Tỉnh Lào Cai triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024
Chiều 3/4, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2023; triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai, năm 2023 và 3 tháng năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 30 đợt thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; dông, lốc, mưa lũ, sạt lở đất đá làm 18 người chết, 1 người mất tích và 7 người bị thương; 659 nhà bị thiệt hại và ảnh hưởng; gần 12.500 ha lúa, ngô, hoa màu, rau màu, cây ăn quả, thủy sản, cây xanh bị thiệt hại; hơn 500 con gia súc, gia cầm bị chết; gần 150 công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm sạt lở gần 1.000 vị trí trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã với hàng trăm nghìn m3 đất, đá.
Ước tổng giá trị thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra năm 2023 là hơn 1.120 tỷ đồng. Thiên tai đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân và sản xuất nông - lâm nghiệp, cơ sở hạ tầng.
Trong năm 2023, 9/9 huyện, thị xã, thành phố và 152/152 xã, phường, thị trấn đã xây dựng, phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đảm bảo đúng quy định. Đến hết tháng 3/2024, tỉnh Lào Cai đã tổ chức sắp xếp, di chuyển được 63/201 hộ dân đang sinh sống trong khu vực nguy hiểm. Trong năm 2023 cũng đã tổ chức 2 cuộc diễn tập ứng phó với thiên tai cấp huyện tại Mường Khương, Bảo Yên với 1.894 lượt người tham gia và 3 cuộc diễn tập PCTT và TKCN tại các xã với 750 người tham gia.
Năm 2023, các lực lượng chức năng đã thực hiện cứu hộ, cứu nạn 13 nạn nhân; chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể đã thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người với số tiền 223 triệu đồng theo quy định và vận động ủng hộ, quyên góp được 13,9 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Tỉnh Lào Cai cũng đã bố trí lồng ghép các nguồn vốn và Quỹ PCTT tỉnh để xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, hỗ trợ, đầu tư khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai 85 dự án, công trình với kinh phí gần 432 tỷ đồng; tiếp nhận nguồn ngô giống của Trung ương và phân bổ cho các địa phương 25,5 tấn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, như: Công tác chỉ đạo của một số địa phương cả cấp huyện và cấp xã về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai chưa quyết liệt. Công tác tham mưu tổng hợp, đánh giá thiệt hại đôi khi chưa đáp ứng yêu cầu. Cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Việc thực hiện một số văn bản chỉ đạo, điều hành của cấp trên đôi khi còn lúng túng, chưa đảm bảo yêu cầu về nội dung, chưa kịp thời.
Trong năm, một số địa phương chưa quan tâm đến việc đôn đốc thu, nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai như thị xã Sa Pa (mới thu 9,5%); Bắc Hà (9,8%) và Bảo Thắng (26,1%)… Tính từ tháng 1 năm 2023 đến ngày 12/3/2024, toàn tỉnh mới thu được hơn 9,3 tỷ đồng Quỹ Phòng, chống thiên tai, đạt 29,1% kế hoạch. Cùng với đó, việc cung cấp, chia sẻ thông tin trong ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời; nhận thức của một số người dân về phòng, chống thiên tai còn nhiều hạn chế, chủ quan.
Năm 2024, theo dự báo, tình hình thời tiết có nhiều diễn biến tiêu cực và phức tạp, nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm với cường độ lớn ảnh hưởng trực tiếp đến Lào Cai, cao điểm từ cuối tháng 3 đến tháng 9. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh yêu cầu các ban, ngành và địa phương cần chủ động phương án đối phó. Trong đó các cấp, các ngành, địa phương cần chủ động xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro; nâng cao chất lượng hoạt động đội xung kích PCTT cấp xã để phòng ngừa, ứng phó ngay từ đầu; tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là bão, mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất...
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và đại diện các đơn vị, địa phương đã thảo luận đánh giá những kết quả, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và đề xuất các giải pháp thực hiện trong năm 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024, với phương châm không để bị động, bất ngờ trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, chính quyền các địa phương cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, như: Kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, xã; tăng cường kiểm tra, rà soát cơ sở hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng ngừa thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; thành lập các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; bố trí nguồn ngân sách, phương tiện, vật lực kịp thời để khắc phục thiệt hại thiên tai…
Về công tác thu chi Quỹ Phòng, chống thiên tai, UBND tỉnh giao cho Cục Thuế tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đôn đốc các cơ quan, đơn vị, các địa phương, công ty, doanh nghiệp thực hiện đúng việc thu nộp theo kế hoạch đề ra,.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN chủ động cập nhập tình hình thời tiết để tham mưu kịp thời với UBND tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai.
Các đơn vị chủ lực làm công tác cứu nạn, cứu hộ, chủ động xây dựng phương án về lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, không để bị động bất ngờ…