở: Y tế; TN&MT; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai chỉ đạo của Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế về phòng chống Covid – 19.

Trong đó, nhấn mạnh các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Tại Công văn này, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở TN&MT, Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 1734/BYT-MT của Bộ Y tế. Cụ thể, Bộ Y tế yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo và đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý môi trường của địa phương chịu trách nhiệm vận chuyển, xử lý chất thải rắn tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn đảm bảo kịp thời hàng ngày và khi cần; chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định, không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý trong việc thực hiện quản lý, xử lý chất thải.

Cũng tại Công văn số 1980/UBND-XV, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hướng dẫn theo yêu cầu tại Công văn số 1727/CV-BCĐQG, Công văn số 1733/CV-BCĐ của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid – 19.

P.V(tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/4/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.