Thứ sáu, 26/04/2024 15:20 (GMT+7)

Xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị

MTĐT -  Thứ năm, 30/09/2021 16:48 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Không gian công cộng (KGCC) phản ánh trình độ quản lý, năng lực thiết kế và đặc trưng về tự nhiên - kinh tế - văn hóa - xã hội của một khu vực.

Hiện có nhiều xu hướng tổ chức KGCC trên thế giới, trong đó nổi bật nhất là 06 xu hướng sau: 1. Sinh thái hóa, 2. Quốc tế hóa, 3. Bản địa hóa, 4. Công nghệ hóa, 5. Đa năng hóa và 6. Linh hoạt hóa. Bài viết này luận bàn về xu hướng đầu tiên, hiện đang phát triển mạnh thành một trào lưu có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới, cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa môi trường nhân tạo và môi trường thiên nhiên do quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát gây ra. Chất lượng cuộc sống không chỉ được đo đạc bằng các tiện ích vật chất hoặc tiện nghi khí hậu, mà còn được thể hiện ở nguồn tài nguyên sinh vật giàu có và sự cân bằng sinh thái. Khi triển khai áp dụng tại Việt Nam cần kết hợp sinh thái hóa với 5 xu hướng còn lại theo một tỷ lệ thích hợp, tùy thuộc điều kiện của từng địa điểm, phát triển thành các “gói” giải pháp tích hợp nhằm đạt được hiệu quả mong muốn là đô thị trở nên sinh thái hơn.

Xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị - Tạp chí Kiến Trúc

1. Dẫn luận

Nhân loại đang phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với sự suy thoái môi trường và sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó tài nguyên sinh vật (hoặc nâng tầm lên một chút là cả hệ sinh thái, nơi các loài sinh vật thích nghi với môi trường và gắn bó với nhau qua nhiều mối quan hệ phức hợp) là một hợp phần. Các quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa và đô thị hóa đã và đang bào mòn hoặc làm rỗng nhiều mảng sinh thái còn lại trong đô thị, khiến cuộc sống của cư dân đang “thừa nhân tạo và thiếu thiên nhiên” và tách biệt khỏi hệ sinh thái tự nhiên hơn bao giờ hết.

Theo quan điểm thiết kế đô thị và sinh thái đô thị hiện đại, thiết kế cảnh quan là một bộ phận của hệ sinh thái tự nhiên nhưng lại được con người quy hoạch có hệ thống trong đô thị nhằm đáp ứng các nhu cầu của cư dân, góp phần làm hệ sinh thái đó vận hành thông suốt và cân bằng giống như hệ sinh thái vốn tồn tại trong tự nhiên. Hệ sinh thái cảnh quan trong đô thị có nhiều cấp độ, từ cấp độ lớn (phạm vi toàn đô thị) cho đến cấp độ nhỏ (phạm vi từng công trình). Sinh thái hóa không gian đô thị nói chung và KGCC nói riêng thể hiện qua việc thiết kế cảnh quan đô thị có hiệu quả và đa hình thức – đa chức năng, có tác dụng thúc đẩy quá trình mở rộng nguồn tài nguyên sinh vật trong những không gian nhân tạo vốn dĩ dành sự ưu tiên cao cho con người. Quy trình thiết kế cảnh quan đô thị cần tôn trọng những quy luật của hệ sinh thái tự nhiên. Hệ thống cảnh quan nhân tạo đó phải được thiết lập sao cho gần gũi thiên nhiên nhất có thể, nhằm mục tiêu đảm bảo môi trường sống thực sự lành mạnh cho cư dân, hài hòa với thiên nhiên và dựa vào thiên nhiên chứ không xung khắc hoặc lấn át thiên nhiên (Bo Yang, Ming-Han Li and Shujuan Li, 2013).

