Chủ nhật, 28/04/2024 04:14 (GMT+7)

Trận đánh gò Trung An (Củ Chi): Thoát hiểm trong gang tấc

Nguyễn Sơn- Đặc công Gia Định 4 -  Thứ hai, 11/07/2022 08:42 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Với người lính, khép lại quá khứ không có nghĩa là lãng quên tất cả những gì của quá khứ, của đồng đội, của các thương binh, anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên các chiến trường để có được ngày nay.

Chiến tranh đã kết thúc, cũng là lúc cả dân tộc khép lại quá khứ để nhìn về tương lai, xây dựng và kiến tạo cuộc sống mới giàu đẹp, hạnh phúc hơn. Với người lính, khép lại quá khứ không có nghĩa là lãng quên tất cả những gì của quá khứ, của đồng đội, của các thương binh, anh hùng liệt sĩ đã nằm lại trên các chiến trường để có được ngày nay.

Mờ sáng ngày 31/12/1973, từ lúc mặt trời chưa mọc, hơn 20 tay súng do do Đại đội trưởng Phạm Hải Triều phụ trách đang khẩn trương ngụy trang và bố phòng trên căn cứ du kích tại gò Trung An để tạm ém quân. Đây là một gò đất cao ở vùng lõm, nhiều kênh rạch. Trên gò chỉ có một số hầm ngủ và công sự chiến đấu phòng ngự của du kích xã.

Thấy bộ đội chủ lực đến đã nhanh chóng chia nhau hướng dẫn, phối hợp bảo vệ căn cứ. Gò đất trống trơn, chỉ có hố bom và những bụi tầm vông còn sót lại. Cách đây khoảng 500m là bót Hậu Thạnh của địch, với một Đại đội lính ngụy ác ôn khét tiếng chiếm đóng. 

tm-img-alt
Cựu chiến binh về lại chiến trường xưa.

Sau một đêm bơi lội dọc sông Sài Gòn, vật lộn với sóng nước, tất cả đều đã mệt nhoài. Gặp được du kích hướng dẫn, bố trí hầm trú ẩn và cách ém quân, nhưng chưa kịp nhớ tên, chưa kịp nhìn rõ mặt thì trời đã hừng sáng. Mọi người nhanh chóng về vị trí được phân công với yêu cầu hết sức cảnh giác!

Gần 8 giờ sáng, gò đất Trung An rung lên sau những loạt pháo bầy, pháo chụp kéo dài như không muốn dứt, rồi đạn bắn thẳng 12,8 ly, đạn súng cối và súng phóng lựu M79 nổ chát chúa. Chắc chắn địch đang chuẩn bị đánh điểm, tình huống bất khả kháng xảy ra. Không còn cách nào khác, buộc phải chiến đấu bảo vệ lực lượng.

Gò đất nhỏ như bàn tay ếch, mỗi chiều dài không quá 400m, nằm sát bót đóng quân của địch, với công sự dã chiến dưới rặng tầm vông thưa thớt. Sau hàng giờ bắn cấp tập và dùng mìn định hướng Claymo thổi bay các bãi trái gài, nhằm vô hiệu hóa vùng “tử địa”. Hầu như bụi tầm vông nào cũng bay sạch lá xanh, chỉ còn thân xơ xác, gốc trơ trụi. Khi đạn bắn thẳng của địch nâng tầm, các hầm chiến đấu của ta quan sát thấy lính ngụy bò lổm ngổm, lợi dụng các hố bom, gò mối, vượt qua bãi đất trống đã đến rất gần.

Đùng ! Ầm ! những quả mìn định hướng phòng ngự được điểm hoả bằng dây dẫn điện, những quả lựu đạn từ các công sự tiền tiêu được tung ra; đạn B40 và từng loạt tiểu liên AK điểm xạ ngắn của các chiến sĩ đặc công đã bẻ gãy đợt tấn công của địch ngay từ loạt đạn đầu. Những tên lính bị thương rống lên, kêu la thảm thiết khiến bọn chúng kinh hồn, khiếp vía lùi xa, cầu cứu tăng viện. 

Để củng cố lực lượng chuẩn bị phản kích lần 2, bọn địch bắn như vãi đạn vào khu vực có các công sự chiến đấu của ta. Chúng dùng lựu đạn dây (lấy lựu đạn sâu hàng chuỗi vào dây thép) quăng liên tục; súng phóng lựu M79 bắn như mưa, tiếng nổ đinh tai, nhức óc hòng uy hiếp tinh thần chiến đấu của ta. Hàng trăm, hàng nghìn tên lính Bảo an từ chi khu Bình Dương được điều động đến tăng cường (được biết bọn địch đã sử dụng đến 3 Tiểu đoàn lính ngụy tham chiến trận này).

Tình thế buộc chúng ta phải kéo dài thời gian, chờ trời tối mới có thể rút khỏi trận địa. Xạ thủ súng chống tăng đã bắn liên tục hơn 10 quả đạn, tai Dương Đình Tấu ù đặc, nhưng vẫn bình tĩnh chờ từng tốp địch lại gần, thật chắc ăn mới bóp cò. Trời xế chiều, cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt, chưa phân thắng bại. Bọn địch điên cuồng xua quân xông lên, hòng làm chủ trận địa trước khi trời tối. Phía ta lợi dụng công sự chiến đấu, kiên quyết cầm cự; bắn điểm xạ ngắn để tiết kiệm đạn, đẩy lùi hàng chục đợt phản công của địch.

Tại hầm chỉ huy, cửa công sự chiến đấu bị sập, người chỉ huy du kích đã hy sinh, chỉ còn một cửa thông với hầm ngủ do Vũ Quang Sỹ dùng súng tiểu liên AK và lựu đạn chiến đấu cầm cự. Thấy tiếng súng của ta thưa dần, bọn địch cậy thế đông quân, dùng vũ khí mạnh áp đảo, hòng bắt sống các chiến sĩ của ta. Nhưng không, hễ thấy tên nào thò đầu lên là bắn.

Hoặc nghe tiếng tụi nó đến gần sát hầm mới tung lựu đạn làm bọn địch không thể trở tay. Đột nhiên, Vũ Quang Sỹ báo cáo khẩu tiểu liên AK bị kẹt cứng, không thể kéo cơ bẩm nạp đạn. Nguyễn Sơn bình tĩnh tháo ra từng bộ phận, nhanh chóng lau chùi bụi đất rồi lắp ráp ngay trong giờ phút ác liệt, hiểm nghèo nhất.

Chỉ sau ít phút, khẩu súng lại nhả đạn giòn giã, từng loạt điểm xạ chính xác tiêu diệt quân thù. Trong hàng ngàn tiếng nổ rền vang ở cuối trận đánh, chợt như linh cảm mách bảo, Sơn nhanh tay kéo tuột người chiến sĩ ấy vào hầm khi vừa nghe tiếng động lạ, kịp trước lúc quả lựu đạn địch vừa ném xuống nổ tung, làm sập cửa hầm còn lại. Sơn nghe nhói đau nơi ngực trái, máu tuôn trào, choáng váng, trời đất như quay cuồng! May mắn thay, cả hai thoát chết trong gang tấc nhờ có góc khuất của hầm che chắn. Sơn vừa nhận ra mình bị thương thì cũng là lúc bọn lính ngụy nhảy lên xả súng tiểu liên cực nhanh M16 bắn bồi vào cửa hầm.

Đất cát, thuốc súng, khói bụi mù mịt, chỉ còn một khe hở nhỏ. Vạn vật trong phút chốc bỗng lặng đi, văng vẳng những lời tục tĩu của bọn lính nguỵ "Chúng chết hết rồi! Rút!". Đau đớn quá! Cửa hầm 2 đầu đều đã bị sập xuống, một người hy sinh và 2 người còn lại đều đã bị mất sức chiến đấu, tình thế hết sức nan giải... 

tm-img-alt
Tặng quà đồng đội, gia đình chính sách.

Tình đồng chí, tình đồng đội và trách nhiệm của người chiến sĩ trong chiến trận ở nơi chiến trường ác liệt sao mà cao quý đến vô cùng! Mấy ngày sau, đích thân Tiểu đoàn trưởng đã nhờ các xã dọc sông Sài Gòn phối hợp, dùng gần chục chiếc thuyền xuống tận đội phẫu của Đoàn 115 đưa Nguyễn Sơn về hậu cứ.

Mừng tủi đan xen. Sau 2 trận chí mạng, kết quả không mong muốn, nói theo ngôn ngữ của lính: “đem đầu máu trở về”. Vừa gặp mặt, tiểu đoàn trưởng Ba Chiến nói ngay “vậy mà ba ngày qua, tụi nó (chỉ anh em cơ quan Tham mưu tiểu đoàn) bắt gà làm thịt mang ra bờ sông cúng rồi đó… ai dè còn ngon chán”.

Rồi anh Ba tự tin hài hước: “Tui chấp tụi lính ngụy bắn chìm hết số thuyền này! Có ngon thử đụng chơi coi ai thắng ai”. Tuy vậy, cùng với “giang thuyền" này, anh Ba vẫn chỉ đạo cho Đại đội của Đoàn Hồng Chu dùng một Trung đội đi theo đường bộ, xuống xã Hòa Phú để đến Đội Phẫu đón Tham mưu trưởng của mình, đề phòng mũi đi đường thủy bị địch đánh chặn không đến được đội phẫu.

Trong đêm đoàn thuyền chở thương binh về, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Chí Hiếu, quê ở Cai Lậy – Tiền Giang cũng lội bưng ra tận bờ sông cùng đón anh em. Các Thủ trưởng Tiểu đoàn đích thân đi chuyển thương, đón cấp dưới là hình ảnh đẹp hiếm có ở chiến trường.

Đây không phải là “nhiệm vụ” mà là tình thương yêu đồng đội cao cả, tình đồng chí gắn bó keo sơn - tình yêu xuất phát tự tâm của những người cộng sản chân chính./.

Bạn đang đọc bài viết Trận đánh gò Trung An (Củ Chi): Thoát hiểm trong gang tấc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề