Thứ năm, 02/05/2024 23:23 (GMT+7)

Vai trò của tướng Đề Truật với vùng đất Nhã Nam

MTĐT -  Thứ tư, 28/12/2022 08:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đề Truật có tên gọi đầy đủ là Dương Văn Truật. Có tài liệu ghi là Đề Thuật, Đề Hậu, Hội Thuật. Cụ sinh ra ở làng Chuông, Nhã Nam. Cụ có thân hình nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh, võ nghệ tài ba, đặc biệt tài bắn cung nỏ bách phát bách trúng.

Nhã Nam là vùng đất cổ gắn liền với cuộc khởi nghĩa Yên Thế oanh liệt trong lịch sử. Đây là cuộc chiến đấu vô cùng kiên cường, bất khuất mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng đã để lại một trang lịch sử hào hùng về truyền thống chống giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sự mưu trí, dũng cảm. Một trong những đóng góp cho cuộc chiến đấu ấy, có vai trò góp sức không nhỏ của người con quê hương Nhã Nam, Tân Yên. Đó là vị tướng tài giỏi Đề Truật.

tm-img-alt
Đền thờ Đề Truật năm 2015

Đề Truật có tên gọi đầy đủ là Dương Văn Truật. Có tài liệu ghi là Đề Thuật, Đề Hậu, Hội Thuật. Cụ sinh ra ở làng Chuông, Nhã Nam giữa thời kỳ đất nước loạn lạc, chiến tranh triền miên.

Cụ có thân hình nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh, võ nghệ tài ba, đặc biệt tài bắn cung nỏ bách phát bách trúng làm cho giặc Cờ Đen (giặc Tàu), bọn thực dân Pháp cùng bè lũ tay sai phải khiếp sợ khi nhắc đến tên ông.

Khi lớn lên thấy quê hương có giặc xâm chiếm cụ đã đứng lên tập hợp anh em yêu nước để đi đánh giặc, bảo vệ xóm làng. Cụ đã nghĩ ra nhiều mưu kế khiến bọn giặc Cờ Đen mắc mưu và bị giết hại nhiều.

Khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế bùng nổ, do Đề Nắm lãnh đạo sau là Đề Thám lãnh đạo, cụ Đề Truật đã cùng các dân binh yêu nước kéo về đình Hả làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Sau khi cụ Đề Truật được điều lên Đồng Vương, Yên Thế và dựng đồn ở đó gọi là đồn Đề Hậu làm căn cứ đánh giặc.

Theo tài liệu của ông Vương Thành Giao - nguyên là cán bộ sở Văn hóa Thông tin Hà Bắc ghi chép lại những đóng góp của thủ lĩnh Dương Văn Truật tại Hội nghị viết sử của xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế vào ngày 10 tháng 5 năm 1979 như sau:


“Hồi ấy, giặc Tàu gọi là giặc Cờ Đen tràn về Dĩnh Thép cướp phá, chém giết nhân dân, khắp nơi đều bị quân này quấy nhiễu, giết cướp nên đều đứng lên đánh giặc giữ làng.

Dân làng Lục Giới bảo nhau rào làng, đào hào đắp lũy, làm ba cổng làng chắc chắn. Chọn những trai đinh khỏe mạnh từ 18 đến 45 tuổi đều ở lại sắm dáo mác, cung nỏ, vót hàng ngàn tên tẩm thuốc độc sẵn sàng đánh giặc.

Lúc ấy dân binh Lục Giới dưới sự chỉ huy của ông Dương Văn Truật (tức Hội Truật) đào ba cái hào chạy qua Ao Hin, qua Chuôm Hào, qua Đồng Mồ vào mãi trong rừng rậm để tiến lui khi cần thiết. Cho ông già, bà già, trẻ con, trâu bò chạy xuống tận làng Bùng tạm lánh.

Giặc Cờ Đen tràn xuống cướp làng Lục Giới. Dân binh nấp vào những chỗ kín bắn tên nỏ ra như mưa. Giặc chết gục hàng đống trước cổng làng.

Cậy đông quân, giặc trèo lên xác nhau vào phá cổng lại bị những mũi dáo từ dưới hào đâm lên rất trúng. Giặc lại chết thêm hàng chục tên.

Cuộc chiến đấu đến sẩm tối, giặc rút chạy, bỏ lại hàng trăm xác chất khắp cổng làng bờ lũy.

Sáng hôm sau, giặc lại đến đông hơn, chúng bắn súng, xô vào phá cổng, đốt rào, lại bị tên có thuốc độc bắn ra, giặc chết nhiều lại rút chạy.

Vào một hôm khác, giặc lại đến, chúng quấn mồi rơm đầy người. Dân binh bắn tên ra bị cắm vào mồi rơm. Chúng reo hò xô vào phá cổng. Dân binh lấy gạch đá ném ra, gạch đá cũng hết. Đun nước sôi hắt vào giặc.

Cuối cùng, giặc phá được cổng làng và tràn vào làng. Dân binh được lệnh rút qua ao Hin vào rừng rậm. Có số giặc đuổi theo, bị gai mắc vào tóc đuôi sam, dân binh quay lại chém rụng đầu một số tên, giặc sợ không dám đuổi nữa.

Giặc vào làng đốt nhà vơ vét thóc gạo, gà vịt. Tối đến chúng ở lại làng Lục Giới, chúng lùng bắt được bà Nguyên, bà Tri. Đến đêm chúng uống rượu hút thuốc phiện ngủ say, hai bà trốn được.

Đêm ấy dân binh lại đột nhập về làng, thấy chúng ngủ túm tụm như đàn lợn ở đầu hè. Anh em bí mật buộc tóc chúng vào nhau rồi lấy vồ, củi đập chết. Một số thấy động vùng dậy, nhưng không dậy được vì tóc đuôi sam của chúng đã bị buộc chặt vào nhau rồi. Dân binh đập chết một số nữa rồi nhảy xuống hào luồn vào rừng.

Vài đêm sau, dân binh các làng khác đến phối hợp dưới sự chỉ huy của ông Hội Truật đã bí mật tiến vào đánh một trận rất quyết liệt, giết gần hết. Bọn còn lại vô cùng hoảng sợ kêu la và rút khỏi làng Lục Giới vào đêm cuối tháng 10 năm ấy (khoảng năm 1874)”.

Theo tài liệu Yên Thế những chặng đường lịch sử (1862-1945) của ông Vương Thành Giao lại viết về sự việc ở Lục Giới như sau:

“Một toán giặc khác đánh vào Lục Giới, dân binh do ông Dương Văn Truật và Đồng Văn Bảo chỉ huy đánh lui quân giặc, giặc tiếp đánh kéo dài hàng tháng. Trong làng bắn hết tên, dáo, mác gãy hết cả. Giặc xúm vào phá cổng. Dân binh dội nước sôi vào đầu giặc, giặc lăn ra giãy giụa. Cuối cùng ông Truật, ông Bảo đêm mở làng cho dân chạy theo giao thông hào qua ao Hin vào rừng và về làng Bùng tạm lánh… Trong vùng Nhã Nam - Dương Lâm “Tên Phùng Bá Chỉ và La Tắc Tứ chỉ huy hàng ngàn quân Cờ Đen, có cả kỵ binh đánh cướp vào làng Chuông, xã Nhã Nam.

Dưới sự chỉ huy của ông Dương Văn Truật và Quản Vật chống đánh quyết liệt. Ông Dương Văn Truật có sức khỏe lại giỏi bắn cung nỏ, giặc bám đen vào cổng làng. Súng thần công nổ ầm ầm hất bay hàng chục tên. Chúng vẫn lăn xả vào ông Quản Vật đứng trên cây Ruối giáp cổng làng bắn tên liên tục 100 mũi tên bay ra thì 100 tên giặc phải chết.