Khi minh họa tầm quan trọng của yếu tố sinh thái trong một đô thị, nhất là đô thị với mật độ xây dựng cao, học giả Nirmal Kishnani (ĐHQG Singapore) trong cuốn sách mới nhất được xuất bản tiêu đề là Ecopuncture (Tạm dịch: “Châm cứu Sinh thái”) đã viện dẫn quan điểm coi sinh thái là một “Vốn quý hay kho báu về hình thái của chủ nghĩa đô thị sinh thái”, điều mà KTS Serge Salat đã chắt lọc và nêu bật trong tác phẩm Cities and Forms – On Sustainable Urbanism (tạm dịch: “Các đô thị và hình thức – Về chủ nghĩa đô thị bền vững”). Theo đó, độ phức hợp của chủ thể nghiên cứu (sinh thái đô thị) được bổ sung bằng những kết nối hoặc thành tuyến, hoặc thành mạng lưới của các yếu tố hàm chứa sinh thái thiên nhiên, bao gồm thảm thực vật và một số loài động vật lấy mảng xanh đó làm môi trường cư trú, chẳng hạn như các dải cây xanh dọc theo đường phố, nút giao cắt, mặt đứng xanh, mái xanh, sân trong của các tòa nhà, những diện tích mặt nước dù nhỏ như bể cảnh trong sân vườn nhà, và quan trọng hơn cả là ý nghĩa nhiều lớp của các yếu tố này – Bởi vì một hình thái tốt hơn về mặt môi trường và sinh thái thì cũng có nhiều ưu điểm hơn xét trên góc độ xã hội và trải nghiệm (Kishnani, 2019).

2. Sinh thái hóa đô thị và sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị

Sinh thái hóa đô thị cần được thể hiện rõ nét và trước hết trong các KGCC, nơi tập trung đông người với nhiều hoạt động minh chứng cho sức sống của đô thị, do đó cần được thiết lập hoặc tái thiết kế xứng tầm với vai trò là “bộ mặt của đô thị”. KGCC trong một đô thị đúng nghĩa, được quy hoạch và thiết kế tốt vì con người, vốn dĩ có độ đa dạng cao và sự phân bố rộng khắp, có thể hiện diện bên trong hoặc bên ngoài khu ở. Dù được bố trí ở đâu, KGCC cũng cần được thiết kế trên quan điểm kiến trúc cảnh quan và trên nền tảng sinh thái học. Nơi nào in quá đậm dấu ấn nhân tạo đến mức thiếu hụt thiên nhiên, thì nơi đó phải được sinh thái hóa trở lại.

Quá trình (tái) sinh thái hóa KGCC bắt đầu bằng việc xanh hóa các khoảng trống chưa được phủ xanh hoặc đã được phủ xanh nhưng không thích hợp hoặc không hiệu quả. Khi quá trình xanh hóa là bước 1 của đa dạng sinh học hoàn tất, thực vật thuộc nhiều chủng loại được trồng thành các tầng lớp xen kẽ nhau và nếu sinh trưởng tốt thì sẽ tạo lập môi trường sống thuận lợi, thu hút một số loài động vật đến cư trú, đồng nghĩa với bước 2 của đa dạng sinh học sẽ đạt được. Cả thiết kế mới trên quan điểm sinh thái học lẫn sinh thái hóa trở lại sẽ khiến KGCC của đô thị trở thành những “kho dự trữ tài nguyên sinh vật” tiềm năng, đưa thiên nhiên gần hơn nữa với con người. Khi cây xanh và mặt nước là hai thành tố cơ bản tạo lập cảnh quan đô thị được phối hợp với nhau thì sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn trong cuộc sống, bao gồm: 1. Sức khỏe cá nhân tốt hơn trên hai phương diện sinh học và tâm lý học khi tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên hàng ngày, 2. Cảnh quan trở nên hấp dẫn hơn khi có nhiều yếu tố góp phần và được bố trí theo các giải pháp khác nhau, thay đổi theo từng vị trí, 3. Môi trường sống được cải thiện đáng kể khi tổ hợp cây xanh và mặt nước có tác dụng cộng hưởng, hạ nền nhiệt độ khu vực hiệu quả gấp đôi so với từng yếu tố riêng lẻ, 4. Tốc độ tiêu thoát nước mưa nhanh hơn và khả năng trữ nước mưa cũng cao hơn, giảm thiểu nguy cơ úng ngập, và hơn hết là 5. Tăng cường tính đa dạng sinh học, khi các sinh vật trên cạn và sinh vật dưới nước cùng tồn tại cạnh nhau, có quan hệ cộng sinh hoặc loại trừ nhau theo quy luật cân bằng trong thiên nhiên, tạo thành một quần xã sinh vật thực sự phong phú ngay trong lòng đô thị.

Đương nhiên, những thành phần sinh thái “ra tấm ra món” như khu bảo tồn thiên nhiên, rừng cây, hành lang xanh, vùng chuyên canh nông nghiệp, công viên, vườn hoa, sông lớn, hồ rộng, … bên trong cũng như ngoại vi đô thị là điều kiện vô cùng thuận lợi và rất có giá trị, song không phải nơi nào cũng có sẵn (do thiên nhiên ưu ái hoặc nhờ tầm nhìn quy hoạch từ nhiều thế kỷ (thập kỷ) trước). Với những thành phần sinh thái và không gian “nhỏ bé vụn vặt” tưởng chừng như ít giá trị, dễ bị coi nhẹ hoặc thậm chí bị bỏ quên – nhưng trong thực tế vẫn có lợi thế riêng, có thể len lỏi vào từng ngóc ngách của đô thị, làm những không gian xen kẹt tưởng chừng khó sử dụng đó lại trở nên có ý nghĩa, lấp đầy các “hốc” và những “khe trống”, “mảng trắng” mà sinh thái đô thị kiểu “bài bản chính quy” không thể thẩm thấu đến. Điều này đặc biệt đúng với những đô thị có mật độ xây dựng dày đặc như các quận trung tâm Hà Nội, nơi mà không gian trống nếu còn để xanh hóa – sinh thái hóa thì phân bố rải rác lấm chấm kiểu xôi đỗ.

3. Một số gợi ý về giải pháp sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị

Để đảm bảo chắc chắn năm lợi ích nêu trên, các gợi ý sau về sinh thái hóa (xanh hóa) đô thị được khuyến nghị áp dụng cho cả hai trường hợp KGCC trong và ngoài khu ở, được tổng kết từ thành công của một số dự án thực tiễn trên thế giới, theo Alessandro Ossola & Jari Niemelä (2018), Kirsten M. Parris (2016), Hiroyaki Suzuki và cộng sự (2010):

  • Sinh thái hóa – xanh hóa KGCC từ quy mô nhỏ đến quy mô trung bình trước khi đạt được trên quy mô lớn. Đối với khu ở: Sinh thái hóa – xanh hóa từ không gian bán công cộng (nhóm nhà ở) đến KGCC (toàn khu ở). Trong trường hợp ngoài khu ở, quá trình này đi từ cấp khu vực (phường – xã) qua cấp trung gian (quận – huyện) lên cấp cao nhất (toàn thành phố);
  • Sinh thái hóa – xanh hóa KGCC theo từng mảng nhỏ (các không gian trống dạng xen kẹt còn lại, các mảng xanh của hộ từng hộ gia đình – liên hộ hoặc nội bộ cơ quan – trụ sở – đơn vị đóng trên địa bàn), liên kết dần với các mảng xanh trung bình đã có (vườn hoa, công viên) bằng các tuyến cây xanh đường phố, gắn tiếp với các mảng xanh lớn hơn (công viên, rừng cây, hành lang xanh, vùng chuyên canh cây trồng, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu bảo tồn thiên nhiên, …), tạo thành mạng lưới liên hoàn và rộng khắp;
  • Tương tự, đối với diện tích mặt nước, nếu có sẵn và điều kiện cho phép, cần liên kết bằng cách nối thông các hồ nhỏ với nhau và hồ nhỏ với hồ lớn bằng kênh dẫn nước, các hồ lớn với nhau và hồ lớn với sông chính bằng sông đào (nếu không có sẵn sông tự nhiên). Những diện tích mặt nước như sông, hồ, kênh, …, nếu muốn để bờ tự nhiên, không có kè và rào chắn, cần tính toán độ sâu của mặt nước trong khoảng 10 m từ bờ trở ra, chỉ sâu 50 – 60 cm để đảm bảo an toàn, trẻ nhỏ nếu trượt chân ngã cũng không bị đuối nước;
  • Những khu vực không thuận lợi cho việc xây dựng (hành lang dọc đường cao tốc, khu đệm cách ly quanh các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu vực có nền đất yếu, khu vực trũng thấp dễ bị ngập lụt, …) theo kinh nghiệm quốc tế có thể được tận dụng, chuyển hóa thành những chuỗi cảnh quan cạn và cảnh quan ngập nước xen kẽ và thông ra sông hoặc ra hồ lớn. Một số khu thuần túy cảnh quan – sinh thái này hoàn toàn có thể được khai thác như không gian công cộng, như một dạng công viên, nếu có một cạnh tiếp xúc hoặc nằm trong khoảng cách đi bộ 400 m từ nhà ở;
  • Với các KGCC quy mô từ trung bình trở lên, diện tích cho phép để kết hợp cây xanh và mặt nước theo phương ngang với một tỷ lệ thích hợp. Trong trường hợp diện tích hạn chế, sự kết hợp này có thể được chuyển sang thực hiện theo chiều đứng, với các mảng xanh bám theo diện tường, bên cạnh các màn nước chảy chậm nhiều tầng bậc từ trên cao xuống một bể cảnh nhỏ ở dưới chân thác rồi lại được bơm ngược lên đỉnh và cứ thế luân chuyển nhiều lần;
  • Trồng các loại cây thành nhiều tầng (trên/dưới), nhiều lớp (trong/ngoài), đan xen nhiều loại (có sẵn/mới), ưu tiên các loài bản địa và có thể chọn một số loài thực vật nhập khẩu được các nhà sinh vật học xác nhận không phải là loài xâm lấn gây hại ngoại lai;
  • Tích hợp canh tác đô thị vào nội dung sinh thái hóa KGCC. Tận dụng những khu đất trống, các khoảng sân xung quanh và sân thượng của các tòa chung cư để làm vườn cộng đồng, bên cạnh các vườn riêng của từng hộ gia đình trong những biệt thự hoặc nhà liền kề. Các loại cây nên trồng không chỉ làm cảnh, mà còn đem lại hiệu quả kinh tế như cung cấp rau củ quả là thực phẩm hàng ngày, hoăc thân rễ lá là nguyên liệu đầu vào của quá trình bào chế thuốc nam và/hoặc một số loại biệt dược;
  • Để tạo nét nhận diện cho từng khu vực, cần xác định loài cây chủ đạo và không nên lặp lại ở cự ly gần. Những cây khác loại được trồng phối hợp thì không đặt ra yêu cầu hạn chế về số lượng loài hay số lần lặp lại, miễn là phù hợp với cây chủ đạo cả về mặt sinh học (không kỵ nhau hoặc cạnh tranh loại trừ nhau) lẫn về mặt thẩm mỹ (không tạo sự tương phản quá mức). Các cây được chọn cần được các nhà sinh vật học tham vấn cho ý kiến, không chứa chất độc và cũng không hấp dẫn côn trùng có hại như ruồi muỗi, rết, bọ xít, … hoặc động vật nguy hiểm đối với con người;
  • Thay thế các bề mặt không có khả năng thấm hút nước (bê tông, nhựa đường, gach nung) bằng vật liệu có khả năng thấm hút nước (đất trồng cỏ, gạch tự chèn dạng đục lỗ nhồi đất trồng cỏ) để tạo điều kiện bổ sung nước ngầm, không làm gián đoạn chu trình nước trong tự nhiên….

Một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng sinh thái hóa KGCC trong đô thị là công viên trung tâm khu dân cư Tanner Spring ở TP Portland, tiểu bang Oregon tại Hoa Kỳ, được đưa vào sử dụng từ năm 2005. Thay vì chỉ thiết kế một công viên cạn như các khu ở lân cận, đơn vị tư vấn quy hoạch đã quyết định kiến tạo một khu dự trữ sinh quyển đúng nghĩa ngay trong khu dân cư, có một phần diện tích là hồ sinh học để thu gom nước mưa chảy tràn trên bề mặt và nước xám đã qua xử lý kỹ thuật từ các cụm nhà gần đó. Đây là không gian nghỉ ngơi thư giãn ngoài trời được ưa thích của cư dân. Các bậc phụ huynh coi đây là bảo tàng mở về sinh thái, dạy cho con em họ những bài học vỡ lòng sinh động về đa dạng sinh học, thiên nhiên tươi đẹp và ý thức giữ gìn môi trường, tình yêu thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái trước khi đến trường, và trải nghiệm thực tiễn sau khi học trên sách vở.

Công viên dù không lớn (3.600 m2) vẫn được chia thành ba vùng rõ ràng: Vùng 1 ngoài một số cây bóng mát cỡ vừa và nhỏ chủ yếu trồng thảm thực vật là cây bụi, trong khi đó vùng 2 được xác định là phần chuyển tiếp giữa cảnh quan trên cạn và cảnh quan dưới nước, ưu tiên trồng cỏ và các loại lau sậy, còn vùng số 3 là khu ngập nước hoàn toàn, nơi thả rong, tảo, hoa súng và một số loài thực vật thủy sinh khác có khả năng làm sạch nước bằng cách hấp thụ các chất hữu cơ và vô cơ hòa tan. Khi những loài thực vật này hấp thụ tối đa các chất có trong nước, chúng sẽ được vớt bỏ từng phần và một lượt cây mới thay thế được thả vào, chu trình lọc nước lại tiếp diễn. Thống kê gần nhất ghi nhận có tới 72 loài thực vật đã hiện diện trong công viên (Managing Habitat, 2021). Sự đa dạng của các loài thực vật và mật độ trồng cây được tính toán hợp lý cung cấp môi trường sống thuận lợi cho một số loài động vật nhỏ như chim sâu, giun đất, chuồn chuồn, bướm, bọ rùa, nhện nước, cá vàng, ếch, … có nghĩa là đủ đại diện của cả ba nhóm động vật trên cạn, dưới nước và lưỡng cư. Khả năng tiếp cận của người dân để quan sát các loài động thực vật được tối đa hóa bằng những đường dạo uốn lượn xuyên qua các bãi cỏ và cây bụi, các phiến đá kê trên mặt nước và các bậc ngồi nghỉ trên hai triền dốc dọc theo hai cạnh của công viên.

Xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị - Tạp chí Kiến Trúc
Dự án sinh thái hóa công viên trung tâm khu ở Tanner Spring (Portland, Oregon, Hoa Kỳ) (Nguồn: Land8)

Lời kết

Sinh thái đô thị đóng một vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ về mặt cảnh quan hay khí hậu – môi trường mà còn là một đòn bẩy với xung lực đáng kể nhằm nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Vì thế, trong bối cảnh đô thị hóa ngày nay, sinh thái hóa là một nhiệm vụ cấp bách, với những ích lợi to lớn và rõ ràng đến mức không phải bàn cãi, để hoàn trả cho đô thị và không gian sinh sống của con người những khoảng thiên nhiên cần thiết cùng nhiều giá trị sinh thái cơ bản đã bị lấy đi bằng cách này hay cách khác, ở mức độ thấp hoặc mức độ cao. Vấn đề sẽ chỉ gói gọn lại trong câu chuyện con người sẵn lòng trả lại bao nhiêu mét vuông từ quỹ đất xây dựng để dành cho cảnh quan và kiến tạo trong phạm vi đó một hệ sinh thái phù hợp. Những nguyên tắc và quan điểm chính của sinh thái hóa đô thị và sinh thái hóa KGCC trong đô thị có thể được áp dụng rộng rãi, mô hình hóa một cách tổng quát và chi tiết hóa trong từng trường hợp cụ thể với những điều kiện và dữ liệu đầu vào riêng.

NCS. Nguyễn Hải Vân Hiền

Bộ môn Quy hoạch Vùng và Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

PGS. TS. Nguyễn Quang Minh

Bộ môn Kiến trúc Dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng

Tài liệu tham khảo

1. Bo Yang, Ming-Han Li and Shujuan Li (2013), Design with Nature for Multi-functional Landscapes: Environmental Benefits and Social Barriers in Community Development, International Journal of Environmental Research and Public Health, No. 10, pp. 5433-5458

2. Nirmal Kishnani (2019), Ecopuncture – Transforming Architecture and Urbanism in Asia, BCI Asia Construction Information Pte. Ltd, Singapore, p. 84

3. Alessandro Ossola & Jari Niemelä (2018), Urban Biodiversity – from Research to Practice, Routledge, London & New York, pp. 187-197, 205-213

4. Kirsten M. Parris (2016), Ecology of Urban Environment, Wiley & Blackwell, New Jersey, pp. 177-192

5. Hiroyaki Suzuki, Arish Dastur, Sebastian Moffatt, Nanae Yabuki & Hinako Maruyama (2010), Eco2 Cities – Ecological Cities as Economic Cities, World Bank, Washington DC, pp. 175, 188, 197

6. Trang web Managing Habitat – Friends of Tanner Spring:
http://friendsoftannersprings.org/park-design/park-meta/

7. Trang web Land8:
https://land8.com/tanner-springs-park-an-oasis-in-the-middle-of-the-city/

Bạn đang đọc bài viết Xu hướng sinh thái hóa không gian công cộng trong đô thị. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Tạp chí Kiến trúc

Cùng chuyên mục

“Thời” của căn hộ khách sạn nội đô
Những chính sách “cởi trói” cùng sự dịch chuyển của thị trường đang tạo đà cho phân khúc căn hộ khách sạn nội đô có nhiều dấu hiệu khởi sắc, trở thành “điểm dừng chân lý tưởng” cho các nhà đầu tư.

Tin mới