Chủ nhật, 28/04/2024 02:36 (GMT+7)

Cần ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí

MTĐT -  Thứ ba, 09/06/2020 08:52 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Chiều 8/6, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức buổi tọa đàm thông tin một số nội dung mới trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho biết, trong khung chính sách, dự thảo luật đã thể hiện mục tiêu xuyên suốt, "cao nhất là bảo vệ các thành phần môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, trong đó coi sức khỏe của người dân là hàng đầu".

Do vậy, dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ ban hành những quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn thuộc diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý, gồm: xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính…

Hiện dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã được báo cáo Quốc hội, tới đây sẽ đưa ra thảo luận tổ ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Sau đó, dự luật sẽ được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới. Dự kiến, nếu được thông qua trong tháng 10, dự luật sẽ có hiệu lực thi hành trong năm 2021.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh.

Theo báo Tuổi trẻ, liên quan đến bảo vệ môi trường không khí, ông Lê Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, Luật bảo vệ môi trường 2014 chỉ quy định chung chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.

Ông Nam dẫn chứng năm 2019 trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM đã xảy ra một số đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tuy nhiên việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định các giải pháp ưu tiên vẫn chưa thực hiện được.

Đặc biệt, dù có thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, tuy nhiên theo ông Nam, quy định về thẩm quyền cũng như công cụ quản lý vẫn "thiếu vắng" trong Luật bảo vệ môi trường 2014.

Do vậy, tại dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Ông Nam cho biết Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng quy định, phân công rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí, theo đó, Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.

Góp ý về dự thảo luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, khoản 3 điều 92 về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải quy định: “Bộ TN - MT ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải…” sẽ gây tranh cãi xoay quanh các vấn đề: quy định về cơ quan ban hành quy chuẩn khí thải của phương tiện giao thông tại sao lại do Bộ TN-MT ban hành, trong khi Bộ không phải là đơn vị có chuyên môn sâu về lĩnh vực này? Trước đây, đã có quy chuẩn khí thải rồi, sao lại ban hành quy chuẩn mới, như vậy có gây khó khăn cho doanh nghiệp?...

Lý giải vấn đề này, ông Thịnh cho biết, theo phân công trách nhiệm xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Bộ GTVT không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông. Nhưng trên thực tế, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng ban hành nhiều quyết định quy định các lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Cụ thể là các lộ trình thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải theo các mức 1, 2, 3, 4, 5, tương ứng với các tiêu chuẩn khí thải EURO.

Đồng thời, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn quốc gia về khí thải xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới dù không được giao xây dựng ban hành các quy chuẩn về khí thải phương tiện giao thông.

Cũng theo ông Thịnh, tính đến nay, Bộ TN - MT đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhằm kiểm soát việc phát thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn), cũng như kiểm soát chất lượng môi trường xung quanh đối với các ngành công nghiệp chế biến cao su; dệt nhuộm; xi măng; lọc hóa dầu...

Theo dự thảo luật, Bộ TN - MT là cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải. Còn việc kiểm định vẫn do Bộ GTVT tích hợp quản lý thông qua hoạt động các cơ quan đăng kiểm theo quy chuẩn mà Bộ TN - MT ban hành.

Cụ thể, tại khoản 2 điều 67 dự thảo luật đã quy định rõ: “Phương tiện, thiết bị giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”.

Theo ông Thịnh, về kiểm soát chất lượng không khí, Bộ TN - MT đã ban hành 11 quy chuẩn để kiểm soát khí thải cho các ngành công nghiệp, 2 quy chuẩn quy định về chất lượng môi trường không khí xung quanh, theo đúng quy định của luật.

Phát biểu trong Hội thảo, PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, Nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) đưa ra quan điểm, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí là cần thiết, tuy nhiên không nên chỉ dựa vào chỉ số AQI.

"Để ban bố tình trạng khẩn cấp, cần xem mức độ ô nhiễm kéo dài bao lâu và phân tích cụ thể các chỉ số quan trắc. Chỉ số AQI mang tính tức thời, nhằm cảnh báo cho người dân để có biện pháp phòng trách khi đi ra ngoài", PGS.TS Nghiêm Trung Dũng cho hay.

Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, ô nhiễm không khí nên chia làm hai nhóm, đầu tiên là ô nhiễm do sự cố môi trường, ví dụ cháy nổ; thứ hai, do nguồn thải kết hợp các hình thái khí tượng cực đoan gây ô nhiễm cục bộ.

Khi ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí, nhóm biện pháp đầu tiên cần tính đến là bảo vệ người dân, như đưa ra các cảnh báo, khuyến cáo người dân không nên ra đường, học sinh nghỉ học, cần thiết thì tổ chức sơ tán người dân,...

Minh Tuệ(t/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghĩa Lộ (Yên Bái) khắc phục hạn hán do khô hanh kéo dài
Trong thời gian qua, do thời tiết khô hanh kéo dài, lượng mưa ít dẫn đến mực nước nhiều sông, suối và hồ, đập trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó có thị xã Nghĩa Lộ xuống thấp gây khó khăn trong việc dẫn nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Cảnh báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Ngày 25/4, các chuyên gia khí tượng cho biết hiện tượng thời tiết El Nino và La Nina - kéo theo những đợt nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán - sẽ diễn ra thường xuyên và khắc nghiệt hơn trong những năm tới.

Tin mới

Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.
Khai mạc Lễ hội Tràng An năm 2024
Ngày 26/4, tại Danh thắng Tràng An, Lễ hội Tràng An năm 2024 đã chính thức được khai mạc. Đây là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Bài thơ: Tháng Tư này
Tháng Tư này còn gì để nhớ mong//Khi tình đã úa màu theo năm tháng//Kỷ niệm cũ vùi sâu miền dĩ vãng///Gợi làm gì thêm đau xót lòng nhau
Bài thơ: Áo lính về quê
Thỉnh thoảng con về thăm nhà///Thích mặc áo lính để mà nhớ xưa///Mẹ già trông nắng đợi mưa///Đọc trang sách cũ vẫn chưa rách lề