Chủ nhật, 28/04/2024 01:31 (GMT+7)

Tổ chức thành công hội thảo “Khoa học mở dưới các góc nhìn”

MTĐT -  Thứ năm, 18/05/2023 16:26 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2023 và tinh thần “Khuyến nghị về Khoa học mở” của UNESCO, lan tỏa nhận thức về Khoa học mở trong cộng đồng.

Ngày 18/5/2023, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (ICRTM) cùng với Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), phối hợp với Trung tâm Vật lý quốc tế (ICP), Trung tâm Thông tin - Tư liệu (ISI), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức Hội thảo với chủ đề: Khoa học mở dưới các góc nhìn. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5/2023 và tinh thần “Khuyến nghị về Khoa học mở” của UNESCO, lan tỏa nhận thức về Khoa học mở trong cộng đồng.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Lê Quỳnh Liên - Trưởng Ban Hợp tác quốc tế, PGS.TS. Đoàn Thái Sơn - Quyền Viện trưởng Viện Toán học, VAST; PGS.TS. Phan Tiến Dũng - Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, VAST; bà Nguyễn Thị Vân Nga - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tư liệu, VAST; PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương - Phó Giám đốc Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học (Viện Toán học) - VAST, Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VinIF), bà Hoàng Xuân Thùy - Phó Chánh Văn phòng, VAST; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, sinh viên quan tâm đến Khoa học mở.

Nhận thức được tầm quan trọng của khoa học công nghệ trong thời đại mới, trong những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chú trọng đến các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi mặt của đời sống. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam ra đời vào 18/5/2014 nhằm mục đích tuyên truyền rộng rãi các thành tựu khoa học công nghệ, tôn vinh những nhà khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu nổi bật, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao nhận thức xã hội, động viên thế hệ trẻ say mê nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Xu hướng phát triển hiện nay của khoa học công nghệ bao gồm sự đan xen phức tạp của đa ngành, đa lĩnh vực, dựa trên sự đổi mới và tiến hóa nhanh chóng của công nghệ thông tin, kỹ thuật số, nhằm tối ưu hóa năng suất lao động, tạo ra của cải mới cho xã hội ở mức nhanh và nhiều hơn chưa từng có, cũng như nâng tầm nhận thức cho tất cả mọi người về các vấn đề của khoa học công nghệ. Chính vì vậy, Khoa học mở (Open Science) đã ra đời với tham vọng hiện thực hóa xu hướng đó.

Khoa học mở (Open science) là chủ đề quan trọng và có nhiều góc nhìn khác nhau trong thời đại chuyển đổi số khi tri thức nhân loại ngày càng rộng mở và cần được chia sẻ. Phiên họp toàn thể của UNESCO tại Paris, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021, đã đưa ra “Khuyến nghị về Khoa học mở” và được 193 quốc gia trên thế giới công nhận là định nghĩa đầu tiên mang tính toàn cầu về Khoa học mở. Định nghĩa đó được diễn dịch như sau: Khoa học mở là một kiến trúc tổng thể bao gồm những sự dịch chuyển và thực thi có mục đích làm cho tất cả tri thức khoa học đa ngôn ngữ trở thành có thể tự do truy cập, sử dụng và tái sử dụng bởi mọi người, nhằm nâng cao sự hợp tác và chia sẻ thông tin vì lợi ích của khoa học, cộng đồng, và mở ra các quy trình kiến tạo, đánh giá và truyền thông tri thức khoa học tới đa dạng các nhóm xã hội.

Có nhiều tiêu chí để hình thành nên một nền khoa học mở, theo UNESCO bao gồm các phần chính là dữ liệu mở, hệ thống xuất bản mở, hạ tầng khoa học mở, nguồn lực giáo dục mở, phần cứng mở, phần mềm mã nguồn mở, tính mở đối với đa dạng hóa kiến thức, đánh giá mở và sự tiếp cận mở của các nhóm xã hội. UNESCO là một trong những tổ chức quốc tế đầu tiên ủng hộ xu hướng phát triển mới này, vì một cộng đồng bình đẳng trong việc tiếp cận các tri thức khoa học.

