Xu hướng ăn uống thân thiện với môi trường
Cuộc khảo sát tại 10 quốc gia cho thấy, 54% người được hỏi cân nhắc về tương lai của trái đất khi lựa chọn thực phẩm và 70% cho rằng các sản phẩm tốt cho sức khỏe không nên gây hại cho môi trường.
Mong muốn sản phẩm lành mạnh
Người tiêu dùng hiện đang cân nhắc nhiều về môi trường bên cạnh sức khỏe cá nhân khi mua thực phẩm. Những người tiêu dùng quan tâm đến môi trường này được gọi là 'Climatarians - người chỉ sử dụng loại thực phẩm có ảnh hưởng ít nhất tới môi trường (người ăn uống thân thiện với môi trường) và họ sẵn sàng điều chỉnh thói quen ăn uống để bảo vệ trái đất.
Thị trường thực phẩm lành mạnh đã được hình thành rõ ràng khi người tiêu dùng chủ động tìm kiếm các sản phẩm có tác động tích cực đến sức khỏe thể chất của họ. Nhưng phần lớn hiện nay đang có quan điểm toàn diện hơn với 70% số người được khảo sát cho rằng, các sản phẩm lành mạnh không nên gây hại đến môi trường, trong khi 54% khác sẵn sàng hành động trách nhiệm với hành tinh và thay đổi chế độ ăn uống của mình để góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Trọng tâm kép này được phản ánh qua việc ngày càng nhiều người tiêu dùng có ý thức giảm ăn thịt, được gọi là người “ăn chay linh hoạt”, với gần một nửa số người tiêu dùng nói rằng họ đang giảm ăn thịt hoặc loại bỏ hoàn toàn thịt.
Báo cáo Chỉ số Tetra Pak, dựa trên một cuộc khảo sát do Công ty Nghiên cứu thị trường toàn cầu IPSOS thực hiện tại 10 quốc gia trên thế giới (Brazil, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Kenya, Nam Phi, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ), phát hiện rằng xu hướng giảm thịt này là một hiện tượng toàn cầu. 56% số người được hỏi đề cập đến lý do sức khỏe khi áp dụng chế độ ăn linh hoạt, pescatarian (vẫn ăn cá), ăn chay hoặc thuần chay, nhưng hơn một phần ba (36%) đặc biệt coi môi trường là động lực chính của họ.
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng sự tiện lợi không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Trong một sự thay đổi đáng chú ý của các quan điểm cố hữu trước đây, 70% người tiêu dùng sẵn sàng hy sinh sự tiện lợi để có được các sản phẩm lành mạnh hơn. Sự ưu tiên về sức khỏe cũng không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi chỉ có 17% người sẵn sàng hy sinh thực phẩm và đồ uống có lợi cho sức khỏe trong bối cảnh kinh tế hiện nay.