Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 9/9/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 9/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Ra quân đảm bảo vệ sinh môi trường diệt bọ gậy ở Định Công
Tin trên Kinh tế Đô thị, ngày 9/9, UBND phường Định Công, quận Hoàng Mai đã tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại 42 tổ dân phố với hơn 52.000 dân.
Đây là lần thứ 8 trong năm, phường Định Công tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy chủ động nhằm phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
UBND phường Định Công đã huy động tất cả ban ngành, đoàn thể, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên môn tăng cường tuyên truyền hỗ trợ Nhân dân xử lý các dụng cụ chứa nước có bọ gậy, hướng dẫn người dân cùng lật úp phế thải, phế liệu có chứa nước phòng muỗi đẻ trứng phát triển thành bọ gậy. Đồng thời, hướng dẫn các hộ gia đình thả cả vào dụng cụ chứa nước ăn, thả hóa chất diệt bọ gậy vào chậu cây cảnh…
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan – Phó Chủ tịch UBND phường Định Công, với mục tiêu 100% số hộ dân trên địa bàn được kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện xử lý triệt để các ổ bọ gậy và được tuyên truyền kiến thức phòng chống sốt xuất huyết; trên 90% các hộ gia đình sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy không có ổ bọ gậy trong nhà và xung quanh nhà… UBND phường Định Công đã đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, loa kéo, tờ rơi và nhóm zalo của tổ dân phố… để người dân hiểu và nắm được các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều, cộng với dân số đông, nhiều nhà trọ (trên 5.000 nhà cho thuê và phòng trọ), nhiều công trình đang xây dựng… nên dù công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đã được phường Định Công đặc biệt quan tâm thực hiện nhưng số ca mắc bệnh vẫn ngày một tăng.
“Hiện vẫn có không ít trường hợp người dân lao động tự do ở các khu nhà trọ do đi làm từ sáng sớm đến tối muộn mới về nên chưa tiếp cận được thông tin tuyên truyền. Để khắc phục, UBND phường Định Công đã tổ chức tuyên truyền bằng hệ thống loa kéo và phát thanh thêm ca tối sau 19 giờ hàng ngày đảm bảo 100% hộ dân được hướng dẫn VSMT diệt bọ gậy” – Phó Chủ tịch UBND phường Định Công Nguyễn Thị Lan cho biết.
Qua thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn phường Định Công ghi nhận 275 ca sốt xuất huyết, với 23 ổ dịch. Hiện tại, 20 ổ dịch đã kết thúc, còn 3 ổ đang được tập trung xử lý.
Hải Phòng: Bàn giao cho cộng đồng dân cư quản lý 400 ha rừng ngập mặn
Tin trên Người đưa tin, chính quyền quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng đang hoàn thiện thủ tục để giao hơn 375 ha rừng ngập mặn ngoài tuyến đê biển cho cộng đồng dân cư địa phương quản lý, bảo vệ.
Qua khỏi khu vực cống Họng, dọc theo tuyến đê biển 2 chưa đầy một cây số, là đến cánh rừng ngập mặn bạt ngàn ngoài tuyến đê biển 2 kéo dài hơn 4 km thuộc địa phận phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng.
Theo thông tin từ UBND phường Bàng La, trước kia khi chưa có rừng bảo vệ, mỗi khi xảy ra thiên tai, người dân địa phương lại nơm nớp lo sợ vỡ đê. Thực tế, nhiều lần khi bão đổ bộ, tuyến đê biển đối diện với nguy cơ vỡ do bị xói mòn nghiêm trọng. May mắn, những lần đó chính quyền địa phương và người dân kịp thời gia cố, bảo vệ, nên tai họa đã không xảy ra.
Trước thực trạng này, năm 1997, thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản hỗ trợ trồng rừng ngập mặn chắn sóng ngoài đê. Trải qua nhiều lần trồng mới, trồng dặm, đến nay cả khu vực hơn 375 ha rộng lớn ngoài đê trở thành cánh rừng ngập mặn bạt ngàn với hằng sa số cây sú, vẹt, bần cao lớn, tươi tốt.
Khi rừng đã lên xanh, tuyến đê biển được tiếp sức thêm vững vàng trước thiên tai, bão gió. Không chỉ là lá chắn cho tuyến đê biển, “lá phổi xanh” cung cấp không khí trong lành, cánh rừng ngập mặn rộng lớn ở phường Bàng La đã trở thành nơi mưu sinh cho hàng trăm người dân địa phương và các khu vực lân cận.
“Cánh rừng ngập mặn trở thành nguồn sống cho rất nhiều người dân chúng tôi. Mỗi khi triều xuống, có hàng trăm người tranh thủ vào rừng bắt còng, cáy, cua giống… với mức thu nhập trung bình 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày”, anh Hướng - ngư dân ở phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng chia sẻ.
Để bảo vệ cánh rừng ngập mặn ngoài đê, trước đây, chính quyền phường Bàng La thành lập Tổ bảo vệ rừng với hơn 10 thành viên. Tổ bảo vệ có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát rừng cũng như tuyên truyền nâng cao ý thức người dân không vào rừng chặt cây lấy củi làm chất đốt.
Thực hiện chỉ đạo của Tp.Hải Phòng cũng như để tăng cường hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý đi đôi với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng phục vụ phát triển du lịch, ngày 2/12/2022, UBND quận Đồ Sơn ban hành Kế hoạch số 273 về giao rừng trên địa bàn. Theo đó, chính quyền quận Đồ Sơn dự kiến giao rừng trồng là rừng phòng hộ ven biển, ven sông do phường Bàng La đang quản lý cho cộng đồng dân cư.
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Đồ Sơn, chính quyền phường Bàng La đã tiến hành kiểm tra, thống kê diện tích các loại cây trồng tại rừng ngập mặn tại địa phương. Đồng thời, tổ chức họp bàn với Tổ bảo vệ rừng và các tổ dân phố trên địa bàn về phương án giao rừng cho cộng đồng dân cư quản lý.
Gia Lai: Giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Thực hiện chương trình giám sát “Việc chấp hành các quy định về quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khoáng sản ở khu vực khoáng sản phân tán nhỏ lẻ; khoáng sản bãi thải của mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2022”, tuần qua, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã làm việc tại các huyện Ia Pa, Đăk Pơ, Chư Păh.
Theo đó, tại huyện Chư Păh hiện có 42 điểm mỏ khoáng sản được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch gồm: 14 mỏ cát xây dựng, 12 mỏ đá granit, 8 mỏ đá bazan, 4 mỏ đất san lấp, 2 mỏ sét làm gạch, 1 mỏ than bùn và 1 mỏ nguyên vật liệu gốm sứ, vật liệu chịu lửa. Trong đó, có 9 điểm mỏ đã được UBND tỉnh cấp quyền khai thác (gồm 7 điểm mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 2 điểm mỏ granit), 2 điểm mỏ đã tổ chức đấu giá thành công nhưng chưa cấp quyền khai thác (gồm 1 mỏ cát xây dựng tại xã Ia Ka và 1 mỏ đất san lấp tại xã Đak Tơ Ver).
Bên cạnh công tác quản lý thì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như cát, đá, đất san lấp trên địa bàn huyện vẫn diễn ra tại một số địa bàn; một số doanh nghiệp chưa thực hiện tốt đề án bảo vệ môi trường, chưa thực hiện việc hỗ trợ địa phương theo điều 5 Luật Khoáng sản 2010…
Tại huyện Đăk Pơ, qua ghi nhận tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện chủ yếu là cát, đất sét, đá Gabro… phân bố tại các xã Tân An, Yang Bắc, Ya Hội, An Thành. Tính đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 4 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Từ năm 2017-2022, huyện Đăk Pơ đã phát hiện 19 trường hợp vi phạm với tổng số tiền xử phạt là gần 600 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có mỏ đất san lấp nằm trong quy hoạch chung của tỉnh nên khó khăn trong công tác giải quyết nguồn đất san lấp cho các công trình dự án và đề nghị cơ quan cấp tỉnh đưa các mỏ khoáng sản của huyện đề nghị bổ sung vào quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2020-2025…
Trên địa bàn huyện Ia Pa, khoáng sản tập trung gồm cát xây dựng, đất san lấp công trình, đất sét. Từ năm 2017 đến nay, huyện Ia Pa có 4 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép khai thác gồm: Mỏ cát xây dựng tại xã Ia Tul; mỏ cát xây dựng tại xã Ia Trok; mỏ cát xây dựng tại xã Chư Mố; mỏ cát xây dựng tại xã Ia Broăi (đã đóng cửa mỏ); mỏ chì kẽm của Công ty Cổ phần khai thác và chế biến khoáng sản Đức Long Gia Lai tại xã Chư Mố .
Giai đoạn 2017-2022, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 đơn vị là Công ty TNHH xây dựng Xuân Hương vì khai thác ngoài phạm vi quy định với tổng số tiền 120 triệu đồng. Huyện Ia Pa đang gặp một số khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản với hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản quy mô vừa, nhỏ, lẻ, tận thu đất dư thừa sau san ủi, cải tạo đồng ruộng của người dân, vận chuyển ra khỏi khu vực. Việc kiểm tra lắp đặt, vận hành trạm cân, camera giám sát khai thác khoáng sản; các hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan đến cấp phép hoạt động của doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng chưa thực hiện tốt.
Sau khi ghi nhận thực tế và qua báo cáo tại các địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai Trương Văn Đạt ghi nhận công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các huyện. Đồng thời, đề nghị các cấp chính quyền, ngành liên quan tham mưu, quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, làm rõ các vị trí cắm mốc của mỏ khai thác; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường khu vực mỏ; tránh thất thoát ngân sách Nhà nước. Đồng thời, rà soát, chỉ đạo việc chấp hành quy định về lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại các mỏ khoáng sản.
Nhiều giải pháp phòng, chống hạn mặn giai đoạn 2023 - 2025
Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Trà Vinh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh; trong đó, chú trọng việc ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, mặn xâm nhập gây ra.
Cụ thể, tỉnh rà soát, duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; thực hiện việc nạo vét khu vực cửa cống lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, tận dụng tối đa nguồn nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vào mùa khô hàng năm.
Đối với các hệ thống công trình thủy lợi đã được đầu tư khép kín, địa phương trữ nước ngọt trước khi kết thúc mùa mưa hàng năm. Với các hệ thống chưa được đầu tư khép kín, vận động người dân đắp kín bờ bao từng tiểu vùng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt. Đồng thời, xây dựng kế hoạch vận hành, điều tiết, điều hòa, cung cấp, phân phối nước hợp lý, đảm bảo đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân vào mùa khô.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Quang Răng cho biết, Trà Vinh là một trong những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, mặn xâm nhập nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh bị thiếu nước tưới.
Ông Phạm Văn Kha, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết, để ứng phó với tình hình hạn hán, mặn xâm nhập và thiếu nước ngọt trong mùa khô năm 2023, ngay từ đầu năm, địa phương đã rà soát, bố trí tổng kinh phí trên 4,8 tỷ đồng để nạo vét 33 tuyến kênh nội đồng bị bồi lắng, với tổng chiều dài trên 32km. Đồng thời, thường xuyên quan trắc độ mặn ở các sông, các cống đầu mối để vận hành đóng, mở cống ngăn mặn, trữ ngọt, thông tin kịp thời cho người dân chủ động tích trữ nước.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp huyện cũng vận động người dân nạo vét các mương vườn, khơi thông dòng chảy trên các tuyến kênh; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; áp dụng các phương pháp tưới phun sương nhỏ giọt để tiết kiệm tối đa nguồn nước ngọt.
Đề xuất giải pháp quản lý bền vững bờ biển Hội An
Chiều 9/9, tại thành phố Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức Hội thảo Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An.
Tại thành phố Hội An, trước tình hình cấp thiết về bảo vệ bờ biển khỏi nguy cơ xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, Quảng Nam đã có nhiều giải pháp, công trình khắc phục tình trạng xói lở, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp, nên địa phương mới chỉ thực hiện giải pháp công trình được khoảng 1,7 km trên tổng số hơn 6 km bờ biển cần được bảo vệ trước nguy cơ xâm thực ngày càng nặng hơn. Các công trình bảo vệ bờ biển Hội An trong thời gian qua phần lớn mang tính tự phát, riêng lẻ và manh mún nên chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Vấn đề cấp thiết đặt ra là cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp cùng cách thức quản lý vùng bờ phù hợp, hiệu quả.
Ông Denis Vasseur, Trưởng nhóm Dự án tại Cơ quan Phát triển Pháp chia sẻ, nhằm ứng phó với những tác động của xói lở và phục hồi bãi biển, các biện pháp công trình và phi công trình, cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ tình trạng mất cân bằng dòng vận chuyển bùn cát ven bờ. Từ đó, nâng cao được khả năng phục hồi tổng thể của toàn bộ dải bờ biển. Đây chính là nội dung chính được các chuyên gia tập trung thảo luận tại Hội thảo và đề xuất các giải pháp khả thi trong Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt, Đại học Thủy lợi nhấn mạnh, Hội An là thành phố du lịch có bề dày lịch sử, nằm ở phía hạ lưu của sông Vũ Gia - Thu Bồn thuộc khu vực Bờ biển Trung Bộ, một trong 13 lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam.
Trong vòng mười năm qua, vùng ven biển của thành phố Hội An (bãi biển Cửa Đại) đã bị xói lở bờ biển nghiêm trọng, gây thiệt hại và tổn thất tài chính lớn cho địa phương nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng du lịch và kinh tế của Hội An - một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận.
Mặc dù đã có các biện pháp công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở, xói lở ở một số phần quan trọng của bờ biển Cửa Đại, nhưng địa phương rất cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp theo các phương pháp quản lý khu vực ven biển tốt nhất, đảm bảo bảo vệ hiệu quả và bền vững lâu dài. Do đó, để quản lý bền vững bờ biển Hội An, cần phải có các giải pháp toàn diện để ngăn chặn xói lở, sạt lở; triển khai đồng thời các biện pháp công trình (kè chắn sóng, mỏ hàn và nuôi bãi) và phi công trình (Kế hoạch quản lý khu vực ven biển), nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ sạt lở ven biển và biến đổi khí hậu.
Hơn 170 căn nhà bị tốc mái trong cơn mưa lớn kèm giông lốc ở Long An
Ngày 9/9, đoàn kiểm tra gồm HĐND, UBND huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã đến khảo sát, thăm hỏi, động viên và đưa ra phương án khắc phục sự cố tại các hộ gia đình bị ảnh hưởng do cơn mưa lớn kèm giông lốc đêm 8/9 khiến nhà bị tốc mái, tài sản bị hư hại.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Châu Thành, cơn mưa kèm lốc xoáy đã làm ảnh hưởng hơn 170 căn nhà tại các xã Hòa Phú, Bình Quới, Vĩnh Công, Phú Ngãi Trị…Bị ảnh hưởng nhiều nhất là xã Bình Quới với hơn 100 căn bị tốc mái. Ngoài ra, giông lốc còn làm ngã đổ nhiều cây xanh, trụ điện khiến khu vực này bị mất điện toàn diện. May mắn là không có thiệt hại về người.
Trong đêm Công an, dân quân và các ban ngành đoàn thể đã tổ chức khắc phục tạm thời sự cố và đến sáng cùng ngày, các sự cố điện, cây xanh ngã đổ đã được khắc phục. Các căn nhà bị tốc mái, hiện UBND huyện phối hợp với các ban ngành đoàn thể, cùng người dân tiến hành sửa chữa lại cho dân. Ông Lê Quốc Dũng, Bí thư huyện ủy Châu Thành đã yêu cầu các đơn vị khắc phục nhanh sự cố để ổn định cuộc sống cho người dân.
Đây là cơn mưa lớn kèm giông lốc lớn nhất trong vòng 10 năm qua xảy ra trên địa bàn huyện Châu Thành.
T.Anh (T/h)