Thứ hai, 29/04/2024 19:01 (GMT+7)

Bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa nhằm khai thác kiến trúc bền vững và giàu bản sắc

MTĐT -  Thứ hai, 25/09/2023 09:09 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Di sản nói chung được hình thành trong quá khứ, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ.

Di sản nói chung được hình thành trong quá khứ, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ. Những năm qua, những giá trị đó đã được đề cập trong mục tiêu, quan điểm cũng như thực tiễn công tác quy hoạch kiến trúc tại Việt Nam. Điều đó chứng tỏ yếu tố văn hóa rất được coi trọng, khi những quy hoạch chuyên ngành đều đề cập tới vấn đề này.

Khai thác, phát huy tài nguyên văn hóa, nhất là các di sản văn hóa truyền thống cần đảm bảo nguyên tắc phát triển hài hòa, không tận dụng, khai thác triệt để giá trị kinh tế của văn hóa, không vì mục đích thương mại, lợi nhuận và mục tiêu phát triển nóng mà xâm hại đến cảnh quan, không gian di tích, di sản; không làm biến dạng môi trường, môi sinh, nhất là đối với những khu văn hóa sinh thái, văn hóa thiên nhiên, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng.

Quan điểm này đã thể hiện rõ mối quan hệ với kinh tế, văn hóa được xem là nguồn lực nội sinh, là “sức mạnh mềm” để thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững đất nước…

Đây là một trong yêu cầu cần được lồng ghép trong định hướng phát triển các ngành nghề khác. Bảo tồn và tích hợp các yếu tố nhân văn bản địa, lồng ghép các giá trị truyền thống trong kiến trúc và quy hoạch, có như vậy mới đảm bảo tính thống nhất của các hợp phần trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Định hướng kiến trúc, quy hoạch tốt sẽ đánh thức được tiềm năng di sản.

Bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa nhằm khai thác kiến trúc bền vững và giàu bản sắc
Quần thể Danh thắng Tràng An. Ảnh internet

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa phát triển ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mới, nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy”; “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước đã thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam.

Theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được ban hành ngày 24/11/2017, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: (1) Quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; (2) Quy hoạch vùng; (3) Quy hoạch tỉnh; (4) Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và (5) Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Đối với các hệ thống quy hoạch quốc gia cần xác định rõ việc tích hợp việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa (gồm cả giá trị vật thể và phi vật thể); tích hợp các quy hoạch bảo tồn, định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị và nông thôn.

Luật Kiến trúc được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 13/6/2019. Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới, tạo nên phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam; đồng thời quảng bá kiến trúc Việt Nam ra thế giới.

Các nhà quản lý và khoa học cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là cơ hội để sắp xếp lại cả quốc gia trong thời kỳ mới. Vậy nên, đây là thời thế thuận lợi để chúng ta cần phải tích hợp các giá trị truyền thống vốn là đối tượng dễ mai một, lãng quên và biến đổi, nhưng lại là những dấu ấn lịch sử, nhân văn tạo động lực phát huy giá trị bản sắc của dân tộc.

1. Xác định nguồn lực văn hóa nhằm tăng tính gắn kết, khai thác bền vững

Hệ thống đô thị Việt Nam được phân thành 6 loại, dựa vào số dân và một số chỉ số về đặc điểm đô thị khác, bao gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V. Các đô thị chính của Việt Nam đều thuộc loại IV trở lên. Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 826 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM) và 22 đô thị loại I.

Hiện cả nước ta có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê; trong đó, có khoảng 10.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố, hơn 3.460 di tích cấp quốc gia, 107 di tích quốc gia đặc biệt, 164 bảo vật quốc gia. Có 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa (DSVH) và thiên nhiên thế giới, 14 di sản được UNESCO công nhận DSVH phi vật thể của nhân loại. Việt Nam có 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; ngoài ra, Việt Nam còn có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới được ghi nhận trong Ký ức thế giới của UNESCO.

Đối với DSVH thế giới và di tích quốc gia đặc biệt được xác định là một trong những dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn 2022-2030, với 3 nội dung chính: Đầu tư triển khai các dự án bảo quản, tu bổ, tôn tạo hỗ trợ chống xuống cấp các di sản được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt; nghiên cứu, triển khai các giải pháp về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bảo tồn, phát huy DSVH phi vật thể; hỗ trợ sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Đây là những hoạt động thiết thực đã và đang triển khai ở các ngành.

Trong Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, DSVH thế giới và di tích quốc gia đặc biệt được xác định là 1/12 đối tượng lập quy hoạch. Mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia bao gồm 12 đối tượng: bảo tàng; di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt; thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; trung tâm văn hóa trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa; trụ sở cơ quan về văn hóa; trụ sở cơ quan về văn hóa.

Với những tiềm năng đó, quy hoạch dựa trên quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

2. Xác định đặc trưng văn hóa vùng miền và quỹ di sản địa phương là hợp phần quan trọng trong nội dung quy hoạch đô thị và nông thôn

“Hiến chương Quốc tế về Bảo tồn các thành phố lịch sử” đã nhấn mạnh: “Tất cả các thành phố trên thế giới, dù là phát triển tự phát hay có quy hoạch, đều có ý nghĩa lịch sử vì chúng là biểu hiện vật chất của các hình thái xã hội khác nhau trải qua suốt chiều dài lịch sử”. Rõ ràng, mỗi di tích kiến trúc nằm trong tổ hợp quỹ di sản là những điểm nhấn thể hiện đặc tính... mà sự hiện diện, tồn tại của các di tích này giúp ta nhận diện, nghiệm suy và đánh giá những giá trị của đô thị và nông thôn.

Khuynh hướng chung của thế giới cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là khai thác triệt để các di sản văn hóa giàu bản sắc dân tộc trong kiến trúc và trong cấu trúc đô thị hiện đại. Với quan niệm hiện nay, các di sản văn hóa truyền thống không phải là tài sản riêng của dân tộc đó mà được coi như tài sản chung của nhân loại.

Các di tích, công trình kiến trúc không đơn độc mà nó nằm trong mối tổng hòa các quan hệ văn hóa, xã hội, kinh tế... Hơn thế nữa nó gắn với cảnh quan thiên nhiên, do vậy nó có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ đến cảm nhận của nhân loại.

Bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa nhằm khai thác kiến trúc bền vững và giàu bản sắc
Đại nội Huế. Ảnh: Báo Lao động

Từ góc độ đô thị học, nhìn nhận đô thị - nghĩa là nhìn nhận truyền thống dân tộc nhằm tạo cho các đô thị có bản sắc riêng biệt trong hình thức bóng dáng, mầu sắc, chất liệu, trong cấu trúc toàn đô thị trở thành một yêu cầu không thể thiếu được trong chiến lược đô thị hóa và chính sách kiến trúc của mọi quốc gia nhằm phát triển phong phú thêm nền văn hóa của đất nước.

Khái niệm về di sản văn hóa được nhấn mạnh trong các văn kiện quốc tế của UNESCO: Di sản văn hóa là tất cả những sản phẩm do bàn tay và khối óc con người tạo nên, được lưu truyền từ đời này qua đời khác hoặc còn xót lại qua thời gian, có giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật và văn hóa nói chung, cần được bảo tồn, phát huy và kế thừa. Di sản văn hóa bao gồm di sản vật thể và phi vật thể. Trong đó, di sản kiến trúc là một bộ phận cấu thành của di sản văn hóa

Nghiên cứu liên ngành ngày càng là một công cụ, một phương pháp hữu hiệu khẳng định những ưu việt trong nghiên cứu khoa học. Tính liên ngành trong khoa học như là một tất yếu của sự phát triển của khoa học ngày nay, và cần được ứng dụng trong quy hoạch chuyên ngành nói riêng và định hướng quy hoạch chung.

Những vấn đề về đô thị từ trước đến giờ vẫn được coi/ và tiếp cận từ góc độ khoa học xã hội nhân văn vì thế yếu tố phi vật thể được thể hiện như “hồn cốt” của đô thị. Không chỉ là những vấn đề Đô thị - Định cư - Dân cư mà quanh đó còn là những giá trị khác song hành làm sống động hơn cho cuộc sống của đô thị... nhờ đó mà đô thị có đặc trưng, có bản sắc... và trở thành nơi chốn hội tụ của “tứ trấn”, “bốn phương”. Với tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa mạnh mẽ đã thúc đẩy làm cho đời sống của đô thị và nông thôn trở nên đa dạng, đa chiều hơn.

Di sản là một thực thể vật chất và xây dựng được tạo nên trong quá trình phát triển của một quốc gia. Di sản được nói đến không chỉ hàm chứa những giá trị vật chất (chức năng sử dụng, vật liệu xây dựng, hình thức kiến trúc..) mà nó còn hàm chứa giá trị tinh thần (biểu tượng của một thời kỳ, dấu ấn của lối sống văn hóa, thể chế của một giai đoạn...).

Vì thế, di sản nói chung được hình thành trong quá khứ, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa cần được gìn giữ. Quỹ di sản là những thành phần cấu thành cơ thể hiện hữu của một quốc gia với những giá trị đậm đặc, hoặc ít giá trị và thậm chí cần phải xem xét trong quá trình phát triển.

Những giá trị đó đều được đề cập trong mục tiêu, quan điểm quy hoạch. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được và các định hướng lớn về phát triển và phân bố không gian phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu; định hướng tổ chức không gian phát triển theo vùng, lãnh thổ;…

Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý xã hội, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, định hướng liên quan đến lĩnh vực văn hóa và thể thao, đặc biệt là các định hướng phát triển mạng lưới văn hóa và thể thao cấp quốc gia có thể kể như: Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020; Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030; Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030…

Sau 10 năm triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kết quả đạt được đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Ví như, Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo công cụ hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước để quản lý, điều hành các hoạt động văn hóa, thể thao; xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án về phát triển văn hóa, thể thao; cơ sở lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực phục vụ phát triển các hoạt động văn hóa, thể thao. Đây là một trong 39 quy hoạch trong Danh mục các quy hoạch ngành Quốc gia cần được triển khai thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Điều đó chứng tỏ, yếu tố nhân văn rất được coi trọng trong những quy hoạch chuyên ngành đều được đề cập tới vấn đề này.

Trong các định hướng phát triển KT-XH chung của các tỉnh/địa phương, luôn đề cao nguồn lực phát triển VH-XH. Theo yêu cầu của Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống di tích được xác định đặc điểm, tính chất, giá trị, hiện trạng về tình trạng kỹ thuật, quản lý sử dụng và phát huy giá trị di tích thuộc phạm vi quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; đề xuất định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan cho việc bảo tồn di tích và xây dựng mới.

Quan điểm này cũng được thể hiện trong công tác lập quy hoạch và quản lý di sản bền vững. Các nhà quy hoạch bảo tồn lịch sử và xây dựng sản phẩm du lịch có những đánh giá tài nguyên đa dạng của di sản. Với lập luận, quy hoạch theo định hướng bền vững đòi hỏi một công cụ và quy trình kiểm kê làm cầu nối cho việc bảo tồn lịch sử và phát triển du lịch di sản để quản lý di sản tổng hợp. Nó phải liên kết các di tích và tài sản lịch sử tự nhiên/được xây dựng, di sản văn hóa và tài nguyên du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch và giao tiếp giữa các nhà quy hoạch du lịch và các nhà quản lý di sản ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia.

+ Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời thời 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, nêu rõ: Phương hướng phát triển các ngành nêu rõ tính đặc trưng của văn hóa có sự chuyển tiếp giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gắn kết chặt chẽ với vùng Thủ đô.

Phát triển văn hóa, gia đình đảm bảo giữ gìn bản sắc của vùng đất và người Bắc Giang; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích đã xếp hạng bị xuống cấp, các di tích có giá trị phát triển du lịch. Tập trung xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Phát triển sâu rộng và bền vững hoạt động thể dục thể thao, phát triển thể thao thành tích cao, tập trung vào các môn thế mạnh, môn thể thao olympic.

+ Hà Tĩnh là tỉnh thứ 2 cả nước sau Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với mục tiêu tổng quát là xây dựng tỉnh Hà Tĩnh trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung. Nhấn mạnh bốn nền tảng chính: Nguồn lực và văn hóa con người Hà Tĩnh; chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại và minh bạch. Rõ ràng là, yếu tố nhân văn bản địa được đề cao và sẽ/phải được nhấn mạnh trọng tâm xuyên suốt ở các quy hoạch khác liên quan. Con người Hà Tĩnh phát triển hài hòa cả về trí tuệ, thể chất, đạo đức, bản sắc văn hóa. Di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được bảo tồn, phát huy.

Với quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương đến năm 2050.

Ví như Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định những vấn đề cốt yếu cho việt lập quy hoạch. Trong thời gian qua các chiến lược phát triển của quốc gia, các ngành tác động lên vai trò vị thế mới và định hướng không gian vùng tỉnh Đồng Nai, do vậy cần phải quy hoạch để kết nối và phù hợp với các chiến lược này đó là: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020; Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2025 và vùng Tây Nguyên.

Đồng Nai là một vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, có nhiều di chỉ của nền văn hóa cổ của người Việt trong quá trình khai phá đất Nam Bộ; Tài nguyên nhân văn đa dạng với nhiều di tích văn hóa lịch sử, công trình tôn giáo nổi tiếng như khu Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa, Thiền viện Linh Chiếu, Liễu Đức, Trúc Lâm, chùa Ông, Khu di tích lịch sử Địa đạo Nhơn Trạch, Khu di tích lịch sử Chiến khu D,… là những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

+ Tỉnh Ninh Bình đang khẩn trương cho triển khai 2 dự án quy hoạch bảo tồn quan trọng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là: (i). Quyết định số 56/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và (ii) Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 10/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình.

