Thứ hai, 29/04/2024 15:20 (GMT+7)

Yên Bái: Phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu du lịch hồ Thác Bà 53.000 ha

Khánh Dung -  Thứ ba, 22/02/2022 09:17 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà được quy hoạch trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Mục tiêu đến năm 2040, toàn khu du lịch trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ vừa mới ban hành quyết định về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.

Cụ thể, phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà rộng 53.000 ha, bao gồm toàn bộ diện tích mặt nước hồ Thác Bà và vùng phụ cận thuộc địa giới hành chính huyện Yên Bình và huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

Ranh giới phía tây bắc giáp quốc lộ 70, phía tây nam giáp thị trấn Yên Bình, phía đông bắc giáp đường tỉnh 170, phía đông nam giáp quốc lộ 2D và thị trấn Thác Bà.

Quy hoạch xây dựng Khu du lịch hồ Thác Bà 53.000 ha tại Yên Bái - Ảnh 1.
Hồ Thác Bà. (Ảnh: Báo Yên Bái).

Theo quyết định phê duyệt, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hồ đập thuỷ điện, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Việc quy hoạch là tiền đề để thu hút đầu tư xây dựng phát triển thương mại - du lịch xứng tầm cấp quốc gia; phối hợp liên kết phát triển du lịch liên vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quốc tế. Đồng thời, phát huy những lợi thế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Yên Bái…

Mục tiêu của quy hoạch là xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Phấn đấu đến năm 2040, toàn Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà trở thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hoá tầm cỡ quốc gia, quốc tế, với hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đạo, sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế.

Quy mô dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 260.000 – 270.000 người, đến năm 2040 là khoảng 300.000 – 310.000 người.

Quy mô khách trong năm 2030 là khoảng 1 triệu lượt, đến năm 2040 là khoảng 2,5 triệu lượt khách.

Về định hướng phát triển không gian, nghiên cứu tác động của tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 70, quốc lộ 37, quốc lộ 2D, sân bay lưỡng dụng Yên Bái đến quá trình lập quy hoạch và định hướng phát triển để khai thác lợi thế của Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà.

Định hướng nghiên cứu mối liên hệ giữa phát triển du lịch vùng hồ Thác Bà với các điểm du lịch khác trong tỉnh Yên Bái, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ như: Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch Quốc gia Tam Đảo, Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải...

Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, hồ Thác Bà là một trong ba hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam hình thành khi xây dựng Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Hồ nằm trải rộng trên địa phận hai huyện Yên Bình và Lục Yên. Hồ rộng gần 20 nghìn ha mặt nước gồm hơn 1.300 đảo xanh lớn nhỏ, cùng hệ thống hang động sâu trong lòng những dãy núi đá vôi.

Năm 2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đến trước năm 2025, Khu du lịch hồ Thác Bà đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là khu du lịch quốc gia.

Với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ, hồ Thác Bà được mệnh danh là “vùng hồ nghìn đảo” giữa một vùng núi rừng trùng điệp, hùng vĩ, được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận là danh thắng quốc gia.

Bên cạnh đó, hồ Thác Bà nằm trong lưu vực sông Chảy, một không gian văn hóa đặc sắc – “Vùng văn hóa sông Chảy”, nơi còn lưu giữ nhiều giá trị độc đáo về đời sống, canh tác, văn hóa, tín ngưỡng… của đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi như Dao, Tày, Nùng, Cao Lan… Tất cả tạo nên những lợi thế để phát triển hồ Thác Bà trở thành một điểm đến hấp dẫn trong vùng…

Hồ Thác Bà còn là hồ có nhiều chức năng quan trọng như phát triển du lịch, điều tiết thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, thủy điện. Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, hồ Thác Bà được xác định là một trong 48 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với sinh thái hồ, cảnh quan và các giá trị văn hóa bản địa…

Các sản phẩm du lịch chủ đạo gồm du lịch sinh thái hồ Thác Bà; du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm, khám phá văn hóa sông Chảy; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ cuối tuần, nghỉ trăng mật, điều dưỡng và du lịch chăm sóc sức khỏe; du lịch thể thao, vui chơi giải trí ..

Bạn đang đọc bài viết Yên Bái: Phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu du lịch hồ Thác Bà 53.000 ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...