Thứ hai, 29/04/2024 16:23 (GMT+7)

Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc

MTĐT -  Thứ hai, 25/12/2023 08:33 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Lào Cai có nhiều tiềm năng, cơ hội và các điều kiện để từng bước phấn đấu trở thành "Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc"

­­­­­­­­Lào Cai là tỉnh vùng cao, biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Yên Bái, phía Tây giáp tỉnh Lai Châu, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); diện tích tự nhiên 6.364,03 km2, dân số hơn 730 nghìn người với 25 dân tộc (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 66,2%); có 182,086 km đường biên giới trên đất liền tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Điều kiện tự nhiên; vị trí địa kinh tế, quân sự, đối ngoại, chính trị tạo cho Lào Cai có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, có thể phát triển thành trung tâm vùng Trung du, Miền núi phía Bắc, kết nối hành lang Đông - Tây tạo thành “phên dậu” vững chắc cho Tổ quốc. Với những chủ trương, bước đi đúng đắn, Lào Cai là một điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực Trung du, Miền núi Phía Bắc; đang trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc.

Tỉnh Lào Cai được tái lập 10/1991, khi đó là một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước (Sản lượng lương thực bình quân đầu người 184kg/năm, GRDP bình quân đầu người 680.000 đồng, thu ngân sách đạt 36 tỷ đồng; 54 xã chưa có đường ô tô tới trung tâm xã, 9/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia, hệ thống trường học chủ yếu là nhà tạm, 60 % trẻ em trong độ tuổi không được đến trường; 30 % cán bộ xã không biết chữ; 35 xã chưa có trạm y tế xã, 15 xã trắng về y tế; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm 55%, trong đó trên 30% dân số thiếu đói thường xuyên,…). Dưới sự quan tâm đặc biệt của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, hơn 30 năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai thực hiện một cách sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; tranh thủ thời cơ, khắc phục khó khăn, xác định đúng và trúng các nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần giải quyết trong từng giai đoạn. Do vậy, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bứt phá trở thành tỉnh phát triển, sôi động của khu vực Tây Bắc.

tm-img-alt
Lào Cai có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, có thể phát triển thành trung tâm vùng Trung du, Miền núi phía Bắc. Ảnh: ITN

Sau hơn 30 năm tái lập, Lào Cai đã vươn mình từ một tỉnh nghèo nhất cả nước trở thành tỉnh đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Bức tranh kinh tế - xã hội thể hiện sự bứt tốc mạnh mẽ so với ngày đầu tái lập tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục, bình quân giai đoạn 1991- 2022 đạt gần 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2022 đạt trên 10.000 tỷ đồng (gấp gần 300 lần so với năm 1991), GRDP bình quân đầu người đạt gần 90 triệu đồng (gấp 132 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa – xã hội phát triển toàn diện và có bước đi vững chắc. Giáo dục, y tế đều có bước phát triển vượt bậc, số hộ nghèo giảm từ 54,8% (1991) xuống còn 25,19% (2022 theo tiêu chí mới), khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019) và 4,47 triệu lượt người (năm 2022). Đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 31 triệu đồng/người/năm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Tuyến biên giới giữa tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam đã được đánh giá “Thực sự là biên giới điển hình, có thể nhân rộng trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung” vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa khẳng định được vai trò “phên dậu” của Tổ quốc.

Với những thành tựu đã đạt được cùng với vị trí địa kinh tế, địa chính trị đã tạo cho Lào Cai có nhiều tiềm năng, cơ hội và các điều kiện để từng bước phấn đấu trở thành "Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc", thể hiện rõ nét ở năm nội dung sau:

Thứ nhất, với vị trí địa lý đặc biệt và mạng lưới giao thông đa dạng, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện cần để trở thành “Cực tăng trưởng và trung tâm kết nối” của vùng.

Là nơi con Sông Hồng chảy vào đất việt, Lào Cai là tỉnh nằm giữa vùng Tây Bắc và vùng Đông Bắc; là vùng sinh thái quan trọng đối với cả nước; có vị trí chiến lược trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là con đường ra biển ngắn nhất, hiệu quả nhất của hàng hoá từ thị trường Tây Nam - Trung Quốc đến với thị trường Đông Nam Á, Đông Á và ngược lại.

Ngoài ra, Lào Cai có hệ thống hạ tầng giao thông nội địa và quốc tế thuận lợi, đa dạng với đủ loại hình mang tính mạng lưới. Các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp (QL 70, 4D, 4E, 279); cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất cả nước liên kết 3 tỉnh trong vùng với vùng Thủ đô[1]; tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai nối với Côn Minh - Trung Quốc đã vận hành hơn 110 năm đã có phương án nâng cấp lên khổ lồng 1,435m; tuyến đường thủy trên sông Hồng có giá trị lịch sử của cả vùng Bắc Bộ. Đặc biệt, Cảng Hàng không Sa Pa quy mô cấp 4C, tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng (đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư) sẽ đưa Lào Cai trở thành địa phương có đủ 04 loại hình giao thông kết nối trực tiếp với thị trường Trung Quốc; mở ra thời kỳ mới, cơ hội mới để Lào Cai và các tỉnh trong vùng phát triển toàn diện.

tm-img-alt
Thu hoạch chè sạch tại đồi chè thuộc huyện Mường Khương, Lào Cai. Ảnh; TTXVN

Những lợi thế đặc biệt nêu trên đã thúc đẩy kinh tế cửa khẩu và thương mại qua biên giới phát triển mạnh. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá qua Lào Cai giai đoạn 2004-2020 đạt 30 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 15%/năm. Hàng hoá xuất khẩu qua Lào Cai chủ yếu là nông sản từ các vùng, miền của cả nước (gạo, đường, Thanh long, Vải tươi, Dưa hấu, Chuối); hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong nước (phân bón, than cốc, máy móc, thiết bị, hóa chất...). Qua đó, thấy được vai trò chiến lược của kinh tế cửa khẩu Lào Cai đối với hoạt động kinh tế của cả nước.

Thứ hai, Lào Cai có điều kiện tự nhiên đa dạng, khí hậu ưu đãi để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế: Hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh mẽ và từng bước được đầu tư đồng bộ. Lào Cai đã làm việc với Ngân hàng phát triển chấu Á (ADB) để thống nhất kế hoạch đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông phục vụ du lịch nội tỉnh và liên tỉnh. Năm 2004, lượng du khách mới chỉ đạt 400.000 lượt nhưng sau 15 năm đã đạt trên 5 triệu lượt khách. Lượng khách du lịch đến Lào Cai giai đoạn 2010-2020 dẫn đầu khu vực Tây Bắc; kinh tế du lịch đã đóng góp 15% tổng GRDP của cả tỉnh. Khu du lịch quốc gia Sa Pa với tuyến cáp treo lên đỉnh Phan Si Păng hùng vĩ đạt 02 kỷ lục Thế giới cùng với khu du lịch Y Tý đang được đơn vị hàng đầu thế giới tư vấn lập quy hoạch đã từng bước trở thành hạt nhân trong phát triển du lịch của vùng.

* Với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón 15 triệu du khách (trong tổng số dự kiến 30 triệu du khách đến vùng) và nguồn thu từ du lịch chiếm 25% - 30% GRDP, Lào Cai sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào kinh tế du lịch của vùng.

Thứ ba, Lào Cai có thế mạnh lâu dài về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với hoạt động khai khoáng: Là tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có giá trị cao, trữ lượng lớn cùng với chiến lược khai thác hợp ký kết hợp chế biến sâu nên giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 của Lào Cai đã đạt 40.000 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân trên 20%/năm, trong đó:

Quặng Apatit có trữ lượng thăm dò trên 2,5 tỷ tấn, đủ khả năng cung cấp dài hạn nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất phân bón chứa lân, góp phần vào chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước được ổn định

Quặng Đồng có trữ lượng trên 100 triệu tấn, hàng đầu Đông Nam Á. Tổ hợp các nhà máy tuyển, luyện đồng công suất 30.000 tấn/năm đã đáp ứng 25% nhu cầu trong nước, giúp ngành sản xuất công nghiệp trong nước giảm gần 300 triệu đô-la ngoại tệ[2] nhập khẩu nguyên liệu. Ngoài ra, Nhà máy sản xuất cáp điện cao thế với công nghệ cán kéo đồng hiện đại nhất Đông Nam Á công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Châu Âu sẽ khởi công trong tháng 3/2022.

