Thứ bảy, 04/05/2024 22:39 (GMT+7)

TP.HCM: Bãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường

PV -  Thứ ba, 04/04/2023 15:53 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Dù báo chí đã phản ánh nhiều về bến bãi VLXD hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường, làm sạt lở bờ sông tại chân cầu Bình Phước 1, P. An Phú Đông, Q.12, nhưng đến nay, hiện trạng này vẫn không hề thay đổi.

Theo phản ánh của người dân, phường An Phú Đông, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh, từ rất lâu, tại chân cầu Bình Phước 1 xuất hiện một bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD) “khủng” hoạt động ngày đêm, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân xung quanh. Đặc biệt, bãi cát này thường xuyên xả thải trực tiếp vào lòng đất và ngấm ra sông Sài Gòn không qua một khâu xử lý nào gây hủy hoại hệ sinh thái sông Sài Gòn.

Theo ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Đô thị điện tử, tại hiện trường, số lượng lớn cát, đá được đổ cao như núi, không mái che chắn… ngang nhiên tập kết và tồn tại trái quy định trên đất quy hoạch. Tinh vi hơn, bãi VLXD này còn đặt một ống nước lớn chôn dưới lòng đất băng qua đường dân sinh nối trực tiếp từ mép bờ sông vào bãi cát trên bờ.

Có thể thấy, khi trời mưa, cát tích nước và quá trình bơm cát nước lên bãi cũng cuốn theo một lượng lớn nước chảy tràn, ngấm vào lòng đất. Ngoài ra, tại các bến bãi, công tác thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại còn bỏ ngỏ. Nguy hiểm hơn, để thuận tiện cho việc xả thải, họ cho đào một rãnh có chiều ngang khoảng 1m, độ sâu hơn 1m chạy từ bên trong bãi, nhìn từ trên cao chỉ thấy một màu đen kịt.

tm-img-alt
Bên cạnh biển cấm neo đậu là một mảng sắt rất lớn được đặt với mục đích để tàu chở cát neo đậu.
tm-img-alt
Một sà lan đậu sát bờ và bơm cát thẳng lên bờ bằng ống nối chờ sẵn.

Theo chân người dân dẫn đi dọc bờ sông Sài Gòn, chúng tôi phát hiện khu vực gần chân cầu Bình Phước có chiều dài hàng trăm mét đã có dấu hiệu sạt lở. Chưa kể con đường ven sông dẫn ra bãi cát đã bị các xe chở cát đá cày nát, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi mù khiến cho người dân gần như không thể lưu thông qua đây. Hơn thế nữa, bãi VLXD vẫn tiếp tục được tập kết sát mép sông, mặc dù đã hết hạn giấy phép hoạt động bến thủy nội địa nhưng các sà lan vẫn neo đậu vào ban đêm.

Đặc biệt, theo thông tin chúng tôi có được, bãi VLXD nói trên nằm ở vị trí tại thửa đất 40, tờ bản đồ số 6, thuộc một phần đất quy hoạch giao thông (2.845 m2), một phần đất cây xanh cách ly (2.833m2) và một phần đất hỗn hợp (4.792m2). Như vậy, đồng nghĩa với việc bãi VLXD này thuộc phần đất đã được quy hoạch, nên việc xây dựng bãi tập kết VLXD tại đây là trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, chẳng biết vì lý do gì, cho đến nay, chính quyền địa phương vẫn không có động thái xử lý dứt điểm. Điều này đã gây sự bức xúc rất lớn cho người dân.

tm-img-alt
Ống nối chờ sẵn được chôn lấp rất kín và nối thẳng vào bãi VLXD.
tm-img-alt
Barie để che chắn không cho xe có tải trọng lớn vào bên trong. Trên con đường vào, rác được đổ thành đống gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi với PV – một người dân gần khu vực bãi cát cho biết: “Trước đây thì thường bơm cát vào ban ngày, nhưng sau đó báo chí phản ánh, họ chuyển sang hoạt động vào ban đêm, càng gây tiếng ồn và bụi bặm trong sự bất lực của bà con xung quanh. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng chẳng thấy phường có biện pháp giải quyết. Phải chăng, chính quyền cũng “bó tay” với sự lộng hành của bãi cát này?!”.

Về việc này, PV cũng đã liên hệ làm việc với lãnh đạo UBND phường An Phú Đông đã lâu nhưng cũng chưa nhận được thông tin phản hồi.

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Theo một nguyên lãnh đạo UBND phường An Phú Đông, trước đây trên địa bàn tổ 47, khu phố 3, khu vực chân cầu Bình Phước 1 có 2 bãi tập kết VLXD trái phép của 2 đơn vị là Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thạch Anh và Công ty VLXD Hoàng Anh Phát. Thời điểm đó các bãi cát này hoạt động hoàn toàn trái phép: không giấy phép bến thủy nội địa, vi phạm Luật đất đai, vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất của địa phương, bãi cát hoạt động gây ô nhiễm môi trường, làm sạt lở bờ sông… Tuy nhiên, hiện nay, bãi VLXD đá Hoàng Anh Phát đã bị xử lý, chỉ còn lại bãi VLXD bên hông chân cầu Bình Phước 1 vẫn hoạt động với số lượng tập kết cát khổng lồ, hàng ngày có rất nhiều xe ben, xe chở đất đá ra vô thường xuyên.
Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Bãi vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khu công nghiệp trước sức ép "nâng tầm"
Việc chuyển đổi dần từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái không chỉ khắc phục được những hạn chế về môi trường, mà còn gia tăng chuỗi giá trị và thu hút được dòng vốn đầu tư bền vững.