Thứ tư, 11/09/2024 00:58 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/9/2023

MTĐT -  Thứ ba, 05/09/2023 17:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 5/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Miền Bắc sắp đón nắng nóng

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày mai (6/9), nền nhiệt tăng nhẹ ở các tỉnh miền Bắc. Trời nắng trên diện rộng, riêng khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ.

Dự báo hình thái thời tiết ngày nắng, có nơi nắng nóng, ít mưa còn duy trì ở miền Bắc trong 2-3 ngày sau đó. Từ 9/9, miền Bắc có thể chuyển mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa đến mưa to, trời chuyển mát.

tm-img-alt
Miền Bắc có thể đón nắng nóng cục bộ vào 6-7/9.

Tại miền Trung, dự báo đêm 5/9 đến ngày 6/9, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm. Thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.

Dự báo mưa lớn ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên kéo dài đến khoảng ngày 7/9. Những ngày sau đó, khu vực này tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều tối, ban ngày trời nắng.

Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đêm nay và ngày mai cũng có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.

Dự báo trong nhiều ngày tới, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và dông rải rác vào chiều và tối, cục bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, nguy cơ cao xảy ra ngập úng vùng trũng thấp và lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Thái Nguyên: Còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước tùy tiện

Thái Nguyên: Còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước tùy tiện
Tình trạng khoan giếng không phép xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh Thái Nguyên.

Thời gian qua UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012. Qua đó đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước từ thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên của các tổ chức, cá nhân và trong cộng đồng. Mới đây nhất, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục hồ, ao, đầm không được phép san lấp.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép hoặc không thực hiện đăng ký vẫn còn diễn ra ở một số nơi; việc vi phạm quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước chưa được kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng khoan giếng không phép xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh…

Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước thời gian tới, ngày 31/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có Văn bản số 4410/UBND-CNNXD yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước theo quy định tại khoản 2 Điều 71 Luật Tài nguyên nước năm 2012.

Cụ thể: Rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải có giấy phép nhưng không có giấy phép theo quy định và lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ.

Tiếp tục triển khai thực hiện việc đăng ký khai thác nước dưới đất theo Quyết định số 3585/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt Danh mục khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan trọng công tác cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo phương án đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 1639/QĐ-UBND ngày 14/7/2023; chỉ đạo UBND cấp xã trong phối hợp thực hiện cắm mốc tại thực địa và tiếp nhận, quản lý bảo vệ mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo quy định.

Đắk Lắk: Mưa lũ gây thiệt hại nặng trên địa bàn huyện Lắk

Do ảnh hưởng của mưa lớn từ tối ngày 1/9 đến chiều tối ngày 2/9/2023, mực nước suối Đắk Liêng và Đắk Phơi tràn về kết hợp nước sông Krông Ana dâng cao khiến hàng chục nhà dân trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bị ngập cục bộ và hàng trăm ha lúa vụ Hè Thu 2023 bị ngập lụt. Đặc biệt, lũ lụt còn cuốn trôi 2 mẹ con ở xã Đắk Phơi khi trên đường đi rừng lấy măng về.

Chiều 4/9, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã hoàn tất thủ tục, bàn giao thi thể nạn nhân H.D.L sinh năm 1994 ở buôn Năm, là 1 trong 2 nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 2/9 trên suối Đắk Phơi cho gia đình để lo hậu sự.

Đồng thời, tiếp tục huy động các lực lượng tại chỗ và nhân dân nỗ lực tìm kiếm cháu H.V.L sinh năm 2016.

tm-img-alt
Mưa lũ khiến hàng trăm ha lúa trên địa bàn huyện Lắk bị ngập lụt.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Đắk Phơi, chiều 2/9, gia đình nạn nhân đã báo với Ban tự quản buôn Năm về việc chị H.D.L. cùng với cháu H.V.L khi trên đường vào rừng lấy măng về, đến suối Đắk Phơi đoạn đầu nguồn buôn Đung, do mưa lớn, nước lũ tràn về nhanh có khả năng đã bị cuốn trôi. Gia đình đi tìm nhưng chỉ thấy ở ven suối còn lại dép, mũ và điện thoại.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban nhân dân xã đã huy động Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của xã Đắk Phơi phối hợp với Công an xã, Ban Chỉ huy Quân sự xã và đề nghị lực lượng chức năng xã Đắk Liêng hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.

Lực lượng chức năng của hai địa phương đã tìm kiếm từ đầu nguồn buôn Đung, theo dọc con suối Đắk Phơi hướng về xã Đắk Liêng và một số địa điểm nghi ngờ khác.

Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, đến 10 giờ ngày 4/9 đã tìm thấy thi thể chị H.D. L. cách điểm tìm thấy đồ vật của nạn nhân để lại khoảng 2 km.

Chiều 4/9, Ủy ban nhân dân huyện Lắk cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn từ tối ngày 1/9 đến chiều tối ngày 2/9/2023, mực nước suối Đắk Liêng và Đắk Phơi tràn về kết hợp nước sông Krông Ana dâng cao khiến hàng chục nhà dân trên địa bàn huyện bị ngập cục bộ và hàng trăm ha lúa vụ Hè Thu 2023 bị ngập lụt.

Cụ thể, mưa lớn gây ngập lụt cục bộ 61 ngôi nhà, trong đó xã Đắk Liêng 55 ngôi nhà, thị trấn Liên Sơn 6 ngôi nhà và tại xã Buôn Triết một hộ dân ở thôn Đoàn Kết 1 bị ảnh hưởng do sạt lở đất phía đồi cạnh nhà. Hiện nay nước đã rút, bà con đang tập trung dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa…

Do mưa lớn nước sông Krông Ana dâng cao làm vỡ 3 đoạn bờ sông, đoạn qua xã Buôn Triết, gây ngập lụt hàng trăm ha lúa vụ Hè Thu năm 2023 trên địa bàn huyện.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân huyện Lắk, đến trưa ngày 4/9, trên địa bàn huyện có hơn 666 ha lúa nước bị ngập lụt và 5 ha nuôi trồng thủy sản ở xã Đắk Nuê bị ảnh hưởng. Trong đó, xã Đắk Liêng ngập lụt 80 ha, xã Yang Tao ngập 15 ha, xã Bông Krang 13,5 ha, xã Đắk Nuê 128,3 ha, xã Đắk Phơi 7 ha, xã Buôn Triết 407 ha và thị trấn Liên Sơn 16 ha.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: Thúc đẩy việc hạn chế sử dụng nước ngầm

Nước ngầm, một cách gọi khác của “nguồn nước dưới đất", là một dạng tài nguyên nước được phân bổ hoàn toàn dưới bề Trái Đất được tích trữ trong không gian rỗng của đất hay trong những khe nứt của lấp đất đá trầm tích. Ở Việt Nam, nguồn nước ngầm hiện nay đã và đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng, theo nhận định của các chuyên gia.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đặt nhiệm vụ vừa phải hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ nước ngầm hiện có, vừa ứng dụng công nghệ để xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.

Số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho thấy hiện toàn quốc có khoảng 4.500 hệ thống cấp nước tập trung cho cả đô thị và nông thôn với tổng công suất cấp nước thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày đêm, trong đó nước mặt chiếm 87%, nước ngầm chiếm 13%. Khu vực đô thị có khoảng 829 nhà máy nước với tổng công suất đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm, 70% trong đó sử dụng nguồn nước mặt và 30% từ nước ngầm.

Trong những năm gần đây đã có nhiều cải tiến và nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao, hệ thống cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị gặp nhiều khó khăn. Đầu tư phát triển cấp nước chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, dẫn đến tình trạng nguồn nước dưới mặt đất bị khai thác quá mức, tập trung tại một số đô thị như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Tại khu vực nông thôn, đã xây dựng khoảng trên 16.573 công trình cấp nước tập trung, phục vụ cho 28,5 triệu người, phần lớn được lấy từ nguồn nước ngầm. Đối với người nông dân, nước không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt mà còn là nguồn tài nguyên chính giúp quá trình canh tác đạt hiệu quả, góp phần duy trì và phát triển ngành nông nghiệp.

Vài năm trước, mỗi nhà vườn chỉ cần khoan từ 1-2 giếng khoan là đáp ứng nhu cầu sản xuất vì nguồn nước khoan khá dồi dào. Tuy nhiên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, người dân phải khoan 3-4 giếng mới đủ nước đảm bảo sản lượng sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tuy ở nhiều tỉnh thành, nước máy đã được triển khai để cấp nước cho người dân nhưng do tâm lý e ngại, người dân thay vì sử dụng nước máy, vẫn tiếp tục khai thác và sử dụng nước ngầm để sinh hoạt, sản xuất.

Tất cả những nguyên nhân này đã và đang góp phần làm cạn kiệt, khan hiếm nguồn nước ngầm, từ đó dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Các chuyên gia về môi trường, địa chất đã cảnh báo rằng việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm mà không có sự kiểm soát chặt chẽ sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình khai thác nước ngầm sẽ tạo ra các “phễu”, hạ thấp mực nước cục bộ tại nơi khai thác. Các “phễu” này sẽ phát triển to ra khi lưu lượng khai thác vượt quá sự bổ cập nước cho đất, gây nên hiện tượng hạ thấp mực nước trên vùng rộng lớn, từ đó kéo theo hiện tượng sụt lún mặt đất và suy giảm chất lượng nguồn nước.

SAWACO không ngừng thúc đẩy việc hạn chế sử dụng nước ngầm - Ảnh 1.
SAWACO tích cực tuyên truyền thúc đẩy việc hạn chế sử dụng nước ngầm. VĂN BÍCH

Tại TP. HCM, việc giảm khai thác nước ngầm và cấp nước sạch an toàn cho người dân là nhiệm vụ kép mà SAWACO đang theo đuổi. Lộ trình giảm khai thác nước ngầm đã được lên kế hoạch, lấy việc giảm khai thác tới mức thấp nhất làm kim chỉ nam hành động.

SAWACO tuân thủ lộ trình giảm khai thác nước ngầm của TP.HCM theo Quyết định 1242 ngày 30.3.2018 của UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất (nước ngầm) và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025.

SAWACO đã xây dựng Kế hoạch giảm khai thác nước ngầm phù hợp với lộ trình theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Cụ thể, giảm lượng nước ngầm khai thác từ các hệ thống giếng xuống mức 100.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2018; 90.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2019; 70.000 m³/ngày đêm vào cuối năm 2020; 66.000 m³/ngày đêm vào năm 2021 và mức 62.300 m³/ngày đêm trong năm 2022. Trong năm 2023, SAWACO dự kiến sẽ giảm khai thác thêm 12.300 m³/ngày đêm từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú về mức 50.000 m³/ngày đêm.

Để giúp người dân thay đổi nhận thức và khuyến khích sử dụng nước sạch thay cho nước ngầm, SAWACO đảm bảo nguồn nước liên tục, chất lượng và an toàn. Đồng thời phối hợp tốt với các sở ban ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, trám lấp giếng, thực hiện chương trình giảm giá nước để khuyến khích các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng chưa sử dụng nước. Đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất sẽ có giá bán sỉ nước sạch hợp lý.

SAWACO và các công ty cấp nước thành viên luôn nỗ lực cấp nước chất lượng, an toàn cho 20/21 quận - huyện và TP.Thủ Đức, bảo đảm mỗi người dân sống và làm việc tại TP.HCM đều được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ cung cấp nước sạch, chất lượng và ổn định. Từ năm 2017, đã hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch cho 100% hộ dân qua nhiều giải pháp như phát triển mạng lưới, gắn đồng hồ, bồn chứa nước tập trung... Mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 nâng tổng công suất hệ thống cấp nước lên 2,9 triệu m³/ngày đêm.

SAWACO đang đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên mọi phương diện, triển khai và xây dựng các hệ thống và phần mềm ứng dụng như: triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu Data Center; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý chất lượng nước; xây dựng hệ thống quản lý hạ tầng công nghệ thông tin; triển khai hệ thống quản lý thất thoát nước; trang bị phần mềm quản lý dự án; trang bị phần mềm mô phỏng thủy lực để mô hình hóa mạng lưới.

Bức tranh giảm khai thác nước ngầm tại TP.HCM sẽ còn tươi sáng hơn khi trong những năm tới ngành cấp nước đặt mục tiêu giảm mạnh việc khai thác nước ngầm bằng cách tập trung đầu tư lắp đặt hệ thống mạng lưới cấp nước nhằm bao phủ toàn TP.HCM./.

