Chủ nhật, 28/04/2024 21:10 (GMT+7)

Bến Tre: “Nóng” chuyện bãi rác! (Bài 2)

Hùng Sơn – Phan Lâm -  Thứ hai, 31/07/2023 14:10 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Trước phản ứng cứng rắn của người dân, chính quyền địa phương đã tiến hành cấp bách các biện pháp như phun xịt khử mùi, phủ bạt lên rác, lắp đặt hàng rào, hố thu gom…. để phần nào hạn chế rác và mùi hôi thải ra môi trường.

“Tình huống khẩn cấp”

Ngày 24/7/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh đã ký công bố “Tình huống khẩn cấp” sự cố môi trường tại bãi rác An Hiệp. Thông báo cho biết, hiện nay bãi rác An Hiệp là nơi duy nhất tiếp nhận lượng lớn rác thải của tỉnh trong thời gian nhà máy xử lý rác thải của tỉnh tạm đóng cửa.

Việc chưa nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết các kiến nghị của người dân và thông tin lại cho người dân biết để tiếp tục thực hiện vận chuyển rác… sẽ gây bất ổn về môi trường, an ninh và xã hội trên phạm vi rộng (huyện Ba Tri, Châu Thành và thành phố Bến Tre).

tm-img-alt
Quy hoạch không có hành lang an toàn của bãi rác An Hiệp.

UBND tỉnh Bến Tre giao UBND huyện Ba Tri, lãnh đạo các phòng, đơn vị huy động nguồn lực khẩn cấp khắc phục ô nhiễm môi trường, gia cố các vị trí nước rỉ ra bên ngoài, lưu chứa nước rỉ rác không để thoát ra ngoài khi chưa xử lý đạt theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường; tăng cường phun xịt và vệ sinh môi trường xung quanh bãi rác; triển khai nhanh các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo bãi rác và dự án mở rộng (3 ha) để tiếp nhận rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực lân cận bãi rác An Hiệp cùng chia sẻ khó khăn, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.

Bên cạnh đó, có sự quan tâm, chia sẻ đối với các cá nhân, hộ gia đình đang sinh sống trong vùng chịu ảnh hưởng của bãi rác, đặc biệt là người già, trẻ em, hộ gia đình đang gặp khó khăn. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; công khai số điện thoại, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân, kịp thời xử lý, khắc phục.

Trước khi ban bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh, UBND huyện Ba Tri cũng đã có cuộc đối thoại với người dân, cam kết khắc phục ô nhiễm và cũng có kế hoạch hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng môi trường từ bãi rác. Ngoài các giải pháp tạm thời này, địa phương cũng nhanh chóng chọn lọc và kêu gọi nhà đầu tư phù hợp để trong thời gian tới xóa toàn bộ tình trạng xử lý rác thủ công như hiện nay.

Tiếng nói chung

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre đóng cửa vào tháng 10/2021, các dấu hiệu về sự cố khủng hoảng về rác đã xuất hiện. Chủ một đơn vị thu gom rác tại thành phố Bến Tre cho biết, ông ta phải chịu lỗ nhiều tháng qua do thu không đủ bù chi. Tiền rác thu của các hộ dân từ nhiều năm qua không tăng lên nhưng đơn vị xử lý rác lại ép tăng giá rác đưa vào với nhiều lý do khác nhau. “Không chỉ có chúng tôi mà các phường xã để trợ giá cho dân đều phải ghi nợ cho đơn vị xử lý”, ông nói.

tm-img-alt
Bãi rác An Hiệp đang phải mua đất lại của người dân để mở rộng diện tích.

Theo “người vận chuyển” này, do hiện nay quá ít nơi nhận xử lý rác, thậm chí đang tồn tại sự độc quyền nên mới xảy ra tình trạng trên. “Rác của các hộ dân càng lúc càng nhiều mà tiền thu vẫn giữ hai ba chục ngàn đồng/hộ/tháng thì kiểu gì cũng chết! Đó là chưa kể nhiều hộ kinh doanh hoặc cơ sở sản xuất gia công hàng ngày thải ra hàng đống rác lớn, gấp chục lần các hộ khác mà đóng thêm ít tiền cũng khó khăn!”, ông bức xúc.

Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Tri, ngay từ khi xây dựng, bãi rác An Hiệp đã chưa tính toán đầy đủ các phương diện. Chẳng hạn, hành lang an toàn xung quanh bãi rác gần như không có khiến việc ô nhiễm ra xung quanh là không tránh khỏi. Việc chia sẻ, động viên, hỗ trợ cho người dân xung quanh bãi rác không được quan tâm thường xuyên. “Thậm chí, người dân lên xin thuốc xịt ruồi ở UBND xã lúc có lúc không. Đơn từ phản ánh ô nhiễm từ dân cũng chưa được xem trọng!”, vị cán bộ này nói.

Như vậy, việc quy hoạch bãi rác An Hiệp đã cho thấy nhà hoạch định chưa lường trước được các tình huống khẩn cấp. Diện tích bãi rác theo quy hoạch là 4,8 ha, đủ cho việc chôn lấp rác của huyện Ba Tri trong nhiều năm. Và sự cố đóng cửa Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre khiến rác dồn xuống bãi rác An Hiệp gấp 3, 4 lần năng lực chính là “tình huống khẩn cấp” đầu tiên xảy đến. Giả sử không có “tình huống khẩn cấp” thứ hai là người dân chặn xe chở rác nửa tháng trước thì bãi rác An Hiệp liệu có chống chọi được đến năm 2026 – lúc Nhà máy xử lý rác của tập đoàn Amacao đi vào hoạt động?

Môi trường và Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.

Bạn đang đọc bài viết Bến Tre: “Nóng” chuyện bãi rác! (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.