Chính vì thế, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải tôn vinh những giá trị “độc nhất vô nhị” của Khu di sản, đồng thời giải quyết những vấn đề mâu thuẫn, bất cập và khó khăn. Đây là khu Di sản có dân cư đang sinh sống trong khu vực di sản thế giới, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên sức ép về hạ tầng kỹ thuật, công tác quản lý… làm nảy sinh những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển trong khu di sản.

Quy hoạch đối với một khu di sản mang tính chất đặc thù, đòi hỏi phương pháp tiếp cận mới, tích hợp các chức năng trong quá trình quy hoạch để chuyển hóa năng lực di sản thành động lực tăng trưởng mới: Xác định phát triển đô thị dựa trên các giá trị văn hóa - thiên nhiên; xác định phát triển du lịch dựa trên tiềm năng và bảo tồn giá trị di sản.

Quy hoạch bảo tồn khu Danh thắng Tràng An này được xây dựng bên cạnh học tập các kinh nghiệm trong và ngoài nước ứng xử đối với các khu di sản; đặc biệt tìm hiểu kinh nghiệm quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An của chính tỉnh Ninh Bình, khi hình thức này được thực hiện trên nền tảng 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, với các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả.

Phát triển theo hướng bền vững, hướng tới phát triển cân bằng, hài hòa giữa các vùng. Bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức không gian phát triển quốc gia gắn hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các yêu cầu phát triển dài hạn.

Đồng thời tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và trên các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, sinh thái. Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Hệ thống luật pháp, chính sách ngày càng phù hợp thực tiễn sẽ là điều kiện giúp cho cộng đồng và chính quyền địa phương vận dụng quản lý, giám sát, kiểm tra và bảo tồn di sản tốt hơn. Giá trị của một dân tộc được đo bằng tài sản văn hóa lịch sử và sự phát triển của dân tộc đó được đánh giá bằng trách nhiệm, ứng xử của mỗi con người với tiền nhân.

Yếu tố nhân văn bản địa và các giá trị truyền thống trong kiến trúc - Đảm bảo tính thống nhất của các hợp phần trong quy hoạch tổng thể quốc gia. Quy hoạch tốt sẽ đánh thức được tiềm năng di sản. Bên cạnh những chính sách pháp lý, cơ chế, thì việc xác định giá trị của một quốc gia, một dân tộc chính là thể hiện được hồn cốt của di sản văn hóa trong mọi sự hiện diện của các lĩnh vực. Chẳng gì bảo tồn di sản tốt hơn khi chúng ta có một quy hoạch có tầm nhìn.

TS Tạ Hoàng Vân - Viện Kiến trúc Quốc gia

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyen Truc Anh, Ta Thi Hoang Van, Vietnamese vernacular: Vevisiting identity in architecture, Vernacular transformations: Architecture, Place and tradition, Edited by Gusti Ayu Made Suartika, 2013.

2. Charter for the conservation of historic town and urban areas – ICOMOS.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2021, t. 1.

4. Phạm Thúy Loan, Lý luận về thiết kế đô thị, Tài liệu tập huấn Nâng cao năng lực của Viện Kiến trúc Quốc gia, 2016.

5. Phạm Thị Nhâm, Thực trạng và phương hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Viện QHĐT&NT Quốc gia, Báo cáo Hội nghị đô thị toàn quốc 2022

6. Đàm Trung Phường, Đô thị Việt Nam, NXB. Xây dựng, H. 2005, tr. 38.

7. Tạ Hoàng Vân (2015), Nghiên cứu lịch sử đô thị - Tiếp cận từ di sản kiến trúc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Tiếp cận liên ngành, Trường Đại học KHXH&NV.

Bạn đang đọc bài viết Bảo tồn, phát huy tài nguyên văn hóa nhằm khai thác kiến trúc bền vững và giàu bản sắc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo tapchixaydung.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bài thơ: Đến một ngày
Đến một ngày rồi người sẽ quên ta//Tên của ta - người chẳng còn nhớ tới//Đoạn tương tư từng làm ta chới với///Sẽ vùi vào những ngày tháng chênh vênh
Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục trên 40 độ C, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết.
Bài thơ: Thì hãy sống...
Thì cứ bình yên để mỗi ngày trôi đi thật nhẹ//Chiếc đồng hồ nhích từng giây từng giây, rất khẽ///Con chim sẻ ríu rít ngoài ban công//Heo may chở mùa thu qua sông///Cải ngồng hong nắng...