Bão Haikui đổ bộ vào Trung Quốc gây ảnh hưởng tới hơn 30 triệu người

Dự báo bão của Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) ngày 4/9 đã đưa ra cảnh báo màu vàng về bão và mưa lớn. Cảnh báo màu vàng mức cao thứ ba trong hệ thống cảnh báo bốn cấp của NMC.

NMC cho biết bão Haikui có khả năng đổ bộ vào khu vực ven biển giữa huyện Chương Phố ở tỉnh Phúc Kiến phía đông Trung Quốc và huyện Huệ Lai, tỉnh Quảng Đông phía nam Trung Quốc vào sáng 5/9.

Do ảnh hưởng của bão Haikui, mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở các khu vực bao gồm Quảng Đông, Phúc Kiến và Đài Loan từ ngày 4 đến 6/9. Cơ quan chức năng Trung Quốc đã ban bố cảnh báo vàng đối với cơn bão Haikui. Đây là mức cảnh báo nghiêm trọng thứ 3 trong hệ thống cảnh báo bão 4 cấp của nước này.

Nhiều chuyến tàu đã bị hủy và một số trường học bị đình chỉ hoạt động do bão Haikui được dự đoán sẽ đổ bộ dọc theo bờ biển phía đông nam Trung Quốc vào ngày 5/9 sau khi quét qua đảo Đài Loan.

tm-img-alt
Đường sá ở huyện Nam Đầu bị hư hại sau khi bão Haikui đổ bộ Đài Loan ngày 4/9/2023. Ảnh: CNA

Từ sáng 5 đến 6/9, dọc bờ biển phía đông Quảng Đông sẽ có triều cường cao 30-70 cm, sóng cao 3-5 mét ở vùng đông bắc Biển Đông và cao 2-3 mét ở vùng biển ngoài khơi phía đông Quảng Đông.

Trung tâm Dự báo và Giảm nhẹ thiên tai đưa ra cảnh báo màu vàng về sóng lớn và nước dâng do bão, yêu cầu các bộ phận liên quan hỗ trợ tàu cá chuẩn bị cần thiết.

Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Quảng Đông cho biết tổng cộng 391 chuyến tàu cao tốc bị hủy từ chiều 4/9 trở đi, bao gồm tuyến Hàng Châu - Thâm Quyến chạy dọc theo bờ biển phía đông nam Trung Quốc. Theo Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc chi nhánh Thượng Hải, khoảng 47 chuyến tàu chở khách đi qua tuyến Hàng Châu - Thâm Quyến đã bị đình chỉ từ hôm 4/9.

Các thành phố Triều Châu và Sán Đầu gần biên giới giữa Quảng Đông và Phúc Kiến đã tạm đóng cửa các cơ sở mẫu giáo, tiểu học, trung học trên toàn thành phố từ ngày 4/9. Thành phố Hạ Môn thuộc tỉnh Phúc Kiến cũng đình chỉ tất cả các trường học từ 17h ngày 4/9 để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.

Cục Thời tiết Trung tâm Đài Loan (CWB) cho biết tính đến 13h ngày 4/9, bão Haikui cách quần đảo Penghu 7 km về phía tây nam, di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 10km/h. Haikui có sức gió duy trì tối đa 101km/h và gió giật lên tới 126km/h.

Trước đó, cơn bão đổ bộ lần đầu vào Đài Đông khoảng 15h ngày 3/9, đi qua bờ biển phía đông và vùng núi miền trung, sau đó tiến vào biển ngoài khơi Cao Hùng.

Vào khoảng 4h ngày 4/9, Haikui quay đầu và đổ bộ vào Đài Loan lần thứ hai, đi qua quận Tả Doanh của Cao Hùng, sau đó di chuyển lên bờ biển đến một vị trí ngoài khơi Đài Nam, trước khi đi theo hướng tây tây bắc.

Haikui là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Đài Loan trong 4 năm qua. Hơn 7.000 người trên hòn đảo phải sơ tán, đặc biệt là ở các vùng núi dễ bị lở đất. Lực lượng cứu hỏa báo cáo 116 người bị thương do bão.

Mặc dù Haikui đã rời khỏi Đài Loan và bị hạ cấp thành bão nhiệt đới, nhưng tốc độ di chuyển chậm lại, điều đó có nghĩa là các dải bên ngoài của bão vẫn đang ảnh hưởng đến Đài Loan.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 5/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới