Thứ hai, 29/04/2024 03:02 (GMT+7)

Cần tìm giải pháp để bảo vệ bền vững bờ biển Hội An

MTĐT -  Chủ nhật, 10/09/2023 17:51 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Mặc dù đã có các biện pháp công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở bờ biển Hội An, Quảng Nam, nhưng vẫn rất cần một chiến lược tổng hợp theo các phương pháp quản lý khu vực ven biển tốt nhất để bảo vệ bờ biển một cách bền vững.

Chiều 9/9, UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng tổ chức hội thảo Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An. Mục tiêu nhằm thảo luận các giải pháp gia tăng khả năng bảo vệ bờ biển Hội An và tái tạo các bãi biển tại đây, đóng góp chung vào sự phát triển bền vững của cả khu vực miền Trung.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, tỉnh Quảng Nam được đồng tài trợ thông qua khoản vay của AFD và hỗ trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu (EU) từ Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên (WARM Facility).

Hội An là thành phố du lịch có bề dày lịch sử, nằm ở phía hạ lưu của sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc khu vực bờ biển Trung Bộ, một trong 13 lưu vực sông lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, tình hình sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông trên địa bàn tỉnh đã và đang diễn ra rất phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu đô thị, khu dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và các khu du lịch.

Đặc biệt, hơn 6 km bờ biển Hội An đã và đang bị xâm thực mạnh bất thường; tuyến giao thông biển (đường Âu Cơ) có nguy cơ bị ảnh hưởng; các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển chịu tổn thất rất nặng nề. Hiện tượng sạt lở vẫn tiếp tục lan dần về phía Tây Bắc (phường Cẩm An), với gió cấp V, VI cũng gây sạt lở bờ; có đoạn tạo vách đứng cao 1 - 1,5m. Nhiều công trình kè bảo vệ của khách sạn, của nhà hàng đã bị cuốn trôi.

tm-img-alt
Một góc bờ biển Hội An bị sạt lở. Ảnh AFD Việt Nam

Còn theo Báo cáo đánh giá của Tạp chí Khí tượng Thủy văn công bố ngày 25/4/2022, bờ biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Nam đã có tới 112 ha diện tích đất bị mất do xói lở (số liệu ghi nhận từ năm 2016 - 2022) và tình trạng xói lở này có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2021, 78% chiều dài của 24km đường bờ biển Cửa Đại trong tình trạng xói lở, so với 36% năm 2016. Dưới ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày một gia tăng, đời sống của cư dân cũng như các doanh nghiệp khách sạn lớn, nhà hàng ven biển đang phải chịu tổn thất rất nặng nề.

Mặc dù đã có các biện pháp công trình khẩn cấp để ngăn chặn sạt lở, xói lở ở một số phần quan trọng của bờ biển Cửa Đại, nhưng theo các đại biểu, rất cần có một chiến lược bảo vệ tổng hợp theo các phương pháp quản lý khu vực ven biển tốt nhất, bảo đảm bảo vệ hiệu quả và bền vững lâu dài cho bờ biển của Hội An.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận làm rõ về tình trạng xói lở bờ biển, các biện pháp thích ứng với mục tiêu ngắn và dài hạn thông qua dự án đầu tư được tài trợ bởi khoản vay AFD. 3 biện pháp chính của dự án được trao đổi tại cuộc hội thảo bao gồm nuôi bãi hy sinh hằng năm, kè phá sóng và mỏ hàn. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về cơ chế triển khai với sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân và người dân địa phương, hướng tới quản lý bờ biển bền vững.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh

Ông Denis Vasseur, Trưởng nhóm Dự án tại AFD đã chia sẻ về những biện pháp dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết. Ông nêu rõ, nhằm ứng phó với những tác động của xói lở và phục hồi bãi biển, các hoạt động của dự án này có kết hợp các biện pháp công trình và phi công trình. Với cách tiếp cận quản lý tổng hợp vùng bờ, xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển giúp giải quyết được nguyên nhân gốc rễ tình trạng mất cân bằng dòng vận chuyển bùn cát ven bờ, từ đó nâng cao được khả năng phục hồi tổng thể của toàn bộ dải bờ biển.

Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Võ Văn Điềm tin tưởng, dự án sẽ đem tới cách tiếp cận mới trong ứng phó với biến đổi khí hậu, mà cụ thể là ứng phó với xói lở tại bờ biển Quảng Nam. “Giải pháp nuôi bãi hy sinh hằng năm sẽ giúp khôi phục bãi biển tự nhiên, bảo đảm an toàn và tài sản, cũng như sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp địa phương”, ông Điềm nhấn mạnh.

Phước Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Cần tìm giải pháp để bảo vệ bền vững bờ biển Hội An. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0912 345 014 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thỏa thuận cho vòng đời của nhựa
Vòng thứ tư của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-4) nhằm xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế đầu tiên về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả ô nhiễm trong môi trường biển, đang bước vào những cuộc họp chi tiết tại Ottawa, Canada.

Tin mới

Thiết kế cấp phối bê tông san hô
Thiết kế cấp phối bê tông san hô cấp độ bền B15, B20, B22,5 (sử dụng cốt liệu cát, đá san hô và nước mặn). Kết quả cho thấy, việc sử dụng vật liệu vật liệu, nước biển thay thế cho vật liệu truyền thống là khả thi.
Giữ lửa Chèo truyền thống trong lớp trẻ
Với mục tiêu tôn vinh, quảng bá giá trị đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam, nhiều năm qua, trường Đại học Sân khấu điện tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng những tài năng trẻ có đam mê với loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc này.
Khai trương phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy
Tuyến phố đi bộ, ẩm thực Bãi Cháy dài hơn 1km với hơn 100 ki ốt đa dạng chủng loại ngành hàng từ nhà hàng ẩm thực, đồ lưu niệm, đồ uống, ẩm thực đường phố... được trang trí bắt mắt nằm ngay trung tâm khu du lịch Bãi Cháy.