Chủ nhật, 28/04/2024 18:20 (GMT+7)

Vướng mắc trong thẩm duyệt PCCC làm chậm đưa vào vận hành các dự án đường sắt đô thị

MTĐT -  Thứ bảy, 17/06/2023 08:35 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo các chuyên gia, hiện có 2 vướng mắc chính trong thẩm duyệt PCCC các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, liên quan đến 2 quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Theo các chuyên gia, hiện có 2 vướng mắc chính trong thẩm duyệt PCCC các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, liên quan đến 2 quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

TÍNH TRONG ĐIỀU KIỆN ĐÔ THỊ CHẬT HẸP

Cụ thể, Mục 2.2.8 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2018/BXD quy định: “Khoảng cách từ các trạm thông gió trên mặt đất đến các phố và đường chính, bãi đỗ xe kín hoặc hở, các khu vực thương mại và các cửa sổ của nhà và công trình lân cận không được nhỏ hơn 25 m; đến các trạm tiếp nhiên liệu, các kho chứa dầu và các sản phẩm dầu, khí đốt, vật liệu gỗ, đường ống dẫn khí và dầu, các hạng mục công trình chế biến dầu và công nghiệp hóa chất không nhỏ hơn 100 m”.

Trong khi đó, giải thích từ ngữ tại Mục 1.4 QCVN 08:2018/BXD quy định: “Trạm thông gió” được định nghĩa là: “Công trình riêng biệt hoặc đặt trong công trình khác ở trên mặt đất, có bố trí các trang thiết bị để hút hoặc xả không khí sử dụng trong hệ thống thông gió”.

Các chuyên gia nhận định, với định nghĩa này sẽ không đủ rõ để xác định giếng thông gió cho hầm, ga là trạm thông gió, vì các giếng này không bố trí trang thiết bị bên trong tính từ mặt đất.

Tại Dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, do BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) là chủ đầu tư, việc tính thiết kế PCCC theo các tiêu chuẩn nước ngoài theo Khung tiêu chuẩn Dự án đã được Bộ GTVT chấp thuận, UBND TP Hà Nội phê duyệt áp dụng và TKKT đã được phê duyệt từ năm 2012, các thiết bị để hút hoặc xả không khí nằm ở các phòng chức năng bên dưới ga ngầm.

Trong trường hợp hiểu các giếng thông gió là “trạm thông gió”, thì thiết kế bố trí các giếng gió hiện tại không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 25 m như yêu cầu.

Vướng mắc trong thẩm duyệt PCCC làm chậm đưa vào vận hành các dự án đường sắt đô thị
Các yêu cầu về khoảng cách trạm thông gió theo QCVN 08:2018/BXD.

Tuy nhiên, khoảng cách không đủ 25 m này có thể đáp ứng yêu cầu nếu đáp ứng các điều kiện về chất lượng không khi cấp vào và xả ra theo các quy chuẩn về môi trường và được chứng minh bằng cách dẫn chứng các Báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như các ví dụ trên thế giới áp dụng công nghệ tương tự.

Bởi, Mục 2.2.8 QCVN 08:2018/BXD cũng đồng thời quy định: “Trong điều kiện đô thị chật hẹp, các trạm thông gió làm việc thường xuyên ở chế độ hút, xả khí cho phép bố trí ở khoảng cách nhỏ hơn theo quy định tại Điều 2.2.8 nhưng phải đảm bảo điều kiện về chất lượng không khí cấp vào và xả ra theo QCVN 05:2013/BTNMT và QCVN 06:2009/BTNMT, phải đáp ứng yêu cầu môi trường đô thị về tiếng ồn, độ rung theo QCVN 26:2010/BTNMT và QCVN 27:2010/BTNMT và phải đáp ứng các điều kiện thi công, vận hành và bảo trì công trình.”

Còn tại Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, do BQL Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) là chủ đầu tư, thiết kế PCCC được áp dụng theo các Tiêu chuẩn thiết kế về quản lý hiểm họa, sự cố khẩn cấp của Nhật Bản và các Tiêu chuẩn của Việt Nam, khoảng cách thiết kế từ tháp thông gió đến công trình lân cận gần nhất cũng không đáp ứng quy định tối thiểu 25 m.

Tuy nhiên, theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên, do Bộ TN&MT phê duyệt, quá trình vận hành của tàu điện ngầm sử dụng động cơ điện ít ảnh hưởng đến tiếng ồn, độ rung và chất lượng không khí tại khu vực dự án.

Nội dung một số trích đoạn trong Báo cáo như: “Quá trình hoạt động của tàu điện chủ yếu chạy bằng điện, nên ít ảnh hưởng đến môi trường” và “khi dự án đi vào hoạt động, chất lượng không khí tại khu vực dự án nói riêng và thành phố nói chung được cải thiện tốt hơn”; “Về cơ bản, tiếng ồn và rung động sinh ra từ hoạt động và xây dựng của dự án có thể khống chế do thiết bị đầu máy toa xe hiện đại dựa trên kinh nghiệm của các dự án tương tự trước đó đã được áp dụng ở nước ngoài”.

Có thể nhận thấy, cả 2 dự án đường sắt đô thị tại TP Hà Nội (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội) và tại TP.HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên), nếu tính theo khoảng cách thì không đáp ứng; nhưng tính trong điều kiện đô thị chật hẹp vẫn có thể đáp ứng yêu cầu khi đảm bảo điều kiện về chất lượng không khí cấp vào và xả ra theo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ TN&MT ban hành, các nội dung về môi trường đô thị, về tiếng ồn, độ rung, điều kiện thi công, vận hành và bảo trì công trình…

KHOẢNG CÁCH GIẾNG THÔNG GIÓ VÀO CÁC LỐI LÊN XUỐNG NHÀ GA NGẦM

Vướng mắc thứ hai liên quan đến quy định tại Mục 2.5.19 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2018/BXD: “Vị trí cửa thoát của kênh thông gió lên mặt đất phải bố trí cách lối vào sảnh không nhỏ hơn 15 m”.

Áp dụng quy cho Dự án Đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, cho thấy, nếu coi “lối vào các sảnh” là lối tiếp cận từ mặt đất xuống ga ngầm thì có tổng cộng có 10/25 giếng gió không đạt yêu cầu so với quy định tại Mục 2.5.19 QCVN 08:2018/BXD.

Còn tại Dự án đường sắt đô thị bến Thành - Suối Tiên, tháp thông gió nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế tích hợp, ngay cạnh bên lối ra vào, khoảng cách đo được từ miệng cửa xả khí đến tâm cửa ra vào lối lên xuống, cũng không đáp ứng quy định tại Mục 2.5.19 QCVN 08:2018/BXD.

Như vậy, để đáp ứng các yêu cầu của Mục 2.5.19 QCVN 08:2018/BXD, các dự án này đều phải điều chỉnh thiết kế.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh thiết kế là không khả thi, bởi nếu xảy ra sẽ có tác động rất nghiêm trọng đến thời gian, chi phí, giải phóng mặt bằng. Do đó, việc điều chỉnh thiết kế không nên được xem xét.

Theo các chuyên gia, giải pháp khả thi nhất thời điểm này là đưa ra các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để giảm thiểu tác động bất lợi đến an toàn, vệ sinh môi trường với điều kiện được Cục PCCC chấp thuận.

Được biết, BQL Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã chỉ đạo đơn vị tư vấn và nhà thầu nghiên cứu đề xuất giải pháp cho vấn đề này theo hướng thực hiện một tổ hợp giải pháp giảm thiểu tác động dựa trên việc: (1) Điều chỉnh cửa gió (đóng các cửa gió gần lối vào, dịch chuyển vị trí cửa gió, thay đổi kích thước cửa gió); (2) Thay đổi hướng của luồng gió thổi (đổi vị trí cửa hút và cửa xả); (3) Thay đổi kết cấu giếng gió (mở rộng kết cấu giếng gió và nâng cao vị trí cửa gió)".

Còn tại BQL Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), Liên danh Tư vấn NJPT đã đưa ra 2 phương án: Điều chỉnh chiều cao tháp thông gió hiện hữu đáp ứng yêu cầu của QCVN 08:2018/BXD và Thiết kế kéo dài hành lang tiếp cận lối lên xuống trên mặt đất so với thiết kế hiện hữu được duyệt.

Tuy nhiên, cả 2 phương án đều dẫn tới phát sinh chi phí điều chỉnh thiết kế, chi phí thi công, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thiết kế điều chỉnh cũng đồng thời gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan và cũng không phù hợp với đồ án quy hoạch khu vực trung tâm TP.HCM.

Vướng mắc trong thẩm duyệt PCCC làm chậm đưa vào vận hành các dự án đường sắt đô thị
Vướng mắc trong thẩm duyệt PCCC làm chậm đưa vào vận hành các dự án đường sắt đô thị

Theo các chuyên gia, tham khảo các tuyến đường sắt đô thị ở các đô thị lớn trên thế giới như London - Anh, Tokyo - Nhật Bản, Thượng Hải - Trung Quốc, Cairo - Ai Cập, Bangkok - Thái Lan, Moskva - Nga, Paris - Pháp…, với điều kiện đô thị chật hẹp tương đương, cho thấy thiết kế tích hợp tháp thông gió vào các lối lên xuống nhà ga ngầm là khá phổ biến và đã được đưa vào vận hành, khai thác trong thời gian dài.

Bạn đang đọc bài viết Vướng mắc trong thẩm duyệt PCCC làm chậm đưa vào vận hành các dự án đường sắt đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Xây dựng

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.