Thứ hai, 29/04/2024 23:29 (GMT+7)

Báo động tình trạng khai thác vàng khiến các loài chim bị nhiễm thủy ngân

MTĐT -  Thứ tư, 20/12/2023 11:28 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà nghiên cứu phát hiện những con chim sống trong phạm vi 7km xung quanh mỏ khai thác vàng có hàm lượng thủy ngân cao gấp 4 lần so với những con chim cư trú tại các địa điểm khác.

tm-img-alt
Trại của những người khai thác vàng ở Los Amigos, thuộc vùng Madre de Dios, Peru. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Reuters, một nghiên cứu mới cho thấy các loài chim nhiệt đới, từ chim bói cá đến chim chích, đang có dấu hiệu nhiễm thủy ngân do hoạt động khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ tiến sâu vào rừng rậm.

Các nhà nghiên cứu phát hiện những con chim sống trong phạm vi 7km xung quanh mỏ khai thác vàng có hàm lượng thủy ngân cao gấp 4 lần so với những con chim cư trú tại các địa điểm khác trên khắp vùng nhiệt đới của Trung và Nam Mỹ.

Chủ nhiệm nghiên cứu, nhà sinh vật học bảo tồn tại Đại học California Los Angeles, ông Chris Sayers nhấn mạnh đây là lời cảnh tỉnh đối với công tác bảo tồn chim ở vùng nhiệt đới.

Ông cho biết sự đa dạng sinh học của các loài chim nhiệt đới đang suy giảm trong nhiều thập kỷ gần đây, nhưng các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Ông Sayers cho rằng thủy ngân có thể là giữ một vai trò nào đó.

tm-img-alt
Một nhà khoa học đo mỏ của một con chim trong khi nghiên cứu ở động vật, tại Trạm Sinh học Los Amigos, ở Los Amigos, vùng Madre de Dios, Peru. (Nguồn ảnh: Reuters)

Để có được kết luận trên, trong 17 năm qua, hàng chục nhà khoa học đã thu thập hàng nghìn mẫu lông, máu và mô từ 322 loài chim tại 9 nước ở Trung và Nam Mỹ cũng như Tây Ấn, tạo ra cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về tình trạng nhiễm thủy ngân ở chim.

Nghiên cứu bổ sung thêm hiểu biết về việc thủy ngân mà các thợ mỏ sử dụng để tách kim loại quý ra khỏi trầm tích tác động đến động vật hoang dã ở vùng nhiệt đới.

Khai thác vàng thủ công thường được thực hiện bất hợp pháp trong các khu bảo tồn, hoặc được thực hiện không chính thức bên ngoài khu bảo tồn mà không có sự cho phép rõ ràng của nhà chức trách.

Đầu năm nay, Reuters lần đầu tiên đưa tin các nhà khoa học đã phát hiện một số động vật có vú, trong đó có khỉ titi và mèo gấm, có dấu hiệu nhiễm thủy ngân gần điểm nóng khai thác vàng ở Peru.

Việc hấp thụ hoặc tiêu thụ nước và thực phẩm nhiễm thủy ngân được xác định là nguyên nhân gây ra bệnh thần kinh, bệnh về miễn dịch và suy giảm khả năng sinh sản ở người và một số loài chim.

Trong số các điểm nóng về ô nhiễm thủy ngân có Madre de Dios, Peru và Ayapel, Colombia - trung tâm khai thác vàng thủ công.

Các loài chim ở Belize, Trung Mỹ cũng có hàm lượng thủy ngân cao. Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân có thể do khí thủy ngân phát thải từ quá trình đốt rác ở bãi rác địa phương, hoặc đốt than ở khu vực xung quanh.

Còn tại trạm sinh học Los Amigos nằm trong khu vực rừng nhiệt đới Amazon thuộc vùng Madre de Dios, Đông Nam Peru, đây cũng là vùng có hơn 46.000 người thợ tham gia hoạt động khai thác vàng quy mô nhỏ hoặc thủ công

Từ năm 2018 đến nay, các nhà khoa học Mỹ và Peru đã thu thập các mẫu của hơn 2.600 động vật thuộc ít nhất 260 loài quanh Trạm.

Trong số 330 mẫu xét nghiệm linh trưởng, gần như tất cả đều chứa thủy ngân, một số trường hợp nhiễm thủy ngân nặng.

Năm 2022, một nghiên cứu khác tại khu vực này cũng cho thấy những con chim thuộc bộ biết hót quanh Los Amigos nhiễm thủy ngân ở mức cao gấp 12 lần so với những con sống xa khu khai thác vàng.

Bác sỹ thú y thuộc Tổ chức Liên minh Vườn thú San Diego (San Diego Zoo Wildlife Alliance) Caroline Moore cho biết nếu chịu ảnh hưởng bởi mật độ thủy ngân cao trong thời gian dài, động vật sẽ mất khả năng sinh sản, hoặc con sinh ra sẽ không thể phát triển.

Phần lớn các trường hợp khai thác vàng quy mô nhỏ hoặc thủ công tại rừng Amazon là bất hợp pháp. Thậm chí, những trường hợp được cấp phép, lại ít được giám sát và sử dụng thủy ngân để tách vàng từ trầm tích.

Con người đã sử dụng thủy ngân từ hàng nghìn năm nay. Nó đã xuất hiện trong các ghi chép lịch sử ở khắp mọi nơi, từ Ai Cập đến Trung Quốc.

Ngày nay, hóa chất này có mặt trong vô số sản phẩm gia dụng, bao gồm một số loại pin, nhiệt kế, bóng đèn và mỹ phẩm.

Than đốt, kể cả để lấy năng lượng, cũng là một nguồn thủy ngân. Nồng độ thủy ngân trong khí quyển đã tăng lên khoảng 450% so với mức tự nhiên.

Hóa chất này cũng thường được sử dụng trong khai thác vàng quy mô nhỏ, một ngành sử dụng tới 20 triệu lao động trên toàn cầu, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em./.

Bạn đang đọc bài viết Báo động tình trạng khai thác vàng khiến các loài chim bị nhiễm thủy ngân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục

Long An: Sử dụng tài nguyên nước hợp lý
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo các cấp, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, được sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...