Chủ nhật, 28/04/2024 13:04 (GMT+7)

An toàn phòng, chữa cháy: 'Gỡ khó nhưng không hợp thức hóa sai phạm'

MTĐT -  Thứ năm, 07/09/2023 15:36 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Theo thống kê, hiện nay vẫn còn khoảng 32.000 công trình xây dựng đã đi vào hoạt động những vẫn chưa được nghiệm thu, chưa đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

tm-img-alt
Ảnh minh họa. (Minh Sơn/Vietnam+)

Hàng loạt sự cố hỏa hoạn xảy ra trong thời gian qua cho thấy công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thế nhưng, điều bất cập là đến nay có tới hàng chục nghìn công trình xây dựng đã đi vào hoạt động những vẫn chưa được nghiệm thu, chưa đáp ứng được các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2022/BXD) của Bộ Xây dựng.

Khoảng 32.000 công trình “chưa an toàn”

Đề cập tới vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công an đã rà soát lại các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Qua rà soát khoảng 1.182.722 công trình trên cả nước thì có khoảng 96,78% là đáp ứng điều kiện phòng cháy chữa cháy. Số còn lại, khoảng 32.000 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng và chưa khắc phục đầy đủ các yêu cầu an toàn phòng cháy chữa cháy theo QCVN 06:2022/BXD.

Trong đó, riêng các quận, huyện của thành phố Hà Nội có 1.545 công trình, cơ sở, nhà xưởng hiện hữu chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy vẫn đưa vào sử dụng. Loại công trình vi phạm rất đa dạng, trong đó có các siêu thị, trường học, khách sạn, trụ sở công ty, tòa nhà văn phòng, nhà xưởng công nghiệp, chung cư.

Đáng lưu ý trong danh sách các công trình vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội theo báo cáo Bộ Công an gửi tới Bộ Xây dựng có nhiều công trình thường xuyên tập trung đông người. Đơn cử như danh sách các công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy trên địa bàn quận Đống Đa có: Tòa nhà văn phòng 29 Huỳnh Thúc Kháng, siêu thị điện máy Mediamart, tòa nhà 75 Phương Mai…

Tại quận Ba Đình có các công trình vi phạm như: Khách sạn Hồng Ngọc, Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Medlatec, khách sạn A25, khách sạn Lotus, lò sản xuất hơi nước công nghệ syngas trong nhà máy bia Hoàng Hoa Thám (thuộc Habeco)…

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (C07), một số khó khăn, vướng mắc khiến các công trình trên chưa được khắc phục đầy đủ, chủ yếu liên quan đến các vi phạm về kiến trúc, kết cấu xây dựng của công trình đã thi công xây dựng như: Chưa đảm bảo số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn, cầu thang trong nhà để hở; hoặc cơ sở vi phạm quy định về trật tự xây dựng, dẫn tới khó khăn về kỹ thuật và pháp lý, kéo dài thời gian khắc phục của chủ đầu tư.

tm-img-alt
Vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa, Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, xảy ra vào hồi tháng 8-2022. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Bên cạnh đó là khó khăn về đường giao thông phục vụ chữa cháy, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy đến công trình; khoảng cách phòng cháy chữa cháy của công trình đến đường ranh giới khu đất, đến các công trình lân cận không đảm bảo.

Trong khi đó, theo ông Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), trong lĩnh vực xây đựng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đã có đầy đủ hàng lang pháp lý, hành lang kỹ thuật để thiết kế, thi công, nghiệm thu, vận hành công trình để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nếu như có hỏa hoạn xảy ra.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn bất cập trong việc ban hành và thực thi các quy định về phòng cháy chữa cháy từ hoạt động đầu tư xây dựng,” ông Ngọc Anh nói.

Gỡ khó nhưng không hợp thức hóa sai phạm

Để khắc phục những vi phạm về phòng cháy chữa cháy, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Công an xây dựng nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình cho phù hợp với mục đích, loại hình, công năng của công trình, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghệ để đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, không gây lãng phí nguồn lực xã hội, có tính khả thi.

Trong đó, đơn vị nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn đặc thù đối với nhóm loại hình nhà ở, sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy, nổ, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân như: kinh doanh gas, các mặt hàng, vật liệu dễ cháy, dịch vụ karaoke, vũ trường, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hoạt động đầu tư xây dựng theo từng đối tượng, loại hình cơ sở hiện hữu có tồn tại, vướng mắc, phải theo nguyên tắc “bảo đảm yêu cầu an toàn cháy, nổ nhưng không hợp thức hóa sai phạm.”

“Chúng ta đều biết phòng cháy chữa cháy là vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đang rà soát một cách có hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan. Chúng tôi cũng tham mưu sửa đổi từ vấn đề luật, rồi đến Nghị định 136 và các văn bản pháp lý liên quan,” Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nói.

tm-img-alt
Những vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra phần lớn là do ý thức của người dân chưa cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cũng cho biết QCVN 06 mới có hiệu lực từ tháng 1-2023, qua đánh giá còn 1 số vấn đề như hiểu chưa đúng, áp dụng chưa đúng, đặc biệt là điều khoản chuyển tiếp nên gây ra một số khó khăn. Đây cũng là quy chuẩn có kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức, quy chuẩn viết cho cơ quan tư vấn.

Do vậy, Bộ Xây dựng với tinh thần cầu thị sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp của các địa phương, các bộ ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và tới đây sẽ sớm ban hành hướng dẫn Quy chuẩn 06 để mọi người hiểu đúng, áp dụng đúng trong quá trình triển khai thực hiện đồng thời tiếp tục rà soát, sửa đổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

“Đến ngày 29-6, Bộ Xây dựng đã rà soát xong và đang phối hợp với Bộ Công an để lấy ý kiến các bộ, ngành. Tuy nhiên, theo quy định thì phải chờ kết thúc đăng tải lấy ý kiến các địa phương, các bộ ngành, các đơn vị liên quan. Mục tiêu trong tháng Chín sẽ ban hành hướng dẫn Quy chuẩn 06,” ông Văn nói.

Góp ý từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Nguyễn Văn Đệ cho rằng đơn vị sửa đổi QCVN 06:2022/BXD cần quan tâm đến các công trình cũ, quy định cũ, công trình đang sử dụng. Các công trình đã được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định cần phải được kiểm tra, có khuyến cáo rõ ràng về an toàn cháy.

Ngoài ra, đơn vị sửa đổi cũng cần tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến chữa cháy và cứu nạn, bố trí thang chữa cháy tòa nhà; bổ sung thang máy chữa cháy bên ngoài tòa nhà; thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn của địa phương; khả năng thực thi khi áp dụng đồng bộ với tiêu chuẩn nước ngoài.

Bạn đang đọc bài viết An toàn phòng, chữa cháy: 'Gỡ khó nhưng không hợp thức hóa sai phạm'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau