Chủ nhật, 28/04/2024 04:20 (GMT+7)

Các đập nước lớn trên thế giới đang dần mất trữ lượng do trầm tích

MTĐT -  Thứ sáu, 13/01/2023 09:50 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Ngày 12/1, Liên Hợp Quốc công bố một nghiên cứu cho thấy, gần 50.000 đập lớn trên toàn thế giới có thể mất hơn 1/4 trữ lượng vào năm 2050 do sự tích tụ trầm tích, đe dọa an ninh năng lượng và nguồn nước toàn cầu.

Nghiên cứu cho biết, vào năm 2050, công suất của các đập dự kiến sẽ giảm từ 6.000 tỉ m3 xuống còn 4.655 tỉ m3. Nghiên cứu kêu gọi thế giới cần phải có hành động để giải quyết vấn đề, cũng như bảo vệ cơ sở hạ tầng lưu trữ quan trọng.

Phù sa tích tụ trong các hồ chứa do sự gián đoạn của dòng nước tự nhiên. Lượng phù sa này có thể gây hư hại cho các tua bin thủy điện và ảnh hưởng đến quá trình phát điện. Việc các con đập cản trở dòng trầm tích dọc theo bờ sông cũng có thể khiến các vùng thượng nguồn dễ bị lũ lụt hơn và gây xói mòn môi trường sống ở hạ lưu.

Nghiên cứu của Liên Hợp Quốc đã xem xét dữ liệu từ hơn 47.000 con đập ở 150 quốc gia và cho biết 16% công suất ban đầu đã bị mất. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 26% vào giữa thế kỷ nếu trầm tích tiếp tục lắng đọng với tốc độ như hiện nay. Trầm tích sẽ khiến các con đập và hồ chứa nước mất khoảng 1.650 tỉ mét khối nước, gần bằng lượng nước sử dụng hàng năm của Ấn Ðộ, Trung Quốc, Indonesia, Pháp và Canada cộng lại. Vấn đề đáng nói ở chỗ những con đập khổng lồ này là nguồn chính cung cấp thủy điện, kiểm soát lũ lụt, thủy lợi và nước uống trên khắp thế giới.

Cũng theo nghiên cứu, Mỹ đang phải đối mặt với mức thiệt hại 34% vào năm 2050, trong khi Brazil ước tính mất 23%, Ấn Độ mất 26% và Trung Quốc mất 20%.

tm-img-alt
Mực nước hồ Mead giảm đáng kể sau khi xây đập Hoover trên sông Colorado, Mỹ (Nguồn: Reuters)

Từ lâu, giới chuyên gia đã cảnh báo rằng những con đập có thể gây ra tổn thất cho xã hội và môi trường nhiều hơn lợi ích mà chúng mang lại.

Ông Vladimir Smakhtin, Giám đốc Viện Nước, Môi trường và Sức khỏe của Đại học Liên Hợp Quốc, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết, hiện nay, việc xây dựng đập trên toàn thế giới đã giảm mạnh, chỉ khoảng 50 đập được xây dựng mỗi năm, giảm đáng kể so với 1.000 đập/năm vào giữa thế kỷ trước.

Ông cho rằng câu hỏi mà chúng ta nên đặt ra bây giờ là đâu là những lựa chọn thay thế cho các con đập, bao gồm cả trong việc tạo ra năng lượng, khi chúng đang bị loại bỏ dần.

Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng đập trên các con sông lớn. Thủy điện là một phần quan trọng trong kế hoạch cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và kiểm soát khí thải nhà kính của quốc gia này. Song các dự án như đập Tam Hiệp - công trình thủy điện lớn nhất thế giới - đã gây ra không ít vấn đề về mặt xã hội và môi trường.

Theo nghiên cứu do Reuters công bố năm ngoái, các con đập do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong cũng làm gián đoạn dòng phù sa chảy vào các quốc gia hạ nguồn, làm thay đổi cảnh quan và gây nguy hiểm cho sinh kế của hàng triệu nông dân.

Ðập lớn và hồ chứa nước là những công trình có chiều cao trên 15m hoặc ít nhất 5m đồng thời có dung tích toàn bộ không dưới 3 triệu mét khối nước. Các dạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán sẽ gia tăng và điều này không chỉ làm tăng nguy cơ tràn nước hồ chứa mà còn đẩy nhanh quá trình tích tụ trầm tích, ảnh hưởng tới sự an toàn của đập, giảm khả năng trữ nước cũng như sản lượng điện ở các đập thủy điện.

Ðể giải quyết những thách thức về các đập già cỗi và trầm tích lắng đọng, các nhà nghiên cứu đã liệt kê nhiều biện pháp. Trong đó, phương án dẫn dòng trầm tích có thể làm chệch hướng dòng chảy xuống hạ lưu thông qua một kênh riêng lẻ. Một cách khác là loại bỏ đập để tái lập dòng chảy tự nhiên của trầm tích trên sông. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề dự trữ nước thì đặc biệt phức tạp bởi không có giải pháp phù hợp với tất cả.

Đại Phong (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Các đập nước lớn trên thế giới đang dần mất trữ lượng do trầm tích. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề