Chủ nhật, 28/04/2024 17:30 (GMT+7)

Bình Thuận: Giải bài toán thiếu nước ở Hàm Tân

MTĐT -  Thứ bảy, 30/09/2023 11:07 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, là vùng đất có đặc thù khí hậu nắng nóng, khô hạn kéo dài, thường bị xâm nhập mặn.

Người dân Hàm Tân thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và sản xuất. Những năm gần đây, từ các chính sách đầu tư của Nhà nước nói chung, chính sách đầu tư đặc thù của tỉnh Bình Thuận nói riêng, đã từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước, tạo điều kiện để người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Các nhà máy cung cấp nước sạch đang phát huy hết nguồn lực để giải tỏa cơn
Các nhà máy cung cấp nước sạch đang phát huy hiệu quả, góp phần giải bài toán thiếu nước ở Hàm Tân

Với phần lớn diện tích là đất nông nghiệp, huyện Hàm Tân được xem là huyện thuần nông, xác định lấy nông nghiệp làm chủ đạo, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung. Cũng chính vì thế nguồn nước và hệ thống thủy lợi hết sức quan trọng với người dân nơi đây trong sinh hoạt và sản xuất.

Tuy nhiên, hàng năm do thời tiết khô hạn kéo dài, cùng với lượng mưa không đủ đã khiến tình trạng thiếu nước cục bộ diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cây trồng, vật nuôi và hơn cả là đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con. Nhất là đối với bà con ở các vùng đồng bào DTTS như Tân Quang (xã Sông Phan), Phò Trì (xã Tân Thắng), Suối Máu (xã Tân Hà)…

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Hàm Tân đạt 41,6% dân số
Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Hàm Tân đạt 41,6% dân số

Để giải quyết thực trạng trên, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, hồ chứa nước và hệ thống kênh chuyển nước, đập dâng … để đảm bảo chủ động lượng nước cung cấp cho người dân.

Theo đó, thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, và hiện nay được lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang từng bước giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước trầm trọng cho người dân.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Tân có 06 nhà máy cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân 08 xã là: Sơn Mỹ, Sông Phan, Tân Đức, Tân Hà, Tân Phúc, Tân Thắng, Tân Xuân, Thắng Hải và 02 thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa.

Gần đây nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm 03 công trình cấp nước sinh hoạt xã Tân Xuân, Tân Hà - Sông Phan và Tân Phúc - Tân Đức, huyện Hàm Tân.

Nhờ đó, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện Hàm Tân là 7.826/18.795 hộ, đạt 41,6% dân số.

Những năm gần đây, đồng bào tại Hàm Tân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng do nguồn nước tưới tiêu được đảm bảo hơn trước
Những năm gần đây, đồng bào tại Hàm Tân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao nhờ nguồn nước tưới được đảm bảo

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hàm Tân và các vùng lân cận còn đang được đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước từ nguồn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình MTQG 1719 gồm công trình mở rộng tuyến ống cấp nước huyện Hàm Tân và công trình tuyến ống chuyển tải Tân Thắng - Sơn Mỹ. Đến nay, các công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Riêng công trình nâng cấp mở rộng hệ thống nước Tân Thắng giai đoạn 2015 - 2020 chưa hoàn thành, do gói thầu số 3 xây dựng trạm bơm tăng áp xã Sơn Mỹ bị vướng mặt bằng. Hiện nay, UBND huyện Hàm Tân đang làm các thủ tục theo quy định để bàn giao đất cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện các bước tiếp theo.

Ông Huỳnh Trung Hiệp, ngụ tại thị trấn Tân Minh cho biết: Ở vùng đất này, mùa mưa chỉ tập trung vào 3 tháng gồm 8, 9 và 10; vì vậy, mùa khô thường kéo dài dẫn đến nguồn nước mặt trên sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt và nguồn nước ngầm bị suy giảm. Dù ở thị trấn nhưng có năm đến mùa khô nước máy cũng bị cắt luân phiên, không đủ để dùng, vùng nông thôn, vùng DTTS thì càng khó khăn hơn. “Tôi từng chứng kiến nhiều hộ đồng bào ở Sông Phan các năm trước phải bỏ đất canh tác vì không có nước tưới tiêu”, ông Hiệp bùi ngùi nhớ lại.

Tuy nhiên, đó là chuyện của trước đây, hiện nay kể từ khi các công trình thủy lợi, hồ chứa được đầu tư và đi vào hoạt động, nông dân các địa phương như: Sông Phan, Tân Phúc, Tân Xuân, Tân Nghĩa,… đã mạnh dạn chuyển đổi, đưa thêm nhiều loại cây trồng vào sản xuất, chứ không phải phụ thuộc vào trồng mì và mía như trước đây.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa nước, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ trong giai đoạn đỉnh điểm mùa khô ở một số địa bàn vùng đồng bào DTTS, chính quyền địa phương đã đưa ra các giải pháp kịp thời hỗ trợ cho bà con. Chẳng hạn như cấp nước miễn phí kịp thời cho khu vực khó khăn, thiếu nước nghiêm trọng. Ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện để bà con vay vốn đầu tư bồn, bể chứa nước sạch dự trữ...

Mặt khác, địa phương cũng tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên trên sông, suối trữ vào ao, bể chứa nước thô tại các công trình cấp nước tập trung. Khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước ngầm từ các giếng khoan, giếng đào cấp nước thô cho các công trình cấp nước tập trung. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất, nâng cao nhận thức và thực hiện nghiêm túc phương án chống hạn ở các địa phương. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp tự ý ngăn chặn, đắp, đào xẻ kênh lấy nước không theo kế hoạch cấp nước; tranh chấp nguồn nước, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.

Bên cạnh đó, thực hiện việc bố trí lắp đặt các bồn chứa nước tại các điểm công cộng ở các thôn, khu dân cư chưa có tuyến ống nước sạch đi qua. Địa phương cũng hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế để thất thoát, lãng phí nước...

Với sự quan tâm đầu tư có trọng tâm trọng điểm, đến nay, những vùng đất khô cằn ở Hàm Tân đang dần được phủ lên một màu xanh cây trái. Các vùng chuyên canh cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như nhãn xuồng, quýt đường, thanh long, điều, cao su, sản xuất hạt giống, nông nghiệp công nghệ cao ...đã được hình thành, kéo theo nghề chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, tập trung, cũng từng bước định hình, ổn định, góp phần đảm bảo cho các tiêu chí về xây dựng NTM. Toàn huyện Hàm Tân hiện đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Giải quyết được tình trạng thiếu nước là điều kiện căn cơ để giúp cho người dân Hàm Tân, đặc biệt là người dân vùng DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững và hướng đến làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bạn đang đọc bài viết Bình Thuận: Giải bài toán thiếu nước ở Hàm Tân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Theo Lê Vũ/baodantoc.vn

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.