Quặng Sắt trữ lượng trên 120 triệu tấn với mỏ sắt Quý Sa lớn thứ 2 Việt Nam là nguồn nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai công suất 500.000 tấn/năm, chuẩn bị nâng công suất lên 1.000.000 tấn/năm cung cấp phôi thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

* Với tiềm năng nêu trên, có thể khẳng định, công nghiệp của Lào Cai tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Thứ tư, Lào Cai cóđiều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng để sản xuất nông nghiệpôn đới, nghiên cứu khoa học gắn với bảo tồn thiên nhiên: Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, đến nay, sau 17 năm thực hiện Nghi quyết 37-NQ/TW, sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai đã xuất khẩu sang Châu Âu, Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, thị trường Trung Đông như: Chuối, dứa hộp; quế, chè, rau, dâu tây hữu cơ; dược liệu, gỗ ghép thanh... Ngoài ra, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cùng với Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) được công nhận là Vườn di sản ASEAN đang từng bước trở thành trung tâm nghiên cứu về đa dạng sinh học của nhiều tổ chức quốc tế.

Thứ năm: Kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết vùnggắn với vai trò “phên dậu” Quốc gia của tỉnh Lào Cai trong nhiều năm qua đãđạt được nhiều thành tựu: Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai tỉnh Lào Cai - Vân Nam ngày càng được tăng cường và củng cố, tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng như: Hội đàm và ký hợp tác toàn diện giữa Bí thư hai tỉnh: Lào Cai và Vân Nam. Chủ trì tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Hội nghị trao đổi giữa Bí thư các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên với Bí thư tỉnh Vân Nam - TQ. Tại mỗi cơ chế hợp tác, Lào Cai luôn giữ vai trò đầu mối của các địa phương phía Việt Nam để thảo luận, thống nhất các nội dung hợp tác với địa phương nước bạn.

Hợp tác phát triển với các tỉnh Tây Bắc càng ngày được mở rộng; lãnh đạo 08 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên đã ký hợp tác xây dựng cơ chế, chính sách quản lý; phát triển du lịch địa phương; tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực.

Ngoài những thuận lợi, kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, Lào Cai cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức trên con đường phát triển để trở thành "trung tâm kết nối của vùng và cả nước", đó là:

 Một là các khó khăn nội tại của tỉnh Lào Cai cũng chính là khó khăn cơ bản của các tỉnh trong vùng: Quy mô dân số[3], quy mô nền kinh tế còn nhỏ; hoạt động sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực chưa gắn với chuỗi giá trị; công nghệ chậm đổi mới; Năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp; Sản xuất công nghiệp còn phụ thuộc vào khai khoáng; hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động lớn từ các biến động chính sách biên mậu của Trung Quốc. Chi phí logistic vẫn thuộc nhóm cao trong khu vực.

Hai là chưa có cơ chế mang tính động lực cho sự phát triển của tỉnh trong liên kết vùng: Các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội - con người của từng địa phương trong vùng chưa có sự gắn kết; chỉ thuần tuý là các phép thống kê số liệu; chưa thể hiện được dấu ấn, thành tựu phát triển của các tỉnh và cả vùng. Hạn chế trong liên kết vùng xuất phát từ nguyên nhân: Trong hệ thống các quy định pháp luật chưa có quy định cụ thể về nội hàm “thúc đẩy liên kết kinh tế vùng” như đã đề cập ở Điều 52 Hiến pháp năm 2013.

Nhận thức rõ những thế mạnh, cũng như những điểm còn hạn chế, tỉnh Lào Cai xác định những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần hướng tới để triển khai xây dựng tỉnh Lào Cai thật sự trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc theo tinh thần của Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành Khu kinh tế qua biên giới, một trong những trung tâm Logistc quan trọng của cả nước:Ưu tiên xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu có mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá; cung cấp dịch vụ logistic chi phí thấp trong đó "Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối, Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển" để trở thành trung tâm giao thương của các nước ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc. Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch XNK (bao gồm cả chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh...) đạt 50 tỷ Đô la.

Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics và vận tải để khai thác hiệu quả các giá trị vị trí địa chiến lược của tỉnh, phát triển Lào cai trở thành trung tâm dịch vụ logistics và vận tải của Vùng TDMNPB và cả nước.

Thứ hai,xây dựngLào Caitrở thành hạt nhân du lịch của vùng: Lào Cai là điểm đến tầm cỡ quốc tế với trụ cột là Khu du lịch quốc gia Sa Pa. Cùng với việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; bảo đảm đủ năng lực đón 15 triệu du khách vào năm 2030.

Xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành điểm kết nối du lịch quan trọng của cả Vùng và quốc gia.    Mở rộng kết nối phân phối khách Du lịch với các tỉnh vùng TDMNPB và các trung tâm du lịch lớn trong cả nước (như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa…).

Thứ ba,phát triển công nghiệptheo hướng gia công,chế biến sâu; tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước: Điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển công nghiệp; gắn khai thác với chế biến sâu các loại khoáng sản; ưu tiên công nghiệp gia công chế tạo sản phẩm công nghệ, giá trị cao; Nghiên cứu khai thác, chế biến đất hiếm cung cấp cho các ngành sản xuất công nghệ cao. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 vượt mức 100.000 tỷ đồng.

Phát triển công nghiệp luyện đồng trở thành khu công nghiệp đồng lớn của cả nước, đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và quy mô ngành công nghiệp Lào Cai. Đầu tư mới Nhà máy luyện đồng Bản Qua (Bát Xát) với công suất 30 - 40 nghìn tấn/năm; nâng tổng công suất Nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng lên 20 nghìn tấn/năm. Nâng cấp mở rộng Nhà máy gang thép Lào Cai từ 500 nghìn tấn lên 2 triệu tấn/năm. Đầu tư nhà máy sản xuất dây điện và cáp điện công nghệ cao công suất 20 nghìn tấn đồng/năm; nhà máy sản xuất thép hình công nghệ cao công suất 800 nghìn tấn/năm…. làm cơ sở để mở rộng quy mô thu hút tài nguyên, khoảng sản thuộc các tỉnh lân cận và vùng TDMNPB về chế biến sâu tại Lào Cai.

Thứ tư, xây dựng Lào Cai hướng tới thành trung tâm dịch vụ và tài chính của khu vực và quốc tế trong tương lai: Với định hướng xây dựng trung tâm logistic hiện đại, trở thành hạt nhân du lịch vùng và sự điều chỉnh chiến lược sản xuất công nghiệp, Lào Cai sẽ là điểm đến của các tổ chức tài chính trong nước, các quỹ đầu tư và các tập đoàn tài chính nước ngoài. Đây là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hình thành một trung tâm Tài chính - Ngân hàng gắn với hạ tầng công nghệ và chuyển đổi số hiện đại.

Tập trung phát triển hệ thống tín dụng, ngân hàng theo hướng đa dạng hoá các loại hình dịch vụ: Kiểm toán, bảo hiểm, cho thuê tài chính, tư vấn tài chính, huy động vốn qua thị trường chứng khoán, giao dịch bất động sản quy mô vùng; từng bước hình thành trung tâm tài chính vùng tại thành phố Lào Cai tạo đột phá cho sự phát triển và hoàn thiện thị trường tài chính, tín dụng; từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ.

Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối và hạ tầng số: Tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại tạo nên mạng lưới liên hoàn, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nướcQuốc tế. Chủ động tham gia xu hướng phát triển kinh tế số theo Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị[4].

Thứ sáu, chuyển hóa thách thức về quy mô dân số nhỏ thành nhiệm vụ xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm thu hút lao động của vùng: Đến năm 2030, Lào Cai sẽ cần thêm khoảng 300.000 - 500.000 lao động cho nhu cầu phát triển công nghiệp, logistic và thương mại - du lịch. Đây chính là cơ hội để Lào Cai thu hút, giải quyết việc làm cho các tỉnh trong vùng, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc.

Thứ bảy,tiếp tục củng cố hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế gắn với vai trò "phên dậu'' quốc gia: Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, xây dựng Lào Cai trở thành địa bàn quan trọng về hợp tác và giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước. Chú trọng củng cố và phát triển hợp tác hữu nghị với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trên các lĩnh vực; hợp tác để khai thác hiệu quả thế mạnh về kinh tế cửa khẩu; thúc đẩy mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với các tỉnh vùng Tây Nam, Trung Quốc; giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý biên giới, lãnh thổ, cùng nhau xây dựng biên giới hoà bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

- Chủ động đề xuất tổ chức các hoạt động tổ chức kết nối giao lưu kinh tế, đối ngoại, hợp tác quốc tế sáng tạo, năng động, linh hoạt, hiệu quả trong quan hệ giữa giữa các địa phương trong vùng TDMNPB và cả nước với tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam (Trung Quốc), giao thương kinh tế giữa ASEAN qua Lào Cai ra biển Ấn Độ Dương. Chú trọng củng cố và phát triển hợp tác hữu nghị để khai thác thế mạnh về kinh tế cửa khẩu với các tỉnh vùng Tây Nam, Trung Quốc. Xây dựng  Lào Cai là trung tâm kinh tế lớn, hạt nhân của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. với các nước, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, nhất là đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đã và đang là đối tác đầu tư quan trọng của tỉnh.  

Thứ tám, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển của tỉnh và vùngmiền núi biên giới phía Bắc;tiếp tục khẳng định vai trò “phên dậu” vững chắc, toàn diện của Quốc gia: Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế xã hội với củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại; xây dựng tỉnh Lào Cai thành khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên một số ngành tiến thẳng lên hiện đại, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phòng chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch và các đối tượng phản động.

- Tập trung lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch phản động; tăng cường đấu tranh trấn áp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, tệ nạn xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự gắn với cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Để triển khai thực hiện và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các địa phương trong Vùng,rất cần có sự hỗ trợ từ Trung ương vớimột số nội dung như:

(1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết - phát triển vùng: Đề nghị Trung ương sớm nghiên cứu, ban hành quy định, cơ chế liên kết nội vùng, liên vùng; quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực liên kết trọng tâm và đột phá để ưu tiên nguồn lực.

(2) Xem xét chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên để cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế, tạo thêm sức mạnh tổng hợp cho phát triển đất nước. Riêng đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai và các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ theo định hướng của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ, đề nghị:

- Đẩy nhanh việc đầu tư dự án đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai giai đoạn 2 theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Quốc gia đã được phê duyệt và theo đúng Kết luận của TTCP tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai vào tháng 8/2022 để tăng cường năng lực kết nối kinh tế giữa khu vực TD&MNBB với vùng Thủ đô và các vùng kinh tế khác.

- Sớm cho nghiên cứu khả thi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435mm, vì đây là tuyến đường có ý nghĩa rất lớn đối với việc kết nối vận chuyển, giao lưu, thúc đẩy kinh tế giữa các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, khu vực Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đồng thời, kết nối vận tải đường sắt với Trung Quốc và từ đó kết nối với đường sắt các nước Á - Âu.

-  Đẩy nhanh việc triển khai "Khu hợp tác kinh tế qua biên giới” và khu cửa khẩu quốc tế “hạt nhân” để thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam và các nước ASEAN với thị trường Tây Nam (Trung Quốc).

Với sự cố gắng, nỗ lực của  tỉnh Lào Cai nói riêng và các địa phương trong vùng nói chung; sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung ương. Tôi tin tưởng rằng trong giai đoạn tới các địa phương trong vùng Trung du miền núi Bắc bộ sẽ sớm có điều kiện để trở thành tỉnh phát triển của cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Trong đó, riêng với tỉnh lào Cai sẽ sớm cụ thể hóa được định hướng của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ để thật sự trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc”.

[1] Theo Nghị định 91/2021/NĐ-CP ngày 21/10/2021 của Chính phủ: Vùng Thủ đô gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên

[2] Giá đồng giai đoạn 2020 - 2021 dao động từ 9.000 - 9.600 USD/tấn.

[3] Quy mô dân số Lào Cai lớn hơn Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên.

[4] Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trịnh Xuân Trường

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và ASEAN với Trung Quốc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Liên hợp quốc lập quỹ chống chịu khí hậu mới
Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/4 đã công bố kế hoạch triển khai quỹ chống chịu khí hậu mới nhằm tăng cường bảo vệ “những người tị nạn và cộng đồng phải di dời”, vốn đang bị vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa.

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...