Thứ hai, 06/05/2024 21:16 (GMT+7)

Bạo lực học đường - Nhận diện đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp (Kỳ 2)

MTĐT -  Chủ nhật, 30/04/2023 16:43 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Kỳ II: “Không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường” là một điều khó chấp nhận.

Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều thông tư, văn bản mới ở bậc giáo dục phổ thông. Bên cạnh những điểm mới để đáp ứng yêu cầu mới cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, một số nội dung của nhiều thông tư đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam và gây nên sự phản ứng, phản biện nhiều chiều của dư luận xã hội, đặc biệt là ngay trong đội ngũ các nhà giáo.

Liên quan đến vấn đề văn hóa học đường và công tác giáo dục đạo đức với học sinh trong các trường phổ thông chính là vài bất cập trong Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là về “xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập”.

Trong khoản 2, điều 42 của Thông tư số 12/2011/TT-BGDDT (gọi tắt là Thông tư 12) quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo hình thức phê bình trước lớp, trước trường; khiển trách và thông báo với gia đình; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn.

Tuy nhiên, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDDT (gọi tắt là Thông tư 32) về ban hành “Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD&ĐT” thì “giáo viên không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường”. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2020. Đó là điều rất không thực tế và cũng là một trong những cội nguồn dễ tạo ra nhiều hệ lụy cho giáo viên.

Trong cuộc sống cũng như khi làm việc ở bất cứ mọi ngành nghề, lĩnh vực và công tác giáo dục đều luôn phải duy trì 2 yếu tố “pháp trị” và “đức trị”. Nêu gương, khen thưởng  khi có ưu điểm, thành tích đồng thời cũng cần có phê bình, kỷ luật khi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của nhà trường.

Học sinh trong thời 4.0 ngày nay có nhiều yếu tố tác động trong quá trình học tập và cuộc sống, có nhiều thứ để vui, có nhiều trò để mê, có nhiều thứ để nghiện. Cách ứng xử và hành xử giữa trò với thầy, giữa học sinh và giáo viên trong thời nay đã có nhiều sự thay đổi so với các thế hệ học trò chúng ta ngày trước. Việc ngồi học trong lớp học không tập trung, nói chuyện riêng, làm việc riêng, nhác học bài cũ, lười làm bài tập cùng với tác phong ăn mặc, đầu tóc, đi đứng, nói năng theo cách hồn nhiên của tuổi học trò thì việc sơ suất, thiếu sót, vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường cũng là chuyện bình thường và cũng là điều dễ hiểu. Những lúc như vậy, các em rất cần sự góp ý, phê bình của thầy cô, cha mẹ để giúp các em nhận thức được đúng sai mà sửa chữa.

tm-img-alt
Các hành vi bạo lực học đường cần thiết phải được ngăn chặn. Ảnh ITN

Vì vậy, với góc độ là 1 giáo viên phổ thông, đồng thời là một phụ huynh, tôi cho rằng việc “Thông tư 32” có nội dung không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường là rất không thực tế. Bất kỳ mỗi quốc gia, dân tộc nào, dù ở trình độ văn minh hay kém phát triển, một xã hội mà không còn sự nhắc nhở, phê bình hay xử lý kỷ luật thì đó là một xã hội không còn kỷ cương, phép nước. Đó là một nền giáo dục chỉ thích khen mà không thích chê.

Trong một gia đình, ông bà và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên để dạy dỗ, giáo dục con cháu từ những bài học đầu tiên trước khi đến trường. Trong các nhà trường, giáo viên chính là những người thầy cùng một lúc gánh vác 2 thiên chức: vừa dạy chữ và kiến thức văn hóa, vừa dạy ý thức, nhận thức và giáo dục nhân cách, đạo đức. Nói ngắn gọn là vừa dạy chữ, vừa dạy người. Giáo viên chủ nhiệm lớp là người thay mặt lãnh đạo nhà trường để quản lý lớp trong nhiều năm học và các giáo viên bộ môn sẽ cùng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để giảng dạy và cùng giáo dục các em trong lớp, trong trường.

tm-img-alt
Bệnh vô cảm đã làm cho những giá trị văn hóa truyền thống mất dần. Ảnh minh hoạ. ITN

Việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường đã tước bỏ quyền giáo dục của giáo viên, của nhà trường và vô tình tạo cơ hội cho học sinh hành xử với giáo viên theo kiểu “dân chủ quá trớn”, tạo tiền lệ nguy hiểm cho nhiều hành vi học sinh, phụ huynh xem thường giáo viên –một điều khó chấp nhận trong ngành giáo dục từ xưa đến nay. Và khi đối mặt với học sinh cá biệt có những biểu hiện bất ổn về thái độ và nhân cách như vậy, nếu giáo viên thiếu đi sự tinh tế, kinh nghiệm, sự kiềm chế cảm xúc và kỹ năng sư phạm thì chính họ lại đón nhận sự chỉ trích dữ dội từ báo chí, mạng xã hội, của các phụ huynh và nhận kỷ luật của ngành.

Trong giảng dạy và giáo dục học sinh, thầy cô và phụ huynh đều luôn mong muốn các em đều trở thành con ngoan, trò giỏi. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh hiện nay vì nhiều lý do đã “khoán trắng” con em mình cho nhà trường trong việc dạy dỗ con em họ nên người. Họ cho rằng, con em họ học không giỏi, không ngoan là do thầy cô, nhà trường.

Là một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp, giảng dạy và giáo dục học sinh, tôi cho rằng, giáo viên không được xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh là đúng, nhưng không được phê bình học sinh trước lớp khi phạm lỗi, thậm chí phạm lỗi nhiều lần là một điều rất không ổn. Giáo viên khi phạm lỗi có thể bị phê bình trước Hội đồng giáo dục nhà trường nhưng lại không được phê bình học sinh trước lớp khi học sinh vi phạm ?

Là một giáo viên, tôi luôn phản đối các đồng nghiệp của tôi mạt sát, chửi bởi, đánh đập học trò khi sai phạm, nhưng tôi không đồng thuận việc không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường. Có thể bớt đi nội dung không “phê bình học sinh trước trường”, nhưng “phê bình trước lớp” là một động thái cần thiết. Vấn đề quan trọng là cách thức, hình thức nhắc nhở như thế nào của giáo viên để học sinh tâm phục, khẩu phục nhận ra cái sai của mình để sửa chữa và tiến bộ.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. TL

Giáo dục là một  quá trình và cũng là một nghệ thuật. Dạy kiến thức không khó, nhưng dạy nhận thức trong cuộc sống càng khó hơn. Nó là nghệ thuật của nghệ thuật nên sẽ không có một công thức chung cho tất cả học sinh. Có nhiều học sinh thì nhờ sự động viên kịp thời, sự tuyên dương, khen thưởng đúng lúc mà tiến bộ nhanh và sớm trưởng thành. Có những học sinh nhờ có thầy cô tận tâm, trách nhiệm và nghiêm khắc, nhờ phê bình, kỷ luật mà trưởng thành.

Điều cốt lõi là mỗi thầy cô giáo phải tùy vào điều kiện, hoàn cảnh, tình cảnh cụ thể vào những đối tượng học sinh cụ thể để ứng xử cho phù hợp và linh hoạt. Chỉ có nghề giáo và những nhà giáo tâm huyết, có kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy và giáo dục mới làm tốt việc đó.

Giáo dục muốn hiệu quả phải là tổng của những phép cộng hài hòa của 3 yếu tố: gia đình, nhà trường và cộng đồng. Một nền giáo dục phát triển là một nền giáo dục có kỷ cương, kỷ luật, tình thương, trách nhiệm. Một ngôi trường thân thiện trước tiên đó phải là một môi trường mà người dạy, người học cảm thấy an toàn để thầy an tâm dạy, trò yên tâm học và phụ huynh yên tâm khi gửi gắm con mình cho trường đó.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Nói một cách thẳng thắn là, trong quá trình đổi mới giáo dục những năm gần đây, với những lý do là “dân chủ’, “tiên tiến”, “nhân văn”..., Bộ GD&ĐT đã soạn thảo và ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới nhưng lại ngày càng nới lỏng kỷ cương, kỷ luật trường học trong công tác giáo dục học sinh và tước đi nhiều quyền giáo dục học sinh của các nhà giáo, nhà trường.

Đó là một trong nhiều nguyên nhân quan trọng làm cho học sinh ngày càng lười học hơn, thiếu tôn trọng thầy cô và nội quy nhà trường hơn và xuất hiện nhiều bạo lực học đường ở nhiều mức độ khác nhau. Bạo lực học đường đã diễn ra ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ trầm trọng hơn. Nhiều vụ học sinh tử tự đã xảy ra vì sự bất lực và bế tắc do tác động của bạo lực học đường.

Nhiều trường học đã thật sự không còn là một không gian dạy học trở nên thân thiện, an toàn cho cả thầy lẫn trò. Tâm huyết với nghề, tận tụy với trò của rất nhiều giáo viên phổ thông đã suy giảm. Rất nhiều CBQL, giáo viên đã xin nghỉ hưu trước tuổi vì áp lực và niềm tin. Đó là một thách thức lớn trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện ngành giáo dục, là khó khăn, ngáng trở lớn cho việc triển khai CTGDPT 2018 hiện nay, là thực tế đáng buồn và chúng ta cần nhận diện đúng thực trạng, thẳng thắn chỉ ra đúng những nguyên nhân cơ bản mới tìm ra những giải pháp có tính khả thi cả trước mắt lẫn lâu dài.

Ths Trần Trung Hiếu - Giáo viên Sử 

Trường THPT chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An.

Bạn đang đọc bài viết Bạo lực học đường - Nhận diện đúng thực trạng, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

“Trường học xanh” - Mô hình giáo dục hiệu quả
"Xây dựng mô hình “Trường học xanh” từ cổng trường, khuôn viên đến bên trong nơi làm việc, phòng học... tạo nên một tổng thể không gian làm việc thoải mái, thân thiện, trong lành, hoà cùng thiên nhiên và mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất”.
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.

Tin mới