Thứ sáu, 26/04/2024 11:14 (GMT+7)

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/6/2020

MTĐT -  Thứ ba, 30/06/2020 05:29 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/6/2020. Cập nhật tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay ngày 30/6/2020

Chủ tịch Hà Nội được đề nghị tặng Huân chương lao động hạng Nhất

17 thành viên trong Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đều bầu Nhân dân và cán bộ TP Hà Nội (tập thể), cũng như Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (cá nhân) được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về thành tích trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài ra, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội còn bỏ phiếu bầu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Nhân dân và cán bộ quận Đống Đa, cũng như ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại một buổi họp báo chống dịch COVID-19

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội cũng đồng thuận với việc khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 44 tập thể, 29 cá nhân khác có thành tích trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Căn cứ quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP, các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng có số phiếu đồng ý khen thưởng đạt từ 75% số phiếu trở lên sẽ đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gửi thư chúc mừng lực lượng QLTT nhân 63 năm ngày truyền thống lực lượng

Thay mặt Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Công Thương, ngày 29/6/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhân 63 năm ngày truyền thống của lực lượng tới toàn thể các đồng chí cán bộ, công chức và người lao động toàn lực lượng Quản lý thị trường tại 63 điểm cầu địa phương.

Nội dung thư chúc mừng của Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh “Phát huy truyền thống vẻ vang trong 63 năm hình thành và phát triển, tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp nối thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp uỷ và chính quyền địa phương giao.

Sau gần hai năm chính thức đi vào hoạt động, mô hình Tổng cục theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành.

Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đọc thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, và gửi lời chúc đến toàn bộ công chức, viên chức, người lao động đang công tác và làm việc tại 63 Cục QLTT địa phương

Sự chỉ đạo, quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương đã phát huy vai trò, hiệu quả trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.

Đặc biệt vừa qua, những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng cục đã được người dân, dư luận ghi nhận, đánh giá cao.

Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các thế hệ công chức và người lao động lực lượng Quản lý thị trường đã đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kể cả những hy sinh, mất mát để xây dựng lực lượng Quản lý thị trường ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng chuyên trách, khẳng định vai trò chủ công trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa”.

Thay mặt lực lượng Quản lý thị trường, Tổng cục trưởng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới Lãnh đạo Bộ Công Thương trong những năm qua đã luôn chỉ đạo sát sao và kịp thời. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên hơn nữa của Lãnh đạo Bộ Công Thương trong thời gian tới.

Thái Lan gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

Ngày 29-6, Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo sau phiên họp toàn thể do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, cơ quan này đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 7, sau khi sắc lệnh này hết hiệu lực vào ngày 30-6.

CCSA cho rằng quyết định trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay do Thái Lan sẽ tiến hành nới lỏng hạn chế đối với hầu hết các ngành nghề kinh doanh, các trường học và cho phép di chuyển nhiều hơn từ ngày 1-7.

Các công dân Thái Lan hồi hương từ Vương quốc Anh tiến hành kiểm dịch tại sân bay Suvarnabhumi -Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

Cùng ngày, CCSA thông báo Thái Lan ghi nhận thêm bảy ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, tất cả đều là những công dân hồi hương từ nước ngoài và không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm này, Thái Lan có tổng cộng 3.169 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Ngoài ra, nước này cũng đã trải qua 35 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 29-6 khuyến cáo các chính phủ nên cân nhắc việc sử dụng các biện pháp cách ly sau khi tái khởi động nền kinh tế.

IATA cho rằng việc áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh sẽ khiến các quốc gia bị cô lập, kéo theo đó là ngành dịch vụ vận chuyển và du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Theo Tổng Giám đốc IATA, Alexandre de Juniac, Hiệp hội này đang đề xuất một thỏa thuận với nhiều điều khoản nhằm ngăn chặn những người có nguy cơ lây nhiễm cao di chuyển và hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm có thể của những hành khách này sau khi nhập cảnh.

Dẫn một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 83% số người được hỏi cho biết sẽ không di chuyển nếu bắt buộc phải kiểm dịch tại điểm đến, ngoài ra các quốc gia áp dụng kiểm dịch nghiêm ngặt đã chứng kiến lượng khách giảm tới 90% - một kết quả tương tự so với những quốc gia cấm hoàn toàn du khách nước ngoài. Ông Juniac cho rằng việc khởi động lại nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu và các biện pháp kiểm dịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho mọi người nhưng nó cũng sẽ khiến nhiều người mất việc.

Ông Juniac cho biết đề xuất của IATA sẽ hỗ trợ giảm rủi ro của các trường hợp nhập cảnh thông qua việc ngăn chặn các hành khách có triệu chứng đi lại và yêu cầu cung cấp xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách từ các quốc gia được coi là có tỉ lệ lây nhiễm cao. Giám đốc IATA khuyến cáo các biện pháp kiểm dịch nên được thực hiện trước khi hành khách tới sân bay nhằm tránh gây tắc nghẽn tại sân bay cũng như hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

EU và Anh khởi động vòng đàm phán mới về quan hệ hậu Brexit

Ngày 29/6, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã khởi động 5 tuần đàm phán quan trọng về một thỏa thuận xác định quan hệ giữa hai bên trong giai đoạn hậu Brexit.

Đến với vòng đàm phán này, London mang theo tâm lý muốn nhanh chóng kết thúc vụ "ly hôn."

Vòng đàm phán mới tại Brussels này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán trên sẽ diễn ra luân phiên tại Brussels và London trong suốt hai tháng tới.

So với các vòng đàm phán đầu tiên, vòng đàm phán lần này được sắp xếp hợp lý hơn với sự tham gia của hàng trăm chuyên viên tại các phiên họp riêng biệt về các chủ đề khác nhau.

Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu bằng một cuộc họp giữa các trưởng đoàn đàm phán của EU, ông Michael Barnier và phía Anh là ông David Frost.

Cuộc đàm phán sẽ diễn ra trong suốt tuần với các phiên ngắn về các chủ đề gây tranh cãi nhất như bảo đảm cạnh tranh công bằng mà EU yêu cầu trong các vấn đề tài chính, xã hội hoặc môi trường để tránh sự xuất hiện của một nền kinh tế điều tiết thấp theo tiêu chuẩn EU; vai trò của Tòa án Công lý EU; việc ngư dân EU tiếp cận các vùng biển của Anh...

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier (phải) và người đồng cấp Anh David Frost (trái) tại vòng đàm phán thứ nhất về thỏa thuận thương mại hậu Brexit ở Brussels, Bỉ ngày 2/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cuộc đàm phán tới đây được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tháo gỡ những mâu thuẫn vốn đã cản trở tiến trình đàm phán trong suốt nhiều tháng qua.

Vấn đề càng thêm nóng trong những ngày gần đây khi Thủ tướng Johnson hôm 27/6 khẳng định một khi hai bên không thể tìm tiếng nói chung, Anh sẽ chấp nhận mọi hậu quả khi rời đi mà không có thỏa thuận về quan hệ song phương.

Anh chính thức rời EU hôm 31/1 vừa qua nhưng những điều khoản chính trong quan hệ song phương vẫn duy trì theo mô hình cũ cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm 2020.

Trong thời gian này, hai bên nỗ lực đàm phán để tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo không gián đoạn hoạt động giao thương sau giai đoạn chuyển tiếp.

Nếu hai bên không thể đạt thỏa thuận đúng hạn chót thì hoạt động thương mại toàn cầu sẽ càng thêm hỗn loạn trong bối cảnh các nền kinh tế đều đang nỗ lực nối lại hoạt động sau thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19.

Mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn tối thiểu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.

P.V (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Tin tức thời sự 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/6/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Bài thơ: Say
Khi say anh chợt nhớ em///Như bỏ viết lâu năm thèm hương báo mới////Khi cánh én nhớ Xuân về làm tổ///Chấp chới ánh đèn thèm nắng phút bình minh.
“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.