Thứ hai, 29/04/2024 14:33 (GMT+7)

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/9/2023

MTĐT -  Thứ tư, 06/09/2023 17:04 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/9/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 6/9/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường và khí hậu

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cùng Đại sứ Marc E.Knapper cùng nhau thảo luận những nội dung hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để chuẩn bị cho sự kiện Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ thăm chính thức Việt Nam trong một vài ngày tới (10-11/9/2023).

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và Đại sứ Marc E.Knapper tin tưởng rằng chuyến thăm quan trọng này của Ngài Tổng thống Joe Biden sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt hợp tác về tài nguyên và môi trường, góp phần duy trì hợp tác và phát triển đồng thời giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.

small_toan-canh.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Trao đổi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Đại sứ Marc E.Knapper mong muốn trong thời gian tới, Hoa Kỳ và Bộ TN&MT sẽ đẩy mạnh các chương trình hợp tác với cách tiếp cận mới, tích hợp, giải quyết các vấn đề liên lĩnh vực về biến đổi khí hậu và môi trường.

Đồng thời, thúc đẩy việc triển khai Dự án Giảm thiểu ô nhiễm và các dự án hành động chống ô nhiễm nhựa góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và quản lý rác thải nhựa. Ngoài ra, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực hai bên còn nhiều tiềm năng khai thác khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý bền vững tài nguyên nước… thông qua việc hợp tác thực hiện các hoạt động hợp tác nghiên cứu và các dự án cụ thể.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận những chia sẻ của Đại sứ Marc E.Knapper đồng thời đề nghị Hoa Kỳ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan giúp Việt Nam có được sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực tài chính triển khai các chương trình hợp tác, các cam kết với Quốc tế.

Bộ trưởng tin tưởng rằng với sự hiểu biết của mình cùng với tình cảm dành cho Việt Nam, Đại sứ Marc E.Knapper sẽ có một nhiệm kỳ thành công tại Việt Nam, góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai quốc gia nói chung và tăng cường quan hệ hợp tác Hoa Kỳ và Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường nói riêng.

Mưa cường độ mạnh, đề phòng sạt lở đất

Tổng lượng mưa từ ngày 6 đến 10/9 trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 50-80mm. Mưa cường độ lớn nguy cơ gây ngập úng vùng đô thị và sạt lở vùng núi.

Ngày 6/9, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, trong 1 giờ qua (từ 13 -14 giờ ngày 6/9), tại huyện thị Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 25-55mm, một số nơi cao hơn như Hương Chữ (Hương Trà) 60mm, Quan Tượng Đài (TP. Huế) 62.2mm, Kim Long 67mm.

tm-img-alt
Nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất ở miền núi Nam Đông

Cảnh báo trong khoảng thời gian từ 14-17 giờ cùng ngày trên toàn tỉnh có mưa rào và giông, trong cơn giông có nguy cơ xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Riêng các huyện thị A Lưới, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế rải rác mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cảnh báo, tác động mưa với cường độ mạnh trong khoảng thời gian ngắn có nguy cơ xảy ra ngập úng đô thị ở vùng thấp trũng và những nơi có hệ thống thoát nước kém ở các địa phương. Nguy cơ gây lũ, lũ quét, sạt lở đất ở ven các sông suối nhỏ; sạt lở, trượt lở đất đá ở vùng núi các huyện A Lưới và Phong Điền.

Theo thống kê hiện trên địa bàn tỉnh có trên địa bàn tỉnh có 51 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở. Trong đó, có nhiều khu vực được xác định là “trọng điểm” sạt trượt đất nằm trên địa bàn huyện A Lưới, Phong Điền, Nam Đông. Tuy nhiên, do nguồn lực còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư xử lý các điểm sạt trượt, di dân tái định cư an toàn vẫn còn hạn chế.

Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam năm 2022

Báo cáo nhằm đánh giá hiệu quả xử lý các vụ án hình sự về động vật hoang dã (ĐVHD) tại Việt Nam trong năm 2022.

Cụ thể, báo cáo được phân tích dựa trên 156 vụ án hình sự về ĐVHD phát hiện trong năm 2022 được ghi nhận trên Cơ sở dữ liệu vi phạm về ĐVHD của ENV. Kết quả phân tích cho thấy Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã. 

Một số kết quả đáng chú ý trong năm 2022:

95% các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ

79% các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ đã được đưa ra xét xử và kết án với một hoặc nhiều đối tượng có liên quan

Mức án tù trung bình cho tội phạm về ĐVHD là 3,01 năm

Báo cáo này cho thấy những chuyển biến tích cực sau khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018 - một bước tiến quan trọng trong cải cách tư pháp, góp phần tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác điều tra và xử lý tội phạm về ĐVHD.

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ tiếp tục ở mức cao trong năm 2022 rõ ràng đã cho thấy những thay đổi tích cực kể từ khi Bộ luật hình sự sửa đổi có hiệu lực vào năm 2018”. Báo cáo cho thấy tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng phạm tội bị bắt giữ đã đạt trung bình 92,2% (giai đoạn 2018 - 2022, sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực) so với tỷ lệ 84,6% (giai đoạn 2014 - 2017, trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực).

tm-img-alt
Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ trong giai đoạn 2014 - 2022

Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử cũng tăng đáng kể. Trong bốn năm sau khi BLHS sửa đổi có hiệu lực (2018 - 2021), trung bình tỷ lệ các vụ án có đối tượng bị bắt giữ được đưa ra xét xử là 90,9%, tăng gần 30% so với giai đoạn trước khi BLHS có hiệu lực với mức trung bình chỉ đạt 62,2%.

tm-img-alt
Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị xét xử trong giai đoạn 2014 - 2022

Mức án tù trung bình cho một đối tượng phạm tội về ĐVHD trong năm 2022 là 3,01 năm, giảm so với mức án tù trung bình cao nhất được ghi nhận vào năm 2019 là 4,45 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp đôi mức án tù trung bình ghi nhận vào năm 2017 là 1,21 năm, thời điểm trước khi BLHS sửa đổi có hiệu lực.

Kể từ năm 2015, Cơ sở dữ liệu của ENV đã ghi nhận 34 vụ buôn bán ĐVHD phát hiện tại các cảng biển ở Việt Nam với gần 80 tấn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê bị tịch thu. Đáng tiếc là cho đến nay, mới chỉ có 3 đối tượng liên quan đến các vụ việc này bị kết án.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ĐVHD. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tận dụng thông tin từ những vụ thu giữ ban đầu để thu thập bằng chứng và xây dựng chuyên án với mục tiêu bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu để có thể tiến tới xóa bỏ vai trò của Việt Nam trong mạng lưới buôn bán ĐVHD trái phép toàn cầu.

Quảng Bình: Phát hiện một hang động đẹp giữa rừng già Trường Sơn

Thông tin từ UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết, người dân đã phát hiện một hang động đẹp giữa rừng già Trường Sơn. Sau khi nhận tin, lãnh đạo địa phương đã cùng người dân khám phá nhằm kiếm cơ hội phát triển du lịch, tạo thêm việc làm cho người dân.

Khu vực phát hiện hang động thuộc bản Đìu Đo. Hiện người dân tạm đặt tên hang này là Sơn Nữ. Hang Sơn Nữ dài hơn 1,5km, trong hang mùa hè nước không lớn, người dân bản địa có thể chèo thuyền cao su từ đầu hang đến cuối hang hơn 1 giờ đồng hồ. Cuối hang là một cửa sau, chảy ra suối Khe Mây với khu rừng nguyên sinh hùng vĩ.

tm-img-alt
Thạch nhũ trong hang Sơn Nữ

Trong hang có nhiều thạch nhũ đẹp, nhiều kiến tạo kỳ lạ. Nơi cao nhất của hang khoảng 30m. Từ trung tâm xã, đi bộ khoảng 1,5km, sau đó mất 1 tiếng đồng hồ vượt đường đá tai mèo là đến hang Sơn Nữ.

UBND xã Trường Sơn đang làm báo cáo về phát hiện hang động này để đưa vào phát triển du lịch cộng đồng, nhằm tạo thêm việc làm cho đồng bào Vân Kiều.

Bên trong hang Sơn Nữ có nhiều loài cá bản địa, đặc biệt là cá chình núi với nhiều con nặng hơn 10 kg.

Quảng Bình cảnh báo 85 vị trí nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa bão

Tỉnh Quảng Bình có 153 hồ chứa, trong đó 31 hồ bị hư hỏng xuống cấp với nhiều mức độ khác nhau. Qua rà soát, có 85 điểm dễ xảy ra sạt lở núi ảnh hưởng, đe dọa đến hơn 1.100 hộ dân, trong đó 8 điểm nguy cơ cao. Toàn tỉnh có 25 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở, tổng chiều dài 53 km.

tm-img-alt
Xây dựng kè chống sạt lở bờ sông

Minh Hóa là huyện miền núi, nguy cơ cao xảy ra sạt lở trong mùa mưa lũ. Tỉnh Quảng Bình đã đầu tư 4 công trình chống sạt lở bờ suối và 1 công trình chống sạt lở đồi núi. Tuy nhiên, công trình chống sạt lở đồi núi này đang gặp vướng mắc trong giải ngân nguồn vốn.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, với mức độ sạt lở xảy ra thường xuyên, ngày càng nghiêm trọng, địa phương đã có phương án di dời các hộ dân trong tình huống khẩn cấp.

“Hiện tượng sạt lở núi xảy ra với cường độ ngày càng nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng thiệt hại rất nghiêm trọng. Tỉnh đã thành lập lực lượng xung kích ngay từ cấp thôn, xã, khi có tình huống xảy ra thì đây sẽ là lực lượng chuyên nghiệp đã được đào tạo, trang bị bài bản để ứng phó, giúp đỡ người dân và phối hợp với chính quyền trong sẵn sàng ứng phó ngay tại chỗ, thực hiện phương án ứng phó 4 tại chỗ”, ông Nam nói.

Liên hợp quốc cảnh báo nạn khai thác cát quá mức trên toàn cầu

Trong sự kiện ra mắt nền tảng dữ liệu toàn cầu đầu tiên về khai thác trầm tích trong môi trường biển, UNEP cho biết khoảng 6 tỷ tấn cát đang được khai thác từ biển và đại dương trên thế giới mỗi năm, không khác nào "máy hút bụi khổng lồ" và loại bỏ tất cả vi sinh vật là thức ăn cho các loài sinh vật biển địa phương, qua đó tác động mạnh đa dạng sinh học, nghề cá và những cộng đồng ven biển vốn đang đối mặt với bão và tình trạng nước biển dâng.

tm-img-alt
Một tàu nạo vét phun cát ở Hà Lan. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, dù đến nay số cát khai thác vẫn ít hơn lượng cát tích tụ hằng năm trên toàn thế giới, nhưng ở một số khu vực, lượng cát bị nạo vét đang vượt quá tốc độ có thể bù đắp. UNEP cho biết, tốc độ khai thác đang tăng lên trên toàn cầu và gần đạt tốc độ bổ sung tự nhiên là 10 - 16 tỷ tấn trầm tích trôi vào các đại dương mỗi năm. Ví dụ thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi đang chìm dần do thiếu trầm tích, kéo theo nhiều vấn đề trong việc bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực.

Nền tảng mới được UNEP công bố, có tên "Marine Sand Watch", sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và giám sát các hoạt động nạo vét cát, đất sét, bùn, sỏi và đá trong môi trường biển trên thế giới. Nền tảng này sử dụng tín hiệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) cho các tàu kết hợp với AI để xác định hoạt động của các tàu nạo vét. 

Các tín hiệu do tàu phát ra cho phép "truy cập vào chuyển động của mọi con tàu trên Trái đất", đồng thời nhận định khả năng AI có thể phân tích nhiều dữ liệu thu thập được. Hiện nền tảng mới vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và mới chỉ giám sát được khoảng 50% tàu thuyền trên toàn thế giới.

Với nền tảng theo dõi việc khai thác cát toàn cầu của mình, UNEP dự định giúp đỡ các quốc gia không phải lúc nào cũng có khung pháp lý và luật pháp đầy đủ để quản lý việc khai thác và sử dụng đúng mức tài nguyên cát của họ.

Cát và sỏi chiếm một nửa tổng số vật liệu được khai thác trên thế giới. Trên toàn cầu, 50 tỷ tấn cát sỏi được sử dụng mỗi năm - tương đương với một bức tường cao 27 m và rộng 27 m trải dài quanh xích đạo. Chúng là thành phần quan trọng của bêtông và nhựa đường.

Cát, nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác nhiều thứ hai trên thế giới, không còn có thể chỉ là một loại vật liệu thông thường nữa, mà có thể coi là một nguồn tài nguyên chiến lược.

Trong khi cát khai thác từ các mỏ trên đất liền có thể phục hồi ở mức độ nào đó, việc khai thác cát và vật liệu khác từ môi trường sông và biển sẽ làm thay đổi hình dạng sông hoặc bờ biển. Những con tàu nạo vét giống như máy hút bụi khổng lồ dưới đáy biển. Tất cả vi sinh vật trong cát đều bị nghiền nát và không còn gì sót lại. Nếu lấy hết cát và chỉ còn lại nền đá trơ trọi thì sẽ không phục hồi được. Nhưng nếu để lại 30 - 50 cm thì nó sẽ hồi phục.

Điều này càng đúng hơn khi xét đến biến đổi khí hậu và các hậu quả của nó. Cát sẽ rất cần thiết để đối phó với mực nước biển dâng cao, bão và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng như tua-bin gió hoặc tấm pin Mặt Trời.

Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ châu Phi chống biến đổi khí hậu

Theo đó, các nước phát triển cần thực hiện cam kết cung cấp nguồn tài chính cần thiết để chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển nhằm ứng phó hiệu quả với tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay.

Tuyên bố trên được người đứng đầu LHQ đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, diễn ra trong 3 ngày tại thủ đô Nairobi của Kenya, khi thảo luận về các cơ chế ứng phó của lục địa đối với biến đổi khí hậu.

Cụ thể, Tổng thư ký LHQ Guterres cho biết châu Phi hiện chiếm chưa đến 4% lượng khí phát thải toàn cầu, nhưng lại phải hứng chịu nhiều tác động tồi tệ như nắng nóng cực đoan, lũ lụt dữ dội cũng như hàng chục nghìn người tử vong do hạn hán nghiêm trọng. Chính vì vậy, ông Guterres kêu gọi các nước phát triển, đặc biệt nhóm G20 dự kiến họp thượng đỉnh tại Ấn Độ trong tuần này, cần thực hiện trách nhiệm của mình. 

tm-img-alt
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo đó, ông kêu gọi các nước phát triển cần chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như thúc đẩy việc thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 càng sớm càng tốt, thông qua việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi hợp lí và công bằng. Cụ thể, các nước phát triển cần đưa ra lộ trình rõ ràng và đáng tin cậy để tăng gấp đôi ngân sách cho quá trình chuyển đổi vào năm 2025, như bước đi đầu tiên trong quá trình này.

Phát biểu họp báo ngay sau đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi tạo ra gói kích thích tài chính trị giá 500 tỷ USD hàng năm để giúp các nước đang phát triển đầu tư cho người dân và phát triển các hệ thống cần thiết nhằm đẩy nhanh việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Cũng theo ông Guterres, châu Phi có khả năng để trở thành siêu cường năng lượng tái tạo.

Việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh công bằng và hợp lý - đồng thời hỗ trợ sự phát triển rộng rãi hơn trên khắp châu Phi - đòi hỏi phải có một sự điều chỉnh mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là đảm bảo một cơ chế giảm nợ hiệu quả, hỗ trợ việc tạm dừng thanh toán, thời hạn cho vay dài hơn và lãi suất thấp hơn.

Ông Guterres cũng kêu gọi tái cấp vốn và thay đổi mô hình kinh doanh của các ngân hàng phát triển đa phương để họ có thể tận dụng tối đa nguồn tài chính tư nhân nhằm giúp các nước đang phát triển xây dựng nền kinh tế thực sự bền vững.

Trước đó, các nhà lãnh đạo phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh đã cảnh báo lục địa này phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn vì hầu hết các quốc gia bị hạn hán, lũ lụt và lốc xoáy tàn phá trong thời gian vừa qua đang phải đối mặt với những thách thức tài chính nghiêm trọng.

T.Anh

Bạn đang đọc bài viết Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 6/9/2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thanh Hóa: Hàng tấn cá chết bất thường trên sông Mã
Từ ngày 19/3 đến 28/4, trên địa bàn các xã Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng và thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước(Thanh Hóa) xuất hiện hàng tấn cá lồng nuôi chết bất thường có hàng chục trên sông Mã khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...