Câu chuyện nước sạch
Dự báo của Liên Hiệp Quốc cho thấy nguồn nước sạch của Việt Nam sẽ giảm 50% cho đến năm 2025. TP.HCM bị sụt lún nghiêm trọng do nạn khai thác nước ngầm.
Năm đầu khi sang Australia du học, nhà trường sắp cho chúng tôi ở homestay với gia đình người địa phương. Ngày đầu tiên, các bạn Việt Nam, nhất là các bạn nữ, đã phản ứng vì chủ nhà quy định "tắm trong ba phút".
Vâng, chỉ ba phút thôi!
Quy định là vậy, nhưng có bạn đang tắm và nghêu ngao trong phòng tắm thì bị chủ nhà gõ cửa, hối tắm cho lẹ vì hao nước.
Nhiều năm sau, khi trong bọn có đứa thuê nhà hay mua nhà định cư thì mới hiểu nỗi khổ gõ cửa của chủ nhà lúc đó. Ngoài khoản tiền trả cho lượng nước xài hàng ngày, còn có khoản tiền trả cho xử lý nước thải. Lượng nước này cũng tăng lũy tiến, dù rằng không khủng khiếp như giá điện ở Việt Nam.
Chính quyền địa phương (city council) có những biện pháp chế tài và phạt khá nặng những nhà sử dụng nước sai quy định, đặc biệt trong mùa khô hạn, dù rằng "xài nhiêu trả nhiêu".
Nước ở đây đạt chất lượng uống được ngay từ vòi. Vì thế, tưới cây phải theo đúng ngày của city council cho phép. Không bị bắt quả tang, nhưng mùa hạn, nhà nào bãi cỏ hay vườn cây tươi tốt thì cũng bị phạt. Rửa xe cũng vậy!
Chính vì thế, ngành buôn bán bồn nước phát đạt vào mùa nắng. Nhà nhà mua để trữ nước tưới cây, rửa xe và sử dụng cho toilet.
Dự báo của Liên Hiệp Quốc cho thấy nguồn nước sạch của Việt Nam sẽ giảm 50% cho đến năm 2025. TP.HCM bị sụt lún nghiêm trọng do nạn khai thác nước ngầm.
Chưa có số liệu lượng nước sạch tại TP.HCM bị lãng phí như thế nào, nhưng giá nước tại đây rẻ nhất tại Việt Nam - 8.500 đồng/m3. Kế đến là Huế trên 9.000 đồng/m3, Hà Nội gần 9.500 đồng/m3, Bà Rịa - Vũng Tàu 11.500 đồng/m3 và Hải Phòng 12.000 đồng/m3... (Nguồn: Báo Người Tiêu Dùng)
Nỗ lực của 500 hệ thống cung cấp nước tại Việt Nam đã mang lại mức giá rẻ này. Trước đó, mức thất thoát nước của các nhà máy nước Việt Nam từ tỷ lệ cao nhất thế giới - 53% đã giảm xuống còn 21,5% - mức hạ giảm kỷ lục!
Công ty cấp nước Gia Định làm nên kỷ lục mới khi đưa mức thất thoát này xuống còn 16% và đã có được khoản lời 807 tỷ đồng trong giai đoạn 2012-2018.
Giếng đóng và việc xả thải nước sinh hoạt thẳng xuống cống rãnh và sau đó là kênh rạch là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường ở TP.HCM và các đô thị lớn ở Việt Nam.
Đã có đề xuất các hộ dân ở thành phố và các đô thị lớn nhỏ phải trả thêm phí xử lý nước thải và khoản phí này chắc chắn sẽ được tính vào hóa đơn tiền nước của các hộ trong vài năm tới.
Chưa nói về sự hợp lý và hợp lòng dân của cách tính giá nước và phí xử lý nước thải trong tương lai nếu họ cứ làm như giá điện, nhưng nguy cơ về sụt lún và ngập lụt và cả ô nhiễm nguồn nước và thiên nhiên là vấn đề người dân phải đương đầu và hứng chịu hậu quả trước tiên.
Vì thế, hãy tiết kiệm nước ngay từ bây giờ!
Bằng cả cách thức ghi rõ trong đồ họa lúc bạn đi tắm!!
Mong lắm thay!!!