Hết tên, ông gọi to: “Ông Hội Truật” tiếng tên kia đáp lại: Quay búi tóc sang ngang. Ông vừa quay búi tóc thì hàng chục mũi tên xuyên vào búi tóc ấy. Ông lại lấy tên ấy bắn giặc, giặc chết nhiều rút ra vây quanh lấy quân tiếp viện, vì làng Chuông là làng to, có chợ dân cư trú mật.


Ông Truật cho ông Dương Văn Nhắn mở làng bí mật chạy về làng Hạ (Dương Lâm) cầu cứu. Ông Nguyễn Văn Hóa (tức Đề Trung) cho ông Tổng Huấn mang 50 quân binh lên đánh giải vây. Kỵ binh giặc tung ra chặn.

Dân binh làng Hạ cứ ba người quay lưng vào nhau dùng mộc chắn múa gươm chém giặc. Hai bên kịch chiến từ sáng đến chiều. Dân binh làng Chuông mở cổng làng ra đánh Dương Văn Nhắn, Dương Văn Đảng, Dương Văn Vượng chia làm ba tốp dùng mộc chắn múa gươm ra đánh. Kỵ binh giặc rút chạy.

Khi dân binh làng Hạ về đến bãi Đồng Nha, bỗng kỵ binh giặc lại đến, lại kịch chiến đến tận chiều tối. Dân binh làng Hạ chết 37 người, trong đó có ông Tổng Huấn nằm đè lên xác giặc, còn 13 dân binh về đến làng Hạ.

Làng Chuông vẫn bị vây, trong làng hết thuốc súng. Cung tên cạn cả, nước uống cũng không còn. Đã phải uống nước ao. Nhiều người đau bụng, ông Vật sai một cô gái trẻ đẹp nhất làng, đêm trăng mở cổng ra giếng đầu làng gánh nước, cô vừa ra đến giếng, bọn giặc xô đến bắt.

Tên tướng giặc là La Tắc Tứ định chém. Hắn nghĩ thế nào lại thôi, ý định bắt làm vợ, cô gái bình tĩnh mỉm cười đưa gầu múc nước rửa chân, vừa cúi xuống kiễng chân nhanh như cắt, cô gái túm 2 chân dóc mạnh Tắc Tứ lao đầu xuống đáy giếng chết sặc, cô chạy về đến đầu làng bị quân của La Tắc Tứ đuổi theo bắn chết, năm ấy cô gái mới 16 tuổi đó là Dương Thị Phan, nữ dân binh làng Chuông, sau dân lập miếu thờ và đặt tên cho giếng này là Giếng Phan.

Ông Truật cho dân binh làng Chuông rút khỏi làng vào một đêm tối. Sau giặc vào làng đốt phá bắt gần chục bà đem đi. Sau có một số bà dụ được cả những tên giặc đánh làng Chuông về làng Chuông chuyên đi vào rừng kiếm củi bán kiếm ăn.

Xung quanh làng Chuông có làng Vàng bị giặc triệt hạ, giặc đánh xuống làng Dương Lâm, làng Hạ cũng là làng chiến đấu, dân binh làng Chuông về làng Hạ phối hợp chiến đấu đánh nhau suốt ba ngày liền, giặc xô vào, bị bắn chết, số còn lại chạy ra xa đến sẩm tối nét chạy, dân binh làng Hạ mở cổng đuổi theo, ông Nguyễn Văn Cáy đuổi chém rụng đầu 16 tên tại ruộng 5 sào giáp Suýt Hạ.

Đến ngày khác, giặc lại đến không thấy có súng bắn ra, chỉ nghe có tiếng trống chầu nổi lên liên tục. Giặc bắn vào và xua quân bò đến phá cổng, mãi đến trưa giặc vào làng thì trong làng không có ai. Dân binh rút đi từ đêm hôm trước chỉ còn một người mù ngồi ở cổng đánh trống nghi binh. Giặc xúm vào vành mắt thấy mù thật, chúng hỏi “Quân trong làng đi đâu?”.

Người mù bảo: “Quân rút ra ngoài, lừa chúng mày vào làng sẽ ập lại giết hết chúng mày”. Giặc sợ mắc mưu, vội rút lui. Giặc đánh vào làng Chuông, làng Hạ bị chết hơn 300 tên, không cướp được gì vì dân làng đã chạy lên Đức Lân từ tháng trước. Ở lại làng chỉ còn có dân binh chiến đấu trước khi rút, có gì cần thiết đã chôn dấu chu đáo.

Sau khi các cuộc chống giặc Cờ Đen, vùng Yên Thế lại bị quân thực dân Pháp xâm chiếm, ngày 16 tháng 3 năm 1884 Đề Nắm phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp, Đề Truật (Dương Văn Truật) đã tham gia vào đội ngũ nghĩa quân Yên Thế.

Ban đầu ông lập đồn đóng quân ở khu đồi Mã Giói (xã Nhã Nam) sau đó ông được Đề Nắm cử đóng giữ đồn Đồng Vương (xã Đồng Vương) bên bờ sông Sỏi, nằm về phía Bắc đồn Khám Nghè. Đồn này cũng gọi là đồn Đề Hậu (vì sau đó Dương Văn Truật còn được mệnh danh là Đề Hậu).

Sách Trai Cầu Vồng Yên Thế do ông Đồng Văn Đạo chủ biên - UBND huyện Tân Yên xuất bản năm 1999, trang 35 có ghi về cuộc chiến đấu chống bọn thổ phỉ Trung Quốc (1862-1882) có sự góp sức của Đề Truật: “Trong khoảng 20 năm (1862-1882) bọn thổ phỉ Tàu, sau thất bại của “Thái Bình Thiên quốc” chúng tràn vào các tỉnh phía Bắc cướp bóc, đốt phá, đó là bọn Ngô Côn, Hoàng Sùng Anh, Lý Dương Tài…..

Đó còn là bọn quan quân như bọn Phùng Tử Tài…. Chúng đi đến đâu là cướp bóc đốt phá, giết người, hãm hiếp phụ nữ đến đó. Nhân dân nhiều làng, xã đã tự tổ chức ra các đội dân binh, để đánh giặc giữ làng và những thủ lĩnh được dân làng cử ra, đã tỏ rõ là người tài giỏi và dũng cảm, được ghi nhận và truyền tụng: Ông Dương Văn Truật (Đề Truật ở Nhã Nam, năm 1871 đã chỉ huy dân binh chống giặc Tàu kéo tới cướp phá và đã phối hợp với ông Hoàng Văn Thu (tức Lý Thu, Đề Bảo) đánh và giết được nhiều tên ở Luộc Giới”.

“Dương Văn Truật (Đề Truật) người làng Chuông, năm 1871 ông chỉ huy dân binh chống giặc Tàu kéo tới cướp phá, tham gia nghĩa quân từ đầu (1884) phụ trách đồn Khám Nghè, rồi đồn La Sa, còn gọi là đồn Đề Hậu hay Đề Truật.

Theo giáo sư Đinh Xuân Lâm thì đồn do ông chỉ huy là đồn số 3 trong hệ thống đồn trại chính của nghĩa quân năm 1892. Có ý kiến cho rằng: Ông là một nhân vật trong bộ chỉ huy nghĩa quân lúc đó. Sau bị phản và bị sát hại (1893)”. (Trích dẫn Sách Trai Cầu vồng Yên Thế, trang 63).

Đề Truật (Đề Thuật) nhân vật lịch sử có tiếng trong Khởi nghĩa Yên Thế đã được Panh ChacK ghi nhận trong cuốn Hoang-Tham pirate (lesE’dition De France-10 Avenne Rapp, 20- Paris như sau:

“Le Yen Thé est parcelle du 1er territoire militaire, lequel englobe la région l plus agitée du tonkin. Noseffectifs ne permet- tent. Pas diattaquer en même temps partout. Il faut, tout daboud, oplorer la forét machinée. Lantement-elle cache, cetle fois, on retranche-ment à crémaillère long de 3 kilomenttre, lequel S’appuie, dang l’est, sur les forts de chef pirates Dé-Nam, Dé-Thuat, Dé-Lam, Dé-Chung, et Thong Tai et, à l’ouest, sur un sixieme fort, celui du Dé-Tham, Dán le nord de cette ligne forti- filée le roi du Yen The, le Vieure Ba Phuc est retranché dan ren réduit puissant.

Tạm dịch: Yên Thế là một lãnh thổ quân sự, bao gồm các khu vực gặp khó khăn của Bắc Bộ. Noseffectifs không tấn công cùng một lúc ở khắp mọi nơi. Nó là cần thiết, đầu tiên, để khám phá những thiết kế thợ chạm trên gỗ. Lantement cô nhớ cache thời gian cetle, chúng ta trừ đi-ing để crémeillère dài 3 kilomenttre mà xây, đây là những người lãnh đạo mạnh mẽ như Đề Nắm, Đề Thuật, Đề Lâm, Đề Chung, Thống Tài và phía tây, trong đó người đứng đầu là Đề Thám, Paste Bắc fortifilée vua Yên Vieure trực tuyến Ba Phúc được retanché dan ren rèdui mạnh mẽ.

Đề Truật mất đi nhưng tấm gương vì nước, vì dân của cụ vẫn được Nhân dân Nhã Nam nói riêng và Nhân dân trong vùng nói chung lưu truyền mãi mãi. Nơi cụ đóng quân vẫn còn dấu vết chưa phai mờ. Hương khói thờ cúng cụ vẫn được con cháu duy trì. Năm 2010, đồn Đề Hậu ở La Sa, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đây là một trong số bảy đồn lũy kiên cố của Đề Nắm và đồn ở La Sa gọi là đồn số 3 do Đề Truật chỉ huy.

tm-img-alt
Đồn Phồn Xương - Trung tâm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh TL

Tại nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế ở Phồn Xương, tên tuổi của cụ được trưng bày lưu truyền hậu thế. Sau khi Đề Truật mất con cháu trong dòng họ cùng nhân dân địa phương đã đưa cụ về đình làng Chuông để thờ cúng cùng Thành Hoàng làng.

Sau đến khoảng thập kỷ 70 của thế kỷ XX, con cháu trong dòng họ đã cho dựng một gian nhà nhỏ trên khu đồi Mã Giới để thờ phụng. Năm 1995, xây dựng thêm 3 gian tiền tế phía trước làm nơi hành lễ khang trang. Trong đền còn lưu giữ được một số hiện vật là dụng cụ chiến đấu năm xưa của cụ như kiếm, cung nỏ, rìu, yên ngựa bằng da.

Đây là số hiện vật tuy ít ỏi song là hiện vật minh chứng cho người con của vùng đất Nhã Nam đã hết mình vì quê hương, vì nền thái bình của đất nước. Đền Đề Truật được xếp hạng là di tích cấp tỉnh năm 2014 nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, đóng góp to lớn của vị tướng tài ba đối với quê hương, đất nước.

Dương Thị Ánh
Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của tướng Đề Truật với vùng đất Nhã Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Đội phản ứng nhanh về vệ sinh môi trường
Biệt danh ấy được anh em trong công ty gọi thân mật như đã nêu bật sự năng động, trách nhiệm trong công việc; có việc là lên đường bất kể thời tiết… của các thành viên Tổ xe 2 thuộc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội.