Thứ sáu, 03/05/2024 22:59 (GMT+7)

Xây dựng giải pháp chống úng ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước 20/8

Tuệ Lâm -  Thứ tư, 09/08/2023 16:49 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Đối với điểm bị ngập nước trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tư vấn thiết kế phải hoàn thiện khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp xử lý trước 20/8.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có điểm đầu tại Km 0+00 nằm trên đoạn tuyến nối Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh thuộc Hàm Thuận Nam, Bình Thuận (cách Quốc lộ 1 2,6km); điểm cuối kết nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) tại Km 43+125.

Dự án có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 9/2020 và khánh thành ngày 29/4/2023.

Ban Quản lý Dự án Thăng Long vừa có báo cáo Bộ GTVT về sự cố ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Báo cáo cho biết, qua kết quả kiểm tra, đánh giá của tư vấn thiết kế kỹ thuật Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 và tư vấn giám sát liên danh TEDI - VJEC tại vị trí ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ở km 25+419 ngày 30/7 xác định nguyên nhân do  nước ở sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống tại km25+419.

Điều này dẫn đến nước từ thượng lưu không thoát được qua cống, chảy tràn lên mặt đường, gây ngập úng cục bộ.

Lý do nước sông Phan dâng cao, dềnh vào hạ lưu cống tại km25+419, đơn vị tư vấn thiết kế đánh giá do khu vực này mưa lớn, kéo dài từ ngày 26 đến 29/7 đặc biệt là đêm 28/7, rạng sáng 29/7.

tm-img-alt
Úng ngập trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vào sáng 30-7-2023. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó sông Phan có dòng chảy uốn lượn quanh co; khi xuất hiện mưa bất thường, kết hợp lượng nước được xả lũ của đập sông Phan đã gây dềnh, ngập cục bộ nhiều nhà và vườn cây thanh long của người dân cạnh sông Phan.

Theo phản ánh của người dân địa phương, đợt mưa và ngập trên nhiều đoạn của sông Phan vừa qua là hiện tượng bất thường, hàng chục năm nay không xuất hiện.

Từ đánh giá trên, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp trước mắt là khẩn trương thanh thải lòng sông Phan, đề phòng mưa lớn bất thường xuất hiện, tiếp tục xảy ra gây ngập úng.

Để có thể khẳng định và có giải pháp xử lý triệt để, đơn vị tư vấn thiết kế đề xuất cần có thời gian khảo sát, nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cho cả lưu vực và dòng chảy sông Phan từ hạ lưu đập sông Phan đến đường cao tốc.

Đồng tình với đánh giá nguyên nhân gây ra ngập cục bộ mà đơn vị tư vấn thiết kế đưa ra, tuy nhiên, Ban Quản lý dự án Thăng Long nhìn nhận, tư vấn thiết kế mới kiểm tra thực tế và số liệu khảo sát sơ bộ.

Các nhận định từ dữ liệu khảo sát còn mang tính định tính, chưa so sánh với các số liệu đầu vào khi tính toán thiết kế để tìm ra sự sai khác nhằm có đánh giá nguyên nhân thực sự.

Do đó, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho rằng, giải pháp của tư vấn thiết kế, trước mắt thanh thải lòng sông Phan (chặt cây, thanh thải đất sạt lở...) phạm vi từ hạ lưu cống km25+419 trên sông Phan đến hạ lưu cầu sông Phan (km24+384) qua vị trí cầu khoảng 150m chưa đảm bảo độ tin cậy, không dự báo được hiệu quả của phương án.

“Ban Quản lý Dự án Thăng Long sẽ cùng các bên liên quan tổ chức thuê đơn vị tư vấn độc lập, chuyên ngành về tính toán thủy lực, thủy văn để khảo sát, tính toán làm cơ sở đề xuất phương án đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây”, báo cáo nêu.

Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án Thăng Long cũng cho biết đã yêu cầu tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn thiện công tác khảo sát thực tế, so sánh đánh giá với các số liệu tính toán thiết kế ban đầu để tìm ra nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp cho phù hợp (xong trước 20/8/2023).

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng giải pháp chống úng ngập cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây trước 20/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gia Lai: Ngang nhiên xây dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp
Công trình nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp của một hộ dân tại làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã đề nghị tháo dỡ nhưng hộ dân vẫn cố tình không chấp hành.
“Thành phố xanh” Freiburg
Thành phố Freiburg của Đức được coi là “Thành phố năng lượng mặt trời” hay “Thành phố xanh” của châu Âu, được biết đến với các chính sách môi trường ấn tượng và nguồn năng lượng mặt trời dồi dào.

Tin mới

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Nơi lưu giữ kỷ vật thời chiến
Hệ thống các hình ảnh, tư liệu, hiện vật thời chiến được sưu tầm, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bắc Giang giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ ghi nhớ những mốc son trong lịch sử dân tộc, thêm tự hào về truyền thống anh hùng của đất nước, quê hương.