Việt Nam đã có những bước đầu quan tâm đến Khuyến nghị này, khi Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Khoa học mở - Khuyến nghị của UNESCO: Cơ hội và thách thức với Việt Nam” vào ngày 20/10/2021. Đây là khái niệm mới và sẽ cần nhiều thời gian để cộng đồng khoa học nói riêng và xã hội nói chung hiểu hơn về các xu thế trên thế giới và tìm ra các quy chế hợp lý cho chúng ta.

tm-img-alt

Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo “Khoa học mở dưới các góc nhìn” với nội dung chính là các bài giảng đại chúng về các chủ đề liên quan đến Khoa học mở. “Dữ liệu Khoa học mở” do GS.TSKH. Hồ Tú Bảo (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) trình bày, đã mang đến cho người nghe những kiến thức cơ bản nhất về Khoa học mở, cấu trúc và đặc điểm của nó, và trình bày chuyên sâu về dữ liệu khoa học mở cùng những cơ sở, ích lợi và phương cách ứng dụng nó vào trong thực tế học tập và nghiên cứu. GS.TSKH. Hồ Tú Bảo là một nhà khoa học đầu ngành, nghiên cứu và giảng dạy về Trí tuệ nhân tạo (AI), tập trung vào Học máy (machine learning) hơn 40 năm qua. Ông từng làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Tiến tiến Nhật Bản, tham gia nhiều sự kiện và hoạt động khoa học quốc tế.

tm-img-alt

GS.TSKH. Hồ Tú Bảo (Ảnh: ISI, VAST)

Bài giảng thứ hai có tiêu đề “Hướng nghiên cứu khoa học hội tụ và vai trò của vật lý trong sinh học tiến hóa” do GS.TS. Nguyễn Thế Toàn (Trưởng Khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) trình bày.  GS. Nguyễn Thế Toàn đã nhấn mạnh, một trong các hệ quả quan trọng của khoa học mở, đó là việc thực thi các nghiên cứu liên ngành. Ông đã trình bày chuyên sâu về việc ứng dụng tư duy, các phương pháp vật lý để nghiên cứu về ngành sinh học tiến hóa.

Được biết, GS.TS. Nguyễn Thế Toàn rất thành công trong nghiên cứu khi đã xuất bản nhiều báo cáo chuyên ngành trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới như: Nature, Physical Review Letter, Review of Modern Physics; ba cuốn sách viết chung ở các nhà xuất bản nổi tiếng Princeton University Press, Oxford University Press và Wiley.

tm-img-alt

GS.TS. Nguyễn Thế Toàn (Ảnh: ISI, VAST)

“Khoa học mở: Góc nhìn lịch sử, khuyến nghị của UNESCO, liên hệ với Việt Nam” là bài giảng thứ ba do chuyên gia Nguyễn Võ Hưng (Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ, thuộc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ) trình bày. Với kinh nghiệm của một chuyên gia đã tham dự phiên họp chuyên gia liên chính phủ về góp ý xây dựng Dự thảo Khuyến nghị Khoa học mở của UNESCO, ông Võ Trọng Hưng đã chia sẻ các khía cạnh liên quan đến chính sách cho một nền Khoa học mở phát triển tại Việt Nam.

tm-img-alt

Chuyên gia Nguyễn Võ Hưng (Ảnh: ISI, VAST)

Đặc biệt, phần Tọa đàm với tham gia của: GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, GS.TS. Nguyễn Thế Toàn, chuyên gia Nguyễn Võ Hưng, PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương, TS. Nguyễn Nhật Quang (Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ VINASA, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm Hài Hòa), chuyên gia Nguyễn Trọng Khánh (Bộ Thông tin & Truyền thông). Các nhà khoa học và chuyên gia đã bàn đến những vấn đề như: Phát triển mã nguồn mở, dữ liệu mở cũng như trao đổi, phản biện về khái niệm Khoa học mở từ góc nhìn quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà nghiên cứu. Tọa đàm đã thu hút rất nhiều ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề của Khoa học mở - một khái niệm, lĩnh vực đang còn rất mới mẻ, nhận được nhiều sự quan tâm nhưng cũng không ít tranh luận.

Ngoài ra, tại sự kiện sẽ có trưng bày Sách và Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, một số mô hình tính toán và sách báo khoa học thường thức.

Kiều Anh

Trung tâm Thông tin – Tư liệu

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Tổ chức thành công hội thảo “Khoa học mở dưới các góc nhìn”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề